Năm 2019, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành báo cáo “Bảo vệ nước dưới đất đô thị Hải Dương” thuộc đề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - giai đoạn I theo Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt đề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” và Quyết định số 1557/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường “Về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Giai đoạn I”. Trong báo cáo đã thực hiện phân vùng có khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất tại khu vực đô thị thành phố Hải Dương và vùng phụ cận thuộc tầng chứa nước Holocen (qh) và tầng chứa nước Pleistocen (qp). Cụ thể như sau:
1. Vùng có khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thuộc tầng chứa nước Holocen (qh).
Do tầng chứa nước Holocen (qh) là tầng chứa nước không áp, nằm nông gần mặt đất nhất, vì vậy phương pháp thích hợp để bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thuộc tầng chứa nước này là thông qua các bồn thấm và ao thấm với các khu vực có tiêu chí như sau:
- Khu vực có lớp phủ bề mặt mỏng, chiều dày lớp phủ < 5m;
- Khu vực giầu nước, mực nước không nằm quá sát mặt đất;
- Khu vực gần nguồn nước mặt thuận lợi cho việc bổ sung nhân tạo
Trong báo cáo đã xác định được các khu vực có khả năng bổ sung nhân tạo cao cho nước dưới đất tập trung theo các nguồn nước mặt lớn trong khu vực như ở ven sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, một phần dọc theo sông Sặt và sông Cẩm Giàng với diện tích phân bố khoảng 105,6km2.
2. Vùng có khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thuộc tầng chứa nước Pleistocen (qp).
Tầng chức nước qp là tầng chức nước có áp, độ sâu lớn, do đó việc áp dụng các phương pháp bồn thấm hay ao thấm gần như không có hiệu quả. Đối với tầng chứa nước này chỉ có thể áp dụng phương pháp bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất thông qua hệ thống các giếng khoan thấm lọc được đặt gần hoặc ngay trong nguồn nước mặt.
Trong báo cáo đã xác định được các khu vực có khả năng bổ sung nhân tạo cao là các khu vực có các tiêu chí sau: khu vực có chiều dày tầng chứa nước lớn hơn 30,0m; hệ số thấm lớn hơn 40,0m/ngày, bao gồm một dải thuộc huyện Cẩm Giàng (khu vực ven sông Sặt, sông Cẩm Giàng và sông Thái Bình), một phần huyện Nam Sách (khu vực ven sông Thái Bình) và thành phố Hải Dương (khu vực ven sông Thái Bình và sông Sặt) với diện tích phân bố khoảng 187,4km2.
Khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ phát triển các đô thị là việc làm cấp thiết. Tuy vậy, sự phát triển quá nhanh của các đô thị cùng với sự khai thác tùy tiện đang nảy sinh nhiều nguy cơ tác động xấu đến nguồn tài nguyên nước dưới đất. Chẳng hạn như, tình trạng khai thác vượt quá trữ lượng, gây cạn kiệt nguồn nước và gia tăng mức độ ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất ở các đô thị; công tác thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải tại nhiều đô thị còn rất sơ khai dẫn đến tình trạng nguồn nước bẩn, các chất gây nguy hại thấm sâu làm ô nhiễm nguồn nước.
Bảo vệ nước dưới đất là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của các cấp và nhiều Bộ, ngành, và toàn dân. Nước dưới đất khi đã bị ô nhiễm, cạn kiệt, bị nhiễm mặn thì khôi phục nó là điều hết sức khó khăn và tốn kém. Vì vậy cần đặt vấn đề phòng ngừa, bảo vệ là chính.
Bảo vệ tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng khỏi bị ô nhiễm, cạn kiệt để có thể khai thác lâu dài phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và các nhu cầu khác của nền kinh tế, nhất là để cấp nước cho các đô thị là vấn đề cần hết sức cấp bách. Để làm tốt việc này, ở các đô thị cần phải có chương trình và giải pháp toàn diện về mọi mặt, trước hết cần hiểu biết về sự phân bố không gian của các tầng chứa nước, sự phân bố của các loại nước, trữ lượng và chất lượng của chúng để có các quy hoạch khai thác sử dụng nước một cách hợp lý. Các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mở rộng phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch các công trình vệ sinh môi trường, như bố trí bãi thải, nghĩa trang,..., phát triển giao thông cần phải được tính toán, xem xét để không gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước
Mai Văn Tâm
Hội Địa chất tỉnh Hải Dương