Bảo tồn di tịch lịch sử - văn hóa: Những vấn đề cần quan tâm

Thứ ba - 13/12/2022 14:03 371 0
Những di sản lịch sử do tiền nhân để lại được nhà nước xếp hạng hay nhân dân tự nguyện bảo tồn dù bằng chất liệu gì thì sớm hay muộn đều phải tu bổ, bảo trì và hướng dẫn cách phát huy trong từng hoàn cảnh cụ thể. Việc tu bổ, bảo tồn không chỉ cần có nghiệp vụ vững vàng mà còn cần nguồn kinh phí tương ứng, có khi còn tốn kém và khó hơn làm mới. Di sản lịch sử văn hóa quá trình ra đời và tồn tại cũng như xã hội của nhân loại, chịu tác động của thiên nhiên và chính xã hội loài người.
Đất nước ta dù ở Bắc hay Nam đều nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, hằng năm mưa bão, hơn thế lại giặc dã và biến động xã hội liên miên, điều kiện tài chính có hạn nên vật liệu xây dựng nhiều trường hợp không được chọn lọc, vì vậy di tích lịch sử còn lại không nhiều, số còn lại thường thiếu đồng bộ do bị tu sửa nhiều lần trong hoàn cảnh thiếu vật tư, tài chính và đặc biệt thiếu nghiệp vụ. Từ thực tế ấy, người quản lý và làm nhiệm vụ bảo tồn và tu sửa di tích cần có quan điểm đúng, tâm hồn trong sáng mới có hành động đúng trong quá trình thực thi công vụ. Đây là một nghiệp vụ chuyên sâu, cần đào tạo căn bản, qua nhiều năm thực tập với tấm lòng yêu nghề, quý di sản ông cha mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Yêu cầu là như vậy nhưng trong thực tế không phải lúc nào và nơi nào cũng làm được kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vì vậy kết quả không như ý kể cả khi có kinh phí.
Van mieu Mao Dien
Văn miếu Mao Điền, di tích quốc gia đặc biệt nằm trên địa phận
huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Trước hết chúng ta đọc lại sắc lệnh đầu  tiên về bảo tồn di sản lịch sửa văn hóa của Nhà nước Cách mạng, đó là Sắc lệnh 65 do Hồ Chủ Tịch ký và ban hành ngày 23 tháng 11 năm 1945, tức là chỉ sau ngày giành chính quyền tại Hà Nội hơn 3 tháng, như vậy là rất kịp thời. Ngày đó nay trở thành Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Sắc lệnh ghi rằng:
Xét rằng việc bản tồn cổ tích là công việc rất cần trong công cuộc kiết thiết nước Việt Nam”.
Tiếp đó, điều 4 ghi:
Cấm phá hủy những đình chùa, đền miếu, hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng những cùng lăng mộ chưa được bảo tồn.
Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.
Nội dung Sắc lệnh này qua 77 năm vẫn còn nguyên giá trị, chính vì vậy nhiều di sản có giá trị được bản tồn cho đến nay và không ngừng phát huy tác dụng, tuy nhiên không phải lúc nào, cấp nào cũng làm tốt tinh thần của Sắc lệnh, thậm chí rất chệch choạc ở từng nơi, từng lúc, hậu quả là nhiều di sản bị thất lạc, hủy hoại hoặc thiếu quan tâm bảo tồn dẫn đến mai một. Thực trạng này không phải ở một tỉnh mà diễn ra trên toàn quốc.
Thực trạng di tích ở Hải Dương
Sau Cách mạng tháng Tám, Hải Dương là vùng địch đánh chiếm sớm, nhất là hai bên đường số 5. Trước tình thế đó, địa phương buộc phải tiêu thổ để kháng chiến theo mệnh lệnh của Trung ương, tuy nhiên số di sản bị tiêu thổ không nhiều bằng số di tích bị giải hạ hoặc dùng sai mục đích trong thời kỳ hợp tác hóa (1960-1964) và chống mê tính dị đoan (1977-1983) do chúng ta hiếu không đầy đủ tinh thần của Sắc lệnh 65.
Hải Hưng là tỉnh hoàn thành kiểm kê di tích lịch sử văn hóa sớm nhất trong số các tỉnh miền Bắc vào năm 1970. Hàng nghìn di tích được kiểm kê và được xuất bản thành sách năm 1999; hàng nghìn cổ vật đã được thu và kho bảo tàng tỉnh, vì vậy đã hạn chế rất nhiều về những nhận thức sai cùng như hành động không đúng với tinh thần Sắc lệnh 65. 
Cùng với việc kiểm kê di tích, Bảo tàng tỉnh đã chọn lọc, lập hồ sơ, xếp hạng gần 200 di tích cấp Quốc gia trước khi chia tách tỉnh (1-1997), đồng thời tu bổ ngay trong chiến tranh chống Mỹ xâm lược, đặc biệt là di chuyển thành công cụm di tích chùa Giám từ vùng phân lũ về địa điểm mới các địa điểm cũ 7km an toàn và đồng bộ, được nhiều học giả trong và ngoài nước khen ngợi.
Sau ngày đất nước thống nhất, hàng trăm di tích được quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo ở các làng xã, điển hình là Côn Sơn, Kiếp Bạc, Kính Chủ, Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền...
Cùng với việc bảo tồn di tích trên mặt đất mà còn tiến hành trên 50 cuộc khai quật chính quy và hàng trăm cuộc thám sát, điền dã khảo cổ học, phát hiện nhiều di chỉ quan trọng và thu về hàng vạn di vật có giá trị nghiên cứu lịch sử, điển hình là di chỉ Tiền sử ở Nhẫm Dương (Kinh Môn) và di tích gốm Chu Đậu (Nam Sách) ở thế kỷ XV, làm sống lại một làng nghề đã thất truyền trên 400 năm mà hiện nay đang phát huy đầy sức sống.   
Công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy là một điển hình của cả nước, song bên cạnh những thành công chúng ta cũng không ít sai sót mà những sai sót ấy không có cơ hội sửa chữa, điển hình là ở đền thờ Chu Văn An.
Việc phát huy di sản có thành công lớn, nhưng vẫn tồn tại những vấn đề cần khắc phục do thiếu cơ sở khoa học, như việc ban ấn ở Kiếp Bác gây bức xúc trong giới khoa học.
Việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử nói chung là tốt, tuy nhiên nhiều di tích khi tu sửa không nghiêm túc luật di sản, nhất là những di tích chưa được xếp hạng đã bị hiện đại hóa, nhiều nơi không còn nhận diện di tích xưa.
Nhưng cổ vật mang về bảo tàng, nói chung bảo quản tốt, những có một số loại hình hầu như bất lực về việc bảo trì như các mộ cổ. Đặc biệt là mộ Hán ở Vũ Xá là mộ cổ thời Đông Hán duy nhất của cả nước có niên đại tuyệt đối được chuyển về khuôn viên Bảo tàng và phục dựng từ năm 1996, đến nay vẫn không có mái che, dù kinh phí chỉ trên dưới 100 triệu đồng, đây là một khuyết điểm về đầu tư, về nhận thức và kỹ thuật bảo tồn của ngành văn hóa. Việc đầu tư cho bảo tàng quá thấp so với di tích về con người và tài chính là một nguyên nhân họ khó hoàn thành nhiệm vụ. Khuyết điểm này thuộc về ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương.

Những vấn đề cần khắc phục
Trước hết phải đầu tư về con người, về chuyên môn, về kỹ thuật. Nếu không quan tâm đến yếu tố con người về chuyên môn và nhiệt huyết thì càng nhiều kinh phí càng tăng thêm sự tiêu cực mà tiêu cực trong di sản lịch sử văn hóa khó có cơ hội sửa sai.
Thứ hai là về ngân sách, nếu không có một ngân sách tướng xứng, bảo tàng không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ ba là tông tác tổ chức và điều hành nghiệp vụ. Thông lệ, bảo tàng là cơ quan nghiêp vụ, thực thi các nhiệm vụ về sưu tâm, nghiên cứu, tu bỏ, tôn tạo di tích, nhưng hiện nay không hoàn toàn như vậy. Kinh phí tu bổ di tích lại thuộc phòng di sản quản lý và thực thi, bảo tàng đứng ngoài. Gần đây khai quật ở Thanh Khơi, Bình Giang bảo tàng không biết và không quản lý cổ vật, vậy đó là cơ chế nào?
 Để khắc phục tình trạng trên cần chấn chỉnh về tổ chức, điều hành, nguồn kinh phí. Để giúp cho công tác nghiệp vụ trên cần có Hội đồng tư vấn và giám định để chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực thi nghiêp vụ. Cần nhắc lại Sắc lệnh 65: “Xét rằng việc bản tồn cổ tích là công việc rất cần trong công cuộc kiết thiết nước Việt Nam”. Nay nước nhà chưa bao giờ có thế và lực như bây giờ, vì vậy không được phép để di sản lịch sử văn hóa mai một hoặc phát huy chệch hướng.
Tăng Bá Hoành
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây