Khoa học và Công nghệ đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Hải Dương

Thứ năm - 14/12/2017 14:47 636 0
Cùng với phát triển khoa học và công nghệ của cả nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương những năm qua (2012 – 2017) đã đạt được những kết quả nổi bật sau:
Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện phát triển khoa học và công nghệ:
Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 05/4/2013, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 24/02/2016 về thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020, và phê duyệt: Chương trình Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất nông sản bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2020, Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa các doanh nghiệp giai đoạn 2013-2020 và Đề án phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020.
Để đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 “Quy định quản lý và định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương” nhằm cụ thể hóa Luật Khoa học và công nghệ, các văn bản hướng dẫn Luật vào điều kiện cụ thể của tỉnh trong công tác quản lý KH&CN trên địa bàn. Các nhiệm vụ KH&CN hàng năm đã hướng vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các bước xây dựng kế hoạch được tiến hành chặt chẽ từ khâu xác định nhiệm vụ KH&CN ở các hội đồng tư vấn chuyên ngành đến Hội đồng KH&CN tỉnh trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch KH&CN được tiến hành đồng thời với xây dựng và phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh. Do vậy việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN được tiến hành ngay từ tháng 01 hằng năm. Kinh phí cấp đảm bảo theo tiến độ, thuận lợi cho các nhiệm vụ KH&CN thực hiện. Việc nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo khách quan, chặt chẽ, đúng quy định đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng mở rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn.
Khoa học và công nghệ đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Trong giai đoạn 2012-2017, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 171 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 165 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 06 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước với kinh phí sự nghiệp KH&CN là 109.069,7 triệu đồng, trong đó ngân sách của tỉnh 104.570,8 triệu đồng, ngân sách Trung ương 4.498,9 triệu đồng được thực hiện thuộc các lĩnh vực: Khoa học nông nghiệp 91 nhiệm vụ (53,2%), kinh phí 55.930,6 triệu đồng (51,4%); Khoa học kỹ thuật và công nghệ có 34 nhiệm vụ (19,9%), kinh phí 26.935,2 triệu đồng (24,7%);  Khoa học y dược 14 nhiệm vụ (8,2%), kinh phí 8.661,9 triệu đồng (7,9%); Khoa học xã hội và nhân văn 32 nhiệm vụ (18,7%), kinh phí 17.372 triệu đồng (16%). Kết quả chính của các nhiệm vụ KH&CN như sau:
Tổng kết đánh giá việc thực hiện các chương trình, đề án của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể giai đoạn 2015-2020. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và cụ thể hóa một số chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Nghiên cứu một số biến đổi cấu trúc xã hội ở nông thôn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; Xây dựng các giải pháp thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh và Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế phản biện xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh. Nghiên cứu đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xuất bản Địa chí thành phố Hải Dương; Di sản Hán nôm tỉnh Hải Dương; Biên soạn tài liệu giảng dạy địa lý, lich sử địa phương và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, khai thác và phát triển các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm của tỉnh gắn với phát triển du lịch.
Áp dụng các công nghệ tiên tiến trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phát triển các cây dược liệu và áp dụng các bài thuốc cổ truyền điều trị một số bệnh có chiều hướng gia tăng.
Hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất; Nghiên cứu và tổ chức thực hiện các giải pháp góp phần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất mô hình mẫu lớn, sản xuất trang trại, gia trại và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Nghiên cứu, thử nghiệm lựa chọn các giải pháp KH&CN về giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, năng lực của người dân để chuyển giao cho người dân đưa vào sản xuất đại trà. Đã sản xuất thử và lựa chọn được gần 50 giống lúa, rau màu, cây ăn quả phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh, trong đó có 8 giống lúa, 15 giống cây rau màu, 7 giống cây ăn quả mới đưa vào cơ cấu cây trồng của tỉnh, một số giống đã được nhân rộng thành các vùng sản xuất hàng hóa hàng tập trung có giá trị kinh tế cao. Đưa vào sản xuất thử thành công và sản xuất mở rộng được 11 giống gia cầm; Phát triển rộng một số giống thủy sản mới kết hợp với các biện pháp thâm canh trong nuôi thủy sản. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2020 với nhiều mô hình sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng làm tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm.
Áp dụng công nghệ sinh học để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong đời sống, sản xuất nông nghiệp và nông thôn như: xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, xử lý đáy ao và môi trường nước ao nuôi thủy sản bằng chế phẩm sinh học EM, Biof; áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi...
Xây dựng và vận hành các phần mềm tin học nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và giám sát tự động môi trường nước thải, khí thải một số khu công nghiệp và nhà máy có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.
Hoạt động quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng đã hướng vào phục vụ các cơ sở, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phù hợp với cơ chế quản lý trong điều kiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Thông tin KH&CN được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có trên 700 bài, tin được in trên Tạp chí KH&CN, gần 3.000 bài, tin, video phản ánh về hoạt động KH&CN được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ, nhiều bài, tin về KH&CN được đăng trên Đặc san của Liên hiệp các Hội Khoa học, kỹ thuật tỉnh, Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh duy trì chuyên mục KH&CN đã góp phần đưa thông tin KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống.
Trong những năm qua hoạt động KH&CN của tỉnh đã có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng trưởng GRDP bình quân 8,31%/năm; tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) là 2,44%/năm; tỷ trọng đóng góp TFP vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh là 29,42%. Trong đó, ngành công nghiệp tỉnh đã có những đóng góp lớn, nhất là các sản phẩm công nghiệp chính, chủ lực (cơ khí chế tạo, điện tử tin học, dệt may, da giầy).
Đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế và xây dựng thương hiệu:
Tỉnh quan tâm đẩy mạnh áp dụng sáng kiến các giải pháp hữu ích vào sản xuất, đời sống. Tổ chức các hội đồng xét công nhận 451 sáng kiến cấp tỉnh; tổ chức xét tặng Giải thưởng KH&CN Côn Sơn Hải Dương lần thứ IV và trao giải cho 33 công trình KH&CN tiêu biểu. Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thức VII (2013) và IX (2015) khen tặng 73 giải phát cải tiến kỹ thuật, giải pháp sáng tạo, trong đó tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc có 10 gải Ba và 03 giải khuyến khích. Hàng vạn đề tài cải tiến kỹ thuật và trên 10 vạn sáng kiến, kinh nghiệm được áp dụng vào sản xuất, đời sống.
Tỉnh đã quan tâm đến công tác sở hữu trí tuệ, giai đoạn 2012-2017, có 1.544 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 1.077 văn bằng được cấp về sở hữu công nghiệp; 5 sáng chế/giải pháp hữu được cấp bằng bảo hộ và đến nay có 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà, 18 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp và sản làng nghề truyền thống.
Để khoa học và công nghệ là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới khoa học và công nghệ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Từng bước đưa KH&CN thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là giải pháp quan trọng để giải quyết những vấn đề bức xúc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao để có đủ năng lực nghiên cứu, ứng dụng và quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với điều kiện của tỉnh. Ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học cho việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý KH&CN, thực hiện cơ chế đặt hàng, cơ chế quản lý theo quỹ và khoán nhiệm vụ đến sản phẩm cuối cùng để đảm bảo kết quả của các nhiệm vụ KH&CN có tác động mạnh mẽ đến sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng và được chuyển giao nhân rộng.
Tăng cường năng lực, kiện toàn hệ thống quản lý và đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý để KH&CN phát triển nhanh, đúng hướng, hiệu quả và bền vững. Tăng cường chất lượng công tác thẩm định công nghệ; thực hiện các giải pháp khuyến khích phát triển thị trường KH&CN và bảo vệ quyền lợi chính đáng về sở hữu trí tuệ.
Huy động các nguồn vốn để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ KH&CN được xác định trong kế hoạch hằng năm. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Quan tâm đầu tư tiềm lực KH&CN cho các đơn vị nghiên cứu triển khai, các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm; phòng thí nghiệm, phân tích... của các đơn vị sự nghiệp thuộc các ngành kinh tế-kỹ thuật để thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống.
Thực hiện tốt việc hợp tác, liên kết với các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư phát triểnKH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh.
            Nguyễn Văn Vóc 
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây