Chuyển đổi số và xây dựng Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại

Thứ sáu - 23/12/2022 14:19 333 0
Một trong những phương hướng và mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đó là “… đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với bốn trụ cột: 1. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; 2.Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; 3. Dịch vụ chất lượng cao; 4. Phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Để từng bước thực hiện các nhiệm vụ, cũng như hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ đã đưa ra, cấp có thẩm quyền ban hành đã ban hành: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/3/2021 về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 về phê duyệt đề án “Xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” và Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh, phiên bản 1.0. Hiện tại, công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đã được các hội viên Hội Tin học và Điện tử tỉnh thuộc các Chi hội tích cực tham mưu, phối hợp triển khai, tham gia ý kiến phản biện cho nhiều đề án, dự án, chính sách của tỉnh và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ sau:
1. Đối với đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”: trong giai đoạn 2022-2023 sẽ triển khai hoàn thành 03 dự án: (1) Hạ tầng công nghệ thông tin cho Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh (DC), (2) Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương (IOC), (3) Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC). Đây là 03 dự án mang tính chất làm nền tảng, cốt lõi để triển khai các ứng dụng khác phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh trên toàn tỉnh.
2. Đối với hạ tầng kỹ thuật: 100% các cơ quan, đơn vị đã xây dựng mạng nội bộ (LAN); tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt ~100%; mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh đã được triển khai; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư nâng cấp, phục vụ tốt các cuộc họp giữa tỉnh với Trung ương và với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) cấp tỉnh đã được xây dựng, kết nối với một số cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (NDXP) quốc gia.
3. Về xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung và chuyên ngành như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp (tính đến 31/10/2022, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 325889 lượt văn bản, số văn bản gửi trên hệ thống là 113904 văn bản, số văn bản nhận là 211985); 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được cấp chứng thư số (5.606 chứng thư số và 31 SIM PKI); đã cấp trên 8.000 tài khoản thư điện tử công vụ; Hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh đã được triển khai đồng bộ và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; Hệ thống Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đã được liên kết, tạo lập thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (đang tiếp tục nâng cấp hoàn thiện bổ sung thêm các tính năng phục vụ cho triển khai Đề án 06/CP); Hiện đang cung cấp 588 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 1144 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; tổng hồ sơ tiếp nhận là 916.791, tổng số hồ sơ đã giải quyết là 915.720; tổng hồ sơ giải quyết đúng hạn là 98,5% (hiện nay đang được rà soát theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần).
Ngoài ra, đã xây dựng và triển khai một số hệ thống thông tin chuyên ngành như: cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành giáo dục; Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm quản lý bảo hiểm, phần mềm quản lý y tế cơ sở của ngành Y tế;Hệ thống thông tin đất đai, hệ thống quan trắc môi trường tự động; Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); Hệ thống quản lý đối tượng người có công và chế độ chính sách; hệ thống quản lý xe buýt thông minh; hệ thống quản lý bảo trì, quản lý hành lang an toàn đường bộ;…
4. Về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số:
- Thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng tỉnh Hải Dương tại Quyết định số 689/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh Hải Dương và đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn/khu dân cư với 1.340 tổ và 6.891 thành viên.
- Đến nay, có 157.566 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; 108.983 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với trên 1.544 sản phẩm được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 30.473, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
- Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G đã được phát triển mở rộng và đạt tỷ lệ phủ sóng 100% trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng mạng viễn thông 5G đã được triển khai thử nghiệm trên địa bàn thành phố Hải Dương.
- Số hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng là 349.540/571.399, đạt tỷ lệ 61,17%.
- Số thuê bao điện thoại di động sử dụng Smartphone là 1.509.523, tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone đạt 72,36%.
- Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử là 10.179/10.277, đạt tỷ lệ 99%.
- 100% thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng đã được đào tạo tập huấn về kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số.
- Số người từ 15 tuổi trở lên đứng tên tài khoản ngân hàng: 1.396.369/1.936.775, đạt tỷ lệ 72,1%; tỷ lệ sử dụng hình thức thanh toán điện tử, mobile banking ~ 28,25%.
- Đồng thời, ứng dụng dành cho người dân “Smart Hải Dương” có khoảng trên 150.000 người cài đặt; ứng dụng Hải Dương ID là nền tảng xã hội số hướng tới đối tượng là người lao động, có khoảng trên 10.300 người cài đặt; đây là bước đầu trong việc cơ quan nhà nước cung cấp các dịch vụ, tiện ích nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đối thoại với chính quyền, tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ.
5. Ngoài ra, các doanh nghiệp  hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh như: VNPT, Viettel, Mobifone, Bưu điện tỉnh Hải Dương cũng thường xuyên chủ động, tích cực song hành tham vấn cùng các cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số; tập huấn kỹ năng số cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng bằng nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp; hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; triển khai các dịch vụ bưu chính công ích;…
Với những kết quả nêu trên, chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông và truyền thông (ICT Index); xếp hạng về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nay là xếp hạng về chuyển đổi số (DTI) và xếp hạng về cải cách hành chính lĩnh vực hiện đại hóa và nay là lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hàng năm của tỉnh đều có những chuyển biến tích cực; cụ thể: về xếp hạng chuyển đổi số năm 2021: xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố (giữ nguyên vị trí so với năm 2020); về lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thuộc bộ chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh năm 2021: xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố (tăng 14 bậc).
Trong thời gian tới, trên cơ sở nắm bắt các định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; Hội Tin học và Điện tử tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục tích cực tham vấn, phối hợp triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số nhằm góp phần xây dựng Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại trên một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò hạt nhân trong hoạt động tư vấn, phản biện trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, phát triển các dịch vụ đô thị thông minh gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh góp phần nhanh chóng thực hiện thành công các mục tiêu và chỉ tiêu theo tinh thần của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị quyết số 06 -NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hai là, đẩy mạnh phát triển các hoạt động kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế; các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm lôi kéo các đối tác về khởi nghiệp và cùng nhau xây dựng thị trường công nghệ thông tin minh bạch, xây dựng hệ sinh thái phần mềm và dịch vụ số chất lượng cao, nhanh chóng xây dựng và phát triển các sản phẩm công nghệ nền tảng, có tiềm năng ứng dụng và triển khai trên phạm vi rộng rãi trên toàn quốc, kiến tạo giá trị gia tăng lớn cho xã hội và nền kinh tế số.
Ba là, nghiên cứu xây dựng giải pháp để phát triển mạnh mẽ công tác tổ chức hội và phát triển hội viên; xây dựng cơ chế vận động và thu hút kết nạp các chuyên gia công nghệ thông tin trình độ cao để làm đội ngũ hạt nhân cho các hoạt động tư vấn, phản biện của Hội; xây dựng Hội thực sự là cầu nối, là môi trường, sân chơi lan tỏa khát vọng cống hiến và khát vọng thay đổi tích cực để các chi hội, hội viên phát huy mạnh mẽ năng lực và thế mạnh, cùng nhau đoàn kết, hợp tác và phát triển vì sự phát triển chung; cùng chung sức, đồng lòng, tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất đúng và trúng; phối hợp tham gia các đề tài, dự án, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để góp phần xây dựng Hải Dương trở thành đô thị xanh thông minh, hiện đại.
Nguyễn Minh Kha
Hội Tin học Điện tử tỉnh Hải Dương
 Từ khóa: CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây