Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Côn Sơn tỉnh Hải Dương lần thứ IV năm 2016 – khoa học, sáng tạo, thành công

Thứ sáu - 19/05/2017 10:12 463 0
Giải thưởng khoa học và công nghệ Côn Sơn Hải Dương là Giải thưởng cao nhất về lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh Hải Dương để xét tặng cho những công trình khoa học và công nghệ tiêu biểu, có đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và biểu dương tài năng cống hiến của cán bộ khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giải thưởng được xét tặng 5 năm một lần.

Giải thưởng khoa học và công nghệ Côn Sơn Hải Dương lần thứ IV- 2016 đã nhận được 58 công trình tham gia. Số công trình trên được phân ra làm 5 lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn: 16 công trình; Cơ khí, tự động hóa: 13 công trình; Điện, Điện tử - Viễn thông: 12 công trình; Nông nghiệp, môi trường và khác: 12 công trình; Y, Dược học: 05 công trình.

Ban tổ chức thành lập 5 Ban Sơ khảo để chấm các lĩnh vực trên. Sau khi chấm sơ khảo, có 41 công trình đủ tiêu chí đưa vào chấm chung khảo. Các Ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo làm việc với tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy chế, biểu điểm đã được Hội đồng xét tặng Giải thưởng thông qua. Hội đồng chung khảo đã chấm, xét chọn được 33 công trình đề nghị UBND tỉnh khen thưởng, cụ thể như sau: 03 giải A; 06 giải B; 09 giải C; 15 giải Khuyến khích.

Các công trình đoạt giải thưởng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có điểm chung giống nhau là có tính mới, tính khoa học, được ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại giá trị kinh tế, xã hội to lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, như công trình: Máy đo mực nước tự động BHH-H01. Công trình do ông Đặng Duy Hiển và một số cộng sự của Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc Hưng Hải nghiên cứu và triển khai.

Nguyên lý thiết kế, chế tạo: Sử dụng động cơ điện giảm tốc để thả phao xuống, khi xuống đến mặt nước nhờ vào lực đẩy Acsimet của nước kết hợp với kết cấu cơ khí , công tắc hành trình để ngắt điện dừng động cơ, sử dụng Encoder tự chế đếm số vòng dây được thả ra, từ đó xác định được khoảng cách (h) từ vị trí đặt máy đến mặt nước, căn cứ vào cao độ đặt máy H0 sẽ xác định được cao độ mực nước tại thời điểm đo (H=H0-h). Sử dụng vi điều khiển AVR để vận hành các tiến trình đo, tính toán và truyền thông (truyền số liệu về máy chủ).

Vật liệu sử dụng để sản xuất máy gồm fomex và mica, đây là các loại vật liệu thông dụng, không bị biến dạng hoặc hư hỏng khi nắng nóng lớn hoặc mưa ẩm và đặc biệt không làm ảnh hưởng đến môi trường (nước, không khí, máy hoạt động không gây tiếng ồn). Kết cấu máy đơn giản, dễ dàng lắp đặt, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nên phạm vi giải quyết việc làm lớn.

          Có thể áp dụng để đo được trong mọi nguồn nước (nước sạch, nước bùn, nước thải, nước biển...), không bị ảnh hưởng bởi vật cản (bèo, túi bóng, nilong, cây cối...) và áp dụng đo đối với nhiều loại hình công trình (hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, cống, giếng khoan, giếng đào, ao chứa nước sinh hoạt...)

Máy đo có chi phí sản xuất thấp, vật liệu sản xuất có tính năng chịu nhiệt độ, độ ẩm và không bị tác động khi thời tiết, thiên nhiên biến động. Phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Giá thành sản xuất một sản phẩm 1.800.000 đồng;  Chi phí cước viễn thông 3G truyền dữ liệu về máy chủ chỉ 30.000 đồng cho một tháng, được đánh giá là tối ưu giảm bớt chi phí vận hành.

Theo số liệu điều tra, toàn quốc có khoảng 20.000 công trình thủy lợi cần đầu tư hệ thống giám sát mực nước để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Nếu đầu tư lắp đặt mỗi công trình tiết kiệm 60 triệu đồng (so với thiết bị nhập ngoại), thì có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách quốc gia.

Công trình đoạt giải A Giải thưởng khoa học công nghệ Côn Sơn lần IV-2016.

Công trình: Di sản Hán Nôm Hải Dương của nhà sử học Tăng Bá Hoành. Nhiệm vụ của công trình là sưu tầm văn bản ở các khoa lưu trữ và tại di tích; sao chụp văn bản gồm văn bia, thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự…; khôi phục văn bản nguyên văn Hán Nôm; phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, tóm tắt giá trị văn bản và mỹ thuật, nguồn gốc văn bản; biên tập, xuất bản và phát hành đúng địa chỉ để phát huy. Việc khôi phục văn bản là vô cùng khó khăn vì “Trăm năm bia đá cũng mòn”, những văn bản trên giấy, gỗ thì nhòe rách, mối mọt… nhưng các tác của công trình đã cố gắng sao lưu như bản gốc, dịch đúng nghĩa, sát nghĩa, chính xác từng văn tự.

Di sản Hán nôm tỉnh Hải Dương là tài sản quý giá với hàng trăm tư liệu chứa đựng các thông tin có liên quan đến các di tích văn hóa, là di sản văn hóa thành văn phong phú của tỉnh Hải Dương. Đây là công trình có tính khoa học, sáng tạo trong dịch nghĩa đầy đủ các di sản Hán nôm. Việc khôi phục văn bản là vô cùng khó khăn, với bao công sức Ban chủ nhiệm công trình mới có thể tổng hợp, phân loại, tóm lược, sắp xếp và xuất bản được 2 tập.

Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định rằng Giải thưởng khoa học công nghệ Côn Sơn Hải Dương lần thứ IV- 2016 đã thành công tốt đẹp; đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, của quần chúng; đã lựa chọn được những công trình tiêu biểu góp phần ứng dụng cho đời sống – xã hội phát triển hiện nay./.

TS. Nguyễn Kim Diện
Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây