Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đầu tiên

Thứ ba - 18/05/2021 15:10 316 0
Trần Đại Nghĩa – một người mà không chỉ thế hệ hôm nay, không chỉ với lớp lớp cán bộ chiến sĩ của hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh, không chỉ các nhà khoa học, công nhân quân giới, đồng bào trong nước mà cả bạn bè quốc tế đều kính trọng và coi như là Một huyền thoại…
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với GS Trần Đại Nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với GS Trần Đại Nghĩa.
Trần Đại Nghĩa-Nhà khoa học–Thiếu tướng, Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ công thương, Thứ trưởng Bộ công nghiệp, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam, cố vấn Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa II, III, Huân chương Hồ Chí Minh, giải thưởng Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động, Viện sĩ Viện Hàn lân Khoa học Liên Xô.
Trần Đại Nghĩa – người tri thức đầu tiên của Việt Nam ngay từ năm 1953 đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trần Đại Nghĩa – một người mà không chỉ thế hệ hôm nay, không chỉ với lớp lớp cán bộ chiến sĩ của hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh, không chỉ các nhà khoa học, công nhân quân giới, đồng bào trong nước mà cả bạn bè quốc tế đều kính trọng và coi như là Một huyền thoại…
Nhờ hàng loạt những vũ khí mới ra đời cùng với những đòn quyết định của giai đoạn tổng phản công đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, cuộc kháng chiến 9 năm của quân và dân ta kết thúc thắng lợi. Hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Trần Đại Nghĩa trở lại thủ đô với nhiều trọng trách mới và nhiều gắn bó với khoa học.
Thời kỳ đánh trả và chiến thắng cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc có sự đóng góp lớn của Trần Đại Nghĩa trong việc cùng với các nhà khoa học và các chiến sĩ phòng không nghiên cứu chống nhiễu thành công để tên lửa SAM 2 bắn rơi nhiều pháo đài bay B-52, một lần nửa làm nên một Điện Biên Phủ trên không, toàn thắng 30-4-1975 – Đất nước về một mối.
Nhớ lại khi cung cấp tài liệu về điều kiện tự nhiên ở khu vực cho phía Liên Xô cũ làm cơ sở thiết kế nhà máy thủy điện Sông Đà, Chủ nhiệm Ủy ban KH-KT Nhà nước kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước phải cân nhắc giữa 2 con số, cấp động đất 7 hay 8? Đội ngũ các bộ khoa học địa vật lý đã sưu tầm, nghiên cứu khá đầy đủ, những việc quyết định con số cuối cùng thì buộc trách nhiệm và lương tâm khoa học của người lãnh đạo. Một thách thức lớn về chấp nhận xác suất rủi ro hợp lý hoặc coi trọng sự an toàn công trình với những tốn kém lớn trong thiết kế, thi công?
Sau những đêm trằn trọc lý giải, cân nhắc lựa chọn, GS mới đặt bút ký với những ghi chú, lưu ý các cơ quan thiết kế, thi công quan tâm đến chất lượng và an toàn công trình . GS thường nhắc đến câu tục ngữ có liên quan đến công nghiệp vũ khí : “Sai một ly, đi một dặm”. Quyết định về chủ trương cũng vậy.
Vào đầu những năm 70, Thủ đô Hà Nội vừa trải qua những đợt tàn phá nghiêm trọng. Các công trình kỹ thuật hạ tầng xuống cấp nặng nề. Những điều kiện đi lại, ăn ở và lao động của cán bộ, nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Một số cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có nghiên cứu đề án xây dựng Thủ đô mới ở phía Bắc Hà Nội và trên thực tế đã hình thành vài cụm dân dụng ở Xuân Hòa – Phúc Yên. Một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hay chỉ mới là cái ý tưởng chưa định hình? Dù ở trường hợp nào thì vai trò tham mưu của Chủ nhiệm Ủy ban KH-KT Nhà nước kiêm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước cũng thôi thúc GS  nghiêm cứu trình bày quan điểm, nhận thức của mình đối với công trình.
Đã từng chỉ đạo, quản lý xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật các ngành công nông nghiệp, và với tầm nhìn bao quát về kinh tế - xã hội, GS cảm thông sâu sắc nổi khó khăn của công tác nghiên cứu thiết kế cải tạo một thành phố đã đổ nát cũng như ước vọng của lãnh đạo cấp cao lúc đó, mong muốn sớm có một Thủ đô khang trang, bộ mặt của đất nước.
Tuy nhiên, với tư duy phản biện, GS nhận thấy khoảng cách qúa lớn giữa yêu cầu và khả năng, giữa ước vọng điều kiện khả thi một công trình tầm vóc lớn.
Trong trình bày ý kiến riêng, GS tránh không đi sâu lý giải tầm quan trọng, ý nghĩa của vấn đề mà chỉ nêu lên những con số tổng hợp tối đa và tối thiểu về suất đầu tư bình quân kèm theo những số liệu trung bình các vật liệu chủ yếu cần thiết, các số liệu gần như học thuộc lòng của một nhà quản lý xây dựng cơ bản: xi măng, sắt thép gỗ. GS không phủ định chủ trương mà chỉ khái quát, minh họa qua một vài con số để xem xét và cần lưu ý.
Những năm có chiến tranh, nền khoa học – kỹ thuật và kinh tế miền Bắc ít tiếp xúc với bên ngoài trừ phe XHCN.
Đường lối kinh tế - xã hội lúc đó tương đối cứng, theo một chiều đã định. Năm 1965, Trung ương Đảng ta có dự định cử một đoàn cán bộ cao cấp đi nghiên cứu ở Nhật. Đồng chí Nguyễn Văn Trân lúc đó là Bí thư Trung ương Đảng và GS Trần Đại Nghĩa được giao chuẩn bị tư liệu kinh tế - khoa học kỹ thuật và tham gia đoàn.Thông tin về nước Nhật hiếm hoi. Qua nghiên cứu sơ bộ tình hình nước Nhật, GS nhận thấy có những điểm cần liên hệ với VN chuẩn bị cho thời hậu chiến. Sau đó, do quan hệ đối ngoại, Đoàn không đi Nhật lại đi Pháp. Đến Pháp, ngoài công tác chung của Đoàn, GS đặc biệt quan tâm đến tìm tài liệu, trao đổi về Nhật. Về Nhật, ông rút ra một số nhận định rồi tiếp tục nghiên cứu các nguyên nhân đã đưa một nước bại trận trong thế chiến thứ II, nghèo tài nguyên, khắc nghiệt địa lý lại vươn lên với các bước tiến kỳ diệu làm cả thế giới ngạc nhiên. GS cũng xem xét cả Tây Đức nửa, nước đồng hành bại trận rồi liên hệ với các nước thắng trận, tình hình các mặt trong nước ta.
Ông kết luận: lòng yêu nước kinh tế của nhân dân Nhật trong thời chiến có nhiều đặc điểm cần lưu ý, có thể phân tích để học tập, vận dụng vào VN sau khi thống nhất đất nước.Vượt qua những ức chế thông thường trong suy luận chủ quan, GS xem xét cả mối quan hệ giữa chủ và thợ, giữa hoạt động của các tập đoàn Nhật lúc bấy giờ - do lúc này ông là Ủy viên Ban chấp hành Tổng công đoàn VN.
Vào đầu những năm 70, khi có dự báo khả năng thống nhất đất nước đến gần, GS phân tích các đặc điểm, những quy luật diễn biến thường xảy ra trong tâm lý của một nước sau khi đã thắng trận, kể cả các điểm rút ra từ lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước ở VN.
Trung thành với tư tưởng yêu nước của Bác Hồ, GS da diết muốn nghiên cứu tìm ra các qui luật vận động của nó trong thời hậu chiến nhằm đạt hiệu quả tối ưu, tránh các hụt hẫng lúng túng khi chuyển sang giai đoạn mới. “Lòng yếu nước kinh tế” theo GS – là sự cụ thể hóa tư tưởng yêu nước của Bác Hồ cho phù hợp với thời kỳ mới. Nói cách khác đó cũng là sự kết hợp tư tưởng yêu nước với tư duy khoa học.
Nếu ở giai đoạn chống ngoại xâm, lòng yêu nước được thể hiện quyết liệt, mọi lợi ích đều phải tập trung vào một mục tiêu duy nhất thì ở thời kỳ mới nó lại được kết hợp, xử lý hài hòa, đa dạng, phong phú, kể cả lợi ích của bên ngoài nửa. Trong quan hệ giữa con người cũng vậy, có sự mềm dẻo, uyển chuyển, miễn là không xâm phạm đến lợi ích tối cao của dân tộc. Đề xuất “lòng yêu nước kinh tế” của GS Trần Đại Nghĩa không đơn thuần đưa ra một cụm từ mang tính khẩu hiệu mà là một quá trình tư duy phản biện, phân tích sâu các khía cạnh thuận và nghịch về những diễn biến, dự báo những khả năng ở các trường hợp. Trong số báo Xuân Đinh Sửu (báo Tri Thức Trẻ), nhà báo kinh tế Huỳnh Bửu Sơn có tâm đắc với tư duy của nhà khoa học và phát triển thêm một bước.
Ở cương vị cấp cao ở cơ quan Nhà nước hoặc ở vai trò tham mưu tư vấn, GS Trần Đại Nghĩa luôn coi trọng các lập luận phản biện, xem đó là cách tốt, giúp làm sáng tỏ vấn đề, tránh mọi sự giáo điều hoặc thiển cận trong sinh học khoa học – kỹ thuật – kinh tế. Bản thân ông cũng vậy, thường xuyên động não, xem xét, phân tích theo phương pháp luận đối chứng, tránh đặt mình vào một trạng thái bảo thủ, cứng nhắc.
Với phong cách nghiên cứu sâu sắc, coi trọng “định lượng” hơn “định tính”, mọi lập luận phản biện của GS Trần Đại Nghĩa thường có chiều sâu học thuật, những cơ sở khoa học và thực tiễn. Không phải tất cả các đề xuất của GS đều được chấp nhận, nhưng ông vẫn thãn nhiên, xem như đã làm tròn trách nhiệm và lương tâm khoa học. Hỏi GS ông vui vẻ nói: “Một công trình luôn có nhiều phương án thực hiện, đâu phải là duy nhất. Chúng ta biện luận để lựa chọn phương án tối ưu (optimum) chứ không phải đạt mục đích kẻ hơn người thua! Có trường hợp phải để cho lịch sử phán xét sau này”.
Đối với các nhà khoa học trẻ, GS thường có lời khuyên: “Nên đầu tư nghiên cứu kỹ mỗi khi nêu ra một lập luận phản biện nhằm tránh kéo dài tranh cãi, không đi đến kết luận trong lúc yêu cầu thực hiện lại cấp bách. Quy luật kinh tế - xã hội luôn vận động nhanh chóng, nó chẳng chờ đợi ai”.Tư duy phản biện của GS Trần Đại Nghĩa gắn với lòng yêu nước kinh tế, không phải lả sự phô trương kiến thức, tranh cãi bất tận hoặc “nói leo” khi thảo luận.
Lê Thanh Hà
 Từ khóa: TRẦN ĐẠI NGHĨA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây