Lo cho dân đủ ăn sau Cách mạng Tháng Tám

Chủ nhật - 30/07/2023 14:36 115 0
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945). Lúc này, nạn đói vẫn đe dọa đất nước ta. Mặc dù vậy, chế độ mới đã nhanh chóng có nhiều quyết sách kịp thời, quyết liệt và hiệu quả để đẩy lùi nạn đói.
Vì sao có nạn đói năm 1945?
Sau khi phát xít Nhật vào Đông Dương (ngày 5/9/1940), thực dân Pháp lúc này đã đầu hàng phát xít Đức (17/6/1940) tiếp tục thực hiện chính sách đầu hàng phát xít Nhật. Để tránh đụng độ với phát xít Nhật, chúng cam kết cung ứng lương thực và giao nộp lúa gạo hàng năm cho quân Nhật. Nhân dân ta vốn khổ cực bởi ách thống trị của thực dân Pháp nay càng khổ sở hơn trong kiếp “một cổ đôi tròng” Pháp – Nhật.
Càng về cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), phát xít Nhật càng đẩy mạnh việc bóc lột nhân dân ta. Chúng bắt dân ta phải nhổ lúa để trồng cây công nghiệp phục vụ cho dã tâm chiến tranh của chúng. Vào năm 1944 ở Bắc Kỳ, diện tích trồng cây công nghiệp đã lên tới 45.000 ha. Chúng cũng tăng cường tích trữ lúa gạo dùng cho việc nuôi quân tại Đông Dương và cung ứng cho các vùng chiến sự với Đồng minh. Cuối năm 1944, quân số của Nhật ở Bắc Kỳ đã lên tới gần 100.000 người. Bắc Kỳ lúc đó đã thiếu gạo vì vụ mùa bị thất thu do bão lụt nay nhân dân ta phải nhịn ăn để nuôi đội quân đông đảo này. Trong năm 1944, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Việt Nam đã cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để chúng nuôi chiến tranh.
Trong năm 1945, theo các tài liệu chính thức của Pháp, tại Đông Dương đã thu hoạch được 2.700.000 tấn thóc, ước tính nhu cầu của nhân dân chỉ là 1.600.000 tấn và vẫn còn dư ra 1.100.000 tấn. Tuy nhiên, từ 9/3/1945 (Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương) đến giữa tháng 6/1945, việc thu thóc tạ vẫn được thi hành trong lúc hàng chục vạn đồng bào ta chết rũ dọc đường xó chợ. Chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật dựng lên cam đoan với Nhật là tiếp tế cho Nhật bằng hoặc hơn Pháp. Cả chính phủ Trần Trọng Kim và Nhật đều bắt buộc mọi sự vận chuyển thóc gạo từ Nam ra Bắc đều phải qua “Ủy ban thóc gạo” ở Sài Gòn mà ủy ban này do công ty Nhật nắm. Khi tải ra đến Bắc thì phải gom gạo cho công ty thóc gạo Bắc Kỳ 75% số lượng, công ty này lo bảo đảm trước hết lương thực cho quân Nhật, còn lại mới bán cho dân. Giá thóc gạo tăng cao quá sức chịu đựng của người dân, nhiều người không đủ sức mua và phải chịu cảnh chết đói. Bên cạnh đó, phát xít Nhật cũng cần những người dân gần chết đói sẵn sàng bán mạng làm cu ly cho các đồn điền, hầm mỏ của chúng.
Không những vậy, Đạo dụ của chính phủ Trần Trọng Kim ngày 13/6/1945 còn quy định: ai phạm việc phá hoại cầu cống, đường sá, cướp phá hoặc làm hư hại kho ngũ cốc, đồ ăn, gạo, đều bị kết án tử hình. Đạo dụ cũng cấm chỉ mọi cuộc tụ tập trên 10 người. Vì đạo dụ này, nhân dân ta không dám kéo đi phá kho thóc của Nhật để chia cho người đói.
Hậu quả của nạn đói do phát xít Nhật gây ra là đến giữa năm 1945, có đến 20 tỉnh thành phía Bắc báo cáo có người chết đói và số người chết lên đến khoảng 2 triệu, bao gồm cả người chết vì dịch bệnh liên quan đến tình trạng đói kém. Bấy giờ, cả nước có khoảng 23 triệu người và ở các tỉnh xảy ra nạn đói chỉ có 8 triệu dân.
Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hậu quả của những việc làm của thực dân Pháp và phát xít Nhật là: “Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”1.
Chính phủ cách mạng giải quyết nạn đói
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Người đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người cho rằng vấn đề cấp bách đầu tiên trong sáu “vấn đề cấp bách hơn cả” là “nhân dân đang đói”.
Anh 2
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi nhân dân
góp gạo chống giặc đói. Ảnh tư liệu lịch sử.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Ngoài những kho chứa thóc mà Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng ta còn tìm thấy hai kế hoạch của bọn cầm quyền Pháp với mục đích gây nạn đói, để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào chúng ta phải làm việc như nô lệ.
Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống.
Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất.
Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”2.
Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Non hai tháng trước đây, trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19/8/1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa... Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh...” (Báo Cứu quốc, số 46, ngày 19/9/1945)3.
Do đó, để giải quyết nạn đói, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựa vào dân và khơi dậy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã đúc kết rằng: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”4.
Giữa tháng 9/1945, Chính phủ ta đã tổ chức một lễ phát động phong trào cứu đói. Buổi lễ này được tổ chức tại Nhà hát lớn (Hà Nội). Nhà tư sản dân tộc yêu nước Ngô Tử Hạ, chủ tịch buổi lễ, đã đọc lời kêu gọi toàn dân hãy nhường cơm sẻ áo, mỗi nhà bớt một chút gạo để cứu giúp những người đang đói.
Anh 1
Giữa tháng 9/1945, nhà tư sản yêu nước Ngô Ngô Tử Hạ kéo
chiếc xe bò dẫn đầu đoàn người tham gia phong trào cứu đói qua phố Tràng
Tiền (Hà Nội). Ảnh tư liệu lịch sử.

Đích thân cụ Ngô Ngô Tử Hạ kéo chiếc xe bò dẫn đầu đoàn người tham gia phong trào cứu đói qua phố Tràng Tiền (Hà Nội). Nhà nào cũng có người chờ sẵn bên hè phố, người thì bơ gạo, người thì đấu ngô, người thì góp tiền. Đi chưa hết một vòng thì xe gạo đã đầy. Về đến Nhà hát lớn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Ngô Tử Hạ báo với Người xem chiếc xe chở gạo lẫn lộn đủ các thứ: gạo đỏ, gạo trắng, gạo nếp, ngô... Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đã chỉ vào xe gạo nói rằng: “Đây mới là gạo đại đoàn kết. nước ta có nhiều thứ gạo ngon nhưng bây giờ thì đây là thứ gạo ngon nhất”.
Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu quốc ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”5.
Hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp cả nước, nhân dân ta lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”. Từ đó hàng vạn tấn gạo đã được nhân dân cả nước đóng góp, chia sẻ với đồng bào đang chịu thảm họa của nạn đói. Tiếp đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn áp dụng ngay một số biện pháp cụ thể như nghiêm trị những kẻ đầu cơ, tích trữ thóc gạo; cấm dùng gạo vào các công việc chưa thật sự cần thiết như nấu rượu, làm bánh; cấm xuất khẩu gạo, ngô, đậu; cử một ủy ban lo việc vận chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc...
Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội Cứu đói được tổ chức xuống tận các làng. Ngày 28/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thiết lập Ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế. Ngoài Bộ Cứu tế, một số bộ khác cũng có nhiệm vụ cứu tế và tiếp tế.
Trong tháng 10 và 11/1945, Chính phủ ban hành nghị định giảm 20% thuế ruộng đất, miễn thuế hoàn toàn cho những vùng lụt. Bộ Quốc dân Kinh tế ra thông tri quy định việc kê khai số ruộng đất vắng chủ, số ruộng công và ruộng tư không làm hết, tạm cấp cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Bên cạnh đó, ngày 19/11/1945, Chính phủ thiết lập Ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Nhiều chính sách đã được triển khai đồng bộ lúc này như việc ra báo để hướng dẫn nhân dân sản xuất, cho nhân dân vay thóc, vay tiền để sản xuất, cử cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, gia cầm, chi ngân sách sửa chữa các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới.
Trong bài viết “Gửi nông gia Việt Nam” in trên báo Tấc đất (12/1945),  Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc tăng gia sản xuất: “Thực túc thì binh cường. Cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện tấc đất tấc vàng thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập”6.
Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10/1/1946, Người cũng chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay : 1- Làm cho dân có ăn. 2- Làm cho dân có mặc. 3- Làm cho dân có chỗ ở. 4- Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”7.
Cho đến đầu năm 1946, công tác đê điều đã hoàn thành. Đồng thời với việc đắp đê, chính quyền và nhân dân tất cả các địa phương ra sức cải tạo đất công cộng còn trống như sân bãi, vỉa hè, bờ đê để trồng trọt, nhất là hoa màu ngắn ngày.
Nhờ đó, chỉ trong năm tháng từ tháng 11/1945 đến tháng 5/1946, sản lượng lương thực, chủ yếu là hoa màu, đạt tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Nạn đói cơ bản đã được giải quyết. Trong lễ kỷ niệm một năm độc lập, Quốc khánh diễn ra vào ngày 2/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
Xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa để đem lại ấm no cho nhân dân
Trong lần về thăm Thanh Hóa năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Trước kia, sức dân, của dân làm lợi cho đế quốc, nay đem làm lợi cho dân”8.
Sau này, tại Hội nghị sản xuất cứu đói ngày 13/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết kinh nghiệm phòng nạn đói, chống nạn đói: “Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu: “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả... Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân.... Nếu cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào và đồng bào cố gắng tǎng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc trôi chảy, thuế khoá dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu, vì nước ta là nước nông nghiệp, mọi việc đều dựa vào nông nghiệp… Tǎng gia sản xuất và tiết kiệm để nâng cao đời sống của nhân dân, khôi phục kinh tế, mở mang vǎn hoá và đề phòng đói, chống đói”9.
Muốn cho nhân dân ấm no và hạnh phúc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta cần giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”10.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời mình cho “ham muốn tột bậc” của Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”11. Ngày 9/9/1969, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.
Bởi vậy, sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta tiếp tục giương cao hơn nữa ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976 - 1981) Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước tiến bước thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tại cột mốc năm 2020, Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới12. Tại mốc năm 2021, Việt Nam thuộc top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới13. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2022 tương đương 4.110 USD.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao14.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD15.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập,tập 8, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 tr. 1-3
3 Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 22
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 335
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 31
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 7-8
7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 152
8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 61
9 “Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch”, tập 3, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956,  tr. 185-187
10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 438
11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,  tr. 161-162
12TS Nguyễn Minh Phong – TS Nguyễn Trần Minh Trí, “Vị thế và cơ đồ kinh tế Việt Nam”, Báo Nhân Dân điện tử, cập nhật ngày 10/1/2021.
13 Ngọc An, “Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất”, Báo Tuổi Trẻ điện tử, cập nhật ngày 1/1/2022.
14 Xem Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại: https://baochinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-102288263.htm.
15 TS Nguyễn Minh Phong - ThS Nguyễn Trần Minh Trí, “Vị thế và cơ đồ của kinh tế Việt Nam”, Báo Nhân Dân điện tử ngày 10/1/2021. https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-631311/



 
 Từ khóa: CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây