Bảo tồn và phát huy giá trị của trò chơi dân gian

Thứ ba - 30/05/2023 15:47 202 0
Từ xa xưa trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của con người, đặc biệt luôn gắn với lứa tuổi thiếu niên, mỗi một giai đoạn lịch sử lại có những trò chơi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh xã hội. Tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt Nam gắn liền với những trò chơi dân gian rất giản dị, gần gũi mà sau này khi đã trưởng thành dư âm của những trò chơi dân gian ấy không bao giờ phai mờ trong ký ức mỗi người.
Trò chơi dân gian ở mỗi vùng miền lại có những nét khác nhau, phù hợp với phong tục tập quán nơi đó, Trò chơi của người Kinh thường là: Chơi ô ăn quan, đánh đu, bịt mắt bắt dê, kéo co, đấu vật, pháo đất, chơi chuyền, đánh khăng, đá cầu, cờ tướng, nhẩy ngựa, chồng nụ chồng hoa, nhẩy lò cò…tất cả tạo nên nét sinh hoạt dân gian đặc sắc, và được diễn ra hàng ngày, nhưng được thăng hoa trong những dịp lễ tết, hội hè… Tuổi thơ vùng đồng bằng Bác bộ luôn gắn với tiếng sáo diều vi vu, bay bổng mỗi buổi chiều lộng gió trên cánh đồng thẳng cánh cò bay, thật an lành và thơ mộng. Với trẻ em vùng cao, vùng các dân tộc thiểu số thì lại có những trò chơi khá đa dạng và thú vị như: Múa xoè, giã bánh giầy, tung còn, đánh tu lu, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo… Trò chơi dân gian của vùng biển thì lại là: Thi bơi biển, đua thuyền trên cát, lắc thuyền thúng, chạy tiếp sức trên bãi biển, thi gánh cá, thi đan lưới…
bịt mắt bắt dê
Bịt mắt bắt dê.

Hầu hết các trò chơi dân gian không chỉ rèn luyện thể chất mà mang đậm tính giải trí lành mạnh, có những trò chơi đạt tới trình độ nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ không hề nhỏ, khơi gợi trí thông minh, tài ứng đối, phản xạ linh hoạt của con người, đồng thời nêu cao tính cộng đồng, tinh thần cộng cảm. Có thể nói các bậc tiền bối của cư dân ba miền Bắc , Trung, Nam đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian cùng với những sinh hoạt truyền thống khác, đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo của văn hoá truyền thống Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là trò chơi của trẻ con mà thực sự là nét văn hoá giầu bản sắc của dân tộc, trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ thơ, giúp trẻ phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn còn giúp các em hiểu hơn về tình bạn, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước.
Trò chơi dân gian có nhiều thể loại, phù hợp với các sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi, như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tĩnh. Mỗi trò lại có những quy luật riêng, mang sắc thái khác nhau khiến cho trẻ em chơi cả ngày mà không biết chán. Rồng rắn lên mây, cướp cờ…là trò chơi nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tính đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp. Trò chơi đẩy gậy lại có nhiều nét tương đồng và gần gũi với môn thi đấu vật hay chọi trâu của người lớn. Trò kéo co thì thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực , sự nhanh nhẹn và tinh thần đoàn kết. Đánh đáo, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, đánh pháo đất lại rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo cá nhân, khả năng tính toán, phán đoán chính xác. Từ chỗ ganh đua mang tính chất tượng trưng, dần dần các trò chơi trở thành các cuộc thi tài, thi khéo, các cuộc thi đấu thể thao như bi sắt, nhẩy ngựa, đá cầu…
Rất nhiều trò chơi dân gian gắn liền với những bài hát đồng dao, đó là một thể loại văn vần ngắn gọn, có nhịp điệu. Bài đồng dao ngắn hay dài là tuỳ thuộc vào tính chất của trò chơi, có những bài hát được lặp đi lặp lại không dứt, diễn ra như một bức tranh sinh động của cuộc sống. Hát đồng dao khi chơi là hình thức nhằm thoả mãn tính hiếu động và nhu cầu phát triển tâm, sinh lý của tuổi thơ, nội dung các câu hát giúp các em hiểu biết thêm về thiên nhiên, xã hội đương thời. Trẻ em xưa kia cứ hồn nhiên lớn lên cùng các trò chơi dân dã trong quá trình vừa chơi, vừa học, dần dần vun đắp tâm hồn và hình thành nhân cách sống khi trưởng thành. Bên cạnh trò chơi của trẻ em, còn có các trò chơi dành cho người lớn, được tổ chức với hình thức là các cuộc thi, như chơi đu, đánh pháo đất, đua thuyền, hô bài chòi, chơi diều…thường được thể hiện trong mỗi dịp lễ tết, lễ hội thu hút nhiều người tham gia, tạo nên không khí sôi động. Ngoài việc rèn luyện sức khoẻ, còn thể hiện sự thông minh, sáng tạo, khôn khéo của người chơi…có những trò chơi đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là tiền thân của các loại hình sân khấu dân gian truyền thống sau này như loại hình kịch hát bài chòi…
       Có thể kể ra đây nhiều bài hát đồng dao quen thuộc một thời, ví dụ như khi chơi chuyền, các em vừa chơi vừa hát: mốt này, mốt nữa, cấm cửa, cài then, len cho chặt, thắt cho bền, nêm cho chắc, lên bàn đôi. Giải bàn đôi, đôi chúng tôi, đôi chúng nó, đôi con chó, đôi con mèo, lên bàn ba. Giải bàn ba. Giải bàn ba, ba hoa cà, ba hoa cải, ba lá ngải, lên bàn tư. Giải bàn tư, tư củ từ, tư củ khoai, hai lên năm. Giải bàn năm, măn que tăm, lên bàn sáu. Giải bàn sáu, sáu củ ấu,lên bàn bẩy. Giải bàn bẩy, bẩy quả na, ba lên tám. Giải bàn tám, tám quả trám, hai lên chín. Giải bàn chín, chín đánh chịn, lên bàn chuyền… Trò chơi chi chi chành chành thì vừa chơi vừa hát: Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, ba vương bố đế, bố đế đi tìm, con chim làm tổ, miếng mỡ mèo tha, ù à ù ập. Trò chơi rồng rắng lên mây thì hát: Rồng rắn lên mây, có cây núc nắc, có nhà khiển binh, thầy thuốc có nhà hay không?. Trò chơi nu na nu nống thì hát: Nu na nu nống, đánh trống phất cờ, mở cuộc thi đua, thi chân sạch sẽ, chân ai sạch sẽ, gót đỏ hồng hào, không bẩn tý nào, được vào đánh trống. Trò chơi kéo cưa lừa xẻ lại hát: Kéo cưa lừa xẻ, ông thợ nào khoẻ thì ăn cơm vua, ông thợ nào thua thì về bú mẹ. hoặc: Cút ca cút kít, làm ít ăn nhiều, nằm đâu ngủ đấy, nó lấy mất cưa, lấy gì mà kéo. Trò chơi thả đỉa ba ba thì hát: Thả đỉa ba ba, Cơm trắng như bông, gạo vàng như nghệ, đổ mắm đổ muối, đổ chuối hạt tiêu, đổ niêu cứt gà, đổ phải nhà nào, nhà ấy phải chịu tội làm đỉa, hoặc chơi ô ăn quan thì hát: Hàng trầu hàng cau, là hàng con gái, hàng bánh hàng trái là hàng bà già, hàng hương hàng hoa là hàng cúng Phật. Hoặc: Xỉa cá mè, đè cá chép, tay nào đẹp thì đi buôn măng, tay nào xanh thì sờ tý mẹ…
bao xuan2023 choichuyen jpg vietj quỳnh
Chơi chuyền. Ảnh: Việt Quỳnh.

Trò chơi dan gian chủ yếu dành cho trẻ em, chủ yếu là trẻ em nông thôn, nên cái tên cũng vô cùng đơn giản, nôn na như đánh đáo lỗ, đánh gụ, đánh quay, đi cà kheo, nổ pháo đất, chôn tăm, nhẩy ngựa, chơi ù, nhẩy dây, nhẩy lò cò, chơi chắt chuyền, rải ranh ( ô ăn quan)…Hơn nữa không gian và vật dụng để chơi thường rất giản tiện, không cầu kỳ, như một khoảng đất trống, một ngõ nhỏ, một nền nhà, một khoảng sân, thậm chí một khoảng đất cạnh gốc cây, hoặc một bờ tường đất quanh nhà. Vật dụng chơi lại không hề cầu kỳ, tốn kém mà dễ làm, dễ kiếm, chủ yếu lấy trong tự nhiên, như những hòn sỏi nhỏ, đoạn tre, đồng xu, que tăm, đoạn dây thừng, hòn đá, hòn bi, nắm đất…có thể nhặt ở bất cứ đâu trong vùng nông thôn, và thế là lập được hội chơi. Người chơi thường là trẻ con lê la túm tụm ngoài bãi sông, ngõ nhà, bờ ruộng…ngoài việc vui đùa, rèn luyện thân thể còn thể hiện niềm khát khao chiến thắng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ…
Thật đáng tiếc đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc và những biến động xã hội khác đã làm cho những trò chơi dân gian dần thưa thớt và có nguy cơ không còn giữ được vị trí quan trọng trong đời sống người Việt nói chung và đời sống trẻ thơ nói riêng.  Xã hội ngày càng phát triển, những trò chơi điện tử trên các phương tiện hiện đại như máy vi tính, điện thoại thông minh dần thay thế những trò chơi dân gian truyền thống. Giới trẻ không còn yêu thích những trò kéo co, nhẩy dây, chơi ô ăn quan, rồng rắn lên mây …nữa mà say mê lao vào các trò chơi giải trí trên mạng internet, game online, ngay cả thanh niên cũng bị quyến rũ. Theo cảnh báo kết quả thống kê gần đây thì thời gian trẻ em nước ta sử dụng thiết bị truyền thông không dưới 120 phút/ 1 ngày. Ngay cả vùng nông thôn, các quán interneet mọc lên nhan nhản, các em truy cập các trò chơi rất dễ dàng do công nghệ kỹ thuật tiên tiến đem lại, nó thực sự mới lạ, hấp dẫn, muôn mầu muôn sắc làm cho lớp trẻ choáng ngợp.
Nhưng rồi dần dần cũng phơi bầy những hạn chế và tác hại đến nỗi các bậc phụ huynh phải kêu thán, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải cảnh báo với các bậc phụ huynh cũng như quyết liệt đưa ra các biện pháp cai nghiện game. Bởi những trò chơi điện tử vừa tổn hại sức khoẻ, ảnh hưởng tới việc học tập, nhiều trẻ bị cận thị hoặc bắt chước những hành vi xấu, ảnh hưởng tới tư cách đạo đức của trẻ. Những trò chơi bạo lực đang đầu độc, vắt kiệt sức lực lớp trẻ, mang tới những hậu quả tệ hại như trộm cắp, đánh nhau, chửi bới nhau, công kích, thậm chí dẫn tới xô xát gây thương tích… Nhiều quốc gia có đời sống kinh tế cao bị kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội để khuyên trẻ tự tử…
            Vì thế, đồng thời với cách tổ chức quản lý tốt các trò chơi điện tử do công nghệ giải trí hiện đại đem đến, thì việc bảo tồn và phục hồi các trò chơi dân gian truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì dần dần chúng ta làm cho những trò chơi dân gian không còn là hoài niệm, cũ kỹ, kém thu hút nữa, mà sẽ trở lên hấp dẫn giới trẻ bởi những giá trị nhân văn, giản dị mà trò chơi dân gian đem lại. Do đó chúng ta phải thực sự quyết tâm phát huy giá trị của trò chơi dân gian trong cuộc sống hôm nay. Một thực tế đang diễn ra là trẻ em ở một xã hội hiện đại, công nghiệp chỉ quen với máy móc, không có khoảng trống để tham gia các trò chơi dân gian, thực sự đó là một thiệt thòi lớn cho các em. Làm thế nào để trẻ em hiểu được là trong suốt những thăng trầm của lịch sử đất nước, trò chơi dân gian là ký ức êm đềm gắn bó với những năm tháng tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Trò chơi dân gian là cốt cách, là truyền thống tạo nên nét đẹp của văn hoá Việt Nam.
Hải Dương, những năm gần đây đã có nhiều giải pháp về vấn đề này, cụ thể ngành giáo dục, ngành văn hoá cùng với các hạt nhân về văn hoá dân gian ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã có những hoạt động hướng giới trẻ vào những trò chơi dân gian, có thể kể ra đây: Bảo tàng Hải Dương, nhiều năm trở lại đây đã tổ chức cho các em học sinh tiểu học và trung học phổ thông những trải nghiệm bổ ích, như tổ chức cho các em tham gia trò chơi dân gian tại bảo tàng như: Bắt chạch trong chum, đi cầu thùm, rồng rắn lên mây, chơi ô ăn quan, nhẩy bao bố, bịt mắt bắt dê, nhẩy dây, kéo co…thực tế cho thấy các em rất thích thú và nhiệt tình tham gia. Thư viện tỉnh Hải Dương cũng hướng các em tham gia một số trò chơi dân gian sau khi tham dự ngày hội sách tại thư viện. Đặc biệt một số trường học trong tỉnh đã đưa các trò chơi dân gian vào dậy các em học sinh và hướng dẫn các em tham gia chơi, như trường THCS xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện. Một số trường THPT ở huyện Ninh Giang còn hướng dẫn các em học sinh tập thể dục giữa giờ bằng những màn múa quạt dân gian hết sực sinh động và độc đáo, các cô giáo nhà trường còn sáng tác những bài hát đồng dao rất dễ thương về ngôi trường để phổ biến tới học sinh của trường hát. Nhiều làng quê của tỉnh, các hạt nhân dân gian đã tổ chức những trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống của làng được nhiều người hưởng ứng, tham gia tích cực, như một số xã của huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc đã tổ chức thi đánh pháo đất, thu hút nhiều người tham gia, tạo nên không khí sôi động trong các lễ hội và hội thi giao lưu giữa các đội pháo đất với nhau. Nhiều làng quê lại tổ chức thi thả diều, thi bơi chải, chơi đu…Và như vậy sức sống của trò chơi dân gian chưa hề bị mất đi. Nếu chúng ta có kế hoạch thường xuyên để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của trò chơi dân gian, kết hợp với trò chơi hiện đại lành mạnh, bổ sung cho nhau tạo nên sân chơi giải trí phong phú, giầu sắc thái, đáp ứng nhu cầu vui chơi của các lứa tuổi. Nhiều đơn vị sản xuất đồ chơi đã chú trọng những đồ chơi dân gian truyền thống để dần thay thế các đồ chơi hiện đại có tính bạo lực, hoặc đồ chơi nhập ngoại, thì tin chắc rằng những trò chơi dân gian sẽ được tôn trọng và phát huy.
Trò chơi dân gian tuy chỉ được thực hiện ngoài những giờ học tập của trẻ em, hoặc trong lễ hội truyền thống, hoặc theo những chuyên đề của các cơ quan Văn hoá, giáo dục…Đối tượng chơi chủ yếu là trẻ em. Nhưng nó thực sự rất cần thiết trong cuộc sống của con người. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn của các trò chơi dân gian không chỉ là trách nhiệm của các ngành như Giáo dục, Văn hoá mà phải là của toàn xã hội, có như vậy chúng ta mới tự tin vào nền văn hoá của chính mình, vững bước đi lên trong quá trình hội nhập văn hoá thế giới.
Lê Thị Dự
Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương
 Từ khóa: TRỜ CHƠI DÂN GIAN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây