Chủ tịch Hồ Chí Minh - Động lực to lớn trên hành trình đổi mới đất nước

Chủ nhật - 19/05/2019 21:23 461 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kiệt xuất, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu về Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là một điều phải làm suốt cả cuộc đời và cho cả nhiều thế hệ mai sau.

Trong những ngày tháng 5 này, cả nước tưng bừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời điểm lịch sử ấy diễn ra vào đúng dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh huyền thoại; kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Chí Minh”; đồng thời toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tích cực thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng.

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ là một lần chúng ta thấy rõ hơn giá trị to lớn về tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, của Đảng ta, là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam, là động lực thúc đẩy chúng ta trong đổi mới, hội nhập để phát triển. Tấm gương đó tỏa sáng trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, trở thành giá trị chuẩn mực và định hướng giá trị trong giáo dục và thực hành đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có ảnh hưởng và hiệu ứng rộng rãi trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên thế giới, bởi những người bạn bè, anh em của Việt Nam với tất cả tấm lòng chân thành, tin cậy đều dành cho Người sự khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng.

Cả cuộc đời, Bác đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí; cho cụ già, trẻ em, các cháu gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược; từ Bắc đến Nam...“Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...” - Lời bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của cố nhạc sĩ Thuận Yến như thay lời muốn nói cho hàng triệu trái tim của bao thế hệ người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

image002
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành của Triều Tiên
 

Ham muốn của Hồ Chí Minh đã được trình bày một cách giản dị: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1). "Ham muốn tột bậc" của Bác không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu hành động nhất quán của Người, một người suốt đời vì nước, vì dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với Người, không có hạnh phúc nào lớn hơn là hạnh phúc được phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Đó là tư tưởng lớn lao và cũng là thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhân dân. 

Trong Di chúc thiêng liêng Bác khẳng định: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” (2).  Lời tiên tri của Bác đã thành hiện thực sinh động từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo xã xôi. Đúng như nhận định của Đảng và Nhà nước ta:  Sau 33 năm đất nước đổi mới, thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Tầm vóc và ý nghĩa cách mạng sâu sắc của công cuộc đổi mới ở Việt Nam thể hiện ở việc chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

image004
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân tỉnh Thái Bình.
 
Tuy nhiên, soi mình vào thực tiễn, vẫn còn đâu đó tình trạng một bộ phận đội ngũ cán bộ của Đảng làm phiền dân, chưa thực sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là căn bệnh tồn tại khá phổ biến và gây hại trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong những điều dặn dò tâm huyết trước lúc đi xa, Bác nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng…”(3). Làm theo lời dạy đó, Đảng ta đã coi việc xây dựng chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ then chốt để bảo vệ đất nước. Để thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ then chốt”, Đảng ta luôn chú trọng chăm lo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp trong toàn Đảng, đặc biệt là cấp Trung ương.  Với phương châm, phong cách  “Nói vậy, làm vậy”, “Nói đâu, làm đấy”, “Nói đi đôi với làm”, kết quả đạt được là khá toàn diện, đâu cũng sôi nổi một không khí rất phấn chấn, tin cậy trong nhân dân.
image003
Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, Hải Dương (tháng 5-1957).
Làm theo lời bác dặn: “Đảng phải có kế hoach thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân” (4) . Để giành lấy thắng lợi như điều Bác mong muốn, Đảng, Nhà nước và Chính phủ không chỉ tiến hành “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “phát triển công tác vệ sinh, y tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”; “củng cố quốc phòng”…mà còn phải động viên toàn dân, tổ chức, giáo dục toàn dân và tạo điều kiện cho dân tự xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của mình. Những điều Người dặn, những quyết sách của Người cùng Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ đã nỗ lực thực hiện đã góp phần chăm lo đời sống nhân dân, thể hiện chiều sâu tư tưởng nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa và tiếp tục được thực hiện trong thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tình cảm thân thương của Bác và những khát vọng của Bác đối với dân tộc và đất nước đang tiếp sức cho chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội;  kiên định đường lối đổi mới. Độc lập dân tộc gắn với CNXH là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau. Cụ thể hơn, Bác cho rằng chủ nghĩa xã hội phải “có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến”. Còn về chính trị, xã hội xã hội chủ nghĩa là do nhân dân làm chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở mọi người dân, mọi cán bộ, công chức nhà nước đều là công bộc của dân.
Kỷ niệm 129 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả lòng kính yêu biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, chúng ta nguyện kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh  tế- xã hội năm 2019. Mỗi cấp ủy Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc tình hình; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tích cực tham mưu thực hiện đồng bộ, hiệu qủa các nghị quyết về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII); Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy ở các cơ quan, đơn vị, địa phương…
Giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh - tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Nhớ thương da diết, lòng nặng ơn sâu, mỗi chúng ta thầm hứa với Bác kính yêu: “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”, và thực hiện bằng được ước mong của Người trước lúc đi xa: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Nguyễn Văn Thanh
Chú thích:
(1)- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, trang 187.
 (2), (3,(4) -Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 trang, 8,9,10,47.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây