Thực vậy, ngay từ thời vua Hồng Đức, trong bài văn bia của Tiến sĩ Thân Nhân Trung viết năm 1484 đã cho rằng hiền tài là nguyên khí nghĩa là khẳng định những người có tài cao, học rộng và có đạo đức chính là khí chất làm nên sự sống còn và phát triển của quê hương, đất nước. Nhận thức được giá trị to lớn của triết lý trên, các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam đã rất quan tâm đến việc đào tạo, giáo dục nhân tài. Chỉ tính từ khoa thi tuyển chọn nhân tài đầu tiên 1075 đến khoa thi cuối cùng về Nho học vào năm 1919, nước ta đã có 2898 tiến sĩ và học vị tương đương. Trong đó tỉnh Hải Dương đã có 470 người, giữ vị trí dẫn đầu các tỉnh thành về số lượng tiến sĩ. Đặc biệt là trong khoa thi tiến sĩ năm Thịnh Đức thứ 3 (1656) có gần 3000 sĩ tử cả nước về kinh thành Thăng Long dự thi, kết quả chỉ có 6 người trúng tuyển, trong đó Hải Dương chiếm 3 cùng quê làng Mộ Trạch huyện Bình Giang Hải Dương.
Ảnh minh họa.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định : “Sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Chính vì vậy trong nhiều năm qua việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bối dưỡng nhân tài luôn được ưu tiên quan tâm. Nhiều thành tựu đạt được của giáo dục đào tạo đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, trong đó đáng chú ý là sự đóng góp công sức, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học công nghệ, nhất là những người có học hàm, học vị.
Theo số liệu thống kê từ 1980 tới nay cả nước có 1715 giáo sư (GS), với độ tuổi trung bình là 57,13 tuổi; có 9059 phó giáo sư (PGS), tuổi trung bình là 50,88 tuổi. Trong tổng sô GS và PGS trên có 83,5% là nam, 16,5% là nữ. Tính đến ngày 26/4/2016 cả nước có hơn 24.000 Tiến sĩ (TS), Có thể khẳng định rằng đây là lực lượng nhân tài của đất nước. Họ có mặt trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Bằng tâm huyết và sức sáng tạo của mình, họ đã cống hiến cho nhân loại nói chung, dân tộc nói riêng nhiều điều mới mẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Họ làm việc không vì mục đích lợi nhuận tiền bạc, của cải mà là vì sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của mọi người. Trong cuộc sống đời thường, họ không ham quyền cao, chức trọng, địa vị danh vọng mà chỉ khát khao nghiên cứu tìm tòi,phát hiện ra cái mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công việc.
Những cống hiến ấy đã nhận được rất nhiều tình cảm quý báu của các thế hệ đồng nghiệp, học trò khi họ được tiếp nhận các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, phương pháp học tập, tư duy logic, biện chứng, phương pháp thực nghiệm kiểm chứng, gắn liền lý luận với thực tiễn góp phần làm sáng tỏ chân lý từ những công trình nghiên cứu, những phát minh, sáng chế của đội ngũ những người có học hàm, học vị. Các thế hệ đồng nghiệp, học trò trong các cơ quan, viện nghiên cứu, giảng đường đại học và đông đảo quần chúng nhân dân luôn luôn tỉnh táo, sáng suốt nhận ra giá trị chân thực của các phẩm chất đức độ, các tài năng trí tuệ với những sản phẩm khoa học do bản thân đội ngũ hiền tài sáng tạo ra. Bởi thế, họ luôn luôn biết ơn, tôn trọng, kính phục những con người có học hàm, học vị.
Vậy là, giá trị đích thực của những người có học hàm, học vị là những thành công trong hoạt động khoa học của họ được vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống và được chuyển hóa thành tài sản vật chất, tạo ra nền móng cho sự phát triển sức mạnh tinh thần để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Hẳn chúng ta không thể quên tên tuổi nhà bác học Lương Đình Của với nhiều công trình tìm ra các giống lúa mới phục vụ sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Hoặc những công trình trong lĩnh vực Lý thuyết đa thế vị, Giải tích và hình học phức của GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành Toán học của thế giới. Đây là vị giáo sư trẻ nhất năm 2017 (36 tuổi, người Hải Dương).
Đáng tiếc là trong thời gian qua, nhất là năm 2017 việc phong hàm GS,PGS và việc đua nhau đi học các khóa học từ xa ngắn hạn của của một số trường Đại học nước ngoài mở tại Việt Nam để nhận học vị thạc sĩ, tiến sĩ đã gây nên dư luận xôn xao trong xã hội, khiến không ít người nghi ngờ tính chất tiêu cực trong các việc làm trên. Trong số 1226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2017 mà Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đã công bố, khi tiến hành rà soát lại theo yêu cầu của Thủ tướng thì có tới 94 ứng viên phải xem xét lại vì có đơn thư phản ánh và hồ sơ chưa đầy đủ cần xác minh thêm về số lượng đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học, giờ giảng…Sau khi rà soát xong, Chủ tịch Hội đồng phong hàm GS đã chính thức báo cáo Chính phủ có 41 người chiếm tỷ lệ 3,3% không đủ điều kiện phong hàm GS, PGS năm 2017. Thực tế là như vậy mà GS Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng đã vội khẳng định: “Chất lượng không thay đổi. Thậm chí chất lượng có phần tăng lên”. Rõ ràng nếu không có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì 41 ứng viên này nghiễm nhiên đã được công nhận GS,PGS. Hiện tượng trên làm cho người ta hoài nghi về việc “mua” phiếu và tinh thần làm việc thiếu nghiêm túc ở một số hội đồng khi xét duyệt các ứng viên. Từ thiếu sót của năm 2017, câu hỏi đặt ra là liệu những năm phong hàm trước đó có hiện tượng tương tự như trên xảy ra không ? Bởi vì trên thực tế người ta thấy có những người đã được phong hàm không tham gia giảng dạy, không đủ trình độ tiếng Anh để giao tiếp, không có uy tín với đồng nghiệp và học trò. Đấy là chưa kể đến chuyện ở một số lĩnh vực tiêu chuẩn phong hàm còn thấp hơn tiêu chuẩn bảo vệ học vị TS.
Cùng với những sai sót của việc phong chức danh học hàm, việc chạy đua học vị cũng xảy ra không ít trường hợp. Đó là những người tham gia học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo nước ngoài theo hình thức đào tạo từ xa, với lượng thời gian học tập ít ỏi và không cần sự thông thạo về ngoại ngữ. Ví như bằng tiến sĩ của Nguyễn Xuân Anh (từng giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), Nguyễn Xuân Sang (Cục trưởng cục Hằng hải) đều không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Rõ ràng là những tấm bằng tiến sĩ này chỉ là một sự háo danh, tham vọng chức quyền khi có thời cơ.
Sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước đang rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là những người có bằng cấp học hàm, học vị cao với chất lượng thực. Họ sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội bằng những sản phẩm giàu hàm lượng trí tuệ và mang tính sáng tạo. Phấn đấu để có học hàm, học vị là điều cần thiết, nhưng điều luôn luôn phải nhớ là giá trị đích thực của học hàm, học vị nằm trong các hoạt động thực tiễn được mọi người thừa nhận chứ không phải chỉ trong tấm bằng bằng giấy. Xin đừng làm những việc “hữu danh vô thực”. Vì “Trăm năm bia đá cũng mòn; Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
TS. Phạm Trung Thanh
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Hải Dương