Đảng bộ Hải Dương 75 năm tuổi

Thứ năm - 28/01/2016 13:53 374 0
Trong không khí vui mừng, lập thành tích chào mừng những ngay lễ lớn cấp quốc gia và Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương có niềm tự hào riêng về 75 năm thành lập Đảng bộ của mình. Hải Dương là miền quê văn hiến và cách mạng, thời đại nào cũng có những nhân vật, những sự kiện lịch sử tiêu biểu, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Trong thời kì hiện đại, thời mà Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hải Dương là một tỉnh có nhiều chiến sĩ cách mạng nhiệt huyết và tài năng, tạo điều kiện thành lập Chi bộ và Tỉnh ủy vào loại sớm trên cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, thì ngày 10 tháng 3 năm ấy, Chi bộ đảng đầu tiên đã ra đời ở Đọ Xá (Chí Linh). Kể từ đó, phong trào phát triển sâu rộng từ thành thị đến các làng quê hẻo lánh, ở những nơi mà quần chúng nhạy bén, sớm giác ngộ. Tuy bị địch khủng bố tàn bạo, nhiều chiến sĩ hi sinh trong lao tù, nhưng sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng là nguyện vọng của nhân dân nên phong trào vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, sự hoạt động của Đảng ở Hải Dương không tách rời hoạt động của Đảng trọng phạm vi cả nước. Hơn thế, đường lối cách mạng của Đảng ta không thể tách rời tình hình chính trị, xã hội của khu vực và thế giới. 
 Cuối năm 1938, phát xít Nhật đánh chiếm Hoa Nam, của Trung Quốc, chuẩn bị tiến xuống Đông Nam Á. Ngày 1-9-1939, Phát xít Đức tấn công Ba Lan, mở đầu cho Đại chiến thế giới thứ hai. Ngày 2-9-1939, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Trước tình hình đó, thực dân Pháp đàn áp dã man các tổ chức dân chủ và cộng sản ở trong nước và thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Mây đen của cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn để quốc và phát xít bao phủ khắp bầu trời Á-Âu, sớm muộn cũng tràn đến nước ta. Đây vừa là thử thách và thời cơ cho cách mạng Việt Nam phát triển. Trước bối cảnh thế giới như trên, ngày 29-9-1939, Trung ương Đảng thông báo cho các cấp bộ của Đảng: “Phải rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, tranh thủ các hình thức đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp”. Ngày 6-11-1939, Trung ương họp đề ra nhiệm vụ phù hợp với tình thế: “Đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng, để giành lấy giải phóng dân tộc”. Hội nghị chuyển hướng đấu tranh và quyết định thành lập Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kì quyết định thành lập Liên tỉnh ủy B, gồm các tỉnh, thành: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai; phân công cán bộ về các tỉnh xây dựng cơ sở cách mạng, nhất là ở nông thôn, nơi địch khó phát hiện, để đối phó với tình hình mới. Cuối năm 1939, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ…, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy: Lương Khánh Thiện, Thành Ngọc Quản, Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Tấn Phúc…, cán bộ của Liên tỉnh B về Hải Dương xây dựng phong trào cách mạng và cơ sở Đảng. Tạ Xá (Nam Sách) là một làng quê nghèo những có truyền thống yêu nước thiết tha, căm thù chế độ thực dân, phong kiến sâu sắc. Thời kì 1936-1939, nhiều tổ chức hội đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng ra đời, như: Tương tế, Ái hữu, Đọc sách báo, Luyện võ,… Vì vậy, Tạ Xá được Liên tỉnh B chọn là trung tâm hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Liên tỉnh B, đầu năm 1940, các hội đoàn chuyển thành tổ chức Phản đế, như: Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Nông dân phản đế, rồi diễn thuyết, rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ Búa liền, chống thuế, đòi giảm tô,… 
dbhd
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chụp ảnh lưu niệm cùng 125 tập thể, cá nhân xuất sắc tại Bia tưởng niệm thành lập Đảng bộ tỉnh (Ảnh: Hoàng Sơn)
Trên cơ sở các tổ chức quần chúng phát triển lành mạnh và tin cậy, một số hội viên xuất sắc được kết nạp vào Đảng. Ngày 19 -5-1940, tại Nghè Bến, chi bộ Tạ Xá được thành lập. Đây là chi bộ đầu tiên cuả huyện Nam Sách. Các tổ chức quần chúng của Tạ Xá cũng như những xã kế cận từ nay có chi bộ trực tiếp lãnh đạo. Đây là cơ sở tin cậy của Liên tỉnh B, trong đó có 24 gia đình thường xuyên nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ như người thân trong gia đình, trong đó có gia đình cụ Lê Thị Thạnh, mặc dù đời sống còn vô cùng khó khăn. Từ đốm lửa hồng Tạ Xá, cơ sở cách mạng của Đảng lan tỏa ra nhiều nơi của Liên tỉnh B. Tại Hải Dương đã khôi phục và phát triển cơ sở Đảng ở Nam Sách, Thanh Hà, Kim Thành, Chí Linh, Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương. Trước tình hình chính trị trong nước cũng như sự đòi hỏi của phong trào tại địa phương, ngày 10-6-1940, Ban chấp hành Liên tỉnh B tổ chức Hội nghị cán bộ, quán triệt nghị quyết của Ban chấp hành trung ương, tại nhà cụ Thạnh, do đồng Đào Văn Trường (tức Thành Ngọc Quản), Bí thư Liên tỉnh B chủ trì. Tại hội nghị này, Ban Chấp hành quyết định thành lập Tỉnh ủy Hải Dương, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Nguyễn Tấn Phúc, Chu Thị Kim Sơn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được chỉ định làm Bí thư. Hội nghị chỉ ra một số nhiệm vụ trước mắt cho Tỉnh ủy Hải Dương: “Tích cực chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Tích cực phát triển các hội Phản đế ở nông thôn, các cơ sở quần chúng ở nhà máy, xí nghiệp, đồn điền, thành lập các đội tự vệ. Lựa chọn những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng và thành lập các chi bộ, tổ chức quần chúng đấu tranh hợp pháp đòi quyền lợi kinh tế…” Hội nghị Ban cán sự của Liên tỉnh B, thành lập Tỉnh ủy Hải Dương là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển về chất của phong trao cách mạng tại địa phương; quyết định hướng đấu tranh, tập trụng sự lãnh đạo, thống nhất phong trào cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh. Sau ngày thành lập, Tỉnh ủy tích cực hoạt động, tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các tổ chức cách mạng, phát triển đảng viên và tổ chức đảng. Ngày 20-7-1940, Phủ ủy Nam Sách được thành lập(1). Đến cuối năm 1940, Tỉnh ủy có 5 chi bộ trực thuộc: Tạ Xá, Đồn Bối, Thượng Đáp (Nam Sách), Nhà Máy nước (Thành phố Hải Dương), Trại Chua-Hàm Ếch (Chí Linh). Tuy số đảng viên có hạn, nhưng Đảng bộ có lực lượng quần chúng to lớn, hùng hậu, được nhân dân che chở, ủng hộ, vì thế sức manh tăng lên gấp bội, vượt qua mọi chông gai, thử thách, phát triển và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử nhân dân giao phó. 
Vào dịp kỉ niệm 23 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1940), Tỉnh ủy tổ chức treo cờ Đảng, rải truyền đơn, diễn thuyết tuyên truyền cách mạng ở nhiều nơi. Đây là hành động dũng cảm, xác định rõ hướng đi của sự nghiệp cách mạng, với niềm tin sắt đá, mặc dù Đại chiến đang diễn ra ác chưa từng có trong lịch sử khắp Á- Âu. Tháng 9 năm đó, phát xít Nhật tiến quân vào Đông Dương. Sau khi thành lập, Đảng bộ Hải Dương trải qua biết bao gian khổ để bảo vệ và phát triển lực lượng trước sự khủng bố, đàn áp tàn bạo của bọn thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật; nhiều đồng bào, đồng chí bị tù đày, bị tra tấn dã man, nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh, nhưng cơ sở vẫn tồn tại, mất nơi này, lại xây dựng ở nơi khác, hầu hết Tỉnh ủy viên và cán bộ Đảng bị bắt, bị tù dày, nhiều đồng chí hi sinh. Đầu năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã diễn ra ở Bắc Kì, hơn hai triệu người chết đói. Nguyên nhân căn bản là do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra. Nam Kì thừa thóc mà không chi viện cho Bắc Kì. Hải Dương là vùng đất trù phú nhưng cũng có hàng vạn người chết thê thảm. Nhưng giặc đói, giặc ngoại xâm và các thế lực phản động không thể ngăn cản ý chí và quyết tâm giành độc lập, đó là mục tiêu sống còn của cả dân tộc. Từ đầu năm 1945, phe dân chủ, trụ cột là Liên Xô và Đồng Minh đã chuyển sang thế tiên công, phát xít Đức, Ý, Nhật đứng trước bờ vực bị tiêu diệt, đây là thời cơ cho các nước bị thực dân đô hộ, trong đó có Việt Nam giành độc lập. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Giữa tháng 4 năm 1945, Hội nghị cán bộ cốt cán của tỉnh họp tại Đình Đông, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, nghe Xứ ủy quán triệt chủ trương: “Pháp Nhật bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy được tái lập, gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Kha được chỉ định làm bí thứ.
Kể từ đây, cách mạng chuyển sang thời kì mới, thời kì chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền. Trải qua 75 phấn đấu và trường thành, Đảng bộ Hải Dương, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo nhân dân địa phương giành thắng lợi to lớn trên nhiều phương diện: Giành chính quyền thắng lợi trên phạm vi toàn tỉnh chỉ có 6 ngày (17-23/8/1945), góp phần xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong kháng chiến chống Pháp, tạo nên Tiếng sấm đường 5, chia lửa với Điên Biên, góp phần giải phóng miền Bắc. Sau hòa bình lập lại, lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, chi viện tối đa người của cho tiền tuyến, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, Đảng bộ có nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện đổi mới và hội nhập, giành thắng lợi to lớn trên các lĩnh vực. 75 năm, qua 15 kì Đại hội, trong đó có 7 kì trong 29 năm hợp nhất với Hưng Yên, Đảng bộ lớn mạnh không ngừng. Khi thành lập chỉ có 3 tỉnh ủy viên, 5 Chi bộ trực thuộc, với trên 20 đảng viên, đến nay đã có một đội ngũ hùng hậu, 55 tỉnh ủy viên, gần 10 vạn đảng viên, sinh hoạt ở trên 4 nghìn chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Đảng bộ Hải Dương có trên 80% tổ chức cơ sở đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Chi bộ Tạ Xá, nay là Đảng bộ xã Hợp Tiến, phát huy truyền thống cách mạng, nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với tổ chức Đảng, Đảng bộ còn lãnh đạo một hệ thống tổ chức quần chúng rộng lớn, vững mạnh, giúp cho Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ. Trong 15 năm năm đầu thế kỉ XXI, an ninh chính trị xã hội được giữ vững; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân không ngừng được cải thiện; tốc độ tăng trưởng bình quân 10% năm, đứng ở tốp đầu của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy là một tỉnh trù phú về đất đai, con người thông minh sáng tạo, nhưng dưới chế độ thực dân phong kiến, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, đói rách triền miên. Nay đã đổi khác.
Đói rách đã lùi xa, hộ nghèo theo tiêu chuần mới còn dưới 4,62%, tỉ lệ hộ cận nghèo còn 4,3%, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, “Ai cũng có cơm ăm, áo mặc, ai cũng được học hành”, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 39 triệu đồng/người/năm. Thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với nước, người nghèo và các đối tượng chính sách. Sau ngày hòa bình lập lại, hầu hết làng xã, nhà tranh vách đất, nay khó tìm một mái nhà tranh. Khắp tỉnh đâu đâu cũng như phố phường, bên các đường liên huyện, liên xã, từng giàn nhà tầng mọc lên che khuất cả cánh đồng bát ngát bao đời. Điện, đường, trường, trạm đã bàn hoàn thành, nước sạch về đến nông thôn, đó là cơ sở xã hội tạo cho đời dống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuổi thọ người cao tuổi Hải Dương cao hơn bình quân cả nước đến 1 tuổi. Xưa 70 tuổi đã là hiếm, nay tuổi 100 cũng khá nhiều, đầu năm nay đã có 536 cụ từ 100 tuổi trở lên. 75 năm qua Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Đảng bộ Hải Dương đã lập nhiều thành tích to lớn, mang lại độc lập tự do cho dân tộc, cho đất nước. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà nước ta có danh xưng là: Việt Nam dân chủ, cộng hòa, Độc lập, tự do, hạnh phúc Đó là mục tiêu liên hoàn mà Đảng và Nhà nước phải phấn đấu không ngừng, đặc biệt là tiêu chí cuối cùng: Hạnh phúc cho toàn dân. Vì vậy trước mắt Đảng còn nhiều việc phải làm như những nghị quyết gần đây đã đề ra. Đề ra nghị quyết cho phù hợp với tình hình đã khó, nhưng phấn đấu để biến nghị quyết thành thực tế sinh động còn khó hơn nhiều.
Trong quân đội hiện nay có khẩu hiệu rất hay:” Sự gương mẫu của cán bộ là mệnh lệnh không lời đối với chiến sĩ”. Thiết tưởng khẩu hiệu ấy cũng nên dùng cho cán bộ Đảng từ Trung ương đến Bí thư chi bộ. Tỉnh ủy ngày nay đã có ngôi nhà khá khang trang với đầy đủ tiện nghi, biểu hiện vị thế của Đảng trong thời đại mới, song Tỉnh ủy chúng ta lại ra đời trong ngôi nhà tranh 4 gian nhỏ bé của cụ Lê Thị Thạnh 75 năm trước. Ngôi nhà đơn sơ ấy đã nuôi dưỡng ý chí cách mạng để có sự nghiệp vĩ đại hôm nay. Nhân ngày kỉ niệm này, một lần nữa, mỗi đảng viên nên nhớ lại buổi ban đầu đề giữ vững ý chí và đạo đức cách mạng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm.”(2). 
Tăng Bá Hoành
1)- Gọi là Phủ ủy là cách gọi truyền thống, thực chất là Huyện ủy Nam Sách, vì cấp phủ đã bỏ từ năm 1898. 
2) Theo tư liệu Lịch sử Đảng bộ Hải Dương, Báo cáo tổng kết năm 2014 của UBND tỉnh và một số nguồn khác.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây