Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9: Tinh thần, ý chí và bài học Cách mạng Tháng Tám xán lạn tương lai dân tộc ta

Thứ năm - 28/01/2016 09:26 350 0
Dân tộc Việt Nam ta đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang với những chiến công chói lọi chống xâm lược và chống ách thống trị của nước ngoài, trong đó Cách mạng Tháng Tám (1945) là một trang sử vẽ vang, chói lọi bậc nhất, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.

Cách mạng Tháng Tám là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của một dân tộc anh hùng, bất khuất có lịch sử hàng nghìn năm chống phong kiến và ngót 100 năm chống ách thống trị của bọn đế quốc thực dân. Đó cũng là kết quả của 15 năm đấu tranh (1930-1945) của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 15 năm ấy, cách mạng Việt Nam đã trải qua 3 cuộc diễn tập, đó là: cao trào cách mạng 1930-1931, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và cao trào vận động giải phóng dận tộc 1939-1945.

Cách mạng Thánh Tám mở đầu thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất, bước nhảy vọt vĩ đại đánh dấu bước biến đổi cực kỳ  to lớn lịch sử tiến hóa lâu dài của dân tộc Việt Nam. Nó đập tan chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng nắm quyền trong cả nước, đưa dân tộc ta lên hàng đầu các dân tộc tiên phong.

Với thắng lợi có tính chất thời đại của Cách mạng Tháng Tám, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới vô cùng vẽ vang, kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám là hành trang, động lực tinh thần mạnh mẽ, thôi thúc toàn dân và toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng suốt 30 năm, đánh thắng các thế lực ngoại xâm hung bạo của thời đại; vượt qua muôn trùng hiểm nguy để lập nên những chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng Tháng Tám đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào chống đế quốc và phong kiến của hai nước láng giềng trên bán đảo Đông Dương là Lào và Căm –pu –chia; góp  phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngay tại chính quốc, Pháp đã bị phát xít Đức xâm lược và phải lập chính phủ bù nhìn tay sai cho Đức. Ở Đông Dương, Pháp phải từng bước đầu hàng phát xít Nhật, cuối cùng bị Nhật truất quyền thống trị. “Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa” (Ba mươi nǎm hoạt động của Đảng (6-1-1960), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10) .

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám càng trọn vẹn hơn khi chứng tỏ đó là cuộc cách mạng của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc Cách mạng đó tập hợp được sức mạnh thời đại và đến khi thắng lợi lại hình thành sức mạnh mới, điều kiện mới để lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân, nhân dân dân tộc Việt Nam độc lập sẵn sàng đương đầu và chiến thắng bọn đế quốc và các thế lực thù địch. Chính vì thế, Cách mạng Tháng Tám là bước khởi đầu huy hoàng cho những giai đoạn tiếp theo của Cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

“Thành công của Cách mạng Tháng Tám đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta trong nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa và giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám là một cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội - Huế - Sài Gòn” (Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tập II, Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội 1976, trang 649).

Nói về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Vì chính sách của Đảng đúng và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công”. Do sự lãn đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi”. Với cách mạng Tháng Tám “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới mười lăm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 6, tr.159).

Cách mạng Tháng Tám để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm lịch sử quan trọng. Những bài học đó đã được Đảng tiếp tục kế thừa và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955 - 1975). Đó là bài học gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhằm rõ mục tiêu chiến lược lâu dài, xác định đúng đắn các nhiệm vụ trọng yếu trong từng thời kỳ cách mạng; bài học phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà nồng cốt là công nhân-nông dân-trí thức; bài học về nhận rõ đối tượng cách mạng, phân loại lực lượng đối địch, thực hiện triệt để phương châm “thêm bạn bớt thù”; bài học nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật tạo thời cơ; bài học về xây dựng một đảng Mác-Lênin chân chính, trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiến đấu, hy sinh vì lợi ích của nhân dân và dân tộc.

Tiếp nối truyền thống yêu nước nồng nàn, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ hy sinh, đánh bại các cuộc xâm lăng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới. Cho tới nay, qua 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và một nửa chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, văn hóa xã hội không ngừng phát triển. Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình; đang thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...Những thành tựu trên là kết quả của ý chí Thám Tám, của sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển  chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới và trong nước tạo ra cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong các giai đoạn tiếp theo, hơn bao giờ hết, nhân dân ta từ ải Nam quan đến Mũi Cà Mau, từ rừng núi biên giới đến hải đảo xa xôi luôn nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm, làm nên một "Cách mạng Tháng Tám" mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội...

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay diễn ra trong khí thế cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Cấp ủy và chính quyền các cấp cần nỗ lực hơn nữa, phát huy cao độ tinh thần yêu nước và thực hiện các chính sách đoàn kết dân tộc, huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, nêu gương cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư và thực hiện nói đi đôi với làm. Trước thềm đại hội Đảng, cán bộ, đảng viên và  và các tầng lớp nhân dân tích cực và tâm huyết đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội, góp phần nâng cao chất lượng văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đó chính là thiết thực học tập và phát huy giá trị bài bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám.

.                                                                                         Nguyễn Huy |Thụ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây