Đại học Sao Đỏ tích cực nâng cao hiệu quả giảng dạy của giảng viên

Thứ bảy - 30/10/2021 14:38 464 0
Trong những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Sao Đỏ đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên, thông qua thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đại học Sao Đỏ tích cực nâng cao hiệu quả giảng dạy của giảng viên
Trường Đại học có 2 chức năng cơ bản là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hai chức năng này không chỉ thể hiện ở cơ cấu tổ chức của trường đại học mà còn là nhiệm vụ của từng giảng viên. Không thể có trường đại học chỉ đào tạo mà không Nghiên cứu khoa học, cũng như không thể có giảng viên đại học chỉ bước lên bục giảng mà không Nghiên cứu khoa học. Đây là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của nhà trường, trong đó việc giảng viên nhà trường tích cực tham gia các hoạt động NCKH là một trong những biện pháp quan trọng - bắt buộc - cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
cntt dhsd
Ứng dụng công nghệ trong giờ học tại Trường Đại học Sao Đỏ.

Đối với giảng viên tại trường đại học, công tác giảng dạy luôn được coi trọng, là điều kiện cần và đủ đối với một giảng viên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa yêu cầu của hoạt động chuyên môn của người giảng viên.Vì vậy, việc NCKH lâu nay luôn được các trường đề cao, chú trọng, đặt ra như một nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên và là một tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu để đánh giá khả năng toàn diện của giảng viên. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển như hiện nay, việc tham gia vào những hoạt động NCKH sẽ đem lại những lợi ích:
          Thứ nhất: Giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình.
         Thứ hai:  Người giảng viên tham gia NCKH một mặt vừa củng cố lại kiến thức chuyên môn của mình, mặt khác vừa có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn từ những kiến thức từ các chuyên ngành khác.

         Thứ ba: Nghiên cứu khoa học còn góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên, đồng thời hình thành ở giảng viên những phẩm chất của nhà nghiên cứu.
          Thứ tư: Tham gia hoạt động NCKH là cơ hội tốt để giảng viên có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực NCKH. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
          Thứ năm: Hoạt động NCKH sẽ góp phần quan trọng để khẳng định uy tín của nhà trường với các trường bạn trong toàn quốc. Mỗi bài viết tham gia hội thảo được đánh giá cao, mỗi công trình NCKH ở các cấp, mỗi bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành với tên cán bộ, giảng viên gắn với tên nhà trường là một lần thương hiệu và uy tín của nhà trường được thể hiện.
Nhận thức được lợi ích của hoạt động  nghiên cứu khoa học đối với giảng viên, trường Đại học Sao Đỏ luôn luôn chú trọng, khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện, để giảng viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học, xác định đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi giảng viên. Mỗi giảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm và nhiệm vụ của mình đã tự giác, tích cực nghiên cứu đăng ký làm các đề tài khoa học, viết báo đăng tạp chí quốc tế, trong nước, trong trường. Năm học 2019-2020 toàn trường có 42 đề tài khoa học cấp cơ sở; 01 đề tài cấp Tỉnh; 02 đề tài cấp Bộ được nghiệm thu;  có trên 40 công trình khoa học được công bố trên các Tạp chí, hội thảo quốc tế; 14 bài đăng tạp chí chuyên ngành trong nước; 68 bài đăng tạp chí Đại học Sao Đỏ; 04 bài hội thảo trong nước. Theo sự đánh giá của các Hội đồng, năm nay, các đề tài khoa học công nghệ của giảng viên đều tăng cả về số lượng và chất lượng, lĩnh vực nghiên cứu của đề tài phong phú, đa dạng. Nội dung của đề tài có nhiều ứng dụng trong thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp (07 đề tài được chuyển giao công nghệ cho các công ty) trong giảng dạy,  đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà trường. Đặc biệt một số đề tài được triển khai từ sự đặt hàng của doanh nghiệp và được doanh nghiệp cấp kinh phí nghiên cứu. 
Nhìn chung, hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên đã có những đóng góp đáng kể vào thành tích chung của các nhà trường, góp phần tạo nên uy tín, chất lượng trong đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển chưa xứng tầm với mục tiêu Nhà trường đề ra, cụ thể: Một số giảng viên vẫn chưa nhận thức được lợi ích của việc nghiên cứu khoa học, nên làm đề tài theo kiểu đối phó, chưa giành nhiều thời gian, trí tuệ trong quá trình nghiên cứu; Tinh thần hợp tác với nhau, giúp đỡ nhau trong hoạt động NCKH. Nhiều giảng viên có trình độ cao chưa tập hợp các giảng viên trẻ khi triển khai các đề tài. Ngược lại, giảng viên trẻ còn e dè, ngại ngùng học hỏi hay tranh thủ sự giúp đỡ của giảng viên lâu năm nhiều kinh nghiệm; Số lượng đề tài khoa học cấp Nhà nước, Bộ, Tỉnh khối xã hội còn ít; Sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Số lượng đề tài chuyển giao cho các doanh nghiệp còn ít; về kinh phí là vấn đề then chốt nhất và vướng mắc nhất của NCKH.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, như các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội, giáo dục cũng chịu sự tác động nặng nề, học sinh, sinh viên trong các tỉnh thành trong cả nước chịu nhiều thiệt thòi khi phải tạm dừng đến trường. Ngay từ năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 mới xảy ra làm ảnh hưởng lớn tới giáo dục và đào tạo, nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số để để không gián đoạn quá trình tiếp thu kiến thức của sinh viên.
Nhà trường đã xây dựng hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên) có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trước hết là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy - học. Hướng dẫn cụ thể về tổ chức học trực tuyến để triển khai, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên kỹ thuật thực hiện, xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng bộ môn. Hiện nay, Nhà trường đã thực hiện quản lý đào tạo trên hệ thống phần mềm ngay từ những năm đầu đào tạo đại học. Hàng năm đều có sự cập nhật và bổ sung các tính năng của các phần mềm quản lý. Cùng với việc áp dụng các phần mềm, nhà trường xây dựng quy chế quản lý đào tạo dựa trên nền tảng số; xây dựng quy định quản lý thi trực tuyến, quy định quản lý hoạt động truyền thông qua cổng thông tin điện tử và Fanpage của trường, quy định về quản lý hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của nhà trường, ngoài ra nhà trường đã xây dựng chính sách khuyến khích giảng viên xây dựng các bài giảng, học liệu số một cách có hệ thống để chia sẻ trực tuyến trên Cổng thông tin học tập trực tuyến Trường Đại học Sao Đỏ, SDU E-LEARNING.
Nhà trường, các thầy cô giáo cố gắng phối hợp tốt với phụ huynh học sinh, sinh viên để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh, sinh viên học tập tại nhà. Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp.
Đối với giảng viên, giáo viên: Tự trang bị cho mình khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến. Ngoài ra, có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua zoom, qua online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email... Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh, sinh viên như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận.
Giáo viên dành thời gian thiết lập các mối quan hệ, làm quen kết nối với học sinh, sinh viên. Chuẩn bị các hoạt động dạy học cũng như các trò chơi, video clip với các hoạt động khởi động vui nhộn tạo bầu không khí thoải mái trong lớp học. Giáo viên luôn cài chế độ hình ảnh nổi lên màn hình chính, luôn tương tác với học sinh, ghi nhận và khen thưởng trong quá trình dạy học. Qua đó, tạo mối thân thiện giữa giáo viên và học sinh, hướng dẫn học sinh cần chậm hơn bình thường, tránh việc vô ý tạo ra áp lực thời gian cho học sinh vì nó sẽ làm triệt tiêu hứng thú học tập. 
Với mục đích bồi dưỡng đội ngũ giảng viên theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và thời kỳ chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, Trường Đại học Sao Đỏ đã ban hành kế hoạch số 94/KH-ĐHSĐ ngày 20/8/2021 về Đánh giá năng lực thực hành, thực nghiệm của giảng viên năm học 2021-2022. Thực hiện kế hoạch, giảng viên của các khoa đã chủ động ôn luyện, tích cực khai thác các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại tại trung tâm thực hành, thực nghiệm, phòng thí nghiệm của khoa, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng bước vào đợt đánh giá năng lực thực hành, thực nghiệm.
Trường Đại học Sao Đỏ đã xây dựng định hướng chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhà trường sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số của trường để có cơ sở khoa học triển khai toàn diện và có chiều sâu hơn công tác chuyển đổi số. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo Thạc sỹ được học tập tối thiểu 30% thời lượng trong môi trường số.
Nguyễn Bích Phương
 Từ khóa: ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây