Đôi lời bàn về trí thức

Thứ bảy - 16/12/2017 14:43 543 0
Theo Từ điển tiếng Việt hiện hành, trí thức được giải thích là người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp. Theo từ tiển Hán Việt thì trí thức giai cấp là những người trong xã hội có trí thức, nghĩa là những từng chịu sự giáo dục khá cao (Đào Duy Anh).
Trí thức
Theo Từ điển tiếng Việt hiện hành, trí thức được giải thích là người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp.
Theo từ tiển Hán Việt thì trí thức giai cấp là những người trong xã hội có trí thức, nghĩa là những từng chịu sự giáo dục khá cao (Đào Duy Anh).
Thời phong kiến, người ta chia xã hội là bốn hạng người, thường gọi là tứ dân: sĩ, nông, công, thương. Sĩ tức tầng lớp trí thức, những người học nhiều, hiểu rộng, những nhân tài của đất nước. Sĩ còn có nghĩa là những người làm quan, tức những người lãnh đạo xã hội thời phong kiến.
Nghiên cứu quá trình lịch sử dân tộc cũng như nhân loại, trí thức là mục tiêu mà mọi người mong vươn tới và bao giờ cũng là động lực phát triển của mỗi quốc gia. Bởi thế, ngay từ triều Lý, nhà nước phong kiến đã sớm thành lập Quốc tử giám để đào tạo nhân tài. Năm Thái Ninh thứ tư (1075), nhà Lý mở khoa thi tuyển minh kinh bác học và Nho học tam trường. Đây là kỳ thi đại khoa đầu tiên tuyển nhân tài cho đất nước. Tại Văn miếu quốc tử giám, ở tấm bia có niên đại sớm nhất (1484), Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã viết:
"Mở khoa thi, chọn kẻ sĩ là việc đầu tiên trong phép trị nước. Tô điểm cơ đồ, mở mang giáo hóa nhân dân, gây phong tục tốt là nhờ ở đó. Các bậc đế vương xưa, làm việc trị bình không ai cũng theo con đường ấy”, bởi vì:” Hiền tài là nguyên khí của quốc qia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các bậc thánh đế, minh vương ai cũng lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”. Như vậy ở nước ta, nhà nước phong kiến đã sớm nhận thấy vai trò to lớn của trí thức, đặc biệt là những hiền tài, nghĩa là những người vừa có tài, vừa có đức. 
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, một số nhà chính trị cực đoan, xếp trí thức vào số người cần phải đấu tranh, cải tạo của cách mạng: 
“Trí phú địa hào, đào tộc gốc, trốc tận rễ”. Đó chỉ là một thời. Xã hội sớm muộn cũng tìm ra chân lý, khắc phục những nhận thực ấu trĩ, tả khuynh, tôn trọng và tận dụng tài năng của hiền tài. Nếu không quan tâm đến hiền tài, đến trí thức thì nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học mất phương hướng. Sinh thời, Napoléon (1769-1821) đã từng nói với những người dưới quyền, đại thể rằng, tôi không sợ trả lương các anh cao mà vấn đề quan trọng là làm thế nào để khai thác khả năng tiềm tàng của các anh. Tiềm năng của mỗi con người là rất lớn, nhất là đội ngũ trí thức, nhưng làm thế nào để khai thác được tiềm năng ấy là vấn đề không dễ.  
Cách đây hơn 30 năm, bắt đầu vào thời kỳ đổi mới, Viện Sử học Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có tổ chức một cuộc hội thảo trong phạm vi hẹp, bàn về “Con người Việt Nam trong lịch sử” tất nhiên là cả ưu và khuyết. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được phân công viết về Trí thức Việt Nam trong lịch sử. Ông trình bày trong nửa tiếng. Ở đây tôi chỉ đưa ra những nhận xét căn bản. Ông có nhận xét rằng, Nhà nước phong kiến rất cần đội ngũ trí thức, vì không có họ, lấy ai lãnh đạo và quản lý đất nước, vì thế mà mở trường đào tạo nhân tài. Nhưng nhà nước phong kiến cũng không phải lúc nào cũng quý trọng trí thức, nhất là khi suy thoái, bởi chính họ thường kiến nghị với nhà nước về những vấn đề bất cập, những vấn đề cần phải cải cách, những vấn đề cần bãi bỏ. Những vấn đề ấy thường va chạm với quyền lợi triều đình phong kiến, nhiều khi rất quyết liệt. Ngược lại, trí thức rất cần đến nhà nước, nếu tài năng của họ không được trọng dụng thì tài năng sẽ mòn mờ, không ít trường hợp trở nên vô dụng, trừ những đại trí thức, họ là những người hiểu thời cuộc, nhìn thấy tương lai, tự biết làm gì hữu ích cho mình, cho gia đình và xã hội. Ngay từ thời phong kiến, các triều đại đã cố gắng trí thức hóa bộ máy nhà nước qua thi và cử nhưng không phải bao giờ cũng thành công.
Trí thức không phải cứ đào tạo mà thành. Mở các trường đào tạo là cần nhưng không bao giờ là điều kiện đủ. Nếu chỉ đào tạo mà thành các đại trí thức thì con các vua chúa đều trở thành danh nhân, cuộc sống đòi hỏi trí thức tự trưởng thành, tự khẳng định mình trong thực tiễn không chỉ thông qua trường lớp.
 Muốn trở thành trí thức, trước hết phải là những người mẫn tiệp, ham hiểu biết, lao động phi thường. Nói như giáo sư Trần Quốc Vượng là phải đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều. Đã là trí thức là phải khắc phục hoàn cảnh, phải lấy tự học làm căn bản, phải có suy nghĩ độc lập, khách quan, phải có đóng góp thiết thực cho tiến bộ xã hội, cho quê hương, đất nước, cao hơn là cho nhân loại. Rất nhiều đại trí thức, việc học ở trường lớp rất hạn chế, nhưng trong trường đời họ tiến bộ rất nhanh. Trong nước và trên thế giới rất nhiều tấm gương như thế. Ai có những tố chất đó đều có thể trở thành trí thức, bất kể họ xuất thân từ tầng lớp nào trong xã hội. Nhà nước tiến bộ là biết trọng dụng nhân tài, nhất là những người thực tài, không phải lúc nào cũng căn cứ vào bằng cấp. Triều Nguyễn, Phạm Đình Hổ (1767-1839) chỉ có bằng Tú tài mà bổ nhiệm đến chức Tế tửu Quốc tử giám, tức hiệu trưởng trường Đại học đương thời. Tomat Edison(1847-1931) bị đuổi học khi đang học cấp một, rồi đi ban hàng rong trên tầu mà trở thành nhà phát minh đại tài của thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh học ở trường lớp không được là bao, nhưng người có ý chí lớn, tâm hồn lớn, học hành trong thực tế không ngừng mà trở thành Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trở thành nhà văn hóa lớn. Như vậy, trí thức là tầng lớp thật vinh quang trong đời sống xã hội, nhưng muốn đạt được vinh quang ấy họ phải lao động không mệt mỏi cả đời người.
Trí thức Hải Dương xưa và nay
Để đạt được học vị Tiến sĩ thời phong kiến là sự học tập phấn đấu không ngừng qua nhiều năm của những con người mẫn tiệp, họ xứng đáng là những trí thức của một thời. Kể từ khi nhà Lý mở đại khoa, tuyển chọn nhân tài, đến khoa thi cuối cùng (1919), Hải Dương có tới 644 Tiến sĩ và những học vị tương đương, chưa kể trên 20 người được phát hiện trên bia ký, gia phả, thần tích, sắc phong cần phải xác minh. Với số lượng ấy, cũng đã chiếm gần 23% số Tiến sĩ của cả nước. Đây chưa kể hàng nghìn Cử nhân, hàng vạn Tú tài, góp phần to lớn vào việc bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời đại phong kiến. Trong số này nhiều người trở thành danh nhân của đất nước. Triều Lý có Mạc Hiển Tích (Nam Sách), Trần Đăng Nguyên (Chi Linh), Bùi Quốc Khái (Cẩm Giàng) đều là những người đỗ đầu khi thi đại khoa, có công trạng lớn trong sự nghiệp.
Triều Trần- Hồ (1225-1407) nhân tài xuất chúng nở rộ trên nhiều lĩnh vực. Quân sự có Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa. Chính trị có Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Phi Khanh. Ngoại giao Mạc Đĩnh Chi. Y dược có Phạm Công Bân, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Đại Năng. Tôn giáo có Pháp Loa... đều là những người có học thuật uyên thâm, sự nghiệp to lớn, trường tôn trong tâm thức của nhân gian.
Đến thời Hậu Lê, điển hình là Lê Sơ, trí thức Hải Dương có nhiều nhân vật điển hình trên nhiều lĩnh vực. Khi bàn về những nhân tài trong lịch sử, chúng ta phải đặt vào thời gian và không gian của thời đại ấy mới có thể nhận thức đầy đủ và khách quan, mặc dù ngày nay quê hương ấy không thuộc về Hải Dương nữa.
Sau chiến thắng giặc Minh xâm lược, dân tộc ta vươn lên như Phù Đổng, đất nước dài và rộng thêm. Thế kỷ XV là thế kỷ sáng ngời trong lịch sử Việt Nam. Xứ Đông trở thành “trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn, đứng đầu phên dậu phía đông”, không chỉ về an ninh, quốc phòng mà lớn hơn là tiềm năng nhân tài, vật lực, điển hình là đội ngũ trí thức hùng hậu, với những anh hùng cái thế, tài năng và đức độ rực sáng như Sao Khuê. Suốt 3 thế kỷ nội chiến, Lê-Mạc, rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, xứ Đông trải biết mấy lầm than. Trong hoàn cảnh ấy, có những thời hậu chiến để đất nước phục hồi. Người xứ Đông thích ứng với mọi hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên, trong đó có hàng trăm nhân vật kỳ tài trong những tình huống đặc biệt của lịch sử. Chính trị ngoại giao có Nguyễn Trãi, linh hồn của khởi nghĩa Lam Sơn. Chính sự có Nhữ Đình Hiền, Vũ Duy Chí. Toán học có Vũ Hữu mệnh danh là Trạng toán. Văn học có Nguyễn Dữ. Sử học có Lê Nghĩa, Phạm Công Trứ, Vũ Quỳnh; Y học có Lê Hữu Trác; triết gia tiên nghiệm có Nguyễn Bình Khiêm. Những ngành nghề nổi tiếng có Lương Như Hộc (in mộc bản), Nguyễn Thời Trung (giầy da), Bùi Thị Hý, Đặng Sĩ . Nữ tiến sĩ đâu tiên có Nguyễn Thị Duệ... Nghĩa là lĩnh vực nào cũng có những nhât vật tiêu biểu không chỉ cho địa phương mà cả đất nước, làm gương sáng cho thế hệ sau.
Triều Nguyễn ra đời, chuyển kinh đô từ Thăng Long vào Huế, việc học hành thi cử của sĩ tử Xứ Đông gặp không ít khó khăn; hơn thế, sĩ phu Bắc Hà không dễ gì được nhà Nguyễn trọng dụng, kết cục là số người đỗ đại khoa giảm hẳn, quan lại triều đình cũng thưa vắng hào kiệt xứ Đông. Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kỳ, Hà Nội trở thành thủ đô của xứ Đông Pháp, tức Đông Dương, Hải Phòng cũng thành cảng lớn. Năm 1923, trị sở Hải Dương tuy là thành phố, nhưng chỉ là thành phố của tiểu thương, một cái chợ lớn của nông nghiệp. Người Hải Dương muốn thành đạt phần lớn phải ly hương, đến các thành phố lớn để tìm cơ hội và không ít người đã thành đạt, rồi định cư ở đó.
Khi đất nước bị xâm lược sẽ hình thành những lực lượng chống xâm lược, buổi đầu là những sĩ phu Cần vương, những nghĩa sĩ cứu quốc, rồi đến những nhà cách mạng thực hiện giải phóng dân tộc bằng những học thuyết mới, thành lập những đảng phái khác nhau, những phương pháp giải phóng dân tộc khác nhau. Bối cảnh lịch sử của đất nước và địa phương như trên đã chi phối hành trạng của những trí thức thời kỳ này. Trong hoàn cảnh lịch sử không ít khó khăn cho con người Hải Dương thi thố tài năng, tuy thế, với truyền thống và bản lĩnh vốn có, đã không ít nhân vật vượt qua đêm đen của xã hội đương thời, snasg lên như những vì sao trên nền trời đất nước. Về chính trị có Lê Thanh Nghị, Nguyễn Lương Bằng, Vũ Duy Hiệu, Vũ Oanh..., Khảo cứu và giáo dục có Phạm Đình Hổ, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Văn Giáp; báo chí và văn học nghệ thuật có Nguyễn Trọng Thuật, Vũ Bằng, Vũ Đình Liên, Thiếu Sơn, Nguyễn Đình Nghị, Đỗ Nhuận, Võ An Ninh, Lộng Chương..., và nhóm Tự lực văn đoàn nổi tiếng một thời.
Sau Cách mạng tháng Tám, thanh thiếu niên Hải Dương có những khó khăn về phát triển tài năng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều người thất học, phải sau ngày miền Bắc được giải phóng, việc học hành mới đi vào quy củ. Trí thức Hải Dương trong thời kỳ hiện đại có số lượng không nhỏ, có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực và giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước cũng như các ngành chuyên môn. Về chính trị nhiều người tham gia Bộ chính trị, ủy viên trung ương đảng, thứ bộ trưởng. Về khoa học nhiều người được phong hàm giáo sư, viện sĩ, viện trưởng các cơ quan chuyên môn hoặc phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Thấy thuốc nhân dân. Về văn học nghệ thuật nhiêu người được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước hoặc được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Anh hùng lao động.
Trí thức Hải Dương đương đại hầu hết đang hoạt động trong bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoặc trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, với đội ngũ trí thức hùng hậu như hiện nay, nhân dân vẫn kỳ vọng sự đóng góp to lớn hơn, xứng đáng với với truyền thống của miền quê văn hiến. 
Tăng Bá Hoành 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây