Biến đổi cấu trúc xã hội –lao động, việc làm và cấu trúc xã hội – mức sống ở nông thôn tỉnh hải dương trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 22/05/2017 13:40 551 0
Dưới tác động của quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đặc biệt là ảnh hưởng của quá trình xây dựng nông thôn mới, cấu trúc xã hội ở nông thôn tỉnh Hải Dườn có nhiều thay đổi trên mọi lĩnh vực như: dân số, lao động việc làm, mức sống, văn hoá, giáo dục đào tạo,…. Trong đó thành tựu nổi bật nhất của Chương trình xây dựng nông thôn mới là biến đổi cấu trúc xã hội lao động việc làm và cấu trúc xã hội mức sống.

Việc phân tích sự biến đổi cấu trúc xã hội ở nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới là cần thiết, giúp hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn tính chất phức tạp và các chiều hướng của sự biến đổi xã hội nông thôn thời gian qua, từ đó có thể dự báo xu hướng biến đổi trong tương lai. Nếu chỉ chú trọng tới các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật nhằm xây dựng kiến trúc thượng tầng mà xem nhẹ các biến đổi xã hội thì chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong và sau quá trình thực hiện.

Về biến đổi cấu trúc xã hội – lao động, việc làm: Trong những năm 2010 - 2016, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 76,2% xuống 65,7%; tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng từ 9,1% tăng lên 15% và đối với dịch vụ tăng từ 5,2% lên 6.3%. Nghĩa là số lượng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ sẽ gia tăng mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng của lao động làm công ăn lương trong các ngành công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.

Trong dài hạn, dự báo cấu trúc lao động theo ngành kinh tế sẽ phát triển theo hướng giảm dần đối với sản xuất nông nghiệp, gia tăng trong công nghiệp và dịch vụ. Nghĩa là số lượng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ sẽ gia tăng mạnh mẽ, trong đó có sự gia tăng của lao động làm công ăn lương trong các nghành công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn tỉnh ta.

Cung cầu lao động giai đoạn 2010 - 2016 cho thấy, đến năm 2016 cung lao động vẫn tăng trội hơn nhiều so với nhu cầu. Điều đó sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực việc làm, và sẽ khó giảm được tỷ lệ thất nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Vì vậy, một phương hướng để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ thất nghiệp là đào tạo khả năng cho lao động làm công ăn lương ở nông thôn có thể tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội.

Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, các hộ dân nông thôn chuyển dịch cấu trúc nghề nghiệp chủ yếu theo hướng làm nông nghiệp kiêm nghề khác (41,2%) hoặc phi nông nghiệp (29,8%). Điều đó đặt ra bài toán phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng cho người dân nông thôn mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người làm nông nghiệp, đồng thời ngăn chặn tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ nông nghiệp.

Người dân nông thôn vẫn chưa thực sự năng động, tự tin để chuyển đổi nghề nghiệp. Xu hướng chủ yếu là chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp/tiểu thủ công nghiệp/ xây dựng, kinh doanh/dịch vụ và xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Do vậy, phương hướng chung để đào tạo nghề cho lao động nông thôn là không đào tạo tràn lan, mà phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của lao động tại từng địa phương. Cần xây dựng và triển khai dự án (hay chương trình) về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị. Tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, rất cần thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Bởi chỉ bảo đảm được “đầu ra” người học mới thực hành nghề được đào tạo. Và nhờ đó những người làm công ăn lương ở nông thôn có thể phát triển được kinh tế gia đình, giảm cường độ và mức độ làm thuê. Hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, để tham gia xuất khẩu lao động.

Về biến đổi cấu trúc xã hội – mức sống: Cùng với quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá thì Chương trình xây dựng NTM 5 năm qua đã tạo nên những biến đổi mạnh mẽ và có tác động tích cực đến người dân nông thôn tỉnh Hải Dương. Mức sống hộ gia đình nông thôn tỉnh Hải Dương đang có sự biến đổi nhanh chóng từ khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Quá trình biến đổi mức sống diễn ra đồng thời theo hai xu hướng cơ bản: nâng cao mức sống và phân tầng mức sống giữa các hộ gia đình. Thu nhập và mức sống của người dân nông thôn được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tuy nhiên quá trình phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội nông thôn đang diễn ra một cách gay gắt. Cơ cấu phân tầng nói chung có dạng giống hình thoi, đỉnh chóp trên là hộ, người giàu có, dưới đó là hộ, người khá giả; đại bộ phận là hộ, người có mức sống trung bình; dưới mức này là nhóm hộ, người cận nghèo, nghèo.

Do kinh tế phát triển tự phát, đất đai ngay càng bị thu hẹp, chất lượng lao động thấp, công tác đào tạo nghề không được quan tâm, kinh tế hộ gia đình thiếu vốn, yếu kém, manh mún, tình trạng thiếu việc làm phổ biến, sự phân hóa mạnh mẽ về thu nhập… đang tạo ra một bức tranh nhiều mảng tối, tương phản về phân hóa xã hội giữa các nhóm và tầng lớp xã hội nông thôn được biểu hiện ở mức sống, về thói quen sinh hoạt và quan hệ cộng đồng… Dự báo trong 10 năm tới, sẽ xuất hiện nhiều hộ gia đình trung lưu (khá giả), tạo nền tảng cho việc hình thành tầng lớp xã hội trung lưu ở khu vực nông thôn. Đồng thời ở khu vực nông thôn sẽ xuất hiện nhiều hộ gia đình rơi vào nhóm xã hội yếu thế, cần sự hỗ trợ, trợ giúp xã hội.

Một số giải pháp trọng tâm        

Điều đó cho thấy ở nông thôn hiện nay đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về mặt xã hội đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục, trong đó các chính sách an sinh xã hội là rất cần thiết và quan trọng.

Yêu cầu đặt ra là phải tính toán đến một cách toàn diện các vấn đề đặt ra trong biến đổi cấu trúc xã hội trong việc hoạch định chính sách, sớm hình thành hệ thống những giải pháp, con đường hiệu quả nhất để xử lý hoặc trù liệu cách thức ứng xử hợp lý, nhằm bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, khắc phục những tác động tiêu cực có thể, giữ vững môi trường xã hội ổn định. Đó cũng chính là một điều kiện bảo đảm cho sự thành công của Chương trình NTM ở tỉnh ta.

Cần tiếp tục xây dựng hệ thống các chính sách xã hội nhằm tác động vào các phân hệ cấu trúc xã hội như nghề nghiệp, mức sống .

Thực hiện một hệ thống giải pháp nhằm điều chỉnh và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi cấu trúc xã hội đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn tỉnh Hải Dương. Tăng mạnh hơn nữa tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ; phát triển mạnh các ngành nghề phi nông nghiệp, thông qua đó giảm bớt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tích luỹ cho dân cư. Hình thành các vùng kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, gắn với nhu cầu của thị trường.

           Khắc phục và hạn chế các khuyết tật của phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, tạo điều kiện cho những người thiệt thòi có điều kiện vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Tăng khả năng và cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm), đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhóm người nghèo và thu nhập thấp. Khắc phục những bất bình đẳng về giới, chú ý tới các nhóm nhạy cảm, dễ bị tổn thương trong cơ chế thị trường.

Để quá trình biến đổi cấu trúc xã hội không đi theo chiều tiêu cực, một nhiệm vụ hết sức cấp thiết đó là trợ giúp các nhóm cư dân cùng giàu lên. Giảm chênh lệch giàu nghèo, nâng cao chất lượng sống của nhóm cư dân chính là thu nhỏ giai tầng yếu thế, mở rộng tầng lớp trung lưu.

Nâng cao học vấn và dân trí là một biện pháp có ý nghĩa trước mắt và lâu dài. Tăng cường đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả tái đào tạo nghề nhằm giúp cho người độ tuổi lao động có thể dễ dàng thích ứng với những đòi hỏi thường xuyên biến đổi của thị trường lao động.

Giải quyết vấn đề biến đổi cấu trúc xã hội trong thời gian tới là hệ quả trực tiếp, đồng thời cũng chính là một điều kiện quan trọng của Chương trình xây dựng NTM. Đời sống người dân có thể được cải thiện thông qua quá trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM sẽ phá vỡ sự cân bằng tạm thời của mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, tạo ra các yếu tố mới, mối quan hệ mới. Việc tạo ra sự cân bằng tích cực của các mối quan hệ mới này chính là mục tiêu của việc giải quyết vấn đề biến đổi cấu trúc xã hội, đồng thời cũng là điều kiện cho sự phát triển bền vững.

Trần Thị Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây