Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Hiểu đúng về thực phẩm chức năng
Thứ sáu - 24/04/2020 09:455270
Việc sử dụng thực phẩm chức năng của người dân trong nước nói chung và trong tỉnh Hải Dương nói riêng đã trở nên phổ biến từ nhiều năm nay, nhưng đa phần người tiêu dùng chưa có kiến thức đúng về thực phẩm chức năng cũng như chưa hiểu rõ về cách sử dụng, dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả, đôi khi gây hại cho sức khỏe.
Hơn nữa, thị trường thực phẩm chức năng ngày càng đa dạng, với nhiều chủng loại được nhập khẩu chính ngạch, xách tay hoặc sản xuất trong nước, chưa kể hàng giả, hàng nhái tràn lan, khiến cho người tiêu dùng càng trở nên bối rối, không biết nên chọn lựa và sử dụng thế nào. Nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thành phần bổ sung
Hiện nay, ở nước ta đang có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm “thực phẩm chức năng” (Functional Food) và “thành phần bổ sung” (Dietary Supplement). Hầu hết, các sản phẩm được dán nhãn tiếng Anh “Thành phần bổ sung” (Dietary Supplement) đều được dán nhãn tiếng Việt “Thực phẩm chức năng”. Ví dụ, trên một trang bán hàng điện tử có quảng cáo “Thực Phẩm Chức năng Viên Uống Đẹp Da Kirkland Signature Vitamin E 400iu 500 Viên”, là một sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, nhưng thực tế trên vỏ bao bì bằng tiếng Anh thì đó lại là “Dietary Supplement” – thành phần bổ sung, chứ không phải “Functional Food” – thực phẩm chức năng.
Theo Thông tưsố 08/2004/TT-BYT của Bộ Y tế thì “Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”. Tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm còn có các tên gọi khác như sau: Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; Thực phẩm bổ sung; Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Thực phẩm dinh dưỡng y học. Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế đã đưa ra định nghĩa về 4 loại tên gọi trên, trong đó “Thành phần bổ sung” được xếp vào nhóm “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”. Một số nước lại có định nghĩa khác về thực phẩm chức năng, và cách hiểu về thực phẩm chức năng cũng thay đổi theo thời gian. Dưới đây, xin nêu ra định nghĩa được chấp nhận chung trên thế giới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Thực phẩm chức năng (Functional Food) là những thực phẩm cung cấp nhiều hơn chất dinh dưỡng so với thực phẩm truyền thống, chúng được bổ sung những thành phần mang lại những lợi ích cho cơ thể, không có dạng thuốc như viên con nhộng, viên gel, chỉ có ở dạng thực phẩm. Thực phẩm chức năng được chia làm bốn loại. Cụ thể như sau: 1. Sản phẩm giàu dinh dưỡng (enrich product): Là những sản phẩm được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng hay những thành phần có lợi cho sức khỏe, mà những thứ được bổ sung vào sản phẩm không tự có trong loại thực phẩm đó. Ví dụ, bơ thực vật được bổ sung lợi khuẩn (thông thường bơ thực vật không có lợi khuẩn) 2. Sản phẩm bổ sung (fortified product): Thực phẩm được bổ sung chất dinh dưỡng giúp thực phẩm đó có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn bình thường. Ví dụ nước trái cây được bổ sung vitamin C (bình thường nước trái cây có chứa vitamin C nhưng được bổ sung thêm để hàm lượng vitamin C cao hơn) 3. Sản phẩm thay đổi thành phần dinh dưỡng (altered product): Thực phẩm được loại bỏ các thành phần có hại, thay vào đó bổ sung thêm thành phần có lợi cho sức khỏe. Ví dụ kem tươi ít béo, tăng cường chất xơ. 4. Sản phẩm tăng cường chất dinh dưỡng (enhanced product): Là những thực phẩm được tăng cường hàm lượng chất dinh dưỡng thông qua quá trình nuôi dưỡng đặc biệt, những thực phẩm biến đổi gen. Ví dụ, trứng gà tăng cường omega -3 từ những con gà được nuôi trong điều kiện đặc biệt. Thành phần bổ sung là sản phẩm chứa thành phần dinh dưỡng nhằm bổ sung chất dinh dưỡng bên cạnh bữa ăn hàng ngày, có thể chứa một hoặc kết hợp nhiều thành phần sau đây: vitamin, khoáng chất, các loại thảo mộc, axit amin, chất dinh dưỡng bổ sung, chất cô đặc, chất hỗ trợ quá trình chuyển hóa của cơ thể hoặc dịch chiết từ các loại dược liệu. Ví dụ, viên vitamin E, canxi, nhân sâm, dầu cá, tảo biển,… Thành phần bổ sung được sản xuất và đóng gói dưới nhiều hình thức viên nén, viên nang, gel mềm, bột, dạng lỏng… Có lẽ, cách gọi “Dietary Supplement” là thực phẩm chức năng đang phổ biến ở nước ta hiện nay xuất phát từ việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt chăng? Hay do chúng ta chưa có sự thống nhất trong khái niệm “thực phẩm chức năng”. Chính sự nhầm lẫn này là kẽ hở cho những người lợi dụng trào lưu sử dụng thực phẩm chức năng của người dân để kiếm lời, đặc biệt là với những sản phẩm nhập ngoại. Sử dụng đúng cách thực phẩm chức năng Thông thường, đối với một người khi khỏe mạnh ăn thực phẩm truyền thống thông qua bữa ăn hàng ngày là đủ nhu cầu dinh dưỡng. Khi cơ thể có dấu hiệu suy yếu, cần đến sự hỗ trợ của thực phẩm chức năng và thành phần bổ sung. Khi cơ thể ốm bệnh, cần thuốc để điều trị. Như thế để thấy rằng , điều quan trọng nhất vẫn là bữa ăn hàng ngày; thực phẩm chức năng và thành phần bổ sung giúp bổ sung những dưỡng chất cơ thể đang thiếu hụt, tăng cường dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh tật hoặc hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật chứ không có tác dụng chữa bệnh. Việc sử dụng thực phẩm chức năng và thành phần bổ sung có thực sự an toàn hay không? Theo khuyến cáo của FDA, khi sử dụng thành phần bổ sung có thể gây nguy hiểm trong những trường hợp: Kết hợp nhiều loại thành phần bổ sung; kết hợp thành phần bổ sung cùng thuốc điều trị bệnh; thay thế thuốc điều trị bằng thành phần bổ sung; sử dụng quá nhiều thành phần bổ sung. Ví dụ, viên sắt là loại thành phần bổ sung được dùng rất phổ biến ở Việt Nam. Người bình thường chỉ cần 1miligram sắt mỗi ngày. Nếu lượng sắt đưa vào cơ thể vượt quá mức cần thiết, cơ thể không tự đào thải gây đến thừa sắt. Lượng sắt thừa sẽ tích tự vào gan, tuyến tụy, tuyến yên, tim. Về lâu dài, gây ra các bệnh đái tháo đường, tim mạch, loãng xương… Tương tự, việc sử dụng thực phẩm chức năng cũng vậy. Người tiêu dùng cần nắm rõ những thành phần được bổ sung trong thực phẩm đó là gì, hàm lượng bao nhiêu, có gây tác dụng phụ hoặc dị ứng cho cơ thể hay không? Ví dụ, trứng gà giàu omega 3, loại thực phẩm chức năng đang được bán khá phổ biến ở Việt Nam, được quảng cáo giàu omega 3, giàu các loại vitamin, do gà được ăn tảo biển, dầu cá, đặc biệt tốt cho người già và trẻ em. Nghe có vẻ rất an toàn vì trứng gà là thực phẩm quen thuộc của người Việt, nhưng cần chú ý hàm lượng omega 3 là bao nhiêu, ăn nhiều có nguy cơ gì? Với những thông tin đưa ra ở trên, người tiêu dùng không nên chỉ tin vào lời quảng cáo, cần đọc kỹ nhãn mác của mỗi sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm được mua từ nước ngoài. Khi đọc bao bì, người tiêu dùng cần để ý kỹ các thông tin: Chất dinh dưỡng gì được bổ sung vào thực phẩm? Hàm lượng các chất dinh dưỡng là bao nhiêu? Thành phẩn của sản phẩm là những gì? Nhu cầu và khả năng hấp thu của cơ thể như thế nào? Tác dụng phụ của những thành phần đó gây ra là gì? Thêm nữa, cần có sự kiểm tra sức khỏe để biết chắc rằng cơ thể có đang cần chất đó hay không? Có một quan niệm khá phổ biến trong những bà mẹ Việt Nam khi nuôi con nhỏ.Khi thấy trẻ rụng tóc vành khăn, đa phần cho trẻ thiếu canxi, lập tức mua canxi cho trẻ dùng mà không cần biết trẻ có thiếu thật hay không. Trong khi, nếu canxi được bổ sung quá nhiều sẽ gây ra các bệnh rất nguy hiểm như sỏi thận, cường giáp, rối loạn tiêu hóa...
Trong những năm vừa qua, ngành y tế Hải Dương tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị chức năng thường xuyên tiến hành kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường, đã tiến hành đình chỉ lưu hành hàng chục mẫu thực phẩm chức năng không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, khâu quản lý thị trường dược nói chung, thị trường thực phẩm nói riêng còn nhiều lỗ hổng, vì vậy song song với sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng thì chính bản thân người tiêu dùng cần phải nâng cao kiến thức để bảo vệ sức khỏe của mình. Không nên lạm dụng các thực phẩm chức năng, cần đa dạng hóa món ăn, không nên tập trung chỉ một loại thực phẩm.