Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Thứ năm - 15/12/2022 14:22 370 0
Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ là hoạt động có ý thức, có chủ đích của con người, nhằm chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, nắm bắt bản chất, quy luật tồn tại, phát triển của các sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; trên cơ sở đó để vận dụng và sáng tạo ra các giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật, các công cụ, phương tiện cần thiết nhằm biến đổi các nguồn lực thành các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống của con người.
Với ý nghĩa đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội loài người nói chung, sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, khu vực nói riêng. Khoa học và công nghệ không chỉ là chìa khóa quyết định sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nước ta, mà nó còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tích cực, gắn với sự hình thành, phát triển của các ngành công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ xanh, an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ như hiện nay, khoa học và công nghệ còn được xác định là lực lượng sản xuất trực tiếp, quyết định việc gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh trạnh của hàng hóa, dịch vụ. Và hơn hết, khoa học công nghệ chính là nhân tố góp phần cải biến và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên tiện lợi hơn, thông minh hơn và an toàn hơn.
Quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của con người, kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn có các định hướng, sự chỉ đạo đúng đắn về phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Quan điểm coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được khẳng định và quán triệt trong nhiều văn kiện của Đảng, chính sách của nhà nước thời kỳ đổi mới. Bởi vậy, nước ta từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với khoảng hơn 80% dân số làm nông nghiệp, nay đã trở thành một nước đang phát triển, đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối hiện đại, từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quy mô GDP của Việt Nam đã đạt 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới và là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) từ 33,6% giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng lên 45,7%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII năm 2021 của nước ta đứng hàng thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế. Đây là những kết quả minh chứng rõ nét cho sự phát triển của đất nước, mà trong đó có dấu ấn và sự đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ.
khcn tại Viện cây
Ứng dụng KHCN trong nghiên cứu cây trồng tại Viện Cây LT& Cây TP. Nguồn: fcri.com.vn
Nằm trong dòng chảy phát triển chung của cả nước, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh những năm qua đã luôn được Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, đầu tư nhằm tạo lập môi trường và nền tảng cần thiết cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khuyến khích chuyển giao và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Thông qua các chương trình, kế hoạch và các nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể của tỉnh, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại đã nhanh chóng được chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng trong thực tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đưa tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng bình quân 8,1%/năm. Quy mô kinh tế tăng 1,6 lần so với năm 2015. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế từ 35,2% giai đoạn 2011 - 2015 đã tăng lên 47,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Một số kết quả nổi bật của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển nêu trên của tỉnh đó là:
- Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, các tiến bộ kỹ thuật mới đã được ưu tiên triển khai, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành. Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đã lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi mới để ứng dụng và nhân rộng tại các địa phương như lúa HDT10, Lai thơm 6, BC15-02, dưa hấu AD779, ngô nếp lai ADI688, cam Vinh, bò lai BBB, lợn lai thương phẩm 3-4 máu, ngan VS132... Tiếp nhận, làm chủ được các tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá chép V1, cá nheo mỹ, chăn nuôi lợn, gà sử dụng thức ăn có bổ sung thảo dược… Xây dựng thành công một số mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn như mô hình trồng cam, ổi Vietgap, mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác bền vững nguồn lợi rươi. Tập trung nguồn lực khoa học công nghệ và sự đối ứng của các tổ chức, cá nhân để phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung gắn với xây dựng thương hiệu như vùng sản xuất: bưởi, ổi Thanh Hà; hành, tỏi, sắn dây, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn; nếp Quýt Kim Thành, vùng sản xuất rau màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, vùng chuyên canh rau màu Phạm Kha, Thanh Miện…
tt cđs điện lực
Ứng dụng KHCN trong quản lý điện tại Công ty Điện lực Hải Dương.

- Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được chú trọng đầu tư ứng dụng vào địa bàn tỉnh. Kết quả nghiên cứu của lĩnh vực này đang được duy trì và mang lại hiệu quả thiết thực đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, quản lý giao thông đô thị và công tác quản lý của các sở, ngành. Điển hành như hệ thống giám sát tự động thông số môi trường nước thải, khí thải bằng công nghệ GSM/GPRS; hệ thống được áp dụng tại Sở Tài nguyên và môi trường đã góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả cho công tác quản lý môi trường của ngành và tiết kiệm chi phí hơn so với nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Hệ thống tưới nước theo công nghệ tiên tiến áp dụng cho các vùng sản xuất rau màu tập trung tại Thanh Miện đã giúp cho việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước tưới an toàn và giải phóng sức lao động người dân. Hay hệ thống bản đồ thổ nhưỡng, nông hoá phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp…
- Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực y dược cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Trong lĩnh vực y, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được tiếp nhận, ứng dụng thành công như: kỹ thuật ứng dụng đường mổ ít xâm lấn trong phẫu thuật thay khớp háng; kỹ thuật can thiệp điều trị vô sinh cho bệnh nhân nữ; điều trị phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con; kỹ thuật nội soi có dải tần ánh sáng hẹp trong chẩn đoán polyp đại trực tràng và điều trị bằng phương pháp đốt điện; kỹ thuật dùng trong phẫu thuật nội soi khớp gối tái tạo dây chằng chéo trước bằng gân Hamstring tự thân; phẫu thuật lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ... Đối với lĩnh vực dược, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã đi vào nghiên cứu, chiết xuất các sản phẩm dược có nguồn gốc thiên nhiên, từ nguồn nguyên liệu sẵn có để sản xuất thực phẩm chức năng, mang lại hiệu quả an toàn trong điều trị bệnh như: chiết xuất và sản xuất viên nang hỗ trợ điều trị đái tháo đường typ2 từ thân cây chuối tiêu; chiết xuất và sản xuất viên nang hỗ trợ điều trị huyết áp từ hòe hoa; chiết xuất và sản xuất viên nang hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu từ hạt tía tô.
- Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã được coi trọng thực hiện và phát huy tác dụng tốt trong thực tế. Kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực này đã góp phần đề xuất và thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh như: Phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các công cụ quản lý nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp. Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nhà trường như các công trình: nghiên cứu biên soạn từ điển tác giả, tác phẩm văn học tỉnh Hải Dương; nghiên cứu biên soạn tài liệu dạy học trải nghiệm sáng tạo dùng trong nhà trường; áp dụng dạy học và kiểm tra đánh giá theo phương pháp PISA… Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc của địa phương như các công trình: bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương; biên soạn, xuất bản bộ di sản Hán Nôm…
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống cũng còn một số vấn đề bất cập đó là: tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh đầu tư và phát triển còn chậm; còn ít những nhiệm vụ khoa học công nghệ có quy mô lớn và mang tính đột phá; việc đặt hàng các vấn đề nghiên cứu từ sản xuất và đời sống của các cấp, các ngành còn hạn chế. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở một số lĩnh vực chưa phong phú. Nguyên nhân là do ở một số lĩnh vực nghiên cứu của tỉnh có yêu cầu cao về tính ứng dụng nên khó khăn cho các đơn vị khi đề xuất và đặt hàng nghiên cứu. Cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học công nghệ có đổi mới nhưng chưa tạo thuận lợi cho các đơn vị, các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Còn thiếu cơ chế, chính sách hữu hiệu để gắn kết giữa khoa học công nghệ với sản xuất - kinh doanh.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng đời sống xã hội và phương thức sản xuất của loài người. Vì vậy, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là vấn đề quan trọng, không thể thiếu để nắm bắt và tận dụng được những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển theo đúng hướng, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đặt ra của địa phương, trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, cần tập trung nguồn lực khoa học và công nghệ của tỉnh cho các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng triển khai. Trong đó, chú trọng tới việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, kỹ thuật tiến bộ vào các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là ở các lĩnh vực trụ cột đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Hai là, phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ trên cơ sở có sự quan tâm đến các lĩnh vực để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như IOT smart, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đồng thời, ưu tiên nghiên cứu giải quyết những vấn đề có tính cấp bách của tỉnh như: bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng nông thôn mới, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm môi trường và khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo.
Ba là, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo sự gắn kết giữa khoa học công nghệ với đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh; đặc biệt là việc thu hút sự tham gia, đối ứng của doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Bốn là, tiếp tục rà soát, kiến nghị để hoàn thiện cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Cần có cơ chế đặc thù về tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ, vì hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ là hoạt động có tính rủi ro.
Năm là, đổi mới cơ chế hợp tác với các trung tâm nghiên cứu, các viện, trường đại học trong việc nghiên cứu và chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, đời sống trên địa bàn tỉnh.
TS Lê Lương Thịnh
 Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
 Từ khóa: ỨNG DỤNG KHCN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây