Con đường cứu nước, cứu dân và đạo đức của Bác tỏa sáng trong thi ca

Thứ năm - 28/01/2016 13:46 839 0
Bác Hồ là con người Việt Nam đẹp nhất Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Bác là niềm tin, niềm tự hào cao cả của dân tộc ta và cả loài người tiến bộ. Tên Bác Hồ trờ thành danh từ chung đẹp đẻ nhất, thân thiết nhất, gần gũi nhất, kính mến nhất. Con đường cứu nước, cứu dân và đạo đức Hồ Chí Minh toả sáng trong thơ ca.
Hình ảnh di chúc Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
Hình ảnh di chúc Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Trong trường ca “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/hương cuộc đời chung thương cỏ hoa/hỉ biết quên mình cho hết thảy/hư dòng sông chảy nặng phù sa...”(Theo chân Bác- Tố Hữu ).Tấm lòng của Bác luôn rộng mở; yêu nhân dân, lo cho đất nước đã trở thành niềm vui của Bác. Người đã sống quên mình vì dân vì nước. Là một lãnh tụ cách mạng, bận trăm công nghìn việc lớn lao, vậy mà Bác vẫn còn quan tâm đến những việc lớn nhỏ chăm sóc, ân cần với mọi người. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã diễn đạt về đạo đức sáng ngời của Bác: “Suốt một đời Bác đã nghĩ về ta /Nói về Đảng cũng vì dân mà nói /Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói /Ôi lòng Người đo sao hết mông mênh” (Thấm trong Di chúc).

Năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Đó là ham muốn tột bậc của Hồ Chủ tịch. Sự nghiệp lớn nhất của Bác là sự nghiệp cách mạng. Lòng yêu nước cứ thôi thúc trái tim và bầu nhiệt huyết sục sôi tuổi trẻ. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc. Những dòng cảm xúc và tứ thơ Chế Lan Viên cứ lay động trong tâm thức hàng triệu thế hệ: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre”(Người đi tìm hình của nước).

Trong hành trình đi “tìm hình của nước” Người trăn trở, thao thức khôn nguôi: “Ngày mai ta sẽ sống ra sao đây?/Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngũ/Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?Rồi cờ sẽ ra sao?Tiếng hát sẽ ra sao?/Nụ cười sẽ ra sao?...Ơi, độc lập!”. Biết bao gian nan khó nhọc chờ đợi người thanh niên yêu nước mới ngoài hai mươi tuổi: “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi,/ Những đất tự do, trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi./-Có nhớ chăng gió rét thành Ba Lê?/Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa Băng giá./Và sương mù thành Luân Đôn, người có nhớ/Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?”(Người đi tìm hình của nước- Chế Lan Viên). Sinh động, ý nghĩa biết bao hình ảnh “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa Băng giá” và “Giọt mồ hôi người nhỏ giữa đêm khuya?”.

Năm 1920, khi đọc được bản sơ thảo lần thứ nhất “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Luận cương của LêNin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó Người nói: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của V.I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(2).

Làm sao quên được thời khắc xúc động và thiêng liêng đối với Bác, đối với Tổ quốc, nhân dân. Trong bài thơ "Người đi tìm hình của nước", Chế Lan Viên đã rất thành công trong việc tái hiện bằng thơ cái khoảnh khắc rất cảm động phút "lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin": “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”(Người đi tìm hình của nước).

Hơn 30 năm bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, trên con đường dài dằng dặc ấy, Nguyễn Ái Quốc đã qua gần 30 quốc gia, qua hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi, với ý chí, quyết tâm và lòng tin của Người về con đường giải phóng dân tộc luôn trước sau như một, tình yêu Tổ quốc luôn luôn cháy bỏng đến thiết tha trong tâm trí của Người: “Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi/Đêm mơ Nước, ngày thấy hình của Nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (Người đi tìm hình của nước- Chế Lan Viên).

Ngày 28-1-1941, Người đã trở về Tổ quốc. Cả dân tộc Việt Nam như đang hoà vào hồn thiêng sông núi để cất lên bài ca đón chào trong niềm hân hoan vui sướng: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... Im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”(Tố Hữu - Theo chân Bác). Nhà thơ Chế Lan Viên lại có cách biểu hiện cảm xúc độc đáo khác:“Nở trắng hoa kim anh trên biên giới, Bác về/Xa nước ba mươi năm, một câu Kiều, Người vẫn nhớ./Mái tóc bạc đã phai màu quá nửa/Lòng son ngời như buổi mới ra đi”(Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi).

Khi đến cột mốc 108 - cột mốc bằng đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp - Bác dừng lại, cúi đọc những chữ khắc sâu trong đá, rồi hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu tới dãy đất Tổ quốc trùng điệp: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi,/Nhớ thương hòn đất, ấm chân Người./Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ,/Mà đến bây giờ mới tới nơi”(Theo chân Bác- Tố Hữu).Chế Lan Viên  cũng đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động: “Kìa! bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”(Người đi tìm hình của nước-Chế Lan Viên ).

Tháng 5 về, lại bừng dậy trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước tình cảm nhớ thương Người da diết, nhớ công ơn trời biển của Người đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác-LêNin khoa học và cách mạng để vạch con đường đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ, mạng gông xiềng của bọn phong kiến thực dân, đế quốc hàng trăm năm để trở thành một dân tộc độc lập, tự do, làm chủ đất nước của mình, thực hiện quyền bình đẳng với các dân tộc lớn nhỏ, trên thế giới!. Nhớ Bác là nhớ đến đạo đức mẫu mực của một vị cha già dân tộc luôn “nâng niu tất cả, chỉ quên mình’; nhớ tình thương mênh mông của Bác dành cho các tầng lớp nhân dân “sữa để em thơ, lụa tặng già”. Nhớ Bác, học Bác chúng ta học tập và làm theo tâm hồn lạc quan, lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân. Một nếp nhà sàn nhỏ bằng gỗ, một đôi dép lốp cao su, hai bộ quần áo vải kaki bạc màu và chỉ một ham muốn, một ham muốn suốt đời sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành: “Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị / Màu quê hương bền bỉ đậm đà?... Nơi Bác ở: sàn mây vách gió / Sáng nghe chim rừng hót sau nhà/Đêm trăng một ngọn đèn khêu nhỏ/Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Còn đôi dép cũ mòn quai gót / Bác vẫn thường đi giữa thế gian?....(Sáng thánh năm- Tố Hữu).

Khi đất nước bị nỗi đau chia cắt phân ly của của nhân dân hai miền Nam, Bắc và đó cũng chính là nỗi đau lớn của Bác: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu đau khổ, là một ngày tôi không ăn ngon, ngũ không yên”(3). Vì lẽ ấy, mà khi tiếp nhận được tình cảm lớn đó, đồng bào ta đã không quản ngại hy sinh, gian khổ để bảo vệ độc lập, tự do, phá tan âm mưu chia cắt của kẻ thù: “Cho dù giặc Mỹ trăm tay/Quyết không chia được đất này làm hai/Cho dù cạn nước Đồng Nai/Nát chùa Thiên Mụ, không sai tấc lòng” (Ca Dao).Hình ảnh Hồ Chí Minh và tình cảm của đồng bào miền Nam dành cho Bác còn được nhà thơ Thanh Hải thể hiện: “Đêm qua cháu lại chiêm bao/ Ngày vui thống nhất bác vào miền Nam/ Cổng chào dựng chật đường quan/ Bác đến đình làng Bác đứng trên cao/ Bác cười thân mật biết bao/ Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu/ Ung dung Bác vuốt chòm râu/ Bác xoa đầu cháu Bác âu yếm cười” (Cháu nhớ Bác Hồ).  Đây là bài thơ được nhà thơ Thanh Hải viết vào đêm trung thu năm 1956. Ngày ấn định cho hiệp thương tổng tuyển cử đã đã đi qua rồi mà nước nhà vẫn chưa thống nhất. Nỗi nhớ nhung, mong ước Bác vào thăm miền Nam của em bé hay cũng chính là nỗi nhớ nhung, mong ước của nhà thơ, của đồng bào miền Nam đối với Bác. Bằng những lời thơ hết sức giản dị, gần gũi, thân thương. Thanh Hải đã nói lên thật xúc động mà sâu sắc tình cảm của miền Nam với Bác Hồ.

Và, một lý tưởng độc lập, tự do thâm nhập vào quả tim và bộ óc thì toàn dân theo Bác làm cách mạng. Miền Nam làm cách mạng, miền Băc làm cách mạng, năm mươi tư dân tộc anh em đoàn kết làm cách mạng. Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được cả dân tộc và thời đại nêu cao: “Thời đại lớn cho ta đôi cánh /Không gì quý hơn Độc lập, tự do!/Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/Có Đảng ta đây, có Bác Hồ”(Theo chân Bác-Tố Hữu).

Hồ Chí Minh - Người là niềm tin, niềm hy vọng, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, Người là tấm gương ngời sáng cho bao thế hệ phấn đấu rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức, Người vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam hôm nay và mai sau: “Vì sao? Trái đất nặng ân tình/Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh/Như một niềm tin như dũng khí/Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh”(Theo chân Bác-Tố Hữu).

Ngày Bác mất đi, mỗi giọt nước mắt “đời tuôn” là một tiếng khóc, một bài thơ đau đớn trước một tổn thất không sao bù đắp nổi, ở những giây phút xé lòng này, là những tổng hợp cảm xúc, muốn khái quát, không chỉ về Bác mà cả về dân tộc trong qua khứ, hiện tại và tương lai: “Chao ôi, Bác  ốm thật sao? Không, không, cháu chả khi nào tin đâu? Sáng  nay đài báo từng câu? Nghe xong, tưởng quả địa cầu muốn tan”. (Bác có thấu lòng trẻ thơ-Nguyễn Hoàng Kiên.Nhà thơ Tố Hữu  đã cất lên lời thơ: "Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa/ Chiều nay con về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa ..."(Bác ơi –Tố Hữu). Cũng là "nỗi đau", trong "Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương" Việt Phương lại viết: “Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào chờ, bị ướt/Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui”(Cửa Mở-Việt Phương). Từ chiến trường miền Nam, Thu Bồn đã Gửi lòng con đến cùng Cha để thắp nén hương viếng Bác: “Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam/Con qua Cẩm Lệ sông Hàn/Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha”(Gửi lòng con đến cùng Cha).

Tin Bác mất đến với bạn bè năm châu, sự tiếc thương về một vị lãnh tụ với nhân cách lớn đã khiến Cụ Riôkê Onisi (trên 100 tuổi), là một vị cao tǎng Nhật Bản có uy tín lớn đã nhịn ǎn và viết bài thơ “Trời xanh đón Người về” để kính viếng: “Trời xanh đón người cứu nước về-Đau lòng chúng sinh trên đường mê-Xưa nay hiếm bậc lão anh kiệt-Chiếc lá thu bay: trời ủ ê”

Lòng thương người bao la mang tầm nhân loại của Hồ Chí Minh đã được minh chứng bằng cả cuộc đời hoạt động vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của người Việt Nam và nhân dân lao động trên thế giới. Bản thân cuộc sống riêng tư khiêm tốn, bình dị, trong sáng của Người, ngay cả khi đã đứng ở đỉnh tháp của quyền lực. Qua đó cho thấy sự đồng cảm sâu lắng của Người đối với con người lao động bình thường. Con người, phẩm chất và tình thương của Bác có sức cảm hoá lớn lao, toả sáng niềm tin, và nói như Phê-lích Pi-ta Rô-đri-ghết, nhà thơ Cu-ba: Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ.

Nguyễn Văn Thanh

Tài liệu thao khảo:

(1), (3)-Ban TT-VH TRUNG ƯƠNG, Một số lời dạy và mẩu chuyện về Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXBCTQG, HN, 2007.

(2)-Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, tập 1, tr.127.                  

Tất cả những câu thơ được trích dẫn trong bài viết đều lấy từ tuyển tập Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 2009 và Người đi tìm hình của nước, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.

 

                          

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây