Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian ở Hải Dương

Thứ sáu - 27/04/2018 14:23 2.646 0
Khi có con người là có văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian là toàn bộ những giá trị tinh thần và vật chất do nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nó phản ánh và đúc kết những kinh nghiệm từ thực tế đời sống của con người và đương nhiên đó là văn hóa gốc, văn hóa mẹ
Hải Dương là vùng đất văn hiến, hình thành từ lâu đời. Trong tiến trình lịch sử, nhân dân Hải Dương đã là chủ sở hữu di sản văn hóa dân gian vô cùng phong phú và đồ sộ, bởi nó nằm ngay trong mỗi làng xã, trong mỗi hoạt động của con người và ngay cả trong chính bản thân mỗi người, có thể kể ra các loại hình tiêu biểu sau:
- Ca dao, hò vè, truyện kể, truyền thuyết, huyền thoại, sự tích…
- Những loại hình diễn xướng dân gian: hát chèo (Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm
Giàng, Bình Giang), hát ca trù (Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Bình Giang), hát trống quân (Bình Giang), hát đối (Gia Lộc), hát tuồng (Cẩm Giàng, Gia Lộc), hát văn (Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Hà, Cẩm Giàng), múa rối nước (Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc), hát ru…
- Tín ngưỡng dân gian: Thờ Phật, Mẫu ở hầu hết các chùa trong tỉnh, thờ thành hoàng làng tại các ngôi đình, thờ Thánh ở các miếu, đền, thờ tổ tiên trong các gia đình. Đặc biệt những lễ hội dân gian truyền thống đã in đậm trong tiềm thức của người dân mà điển hình là Lễ họi Côn Sơn-Kiếp Bạc, Lễ hội Văn miếu Mao Điền, Lễ hội Đền Cao, lễ hội Đền Tranh, ….
- Nghề thủ công truyền thống: Nghề làm gốm sứ ở Chu Đậu (xã Thái Tân, Nam Sách), gốm làng Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang), nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng), nghề thêu ở Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ), nghề làm vàng bạc Châu Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang), nghề làm lược tre ở làng Hoạch Trạch (xã Thái Học, Bình Giang), nghề khâu nón Mao Điền (Cẩm Giàng), nghề làm giường chõng tre (xã Nhân Quyền, Bình Giang); nghề làm bánh gai (Ninh Giang), nghề làm bánh đậu xanh, nghề nấu rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng), nghề điêu khắc đá Kính Chủ (Kinh Môn)…
- Các trò chơi dân gian độc đáo: Đánh pháo đất ở Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc; thả diều ở Kinh Môn; thổi cơm thi ở Thanh Hà; nặn tò he ở Nam Sách; đánh bệt ở đền Sượt; múa lễ chữ ở Bình Giang…

 
6
Một cảnh trong vở chèo “Tâm đức Phật hoàng” do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn. Ảnh: Nguyễn Trường.

Như vậy, văn hóa dân gian luôn tồn tại và đồng hành cùng con người, tồn tại dưới dạng vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú. Nhìn lại nhiều thập kỷ qua, Hải Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy văn hóa dân gian. Nhiều đề tài cấp Bộ, tỉnh, ngành về văn hóa dân gian được thực hiện. Đầu tiên là phải kể đến công trình nghiên cứu Nghề cổ truyền Hải Dương của Ban Thông sử tỉnh, sau đó là các đề tài: Di tích và lễ hội dân gian tiêu biểu tỉnh Hải Dương; Các loại hình diễn xướng dân gian ở Hải Dương; Nghiên cứu bảo tồn làng nghề gốm Cậy,… Bên cạnh đó nhiều đầu sách chuyên khảo về làng cổ, nghề cổ, truyện dân gian, lễ hội dân gian, diễn xướng dân gian và nghệ nhân dân gian.
Từ năm 2005, Chi hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tỉnh Hải Dương được thành lập, ban đầu có 06 hội viên. Việc này đã thúc đẩy công cuộc sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn nhiều công trình về văn hóa dân gian của tỉnh lên bước mới. Chi hội đã có những hoạt động tích cực nhằm hướng hoạt động văn nghệ dân gian vào tổ chức, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực, loại bỏ dần những mặt tiêu cực, tôn vinh những giá trị đích thực về văn hóa dân gian, cũng như nghệ nhân dân gian. Đồng thời phát hiện và động viên nhiều người tham gia hoạt động văn hóa dân gian.
Một trong những hoạt động tiêu biểu đó là vào năm 2013, Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh kết nạp hơn 40 hội viên, hoạt động trong những câu lạc bộ như diễn xướng dân gian, làng nghề cổ truyền, nghiên cứu văn hóa tâm linh tạo thành một lực lượng tương đối đông đảo những người yêu thích hoạt động văn hóa dân gian nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình văn hóa dân gian ở tỉnh. Cũng trong năm này, công trình Văn nghệ Dân gian Hải Dương tập I ra đời, do Tăng Bá Hoành chủ biên, gồm nhiều bài viết, nghiên cứu, sưu tầm về các loại hình văn nghệ dân gian Hải Dương gồm: Làng cổ, diễn xướng văn nghệ dân gian, ẩm thực, truyện cổ dân gian, ca dao tục ngữ, lễ hội tiêu biểu… Cuốn sách đã mang lại cho độc giả sự hiểu biết sâu sắc về kho tàng văn hóa dân gian của một tỉnh có truyền thống văn hóa phong phú và lâu đời. 
Những năm sau, tiếp tục có nhiều cuốn sách về văn hóa dân gian được ra đời, như: Phong tục cưới, tang và lễ hội một số làng xã Hải Dương của Chi hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Hải Dương; Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá huyện Thanh Hà của tác giả Nguyễn Long Nhiêm; Ca dao, vè và múa rối nước của tác giả Nguyễn Hữu Phách, Nguyễn Thị Ánh, Lê Thị Dự; Văn hóa dân gian làng Nhân Lư của tác giả Trịnh Quang Lạc; Lịch sử Văn hóa làng Châu Khê xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang của Bảo tàng Hải Dương…. Đó là những công trình đề cập nhiều tới những giá trị văn hóa dân gian ở những làng cổ tiêu biểu của tỉnh, minh chứng cho công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

 Có ý kiến cho rằng: Cuộc sống hiện đại gấp gáp đang dần làm lu mờ và lãng quên những giá trị văn hóa dân gian, ở Hải Dương cũng trong tình trạng đó? Để văn hóa dân gian sống mãi trong nhân dân, thì vấn đề đưa văn hóa dân gian vào trường học, vào những hoạt động của bảo tàng là điều mà chúng at phải tích cực thực hiện ngay, gắn văn hóa dân gian với du lịch, sân khấu, tên đường phố… Đặc biệt, với việc xây dựng nông thôn mới hiện nay là điều rất nên làm. Làm sao cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, nhưng giá trị văn hóa dân gian tốt đẹp và phù hợp phải luôn được trân trọng, gìn giữ.
Hải Dương là miền quê văn hiến, di sản văn hóa có từ hàng nghìn năm nay vẫn còn rất phong phú, hàm chứa những giá trị văn hóa dân gian ở nhiều dạng. Nhưng thực tế kinh phí dành cho việc sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các công trình về văn hóa dân gian còn rất hạn chế. Mặt khác lực lượng làm công việc này còn rất ít và phần lớn đều lớn tuổi. Với những khó khăn đó, đòi hỏi những người làm về văn nghệ dân gian cần phải nỗ lực hơn nữa, trước hết cần tập trung vào những vấn đề cấp thiết:
- Nghiên cứu làng cổ tiêu biểu, điển hình, vì nghiên cứu một làng quê là căn bản thâu tóm toàn bộ những giá trị văn hóa dân gian ở địa phương. Nghiên cứu một số chuyên đề về văn nghệ dân gian, biên soạn thành sách chuyển khảo để bảo tồn và phát huy.
- Các cơ quan văn hóa, văn nghệ của tỉnh và chính quyền địa phương có kế hoạch cấp kinh phí cho lĩnh vực văn hóa dân gian một cách phù hợp. Thực tế, đã có một số huyện đầu tư kinh phí cho các tập thể và các nhân nghiên cứu và xuất bả sách về văn hóa dân gian như huyện Kinh Môn, huyện Thanh Hà, huyện Cẩm Giàng…
- Quan tâm đến vật chất và tinh thân đối với các nghệ nhân dân gian, vì họ là vốn quý về văn hóa dân tộc. Nên sớm có một cuốn sách về các nghệ nhân dân gian tỉnh Hải Dương.
- Tuyên truyền văn hóa dân gian tới người dân, nhất là lực lượng trẻ như giáo viên, cán bộ ngành văn hóa, người yêu thích văn hóa dân gian có tri thức, nhiệt tâm.
 Văn hóa dân gian là nền tảng văn hóa tinh túy và chọn lọc đã được đúc kết và mài rũa qua hàng nghìn đời, bản thân nó đã tự tu chỉnh và điều tiết từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trờ thành những nét đặc trưng nhất của tâm thế dân tộc, lối sống và lề thói ứng xử của người Việt từ xa xưa… Nói cho cùng thì văn hóa dân gian chính là điểm tựa vững chắc cho sự thăng hoa của một nền văn hóa nói chung, vì vậy đương nhiên sẽ được trường tồn cùng lịch sử. 
Lê Thị Dự
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây