Để trả lời câu hỏi: tại sao lại chia cũng như tại sao lại hợp. Lý do rất đơn giản là tư liệu thành văn rất thiếu và bản đồ cổ rất hiếm, nhất là thời Lý Trần về trước. Sinh thời, cụ Đào Duy Anh có viết tập sách Đất nước Việt Nam qua các đời cũng chỉ giải quyết được những vấn đề đại thể, nhiều sự kiện còn bỏ ngỏ.
Vào thời kỳ hiện đại, việc hợp rồi chia các đơn vị hành chính xảy ra nhiều hơn, ồ ạt, đại trà với chu trình ngắn hơn. Thời hiện đại, hợp hay chia đều được giải thích là hợp lý, đều do đề nghị của Hội đồng nhân dân hay Quốc hội. Nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, chúng tôi hệ thống một số sự kiện, giúp độc giả hiểu biết sâu hơn về vấn đề này.
Kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta đã tiến hành nhiều lần hợp nhất đơn vị hành chính các cấp, trong đó có những cuộc thành công. Năm 1946, tiến hành liên xã, năm 1955 có chỉnh lý, nhưng căn bản để các đơn vị hợp nhất từ năm 1946, những xã đó tồn tại cho đến nay, tức đã trên 70 năm vẫn ổn định, như vậy là thành công. Xã thời phong kiến nay chỉ là một thôn của xã hiện đại, cá biệt mới có xã giữ nguyên như cũ, ví dụ như Thạch Lỗi (Cẩm Giàng). Việc hợp nhất cấp tỉnh và huyện thì không mấy thành công, lâm vào tình trạng duy ý chí. Mỗi lần hợp và chia nếu không xuất phát từ nhu cầu nội tại thì hậu quả khôn lường về tổ chức hành chính, con người, sự nghiệp, tài chính, tài sản công…Chỉ việc thay đổi con dấu đã biết bao phiền toái. Hiện nay, người ta thích kỷ niệm chia tách hơn là hợp nhất. Như vậy có thể thấy xu thế chia tách là nhiều hơn.
Trước hết chúng ta nghiên cứu về quá trình hợp nhất ở cấp tỉnh
Theo Nghị quyết số 168/NQ/TW ngày 5/10/1967 cả BCH TW Đảng và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, số 504-NQ-TVQH, ngày 26/1/1968 về việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
Khi hợp nhất có 2 thị xã: Hải Dương và Hưng Yên và 20 huyện. Dân số 1.630.000 người, diện tích 2.526 km2, chiếm 21,7% diện tich đồng bằng Bắc bộ.
Để lý giải về việc hợp nhất, xã luận Báo Hải Dương mới số ra ngày 7-2-1968 viết:
“Hoan nghênh việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên
thành một tỉnh Hải Hưng
Theo đề nghị của Tỉnh ủy và HĐND 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên Trung ương Đảng và Quốc hội đã quyết định cho hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành một tỉnh lấy tên là Hải Hưng…
Chủ trương cho hợp nhất tỉnh là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm làm cho nhân dân ta có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống và củng cố quốc phòng…
Mỗi tỉnh đều có những tài nguyên phong phú khác nhau nhưng chưa hỗ trợ được tích cực cho nhau. Sức người, sức của còn chưa được khai thác đầy đủ, chưa tạo được một sức mạnh đủ đáp ứng cho việc phát triển nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực khác nhằm không ngừng nâng cao sức khỏe, đời sống nhân dân…
Việc hợp nhất sẽ tạo điều kiện khắc phục những nhược điểm trên, làm cho tỉnh mới lớn mạnh nhanh chóng.
Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương cho hợp nhất tỉnh của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta coi việc hợp nhất tỉnh là nguyện vọng của nhân dân hai tỉnh, là phù hợp với yêu cầu khách quan của xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta vui mừng, tự hào và tin tưởng vào tiền đồ của việc hợp nhất tỉnh”.
Từ ngày 9-10/2/1968, tại khu vực đền Xá (Ân Thi, Hưng Yên) Hội nghị hợp nhất được thực hiện, theo sự chỉ định của Trung ương, đồng chí Lê Quý Quỳnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hoài Bắc giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBHC tỉnh.
Cùng năm đó 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Nhưng trước đó đã có một số tỉnh hợp nhất.
Năm 1955, Tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng. Tình Lai Châu và Sơn La hợp lại thành Khu tự trị Thái Mèo.
Năm 1962, Bắc Ninh, Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Kiến An sát nhập vào thành phố Hải Phòng. Đồng thời tái lập tỉnh Lai Châu và Sơn La từ khu tự trị Thái Mèo.
Năm 1963, Hải Ninh và Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh.
Năm 1965, hợp nhất hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái, hợp nhất tỉnh Hà Nam, Nam Định thành tỉnh Nam Hà, Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Tây. Nhìn trên bản đồ và xã hội thực tại, việc hợp nhất các tỉnh trên có nhiều mặt hợp lý, nhưng qua 30 năm chỉ có Quảng Ninh và Hải Phòng ổn định, còn lại đều chia tách.
Sau giải phóng miền Nam, nhiều tỉnh bị hợp nhất, có khi 3 tỉnh thành một, như Bình - Trị - Thiên, Hà – Sơn - Bình. Những “cuộc hôn nhân” bất đắc dĩ này không đạt được ước “mơ đầu bạc răng long”. Đầu tiên là:
Năm 1989, mở đầu thời kỳ chia tách, trước hết Bình Trị Thiên chia làm 3 tỉnh như cũ. Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Phú Khánh thành Phú Yên và Khánh Hòa.
Từ 1991 đến 1997, hàng loạt các tỉnh chia tách thành các tỉnh cũ như một phản ứng dây chuyền. Thậm chí còn chia nhỏ nữa như Lai Châu thành Lai Châu và Điện Biên vào năm 2004, Đắc Lắc thành Đắc Lắc và Đắc Nông, Cần Thơ thành Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Hợp nhất cấp huyện
Cùng với hợp nhất tỉnh là một cao trào về hợp nhất huyện trên quy mô toàn quốc, ở đây chỉ nói đến tỉnh Hải Hưng.
Năm 1977, hợp nhất Cẩm Giàng và Bình Giang, thành huyện Cẩm Bình.
Năm 1979, Hợp nhất Kim Thành với Kinh Môn thành huyện Kim Môn. Nam Sách với Thanh Hà thành huyện Nam Thanh. Tứ Kỳ với Gia Lộc thành huyện Tứ Lộc. Thanh Miện với Ninh Giang thành huyện Ninh Thanh.
Như vậy Hải Dương khi hợp nhất có 1 thị xã 11 huyện, nay còn 1 thị xã và 5 huyện, trong đó Chí Linh đứng độc lập.
Trên đất Hưng Yên, năm 1977, hợp nhất Phù Cừ với Tiên Lữ, thành huyện Phù Tiên. Văn Giang với Yên Mỹ Thành huyện Văn Yên. Văn Lâm với Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ.
Năm 1979, hợp nhất Văn Yên (trừ 11 xã của Văn Giang) với huyện Văn Mỹ thành huyện Mỹ Văn. Huyện Khoái Châu với 11 xã của Văn Giang cũ thành huyện Châu Giang. Kim Động với Ân Thi thành huyên Kim Thi.
Như vậy đến năm 1979, Hải Hưng có 2 thị xã và 10 huyện.
Chỉ sau 17 năm sau, cuộc chia tách các huyện bắt đầu.
Ngày 27-1-1996, chia tách huyện Kim Thi thành Kim Động và Ân Thi. Ninh Thanh thành Ninh Giang và Thanh Miện. Tứ Lộc thành Tứ Kỳ và Gia Lộc. Nghĩa là trở lại tình trạng như trước khi chia tách.
Ngày 17 tháng 2 năm 1997, chia tác các huyện Cẩm Bình, Kim Môn, Nam Thanh thành các huyện như cũ.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ra nghị quyết chia tách tỉnh Hải Hưng thành Hải Dương và Hưng Yên. Về vấn đề này, xã luận bảo Hải Hưng, số ra ngày ngày 5-12-1996 viết:
“Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên giầu mạnh
Quốc hội khóa 9, kỳ họp thứ 10 ngày 15/11/1996 đã ra Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh trong đó có tỉnh Hải Hưng được chia thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đang khẩn trương tiến hành các bước theo kế hoạch để đúng vào ngày 1-1-1997, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đi vào hoạt động theo địa giới hành chính mới. Trước hết, các cấp, các ngành, các đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở phải làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ việc chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên là nhằm tạo điều kiện cho mỗi tỉnh khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển về mọi mặt, thực hiện đúng đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Chia tỉnh còn nhằm thực hiện cải cách nền hành chính Nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với cơ sở, đảm bảo sự sâu sát, giải quyết kịp thời công việc của địa phương, tăng cường giữ vững an ninh - quốc phòng”.
“Khi mới được tái lập, tình hình KT-XH của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vất chất của nền kinh tế yếu kém, lao động thủ công là phổ biến, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu…
Trong 20 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn liên tục tăng qua các năm; bình quân giai đoạn năm 1997-2000 tăng 8,6%, giai đoạn 2000-2005 tăng 10,8 %, giai đoạn 2005-2010 tăng 9,8%, giai đoạn 2010-2015 đạt 40.730 tỷ đồng. Riêng năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn được 10.600 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (399,4 tỷ đồng), đưa Hải Dương trở thành một trong 16 tỉnh trên cả nước tự cân đối được ngân sách; thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/ người/năm 2015.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 36% - 34% - 30% năm 1997, sang 15% - 52,5% - 31,6% năm 2015). Sau 20 năm, từ một tỉnh thuần nông, bước đầu đã hình thành rõ nét nền kinh tế phát triển theo hướng CNH, HĐH. Môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cùng với cơ chế, chính sách ưu đãi đã khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và quy mô, đóng góp vào việc phát triển kinh tế của tỉnh.
Kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện năng phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, các lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố phát triển; cơ bản đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội… Với những thành tích đã đạt được, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, Hải Dương vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
(Theo tư liệu Bảo tàng tỉnh)
Như vậy là 29 năm hợp nhất tỉnh tái lập như cũ. Huyện sau 20 năm hợp nhất lại chia tách hoàn toàn, hiệu quả như báo cáo là rất to lớn, kỷ niệm ngày chia tách hay gọi là tái lập là rất linh đình, vui vẻ, không đón Huân chương thì cũng được bằng khen của Chính phủ, việc hợp và chia đúng hay sai không ai nhắc đến. Nếu như vào năm chẵn, hẳn Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội cũng kỷ niệm linh đình về thành công của hợp nhất, diễn văn sẽ có nhiều cảm xúc với những số liệu phát triển phi thường. Nhìn ra thế giới, các nước phát triển địa danh, địa giới hàng thế kỷ không thay đối, đất nước vẫn phát triển và giầu có, thậm chí còn dư tiền ủng hộ các nước nghèo. Nước ta hết hợp rồi lại chia mà thu nhập tính theo đầu người vẫn cứ thấp, mặc dầu chiến tranh đã lùi xa trên 40 năm.
Việc hợp và chia cấp tỉnh và huyện của đất nước ta, trong đó có Hải Dương, theo chúng tôi, cần được nghiên cứu, phân tích thấu đáo để có bài học cho mai sau, không thể nói hợp cũng đúng mà chia cũng đúng, không tính đến yếu tố khách quan và hiệu quả, đúng và sai ở đâu cần phải làm rõ. Nên chăng, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để có nhận thức đúng và toàn diện về vấn đề này.
Hiện nay Nhà nước chủ trương giảm bớt đầu mối hành chính và cơ quan công quyền để trước hết làm cho việc điều hành thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm công quỹ, bởi cả nước hiện có đến trên 2 triệu công chức viên chức, không kể lực lượng vũ trang, ngân sách quốc gia không chịu nổi. Nhiều huyện xã không đủ tiêu chí về diện tích và dân số. Đây lại là vấn đề thời sự không chỉ về đơn vị hành chính mà cả các cơ quan công quyền. Đây là vấn đề xã hội, mà trước hết các ngành hữu quan cần quan tâm.
Ý kiến bạn đọc