Trong năm mươi năm qua, công nghệ thông tin đã làm thay đổi mọi thứ trên toàn thế giới, từ văn phòng nhỏ tới công ty lớn; từ xưởng nhỏ tới trung tâm công nghiệp. Ở Việt Nam, chục năm trở lại đây, internet đã phủ sóng khắp nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa. Người dân ở nông thôn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ internet, tiếp cận công nghệ thông qua các thiết bị như máy tính, tivi, điện thoại.
Mặc dù có nhiều thay đổi, nhưng so với thế giới chúng ta vẫn tụt hậu rất xa. Điều đáng lo ngại nhất mà nhiều phương tiện truyền thông đã từng đề cập đến, đó là tự động hóa sẽ thay thế con người trong tương lai khi mà người ta đã sản xuất ra hàng loạt rô-bốt tự động, các máy tính thông minh có thể làm tốt những công việc mà con người từng đảm nhiệm, dù có khó khăn đến mấy. Theo một báo cáo công nghiệp, trên 65% các việc làm cơ xưởng đã biến mất từ năm 2010 cho tự động hoá (Robots và máy thông minh). Không ai biết các rô-bốt sẽ lấy đi bao nhiêu việc làm của con người, nhưng điều đó đang xảy ra trên khắp thế giới, ở mọi nước, kể cả nhiều nước châu Á. Tự động hoá không xảy ra chỉ cho công nhân trong xưởng, mà còn cho nhân viên văn phòng, ngân hàng, người quản lí tài chính, người lái xe taxi và xe tải và nhân viên bán lẻ.
Với đa phần các phụ huynh Việt Nam, việc cho con tiếp cận hay học hỏi về công nghệ có vẻ xa vời, một phần vì thiếu kiến thức, một phần vì lo ngại chi phí lớn. Tuy nhiên không phải vì như vậy mà phụ huynh bỏ qua việc khuyến khích, đầu tư cho con cái tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Với điều kiện hiện nay, internet phủ sóng khắp nơi, các thiết bị công nghệ luôn sẵn có với nhiều mức giá từ bình dân tới cao cấp, hoàn toàn không khó trong việc giúp trẻ tiếp cận và tìm hiểu về công nghệ.
Ngày nay, không khó bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ, thậm chí cả những bé ngoài một tuổi được người thân cho sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng, tivi, máy tính… để trẻ chịu ăn, chịu chơi ngoan. Nhiều người nhầm tưởng đây còn là cách giúp trẻ làm quen và giỏi công nghệ khi lớn lên. Nhưng sự thực có phải như vậy không? Về tác hại của việc cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ như làm rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến việc phát triển trí não, bệnh về mắt, bệnh béo phì, giảm khả năng giao tiếp với thế giới xung quanh…, phụ huynh có thể dễ dàng tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở một số quốc gia còn ra điều luật cấm cho trẻ em tiếp xúc với thiết bị công nghệ. Ví dụ, từ năm 2015, Đài Loan đã ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 2 tuổi sử dụng máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác như tivi hay điện thoại thông minh, đồng thời yêu cầu cha mẹ không cho trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số trong thời gian quá dài. Nước Úc cấm trẻ dưới 2 tuổi và nước Pháp cấm trẻ dưới 3 tuổi xem tivi. Như vậy, việc cho trẻ tiếp xúc quá sớm và nhiều thời gian với thiết bị công nghệ không phải là cách giúp trẻ yêu thích cũng như phát triển khả năng học tập công nghệ sau này.
Việc đầu tiên là phụ huynh nên dành nhiều thời gian hơn khuyến khích con cái đọc sách nhiều hơn, học nhiều hơn về khoa học và công nghệ, làm cho chúng quan tâm nhiều hơn tới các chủ đề này. Ngày nay, có khá nhiều đầu sách về công nghệ, máy móc cho trẻ em mọi lứa tuổi, được dịch từ các đầu sách nước ngoài hoặc do các chuyên gia giáo dục công nghệ trong nước viết, trong đó có nhiều sách viết đơn giản, hướng dẫn trẻ làm các mô hình đơn giản bằng hình ảnh. Tùy vào độ tuổi của con, phụ huynh có thể mua những quyển sách phù hợp, đọc cùng con, hướng dẫn con làm theo.Với những trẻ em ở vùng nông thôn không khó để mua những cuốn sách này, chỉ cần lên mạng đặt mua tại các nhà sách uy tín sẽ được giao hàng tận nhà.
Việc thứ hai là khuyến khích trẻ em học ngoại ngữ, như tiếng Anh chẳng hạn. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, thành thạo một hay nhiều ngoại ngữ nào đó sẽ giúp trẻ sau này học hỏi, nắm bắt thêm nhiều kiến thức, đặc biệt là các kiến thức khoa học công nghệ của những nước tiên tiến trên thế giới, có thêm nhiều cơ hội việc làm.
Việc thứ ba, phụ huynh hãy khuyến khích con em mình tham gia khóa học lập trình viên ngắn ngày như một khóa học thêm ngày hè hoặc vào thời gian rảnh rỗi khi trẻ bắt đầu vào cấp hai. Hoặc sẽ dành toàn bộ thời gian học lập trình khi tốt nghiệp phổ thông mà không nhất thiết phải thi vào trường đại học. Ở Nhật Bản, từ năm 2016 chính phủ đã chính thức thông qua chương trình giáo dục lập trình mới cho học sinh phổ thông. Theo đó, tất cả các học sinh cấp 2 trường công tại Nhật sẽ bắt buộc phải học lập trình ngay từ đầu cấp nhằm chuẩn bị lực lượng nhân sự sẵn sàng cho kỷ nguyên phát triển bùng nổ của nhiều ngành như robot và trí tuệ nhân tạo hay máy tính thông minh đang diễn ra trên thế giới.
Việc thứ tư, hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các câu lạc bộ về công nghệ trong điều kiện có thể, có thể gần nơi sinh sống hoặc trên mạng xã hội. Nếu không có điều kiện, phụ huynh có thể khuyến khích con cái tham gia các khóa học trên internet, có rất nhiều website dạy về công nghệ. Thời nay, nhiều bậc cha mẹ nhất là ở nông thôn còn có tư tưởng cho rằng internet chủ yếu chứa các thông tin độc hại. Điều đó không sai, nhưng bên cạnh các thông tin độc hại thì internet cũng là kho kiến thức phong phú được tích lũy qua nhiều thế hệ. Phụ huynh cần dạy con cách sàng lọc, loại bỏ các thông tin xấu chứ không phải là cấm trẻ không được sử dụng internet.
Ở trên là những gợi ý về phía gia đình, còn đối với nhà trường thì sao? Vừa qua, chúng ta nghe nhiều về cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0”, được hiểu nôm na là cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ, Châu Âu, một số nước châu Á, với nền sản xuất thông minh bằng cách sử dụng rô-bốt, máy tính thông minh thay thế sức người. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước xác định muốn phát triển kinh tế xã hội không còn con đường nào khác là phải dựa vào khoa học công nghệ, vì vậy nước ta không thể nằm ngoài xu thế này. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên chúng ta còn nhiều rào cản về khoa học công nghệ. Để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho cuộc cách mạng lần này, không còn cách nào khác chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục.
Công nghệ là một phần cuộc sống chúng ta ngày nay, và nó phải là lĩnh vực được dạy trong nhà trường. Trong thế giới mà công nghệ thay đổi từng giây này, các em học sinh cần được học về công nghệ, thành thạo các kỹ năng cơ bản để tạo ra các ứng dụng đơn giản, hay biết cách làm việc với internet. Những kỹ năng này không chỉ cần thiết trong công việc liên quan đến công nghệ, mà nó hữu ích trong mọi ngành nghề. Vì vậy, việc thay đổi cách dạy, cách học về khoa học công nghệ cho trẻ, cũng như đào tạo đội ngũ giáo viên có thể đảm nhiệm tốt vai trò này cần thiết hơn bao giờ hết.
Nguyễn Cao Sơn
Hội Tin học điện tử tỉnh Hải Dương