Định hướng bảo tồn và phát triển bền vững Đảo Cò Chi Lăng Nam

Thứ năm - 23/08/2018 08:03 583 0
Với vị trí địa lý và khí hậu đặc thù, Việt Nam là một trong các quốc gia có khu hệ chim đa dạng với nhiều loài đặc hữu. Năm 2005, số lượng loài chim được xác định ở nước ta là 847 loài (Nguyễn Cử và nnk., 2005). Tuy nhiên đến năm 2011, số lượng này đã tăng lên con số 887 loài thuộc 88 họ, 20 bộ (Nguyễn Lân Hùng Sơn, Nguyễn Thanh Vân, 2011).
Một trong những hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao và là nơi trú ngụ, kiếm ăn của nhiều loài chim nước (water bird) chính là hệ sinh thái đất ngập nước (wetland ecosytem). Các vùng đất ngập nước là nơi trú ngụ của nhiều loài chim nước chủ yếu nằm trong các họ như họ: Diệc (Ardeidae), Hạc (Ciconiidae), Quắm (Threskiornithidae), Cốc (Phalacrocoracidae), Bồ nông (Pelecanidae), Cổ rắn (Anhigidae), Sếu (Gruidae), Gà nước (Rallidae), Choi choi (Charadreedae), Vịt (Anatidae),… Các loài chim nước được hiểu là các loài chim có đời sống gắn liền với môi trường nước và vì vậy từ hình thái (mỏ, chân) đến tập tính bắt mồi đều thể hiện sự thích nghi với việc kiếm mồi ở môi trường nước. Ở các vùng đồng bằng nước ta, đã từ lâu, nhiều sân chim, vườn chim đã được hình thành và thu hút số lượng lớn cá thể các loài chim nước đến sinh sống và làm tổ tập đoàn.
Ở miền Bắc, nhiều vườn chim cũng được hình thành từ lâu như: Vườn cò Ngọc Nhị (Hà Nội), Đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương), vườn cò Núi Chè (Bắc Giang), Vườn cò Đông Xuyên (Bắc Ninh), vườn cò Đạo Trù, Vườn cò Hải Lựu (Vĩnh Phúc),… Vườn quốc gia (VQG)  Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) là vùng đất ngập nước đầu tiên ở Đông Nam Á tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989. Mục tiêu quan trọng đầu tiên của VQG Xuân Thủy là bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di cư. Mặc dù các vườn chim, đảo chim ở miền Bắc thường có diện tích nhỏ, số lượng quần thể các loài chim nước không lớn như các sân chim, vườn chim ở miền Nam nhưng có vai trò quan trọng cung cấp nơi cư trú và sinh sản cho nhiều loài chim nước góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học và suy trì cân bằng hệ sinh thái.
Tuy nhiên, trước sức ép của gia tăng dân số, phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhiều diện tích đất ngập nước đang bị thu hẹp dần. Chất lượng môi trường của các vùng đất ngập nước cũng bị suy giảm do ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Nạn săn bắt chim nước vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã trong đó có các loài chim nước của một bộ phận trong cộng đồng vẫn chưa được thay đổi. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của các sân chim, vườn chim ở Việt Nam.
“Đất lành chim đậu”, nếu chúng ta biết chăm sóc, bảo vệ thì nhiều vùng đất an lành sẽ trở thành sự lựa chọn mới cho nhiều loài chim đến cư ngụ, sinh sản và phát triển. Một trong những vùng đất mà chúng tôi muốn đề cập tới trong nghiên cứu này là Đảo cò Chi Lăng Nam với 2 đảo nhỏ có diện tích 5.400 m2 trên tổng số diện tích của hồ An Dương là 83.023 m2 trên địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Vị trí của Đảo cò nằm gần với hai con sông là sông Luộc và sông Cửu An và nằm ở vị trí liền kề với tỉnh Hưng Yên.
2
Toàn cảnh đảo Cò Chi Lăng Nam.
Theo người dân địa phương, ngay từ những năm 1975 đã thấy cò về trú ngụ và làm tổ tại Đảo cò Chi Lăng Nam. Đến năm 1995, UBND huyện Thanh Miện quy hoạch đầu tư phát triển thành điểm du lịch thăm quan. Năm 2005, Sở KH&CN tỉnh Hải Dương đã triển khai dự án di chuyển 7 hộ ở bán đảo hồ An Dương ra ngoài để quy hoạch xây dựng thêm Đảo cò mới tại hồ An Dương nhằm mở rộng diện tích cho cò trú ngụ và làm tổ tại đây. Đến năm 2006 đã thấy cò về đảo mới trú ngụ và bắt đầu làm tổ.
Nghiên cứu tại Đảo cò Chi Lăng Nam và khu vực xun quanh đảo trong hai năm 2007-2008, chúng tôi đã xác định có 52 loài chim thuộc 12 bộ, 30 họ, 42 giống hiện diện tại khu vực này. Trong đó chủ yếu là các loài chim định cư (36 loài), ngoài ra có các loài chim di cư (10 loài) và 6 loài vừa có chủng quần định cư và di cư. Họ Diệc (Ardeidae) đa dạng nhất về thành phần loài với 10 loài. Đang chú ý là các loài chim nước làm tổ tập đoàn với số lượng cá thể lớn trên hai đảo cũ và mới chủ yếu là Vạc (Nycticorax nycticorax), Cò trắng (Egretta garzetta), Cò bợ (Ardeola bacchus), Cò ruồi (Bulbucus ibis). Trong năm, số lượng các loài chim nước tập chung nhiều nhất ở khu vực đảo vào tháng 11-12 và ít nhất là vào tháng 4-5. Có 16 loài thực vật trên đảo được chim nước tha rác về đặt tổ, trong đó chủ yếu là trên cây tre, nhãn, vải, bưởi.
11149437 931620106859120 2787500106661392438 n
Cò ở Chi Lăng Nam.
Đảo cò Chi Lăng Nam không chỉ là giá trị quý thiên nhiên ban tặng cho xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Nơi đây còn là khu vực bảo tồn sự đa dạng của các loài chim nước có tập tính trụ ngụ và làm tổ tập đoàn. Để bảo tồn và phát triển lâu bền Đảo cò Chi Lăng Nam cần thiết phải có kế hoạch lâu dài, cụ thể một số điểm cần chú trọng như sau:
1. Cần tiếp tục nghiên cứu, giám sát biến động thành phần loài, số lượng các loài chim nước cư trú, làm tổ tập đoàn trên đảo. Biến chương trình giám sát này thành một chương trình giáo dục thu hút sự tham gia của cộng đồng những người tình nguyện yêu thiên nhiên, các em học sinh, giao viên trên cơ sở xây dựng một Câu lạc bộ quan sát chim Đảo cò Chi Lăng Nam.
2. Xây dựng tài liệu giới thiệu đa dạng các loài chim ở Đảo cò Chi Lăng Nam với ảnh màu minh họa các loài chim. Lấy tài liệu này làm cơ sở để phối kết hợp với cộng đồng, chính quyền các địa phương khu vực xung quanh Đảo cò nâng cao nhận thức và hạn chế việc săn, bẫy chim nước.
3. Cần có nguồn kinh phí để thường xuyên bổ sung, chăm sóc hệ thực vật là giá thể của chim nước ở trên đảo. Tìm hiểu lựa chọn các loài thực vật bản địa phù hợp và cơ chế chăm sóc phù hợp, thích ứng với điều kiện có nhiều phân chim trên đảo. Trong mùa sinh sản tăng cường các cành que nhỏ là nguyên liệu cho chim nước cắp rác làm tổ.
4. Cần thường xuyên bảo dưỡng, tu bổ kè bờ đá, bê tông để đất ven bờ của hai đảo không bị lở xuống hồ.
5. Tiến hành nạo vét hồ và xử lý nước hồ để đảm bảo chất lượng nước hồ không bị ô nhiễm. Vì đây là nguồn nước uống cho các loài chim nước sinh sống ở hai đảo chim.
6. Phát triển trung tâm giáo dục  trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông với đa dạng hóa tài liệu, phim ảnh. Cần kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện công việc này.
Đảo cò Chi Lăng Nam là một trong những vườn chim lâu đời, có vị trí quan trọng trong hệ thống các vườn chim ở miền Bắc nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Ở góc độ các nhà khoa học, chung tôi hy vọng tỉnh Hải Dương sẽ quan tâm hơn nữa, phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan của trung ương và địa phương, kêu gọi các tổ chức quốc tế để tu tạo biến Đảo cò thành một trung tâm giáo dục thiên nhiên có ích cho cả cộng đồng.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn
ThS. Trần Thị Miên
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây