Bể than Đồng bằng sông Hồng

Thứ hai - 29/10/2018 20:40 1.029 0
Lâu nay, chúng ta đã biết có một bể than cực lớn nằm dưới Đồng bằng sông Hồng. Vậy nó phân bố ở phạm vi nào, trữ lượng lớn đến đâu, chất lượng ra sao và có thể khai thác như thế nào? Đó là vấn đề được nhiều độc giả quan tâm.
Quá trình phát hiện và nghiên cứu
          Theo tài liệu nghiên cứu có được cho đến nay, bể than Đồng bằng sông Hồng được phát hiện trong quá trình tìm kiếm dầu khí ở Bắc Bộ vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Qua những hố khoan sâu tìm dầu khí, các nhà địa chất phát hiện các vỉa than nằm sâu dưới vùng đồng bằng, từ đó đã phân tích cấu trúc địa chất khu vực để xác định phạm vi phân bố của bể than. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ đã đầu tư cho việc tìm kiếm thăm dò bể than nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, để lại bể than chưa được nghiên cứu thỏa đáng để đi đến khai thác.
          Giai đoạn từ 1998-2002, Tổng công ty Than Việt Nam và NEDO (Nhật Bản) tiến hành dự án hợp tác khảo sát thăm dò tại khu vực nông nhất và triển vọng nhất trên diện tích 932 km2 thuộc các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh PHúc và TP Hà Nội, đã xác định khu vực mỏ triển vọng là đối tượng nghiên cứu để khai thác bể than. Kể từ đó đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào được tiến hành thêm.
Quy mô, trữ lượng, chất lượng
            Qua nghiên cứu cấu trúc địa chất khu vực và tài liệu thực tế từ các lỗ khoan, các nhà địa chất đã xác định bể than Đồng bằng sông Hồng nằm ở độ sâu từ 250-3.500 m, trải rộng trên diện tích khoảng 3.500km2 thuộc địa phận TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Vĩnh Phúc, không nằm trong địa phận tỉnh Hải Dương.
8
           Sơ đồ bể than
            Theo phân tích cấu trúc địa chất thì bể than này còn được kéo dài ra phần thềm lục địa của Vịnh Bắc Bộ với diện tích còn lớn hơn nhiều. Trữ lượng của bể than khoảng 20 tỷ tấn. Đây mới là trữ lượng trong phần lục địa, nếu tính cho cả phần kéo dài ra thềm lục địa thì trữ lượng có thể lên tới hàng ngàn tỷ tấn.
            Trong phạm vi nghiên cứu hẹp và cụ thể hơn của dự án hợp tác khảo sát thăm dò than Đồng bằng sông Hồng giữa Việt Nam và Nhật Bản, với diện tích 932km2 tới chiều sâu 1.700m, đã dự báo trữ lượng khoảng 30 tỷ tấn.
            Về loại than và chất lượng, thì than Đồng bằng sông Hồng xếp vào loại á Bitum B (subbitum B) theo tiêu chuẩn phân loại của Mỹ. Các thông số chất lượng than như sau:
- Độ tro khô (Ak): 11,84%
- Chất bốc khô (Vk): 42,86%
- Nhiệt lượng khô (Qk): 6.022 Kcal/kg
- Độ ẩm phân tích (Wpt): 17,68%
- Lưu huỳnh chung (S): 0,55%
            Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá than Đồng bằng sông Hồng rất tốt cho các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Triển vọng khai thác, sử dụng
        Nằm ở độ sâu khá lớn là trở ngại lớn nhất cho việc khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng. Mặt khác, khai thác nếu không có biện pháp hữu hiệu sẽ gây sụt lún nghiêm trọng cho vùng đồng bằng rộng lớn vào phì nhiêu này. Để khai thác than ở đây, các nhà khoa học kinh tế đã tính đến một số phương pháp kỹ thuật như sau:
- Phương pháp sinh học: sử dụng vi sinh vật để khai thác
- Phương pháp hóa học
- Phương pháp đốt lấy nhiệt: đốt các tầng than tại chỗ và dẫn nhiệt lên để sử dụng.
- Phương pháp khai thác truyền thống: dùng giếng sâu và hầm lò
          Mỗi phương pháp khai thác đều có ưu và nhược điểm riêng, rất tốn kém. Sử dụng phương pháp nào là vấn đề hiện nay còn đang tranh cãi, chưa ngã ngũ.
          Ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 60/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến 2030, trong đó có nêu trữ lượng huy động than của bể than Đồng bằng sông Hồng 286 triệu tấn ở cấp C1.
        Trong những năm trước mắt, vấn đề khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng chưa thể đặt ra, nhưng cần được đầu tư tìm kiếm thăm dò sâu hơn để có phương hướng sử dụng nguồn tài nguyên to lớn và quý giá này.
Phạm Văn Hoàn
Chủ tịch Hội Địa chất tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây