Ông Nguyễn Quốc Văn sinh năm 1938, nguyên quán làng Thượng Cốc xã Gia Khánh huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, hội viên hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, tác giả cuốn sách trên, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm Hội hoạ và Điêu khắc có giá trị đã được giới thiệu trong và ngoài nước. Cuốn sách "Đất và người làng Thượng Cốc xứ Đông" dày hơn một nghìn trang, khổ 17x24 bìa cứng, in ấn trình bày đẹp, xứng đáng là cuốn sách khảo cứu đồ sộ với nội dung phong phú. Cũng là duyên may, nhờ ông đưa về làng Thượng Cốc nhiều lần nên tôi cũng được tiếp cận với nguồn tư liệu, được quen biết một số bà con dân làng và cũng hiểu được việc làm vô cùng công phu nhẫn nại của ông.
Ông Nguyễn Quốc Văn (bên trái) tại giếng cổ của làng Thượng Cốc.
Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, tổ chức gia đình dòng họ, tổ chức hành chính làng xã có mở rộng ra đến khu vực. Di sản văn hóa vật chất như đình chùa, đền miếu, bi ký, đường sá, cây cổ thụ, giếng nước... Di sản văn hóa phi vật thể như hội làng, tế lễ, đình đám, hát xướng, trò chơi, tập tục nghề nghiệp, chợ búa, tiền tệ... Về nhân vật có đề cập đến các quan văn, tướng võ, các nhà khoa bảng, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, thể dục thể thao, các nhà chính trị nổi tiếng v.v... Sách còn có ảnh và tranh minh họa là kênh thông tin đặc biệt giúp cho độc giả dễ nhận biết được con người cùng cảnh cũ người xưa. Đồng thời, làm tăng thêm sự hấp dẫn của sách. Có thể nói đây là một cuốn bách khoa về làng xã Việt Nam vùng Châu thổ sông Hồng. Dưới đây tôi xin trích giới thiệu một số vấn đề cụ thể.
Lịch sử làng Thượng Cốc đã có hàng nghìn năm, được ghi chép lại từ rất lâu đời, kể từ vị Thành Hoàng làng là Nguyễn Công Nguyên, tướng của vua Lý Nam Đế những năm (544-548). Xem lịch sử làng xã, tôi chưa thấy một vị Thành hoàng làng nào được hai vua ở hai triều đại xa nhau hàng trăm năm tặng thơ.
Bài thơ thứ nhất của vua Lý Nam Đế ca ngợi công lao của Tướng công đã giúp vua chống giặc Lương:
"Long vân nhất hội tuyển tài nhân
Hữu thị quân hề hữu thị thần
Tuy thị yến trung hoan hỷ ngữ
Minh Lương kết đắc bách niên huân".
(Dịch nghĩa: Rồng mây một hội kén nhân tài/Vua thế ấy ắt có bề tôi thế ấy/Dù là câu nói vui trong yến tiệc/Vua sáng tôi hiền ắt dựng nghiệp trăm năm.)
Bài thơ thứ hai của vua Trần Anh Tông ca ngợi Tướng công năm Đinh Dậu (1247) khi vua đi dẹp giặc qua làng Thượng Cốc có vào lễ đền được Tướng công phù hộ cho thắng trận, khi trở về ngài vào đền lễ tạ và có thơ rằng: "
“Viễn tự long đầu cận tự phong
Trung thần kỷ đắc nhược Nguyên công
Tướng quân tịnh trước uy nghi giả
Thốn thiết trai bàn dĩ hiển công".
(Dịch nghĩa: Xa trông tựa đầu rồng gần tựa núi/Trung thần mấy người được như Nguyên Công/Tướng quân trị an đã rõ uy nghi làm vậy/Tạm lập trai bàn để sáng tỏ công lao.)
Thượng Cốc là một làng có nhiều người học cao, nhiều quan văn tướng võ, nhiều nhà chính trị, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhiều phụ nữ có đức độ và đảm đang. Trước đây tôi chỉ biết tiếng có mấy người như cụ Nghè Nguyễn Quý Tân triều Nguyễn; cụ Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và một số vị quan chức cao cấp khác như cụ Nguyễn Năng Hách, Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu Tả Ngạn; cụ Nguyễn Văn Quyện Phó bí thư Chủ tịch tỉnh Hải Dương, Hà Bắc... Sau khi đọc sách mới thấy Thượng Cốc còn là một mảnh đất “Văn Võ song toàn”.
Thời Nho học, làng có 137 người đỗ Khóa sinh, 64 người đỗ tiểu khoa tức Sinh đồ thời Lê, Tú tài thời Nguyễn, 46 người đỗ trung khoa tức Hương Cống thời Lê, Cử nhân thời Nguyễn, 5 người đỗ đại khoa tứcTiến sĩ. Tổng cộng 252 người, riêng Cử nhân triều Nguyễn có 9 vị chiếm gần nửa số Cử nhân của cả huyện Gia Lộc (9/22). Đặc biệt, một gia đình có ba Tiến sĩ như cụ Nguyễn Duy Minh thế tổ họ Nguyễn Thế Đức thôn Cốc Cả, em cụ là Nguyễn Trọng Hổ, con trai cụ là Nguyễn Địch Giáo. Cử nhân tân học trước năm 1945 có 13 vị, hầu hết làm quan và còn nhiều người có học vị Tú tài chưa ghi chép. Sau Cách mạng làng có 41 Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư - Viện sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Nghệ sĩ Ưu tú.
Kể từ Tướng công Nguyễn Công Nguyên triều Lý đến hết triều Lê có 11 vị tướng võ. Triều Nguyễn từ Tiền Quân Đô Thống Phạm Văn Đức xuống đến Lãnh binh có 3 vị và 5 xuất đội. Sau cách mạng tháng Tám 1945 có 40 Đại tá và Thượng tá.
Những người có công tích rực rỡ mà sách gọi là "Nguyên khí Quốc gia" đã chép được tường tận 29 võ tướng văn thần từ Tiền Lý đến Hậu Lê như Đô Úy phụ Quốc Đại tướng quân "Danh tướng trời Nam". Tước vị Đại Vương Nguyễn Công Nguyên (544-554); Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Tham chính Nguyễn Duy Minh; Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Tham chính Bắc xứ Nguyễn Khắc Hài; Đệ nhị giáp Tiến sĩ Ngự sử Đài Nguyễn Trọng Hổ; Cống sĩ Đốc đồng lục bộ Phạm Pháp Tuấn; Cống sĩ Thiên sự bộ hình Hoằng Tín đại phu tước Hiến mục Hầu Nguyễn Nho Hoàn; Cống sĩ Đô úy tướng quân tước Cương túc hầu Nguyễn Nho Linh, Cống sĩ Tả thân vệ tiền tri sự Phụng công đại phu Nguyễn Tiến Quý... Đến triều Nguyễn có Danh sĩ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ tri phủ Nguyễn Quý Tân, Cử nhân Án sát Quảng Yên Nguyễn Đức Nhượng, Tiền quân Đô thống Phạm Văn Đức, người phất cờ Cần vương chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX; Cử nhân Tuần phủ Hưng Yên - Hải Phòng Nguyễn Đức Tú... Đến Nguyễn Hới, Nguyên ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương lâm thời (1930-1933) được phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Nam Định nay được đặt tên đường tại TP Nam Định, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hải Dương và Hải Phòng. Về nữ có bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh (1928-2006), Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Đặc biệt có Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Thượng tá phó Tham mưu trưởng quân chủng Phòng không Không quân Nguyễn Quang Tuyến.
Các tác giả thơ sau Cách mạng có ba chục người, ta sẽ thấy có nhiều gương mặt quen thuộc ngày nay như: Bác sĩ, Nguyên Phó giám đốc Bí thư Đảng ủy Trường trung cấp kỹ thuật Y thuộc Bộ Y tế đóng tại Hải Dương Phạm Văn Sâm, nguyên Bí thư Đảng ủy Ty Công an Hải Hưng khi chưa tách tỉnh cụ Lê Văn Quyên; ông Nguyễn Hà Cừ nguyên Tỉnh ủy viên - nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương...
Những nhà khoa học xã hội và tự nhiên nổi tiếng sau Cách mạng có 10 người. Trong đó phải kể đến cụ Nguyễn Văn Uẩn (1912-1991) giảng viên Đại học đã để lại những tác phẩm đồ sộ về Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Thủ đô Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX và là người dịch tác phẩm "Những người khốn khổ" của nhà văn Hào Pháp Vích To Huy Gô năm 1968, cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (1919-2002) là Nhà Phả học lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX, được tôn vinh và ghi tên trong tác phẩm "Nhân vật Lịch sử Hải Dương", cụ Phạm Văn Phúc (1924) Giáo sư Tiến sĩ, Viện sĩ viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Pháp, Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội đã có nhiều tác phẩm khoa học về ngành Y, cụ Nguyễn Văn Tòng (1925-1988) Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương để lại nhiều tác phẩm văn học, cụ Nguyễn Khôi Nguyên (1936) một kiến trúc sư có tên trong 581 kiến trúc sư có tiếng trên thế giới do tạp chí kiến trúc Tô Ky Ô Nhật Bản bình chọn. Ngoài ra còn có các nghệ sĩ như Phạm Minh Tuệ, Vũ Khải sáng tác nhiều ca khúc dân ca, chèo và kịch bản sân khấu chèo. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quý Chuyên đã có nhiều tác phẩm khoa học chuyên ngành công nghệ thông tin, huấn luyện viên thể thao Nguyễn Văn Hùng với cá nhân có hơn 20 Huy chương Vàng, Bạc và Đồng trong các cuộc thi đấu thể thao Quốc tế và khu vực, ông nhiều lần giữ cương vị trưởng đoàn dẫn dắt các vận động viên Việt Nam đi thi đấu quốc tế giành nhiều Huy chương về cho thể thao Việt Nam ở cuối thế kỷ XX, ông Nguyễn Khắc Nguyệt nguyên là chiến sĩ lái xe tăng sau là Đại tá đã lập chiến công trong cuộc chống Mỹ lại có tiểu thuyết dài kỳ bốn tập, Nguyễn Đức Diệu Trinh người khuyết tật lại chuyên thêu các bức tranh danh họa trong nước và Thế giới được báo chí ca ngợi, được tôn vinh là Nghệ nhân Bàn tay vàng...
Các bà phụ nữ tiết hạnh: Thời nhà Trần đã có mấy chục cô gái đi theo vua đánh giặc rồi không trở về, nay còn miếu thờ tạo nên một hào khí, một niềm hãnh diện cho làng. Trước Cách mạng, làng có 2 bà được nhà vua tặng danh hiệu "Tiết Hạnh Khả Phong" là bà Khóa Đảng và bà Nguyễn Thị Nghiền. Có một bà được nhà vua ban cho áo lụa vàng là bà Hội Phước. Sau Cách mạng có 4 bà được vinh danh là bà Nguyễn Thị Mùi (1876-1970); mẹ đẻ của các nhà lãnh đạo Nguyễn Khoái, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Năng Hách, Lê Thành Ân được tặng bằng "có công với nước" và được thưởng đồng tiền vàng. Thượng tọa Thích Đàm Thành (1917-2003), trụ trì chùa Thanh Quang, Ủy viên Ban chấp hành hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, có nhiều công lao đóng góp tu bổ đình chùa và các công trình công cộng của làng. Đã có một bài diễn ca gồm 814 câu lục bát lấy tên là "Cuộc đời sáng mãi đường tu" của một thầy giáo làng để ca ngợi bà. Bà Nguyễn Thị Diễm (1904-1999) góa chồng từ năm 23 tuổi nuôi các con thành đạt trong đó có Lão thành Cách mạng Vũ Kiên. Bà Bùi Thị Xuê (1929-1989) nữ du kích thời chống Pháp, địch treo giải cho người tố giác bà nhưng vẫn không bắt được bà.
Sách còn giới thiệu được hàng chục cô gái đẹp bởi đã có ca dao: "Làng Cốc tốt đất trồng đa/Lắm con gái đẹp lắm nhà tường xây "là những cô có tên tuổi sinh từ năm 1937 về trước, được người đương thời truyền tụng mà tác giả coi đây chỉ là những người nằm trong danh sách dài bị bụi thời gian phủ lấp.
Sẽ là thiếu sót nếu không giới thiệu được công trình của cụ Nguyễn Đức Tú, người đã viết tấm bia "Trung Doãn miếu trùng tu bi ký" nêu tấm gương hy sinh anh dũng của quan Trung Doãn đứng đầu huyện Gia Lộc, đại ý như sau: Quan Trung Doãn là người huyện Thư Trì tỉnh Nam Định (nay thuộc tỉnh Thái Bình), làng Hậu Tải, họ Đặng Thụy Văn Lương học rộng và chuộng khí tiết. Đậu Cử nhân, bắt đầu đến huyện ta vào năm Thiệu Trị thứ sáu (1946), sau lại từ Mỹ Hào đổi sang huyện ta. Năm Tự Đức thứ 15 (1862) giặc giã đánh chiếm hầu hết các huyện trong tỉnh Hải Dương. Giặc vây hãm 10 ngày không ăn chỉ uống nước trong, mắng không dứt miệng, giặc giết đi. Ngày chết cắn ngón tay lấy máu viết mấy chữ ở vạt áo; "Khổng viết thành nhân, Mạnh viết thủ nghĩa, tích hữu Văn Sơn, kim khả vô úy" (Khổng dạy thành nhân, Mạnh dạy giữ Nghĩa, xưa có ông Văn Thiên Tường, nay không sợ xấu hổ). Được nhà vua truy tặng "Hàn lâm Thừa chỉ Phụng thành đại phu". Chỉ có 16 chữ viết bằng máu đủ nói lên một người học rộng và chuộng khí tiết, lưu danh muôn thuở. Bài văn bia này còn được gọi là một tác phẩm văn học có giá trị không những về mặt tư tưởng mà còn bởi lời bình chặt chẽ, lối viết văn gọn không thừa một chữ. Tôi đã được cùng cụ Văn đi tìm tấm bia đó chưa thấy, nhưng khả năng bia vẫn còn do một hậu duệ quan Trung Doãn chuyển về nơi ở của mình để gìn giữ ở cách huyện lỵ Gia Lộc không xa.
Thời đầu triều Nguyễn có Phạm Đình Hổ viết "Vũ trung tùy bút", trước Cách mạng có cụ Đào Duy Anh viết "Việt Nam Văn hóa sử cương", có cụ Phan Kế Bính viết "Việt Nam phong tục" nay lại có ông Nguyễn Quốc Văn viết "Đất và người làng Thượng Cốc xứ Đông" là sự nối tiếp viết đến đời nay, ông kể về làng Thượng Cốc từ trước đến nay không một họ nào, một gia đình nào không thừa hưởng vinh quang của tiên tổ mình, đó là một niềm tự hào chính đáng thúc giục ta tiến bước theo cha ông để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, Tổ quốc văn minh.
Đào Hữu Thảnh