Đôi điều cần đính chính về lịch sử ngày giải phóng thị xã Hải Dương 30-10-1954

Thứ bảy - 30/01/2016 14:26 1.047 0
Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoài bình ở Đông Dương được ký kết ngày 20-7-1954. Theo hội nghị Trung Giã Thái Nguyên, thị xã (TX) Hải Dương thuộc khu vực quân đội Pháp tập kết 100 ngày, do đó ngày tiếp quản TX Hải Dương được ấn định là ngày 30-10-1954.
Thành phố Hải Dương ngày nay, đang cố gắng phấn đấu lên đô thị loại I trước năm 2020. Ảnh minh họa.
Thành phố Hải Dương ngày nay, đang cố gắng phấn đấu lên đô thị loại I trước năm 2020. Ảnh minh họa.

Tới nay, 61 năm đã trôi qua, TX Hải Dương đã phát triển không ngừng, trở thành đô thị loại II. Song, một số diễn biến trong ngày trọng đại đó vẫn chưa được ghi chép một cách khách quan, trong sáng, rõ ràng. Chúng tôi nhận thấy thời điểm này là quá muộn song cần thiết để đính chính một số sự kiện thiếu chính xác, liên quan đến ba cuốn sách: Lịch sử thị xã Hải Dương xuất bản năm 1994; Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Dương – Tập 2 (1954-1997) xuất bản năm 1997; Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Dương (1930-2004) xuất bản năm 2004. Để cho gọn, trong bài viết này, chúng tôi xin được quy ước viết là Lịch sử 1994, Lịch sử 1997, Lịch sử 2004 để lần lượt chỉ ba cuốn sách vừa nêu.

          Chúng tôi xin được trình bày bốn điểm như sau:

          1.Ở dòng 4 trang 95, trong cuốn Lịch sử 1994 ghi: “Thành lập Đảng ủy quân chính và Ủy ban quân chính”. Ở dòng 2 và dòng 5 dưới lên trang 109, cuốn Lịch sử 2004 cũng ghi nội dung như trên.

          Thực tế, trên báo chí ta gặp các cụm từ Ủy ban quân quản chứ không phải Ủy ban quân chính. Ví như Ủy ban quân quản Hà Nội, Ủy ban quân quản Hải Dương, Ủy ban quân quản Sài Gòn…

          Cuốn “Trung đoàn 42 Trung Dũng” do NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 1995, có ghi tại trang 295 “…lập Ủy ban Quân quản do đồng chí Nguyễn Như Thiết, Trung đoàn trưởng – Trung đoàn 42 làm chủ tịch, trực tiếp điều hành việc tiếp quản thị xã Hải Dương…”

          2.Dòng 8 từ dưới lên trang 96 cuốn Lịch sử 1994 ghi “Trung đoàn 42… theo đường 5 và đường 17 tiến vào tiếp thu thị xã”. Cuốn Lịch sử 1997, dòng 3 từ dưới lên trang 5 ghi “Sau đó theo các hướng đường 17 (Gia Lộc), 191 (Tứ Kỳ) và đường 5 (Cẩm Giàng) Trung đoàn 42 … tiến vào tiếp quản thị xã.”

          Cuốn Lịch sử 2004, dòng 13 dưới lên trang 111 ghi “Theo kế hoạch đã định, 5 giờ ngày 30-10-1954, Trung đoàn 42 và… theo đường 5 và đường 17 tiến vào tiếp thu…”.

          Như vậy cả ba cuốn sử đều viết là ta tiến vào tiếp quản TX Hải  Dương theo đường 5 và đường 17. Theo kế hoạch đã định thì như vậy, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

          Tôi còn nhớ rất rõ năm 1994, khi nghiên cứu tư liệu trong kho lưu trữ của Tỉnh ủy, có được đọc một công văn có nội dung như sau: “Ta dự kiến tiến vào giải phóng TX Hải Dương qua 2 mũi, nhưng do bất cập về công tác thông tin liên lạc nên mũi đường 5 không vào được đúng giờ nên mũi đường 17 phải đảm nhận công việc tiếp quản của cả mũi đường 5, nghĩa là khối lượng công việc tăng lên gấp đôi. Song do tinh thần yêu nước, giải phóng quê hương nên mũi quân đường 17 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp.”

          Do không có bản sao văn bản này trong tay, tôi đã điền dã nghiên cứu và biết được rằng: Do không định nghĩa rõ khu chu vi TX Hải Dương là như thế nào, nên mỗi bên hiểu theo một cách. Trên đường 17, đồn binh cuối cùng của Pháp ở quán Phấn, cách TX Hải Dương chừng 7km. Nhưng trên đường số 5, các đồn binh Pháp ở Cao Xá, Lai Cách, Cầu Ghẽ, Mao Điền và thị trấn Sặt mới rút khỏi địa bàn và quãng 8 giờ sáng, bộ đội ta mới vào được Sặt. Trong bài báo “60 năm Hiệp định Giownevo và vấn đề Biển, Đảo”, tác giả Tăng Bá Hoành cũng cho biết là 8 giờ sáng 30-10-1954, bộ đội ta mới vào tới Sặt.

          Cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Sặt” xuất bản năm 1998, trang 85 ghi: “… đúng 8 giờ sáng ngày 30/10/1954, nhân dân kẻ Sặt cùng quân dân chính Đảng toàn huyện vào tiếp quản (Sặt).” Thực ra Pháp không bàn giao Sặt cho ta và ta cũng không tiếp quản Sặt. Các đồn binh Pháp khác trên đường số 5 cho đến sát TX Hải Dương cũng vậy. Đó chính là vì sao quân đội ta không theo mũi đường 5 và tiếp quản TX Hải Dương từ sớm 30-10-1954.

          Toán quân ở Sặt rút theo kiểu cuốn chiếu. Khi tới quán Gỏi thì toán quân đóng ở Quán Gỏi mới rút cùng. Khi tới Mao Điền thì toán quân ở Mao Điền cũng rút quân cùng… Cánh quân này rút xuống phía Hải Phòng và chỉ cần đi qua TX Hải Dương trước lúc quân đội Pháp ở Hải Dương bàn giao thị xã cho quân đội Việt Nam. Chúng tôi cũng biết được thêm là toán quân Pháp bàn giao TX Hải Dương chính là toán quân Pháp đã có kinh nghiệm bàn giao Hà Nội.

          Quân đội Pháp ở Sặt và đường 5 phía Tây TX Hải Dương rút quân bằng cơ giới. 8 giờ sáng 30-10-1954, quân đội ta đã tiếp quản xong TX Hải Dương, cũng vào giờ đó, quân đội ta mới vào tới Sặt.

          Đó là lý do tại sao lực lượng quân đội của ta ở mũi đường 5 không thể vào được TX Hải Dương theo như kế hoạch đã định.

          3.Dòng 7 và dòng 3 từ dưới lên, trang 96 cuốn Lịch sử 1994 ghi: “Đợt đầu gồm … 8 giờ chuyển giao xong, 8 giờ 17 phút tên Pháp cuối cùng rút khỏi đầu cầu Phú Lương. Đợt thứ hai, 13 giờ bộ đội tiến vào cũng theo đường 5 và đường 17…”.

          Cuốn Lịch sử 2004, dòng 11 dưới lên, trang 111 ghi: “Đợt đầu gồm… 8 giờ chuyển xong, 8 giờ 17 phút tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Phú Lương. Đợt thứ hai, 13 giờ bộ đội tiến vào cùng theo 2 đường trên…”.

          Hai cuốn lịch sử này cùng một nội dung và có sự mâu thuẫn. 8 giờ đã tiếp quản xong, 8 giờ 17 phút tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đầu cầu Phú Lương nghĩa là ta đã tiếp quản xong lúc 8 giờ, vậy làm gì có đợt tiếp quản thứ hai?

          Ta có thể giải thích mâu thuẫn này một cách dễ dàng, dựa vào những điều đã nói ở phần hai. 8 giờ sáng quân đội Việt nam mới vào tới Sặt. Một bộ phận nhỏ sẽ ở lại Sặt để duy trì trật tự an ninh. Đại bộ phận sẽ hành quân bộ về TX Hải Dương. Do đó phải 13 giờ trở ra mới tới được TX Hải Dương song không phải để tiếp quản (vì đã tiếp quản xong lúc 5 giờ sáng) mà chỉ để diễu hành, dự mít tinh và duy trì trật tự an ninh. Ta được biết thêm rằng sau tiếp quản Hải Dương, ta có thiết quân luật về ban đêm. Còn dân chúng và các cán bộ thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, ra vào thị xã phải có giấy thông hành do Ủy ban quân quản cấp.

          4.Về cuộc mít tinh chiều ngày 30-10-1954 mừng thắng lợi giải phóng TX Hải Dương thì 3 cuốn sách ghi không thống nhất.

          Cuốn Lịch sử 1994 ghi: “Mít tinh tại vườn hoa Độc Lập” (trang 97). Cuốn Lịch sử 1997 ghi “Mít tinh tại sân vận động trung tâm” (trang 6). Cuốn Lịch sử 2004 ghi “Tập trung tại vườn hoa Độc Lập” (trang 111).

          Cách ghi ở cuốn Lịch sử 1994 và Cuốn Lịch sử 2004 là chính xác, thể hiện ở bức ảnh kèm theo đây. Chỉ có vườn hoa Độc Lập mới có cây phi lao, còn ở sân vận động thì không có cây.

          Cuốn “Trung đoàn 42 Trung Dũng”, trang 299 ghi “15 giờ ngày 30-10-1954, hơn 20.000 bộ đội, cán bộ và các tầng lớp nhân dân TX Hải Dương và vùng phụ cận tham dự buổi mít tinh tại vườn hoa Độc Lập.”

          Tuy nhiên có hai khái niệm khác nhau là Quảng trường Độc Lập và vườn hoa Độc Lập. Ở đây ta dùng từ Quảng trường Độc Lập thì chính xác hơn.

          Trên đây là bốn điều mà chúng tôi thấy cần đính chính trong Lịch sử ngày Giải phóng TX Hải Dương. Vả chăng “Có hai thuộc tính lịch sử là tính chân thực và sự công bằng. Thiếu hai cái đó lịch sử sẽ trở nên thiếu tin cậy, trở nên giáo điều và mất đi sự hấp dẫn. (Trích Xưa và Nay, số 5/1999). Chúng tôi kính mong quý độc giả và nhân chứng lịch sử lên tiếng, thảo luận, cho ý kiến ngõ hầu tìm ra chân lý.

                                                                                                                   Lưu Đức Ý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây