Kết quả 04 năm triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tcvn iso 9001:2008 tai các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương

Thứ sáu - 05/01/2018 15:13 433 0
Triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước(CQHCNN), Sở Khoa học và Công nghệ đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch số 990/KH-UBND ngày 05/6/2014 về việc triển khai xây dựng áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các CQHCNN tỉnh Hải Dương giai đoạn 2014-2020.
Mục tiêu chung: HTQLCL tại các CQHCNN được xây dựng, áp dụng đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với xu thế xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch hỗ trợ đắc lực cho chương trình cải cách hành chính của tỉnh.
Đối tượng thực hiện:
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;  
- Các Chi cục và Ban trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã bao gồm tất cả các phòng chuyên môn;
- UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
1. Kết quả của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL                
Đến nay đã có 192 CQHCNN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 bao trùm toàn bộ các hoạt động giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của đơn vị. Bao gồm:  18 sở, ngành; 16 chi cục, ban trực thuộc các sở; 12 UBND cấp huyện và 146 UBND cấp xã. Phấn đấu đến hết năm 2020 tất cả các CQHCNN trên địa bàn tỉnh đều xây dựng, áp dụng HTQLCL, góp phần đắc lực trong chương trình cải cách hành chính của tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi như: Có sự cam kết, quyết tâm của lãnh đạo cao nhất, xác định HTQLCL là một trong những công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý, điều hành; Có sự đồng thuận, ý thức trách nhiệm của công chức, các cơ quan thường xuyên rà soát các thủ tục hành chínhTrình độ tin học văn phòng của công chức đã được nâng cao, thiết bị công nghệ được trang bị tương đối đầy đủ, được nối mạng, một số cơ quan giải quyết công việc qua hệ thống phần mềm và hệ điều hành… vẫn còn những khó khăn, hạn chế mà các CQHCNN từng bước phải khắc phục để nâng cao hiệu quả của việc duy trì áp dụng HTQLCL trong giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân:
- Là một công cụ quản lý nhưng nhiều thuật ngữ trong tiêu chuẩn trừu tượng, khó hiểu dẫn đến việc tiếp cận với HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2008 của một số lãnh đạo, công chức và người lao động còn hạn chế. Chưa hiểu đúng về phương pháp áp dụng, duy trì hệ thống sau khi công bố phù hợp tiêu chuẩn.
- Thói quen làm việc máy móc, thụ động của một số bộ phận, công chức tại các CQHCNN. Vẫn còn một số lãnh đạo cao nhất chưa cam kết, quyết tâm trong việc duy trì áp dụng tại đơn vị.
- Một số đơn vị cơ sở vật chất còn khó khăn, số lượng các thủ tục hành chính lớn nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Trong khi đó các căn cứ pháp lý thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng, duy trì áp dụng hệ thống.
- Kinh phí cho việc áp dụng, duy trì hệ thống theo quy định còn hạn chế…  
Mặc dù còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng, áp dụng và duy trì HTQLCL nhưng phần lớn tại các đơn vị đã đưa hệ thống vào vận hành đều đánh giá việc áp dụng đạt được những kết quả như sau:
- Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách  nhiệm, quyền hạn của các bộ phận, cá nhân tránh được sự chống chéo, đồng thời tăng cường được sự phối hợp trong xử lý công việc,
- Ý thức trách nhiệm đối với cán bộ, công chức được nâng lên; kiểm soát được thái độ giao tiếp, ứng xử của từng cá nhân khi tiếp xúc với khách hàng.
- Lãnh đạo dễ dàng kiểm tra tiến độ và kết quả công việc của từng bộ phận, cá nhân. Tạo phong cách, môi trường làm việc khoa học, cải thiện về lề lối, tác phong làm việc của cán bộ công chức nhà nước.
- Các quy trình giải quyết công việc được cụ thể hoá, minh bạch rõ ràng dễ thực hiện, dễ kiểm soát, hạn chế được sai sót. Thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính.
- Cải tiến việc quản lý tài liệu, hồ sơ đảm bảo dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy. Thông qua hoạt động kiểm soát tài liệu, kiểm soát hồ sơ việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật được thường xuyên, đảm bảo công tác lưu trữ, bảo mật.
- Tạo điều kiện cải tiến các quy trình làm việc, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công phục vụ các tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu quản lý của từng ngành, từng địa phương.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
2.1. Đối với UBND tỉnh
- Cập nhật đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh công bố cho các lĩnh vực (3 cấp) lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện, các tổ chức tư vấn, các CQHCNN xây dựng quy trình và cập nhật đầy đủ vào HTQLCL được kịp thời.
- Tiếp tục duy trì chấm điểm cải cách hành chính cho lĩnh vực áp dụng ISO trong hoạt động của các CQHCNN (đối với các sở, ngành và UBND cấp huyện). Triển khai chấm điểm cho các CQHCNN còn lại nằm trong kế hoạch xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.
- Thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu các CQHCNN (Cấp sở, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các CQHCNN trực thuộc các sở) trong việc xây dựng, duy trì áp dụng và cải tiến HTQLCL.
- Có hình thức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, áp dụng, cải tiến HTQLCL tại các cơ quan. Đồng thời có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL hình thức, không hiệu quả.
- Chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ đưa nội dung nhận thức về HTQLCL vào chương trình bồi dưỡng kiến thức Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.
- Hàng năm bố trí tăng kinh phí cho việc xây dựng, duy trì áp dụng và cải tiến HTQLCL tại các CQHCNN nhất là kinh phí xây dựng, áp dụng hệ thống của UBND các xã, phường, thị trấn lần đầu triển khai; kinh phí kiểm tra, tập huấn và tổ chức tập huấn cho các CQHCNN của cơ quan kiểm tra.
2.2. Đối với các CQHCNN
- Lãnh đạo các CQHCNN phải xác định việc xây dựng, áp dụng HTQLCL là một nhiệm vụ bắt buộc trong công tác cải cách hành chính tại đơn vị; cam kết cung cấp nguồn lực cho việc xây dựng, duy trì áp dụng hệ thống tránh làm hình thức gây lãng phí về thời gian, kinh phí và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
- Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của tiêu chuẩn, các quy định của HTQLCL đang áp dụng, các căn cứ pháp lý để giải quyết các thủ tục hành chính tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
- Cập nhật đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý lên công thông tin điện tử của cơ quan hoặc niêm yết công khai tại trụ sở đối với các cơ quan chưa có trang web.
- Thường xuyên rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, cải tiến các quy trình xử lý công việc trong HTQLCL.
- Lãnh đạo các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm trong việc duy trì áp dụng, cải tiến HTQLCL tại cơ quan đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, áp dụng HTQLCL tại các đơn vị trực thuộc (các Chi cục, Ban và UBND cấp xã).
Mặc dù kết quả đạt được đáng khích lệ nhưng những kết quả này chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong chương trình cải cách hành chính khi nhận thức về việc xây dựng, áp dụng HTQLCL được hiểu đúng và đầy đủ, việc duy trì áp dụng hệ thống có sự tham gia của tất cả mọi người từ lãnh đạo cao nhất tới toàn thể công chức tại các CQHCNN./.  
Nguyễn Văn Lương
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây