Biểu tượng trâu trong đời sống văn hóa người Việt Nam

Thứ năm - 18/02/2021 18:38 690 0
Trong văn hóa phương Đông, trâu (Sửu) là một trong 12 con giáp ở vị trí thứ hai sau con chuột (Tí). Trâu cũng là gia súc đứng đầu trong nhóm lục súc (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Đối với nền văn hóa lúa nước, trâu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người nông dân.
Hình tượng con trâu trang trí trên Cửu đỉnh ở Thế Tổ miếu trong Hoàng cung Huế.
Hình tượng con trâu trang trí trên Cửu đỉnh ở Thế Tổ miếu trong Hoàng cung Huế.
Chắc hẳn độc giả còn nhớ, năm 2003, trong lần đầu tiên đăng cai một kỳ SEA Games, chủ nhà Việt Nam đã lựa chọn Trâu Vàng là biểu tượng vui (linh vật). Hình ảnh linh vật Trâu Vàng của tác giả Nguyễn Thái Hùng (họa sĩ Xưởng phim hoạt hình Việt Nam) đáp ứng các tiêu chí: Gắn với nền văn minh lúa nước vốn rất phổ biến ở Đông Nam Á và gần gũi, mềm mại, dễ thể hiện hơn hình tượng rồng vốn giàu chất điêu khắc hơn hình họa. Trâu Vàng còn gắn với sự tích Hồ Tây (hiện còn đền Kim Ngưu tại Hà Nội) và con sông Kim Ngưu... Trâu cũng vừa thể hiện sức mạnh, tốc độ, sự chắc chắn cả thể thao mà cũng thể hiện trí tuệ, sự hiền hòa về tính cách. Cũng vì vậy mà có một số ý kiến cho rằng kỳ SEA Games 31 năm nay, cũng là năm con trâu, Việt Nam sẽ tái sử dụng trâu làm linh vật, giống như Thái Lan từng sử dụng biểu tượng vui về mèo qua các kỳ SEA Games 1995, 2007 hay Singapore cũng sử dụng sư tử ở SEA Games 1993 và 2015.
Trâu là tài sản quý giá của người nông dân
Nền nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt sử dụng sức kéo của trâu, bò để làm đất phục vụ trồng trọt. Chính vì thế trâu trở thành tài sản lớn nhất và quý giá nhất của người nông dân. “Đêm qua kẻ trộm vào nhà/ Làm thinh chợp mắt để mà mất trâu/ Nằm đây chớ chẳng ngủ đâu/ Thức mà giữ lấy con trâu con bò/ Nằm đây nào đã ngủ cho/ Thức mà giữ lấy con bò con trâu”. Trâu là tài sản lớn và quý giá nên người nông dân luôn có ý thức và nêu cao tinh thần bảo vệ nó dù có phải đánh đổi bằng nhiều thời gian và sức khỏe của mình vì họ xác định: “Làm ruộng không trâu/ làm giàu không thóc”; “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Nông dân và nhà nước phong kiến Việt Nam đặc biệt coi trọng tài sản và phương tiện sản xuất là trâu. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông nhấn mạnh: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật. Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều quy định cụ thể những hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Ai bao che hoặc cố tình làm ngơ khi biết hành động của những kẻ trộm cắp trâu, bò cũng đều bị trừng phạt rất nặng. Con trâu cũng là loại động vật gắn liền với lễ tịch điền đầu xuân, để cầu mong một năm bôi thu, sản xuất thuận buồm xuôi gió.
Trong hội họa, điêu khắc và kiến trúc dân gian trâu luôn xuất hiện với vai trò là biểu tượng tài sản, phương tiện lao động, người bạn có phẩm chất gần gũi hiền lành của người nông dân. Các tác phẩm: Cưỡi trâu thả diều, Thư giãn, Cưỡi trâu thổi sáo (tranh Đông Hồ); các phù điêu hình tượng trâu tại các công trình kiến trúc dân gian: Chùa, đền làng, nhà thờ… thể hiện rất rõ điều này. Người Việt quan niệm: trong cuộc đời mỗi con người có ba sự kiện quan trong là “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, tài sản lớn và quý nhất là: “ruộng sâu, trâu nái”. Mái nhà cộng đồng của nhiều dân tộc được tạo hình đầu trâu như: Nhà cộng đồng người Cơ Tu (Nhà Gươl), nhìn từ xa, toàn bộ cấu trúc nhà Gươl mô phỏng hình dáng con trâu; trên mái nhà Rông của người Giẻ Triêng cũng có biểu tượng của hai chiếc sừng trâu.
Trâu có nhiều phẩm giá đáng quý
Truyền thuyết kể rằng khi phải chọn 12 con vật để đưa vào “sinh tiếu”, Ngọc hoàng đã tổ chức một cuộc chạy thi cho tất cả muông thú, và 12 con vật đầu tiên tới đích sẽ trở thành các “con giáp” trong lịch pháp. Chướng ngại cuối cùng của cuộc đua là một con sông lớn mà các con vật đều phải vượt qua. Chuột đã nhờ Trâu chở qua sông, nhưng khi sang được bờ thì Chuột lại lao tới đích trước để giành chiến thắng, để lại Trâu về đích thứ nhì.
Mặc dù chỉ về nhì, nhưng con Trâu lại là một loài vật hết sức đặc biệt trong 12 con giáp.
Trâu hiền hậu vô ưu, siêng năng, mạnh mẽ. Trâu vất vả chốn ruộng đồng, nhẫn nhịn lao khổ, nhưng nhân đó mà hợp với đạo Trời, bởi vì “Thiên đạo thù cần”, Trời xanh ban thưởng cho người cần cù chịu khó.
Bởi vì có nhiều phẩm đức tốt đẹp như thế nên không lạ gì khi trong lịch sử, trâu trở thành con vật “tải Đạo”, chở Lão Tử tới cửa Hàm Cốc, góp phần vào sự ra đời của cuốn Đạo Đức Kinh nổi tiếng ngàn đời.
Có thể khi trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, hình ảnh con trâu ngày càng vắng bóng trên những cánh đồng, nhưng với một quốc gia có nền tảng của một nền văn minh lúa nước như đất nước chúng ta, thì bóng dáng con trâu vẫn hiện diện đâu đó trong căn nhà của mỗi gia đình. Với sức mạnh bền bỉ, tinh thần hăng say lao động, cần cù, chăm chỉ, chịu được gian khổ, năm Tân Sửu - 2021, hình ảnh con trâu với những phẩm chất tốt đẹp chắc chắn sẽ mang lại cuộc sống dồi dào, ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Lê Thế Trường
 Từ khóa: TRÂU VÀNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây