Chữ nghĩa thời nay

Thứ năm - 28/01/2016 15:39 969 0
Thời nay, mặt bằng học vấn của mọi người đã cao hơn rõ rệt, so với thời chống Mỹ thôi chứ chưa so với thời trước 1945. Cán bộ nhà nước nhiều người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Trình độ đại học mang tính phổ cập. Rất ít người còn có bằng trung cấp. Nhân dân lao động thì đại đa số học hết trung học cơ sở (cấp 2 cũ). Có lẽ chỉ còn loáng thoáng một số người vì lí do đặc biệt mới ở trình độ tiểu học. Sự thật ấy là điều đáng mừng, nó thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Tuy nhiên, có một nghịch lí xảy ra là trong văn nói và văn viết trên các phương tiện thông tin như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các báo chí, sách đã được xuất bản, văn trên bia, câu đối đắp ở công trình công cộng... lại có rất nhiều cái sai. Trong bài viết này vì lí do tế nhị, tôi không nêu tên người viết sai, nói sai về mặt chữ nghĩa.

          Cái sai khá phổ biến là do vốn sống thực tế có lẽ còn hạn hẹp. Cách đây vài ba năm, trên hệ VOV2 của đài Tiếng nói Việt Nam, trong chuyên mục “Tìm trong kho báu”, có nói về truyện Kiều do một nữ thạc sĩ đảm nhiệm. Khi phân tích về tả cảnh mùa hạ của Nguyễn Du, chị nói rằng câu thơ “Dưới trăng quyên đã gọi hè”, tác giả nói đến chim quyên chính là chim tu hú mà mọi người vẫn lầm tưởng là chim cuốc. Tôi thật ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe chị bảo chim quyên (còn gọi là Đỗ quyên) là chim tu hú. Trong truyện cổ tích Việt Nam có truyện “Sự tích chim cuốc” kể về vua nước Thục mải ăn chơi để mất nước, khi chết hóa thành chim đỗ quyên, vì tiếc ngai vàng, tiếc nước Thục nên suốt ngày cứ kêu “Thục quốc, Thục quốc”. Còn con chim tu hú thường kêu “ tu hú, tu hú” vào đầu mùa vải chín ( vải chua chứ không phải vải thiều). Vì thế nhiều vùng ở Hải Dương có người gọi quả vải chua ấy là quả tu hú. Chim cuốc kêu suốt mùa hạ, sang cả mùa thu. Còn chim tu hú chỉ kêu vào đầu vụ vải chín rồi thôi.

          Trong một bài nghiên cứu về phong tục ăn trầu ở một số nước vùng Đông Nam Á, một GS - TS viết: “những khẩu trầu đã được cuốn sẵn”. Ông nói đến chữ “ cuốn” ba lần. Tôi rất ngạc nhiên, dân ta gọi là “ têm” trầu chứ không ai gọi là cuốn. Giả sử có dịch từ tiếng nước ngoài thì cũng phải dịch là têm chứ. Sáng ngày 29/3/2015, ở buổi phát thanh lúc hơn 6 giờ, trong tiết mục “ Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, một bạn nghe đài hỏi về câu thành ngữ “Buồn như chấu cắn”. Một PGS - TS giải thích rằng : “ngày xưa dân ta nghèo nằm ổ rơm mà trong rơm có lẫn vỏ trấu nên gây ra nhấm nhốt, khó chịu. Vì vậy mới có câu “ Buồn như chấu cắn”. Tôi thấy lời giải thích của vị PGS - TS thế nào ấy, khó thuyết phục. Ở đây, ông này có sự lẫn lộn giữa hai từ “chấu” và “trấu”. Vả lại trong rơm có thể còn sót thóc (chủ yếu là hạt thóc lép) chứ làm sao có vỏ trấu. Vỏ trấu khác hạt thóc. Lại nữa, dân ta nằm ổ rơm phải có chiếu trải ở trên chứ không ai nằm trực tiếp trên rơm cả. Rồi cảm giác “ buồn” khác “ nhấm nhốt”. Vậy chấu cắn là gì mà lại buồn. Đó là con châu chấu nó cắn. Cái này phải hỏi trẻ con ở nông thôn mới biết được. Cho châu chấu cắn vào tay là một trò chơi của trẻ con xưa. Cũng trong tiết mục ấy của VOV2, một lần có bạn hỏi về câu “Yêu nhau cau 6 bổ 3”. Một GS - TS giảng giải là bổ thế cho nhanh “Yêu nhau cần phải nhanh”; Tôi thấy cách giải thích ấy hơi lạ, hình như không đúng với ý của dân gian. Nếu “ Yêu nhau cần phải nhanh” như GS - TS nói thì không bổ là nhanh nhất. Một dẫn chứng nữa là trên tạp chí “Nguồn sáng dân gian” số ra gần đây, có bài viết về tác giả Minh Hiệu của một GS - TS. Ông viết “ Mới 20 tuổi, Minh Hiệu đã được chỉ định làm phụ trách Việt Minh xã, đồng thời là bí thư thanh niên cứu quốc và ủy viên thư ký của ủy ban nhân dân xã”. Minh Hiệu sinh 1924 (như tác giả viết). Vậy lúc ông 20 tuổi là năm 1944. Lúc ấy Cách mạng chưa thành công, chưa có ủy ban nhân dân. Vả lại từ khi Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, ủy ban có những tên khác nhau: UB Cách mạng lâm thời, UB Hành chính, UB Kháng chiến hành chính, rồi lại UB Hành chính, sau đó là UB nhân dân. Mỗi tên ấy có thời điểm lịch sử của nó. Đề nghị GS xem lại.

               Một số từ dẫn trong cuốn Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh của hai tác giả Khắc Trí và Trọng Tấn. Ảnh Hồng Nhung

 Có lần tôi đọc một bài viết về nghề làm cốm trên báo HD, trong bài có đoạn viết “cốm giã khi thóc rang xong để nguội... Cốm mộc là luộc thóc rồi giã... Cốm hồ là giã lẫn với lúa non nên cốm dẻo và xanh”. Ở quê tôi làm cốm là rang thóc đến độ chín và thơm thì cho sang cối giã ngay và phải giã nhanh khi hạt thóc còn dẻo. Để nguội giã chỉ thành cám thôi. Cốm mộc là cốm không hồ bằng nước lá mây hay lá mạ, cốm giữ nguyên màu hạt gạo. Nếu hồ cốm như tác giả nói là giã lẫn với lúa non thì nó thành cái gì nhỉ. Hình như tác giả chưa xem làm cốm bao giờ.

 

          Tôi cũng được đọc truyện ngắn “ Bức tĩnh vật” của một tác giả ở hội văn nghệ tỉnh Hải Dương, được đăng trên tạp chí văn nghệ tỉnh. Tư tưởng truyện rất hay nhưng tác giả viết về cây muỗm rất lớn, nhiều rễ mọc từ cành tỏa xuống bám vào thân tạo ra nhiều hang hốc. Tôi được biết cây muỗm có nơi gọi là cây quéo. Miền Nam gọi là xoài. Ngày xưa cây muỗm hay được trồng ở đình chùa. Cây muỗm sống rất lâu, thành cổ thụ nhưng muỗm không có rễ mọc ra từ cành, quấn vào thân như cây đa, cây đề, cây si. Nói như tác giả là không thực tế. Ai chưa tin thì đến chùa Cập Nhất (huyện Thanh Hà) nơi ấy còn cây muỗm 600 năm tuổi theo sư trụ trì ở chùa cho biết.

          Một lí do nữa dẫn đến sai sót nhầm lẫn trong văn chương là sự cẩu thả, coi thường bạn đọc. Nói cách khác là vô trách nhiệm khi cầm bút. Xin thí dụ: Tôi vào xem khu tưởng niệm Liệt sĩ của huyện Kim Thành (Hải Dương). Đứng ngoài nhìn vào, tam quan có ba cửa. Cửa chính ở giữa. 2 cửa phụ ở hai bên. Cửa bên trái thì cột 1 có câu “ Tế tự liệt sĩ mãi ngàn năm”. Cột 2 có câu “Trung liệt tế tự nghi thiên thu” (Cột 1 bên trái, cột 2 bên phải). Cửa bên phải,  cột 3 có câu “Nam quốc sơn hà hữu kim nhật”. Cột 4 có câu “Non nước Việt Nam hôm nay có” (cột 3 bên trái, cột 4 bên phải). Chữ đắp trên cột là chữ quốc ngữ, kiểu chữ in nên ai cũng đọc được và trình bày dạng câu đối. Nếu xét từng cửa thì hai vế: “Tế tự liệt sĩ mãi ngàn năm” (cột 1) với “Trung liệt tế tự nghi thiên thu” (cột 2) chỉ là một bên âm Hán và một bên âm Việt mà thôi. Ở cửa bên phải cũng vậy, cột 3 “Nam quốc sơn hà hữu kim nhật” là âm Hán. Cột 4: “Non nước Việt Nam hôm nay có” là âm Việt. Cột có chữ mang âm Việt là giải nghĩa cho cột chữ mang âm Hán chứ không phải đối. Tôi lại xét cửa bên trái với cửa bên phải, lấy hai vế âm Hán cả xem có phải câu đối không. “Nam quốc hơn hà hữu kim nhật” với “Trung liệt tế tự nghi thiên thu”  cũng không phải là câu đối. Tôi hỏi một cán bộ UBND huyện có đài tưởng niệm, anh cho tôi biết những câu ấy là do một vị ở Viện Hán Nôm cho huyện đấy. Trình độ của tôi có hạn, tôi  tường trình ra đây để bạn đọc bình xét.

          Một căn bệnh cũng hay dẫn đến sai sót về chữ nghĩa là việc dùng từ bừa bãi. Theo dõi báo viết, báo hình và báo nói gần đây tôi thấy người ta dùng từ rất ẩu. Hình như họ thích khoa trương cái mới, cái lạ qua các từ ngữ. Chẳng hạn “ Trận cầu mãn nhãn”, “ Hồ còn 7 cá thể rùa”, “  nấu bánh chưng”, “ rang thịt”, “ nấu xôi cách thủy”, “ nấu cá kho ở làng Vũ Đại”, “ Gương mặt sưng húp, chi chít những vết may”, “Thân hình mảnh dẻ sở hữu một khuôn mặt hơi nhỏ”, “Đội thắt khăn bụng màu đỏ là của thôn...”, “Xe đi đầu đi cuối làm nhiệm vụ dẫn đường, cảnh giới và sẵn sàng cản địa”, “ Ông đang di chuyển đến nhà bạn”, “ Hội nghị diễn ra theo một kịch bản”... Tiếng Việt của chúng ta giản dị mà ý tứ rõ ràng. Các khái niệm nấu, kho, rang hoàn toàn khác nhau. Khâu và may không thể là một. Người đi chứ không gọi là di chuyển. Còn đi có đi bộ, đi xe... Vào trò chơi xưa như vật, kéo co người ta thắt lưng bằng vải lụa màu chứ không ai gọi là thắt “ khăn bụng” cả.

          Sơ qua một số dẫn chứng đã thấy chữ nghĩa thời nay có nhiều vấn đề để nói. Xã hội phát triển thì ngôn ngữ cũng phát triển giàu lên, đẹp hơn. Đó là quy luật. Nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ...sáng tạo ra từ ngữ mới cũng là chuyện tất yếu. Song sáng tạo gì đi nữa thì trước hết phải đúng rồi mới nói đến hay đến đẹp; tránh những cái sai làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

                                                                                                                       Văn Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây