Ai là tác giả của vườn cây thuốc Dược Sơn ở Chí Linh*

Thứ sáu - 23/12/2016 09:30 1.312 0
Dược Sơn thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nhánh phía nam của dãy núi Rồng nằm trên một vùng bình địa tiến thẳng ra sông Thương. Quanh chân núi cư dân quân từ từ nhiều đối lập nên ngôi làng cổ có cùng tên Được Sơn.

Trên đỉnh núi có đền thờ Nam Tào, vị thần coi sóc về sinh tử theo tâm linh. Sử chép rằng sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (năm 1285), Hưng Đạo Vương chọn Vạn Kiếp làm đại bản doanh. Truyền thuyết cho rằng một đêm Hưng Đạo Vương mơ thấy một vị thần đem giống cây thuốc đến tặng. Chỉ hôm sau trên đường về phủ đệ, Hưng Đạo Vương bỗng thấy hai bên đường có những cây giống như cây thuốc mà thần đã ban. Hưng Đạo Vương bèn sai Phạm Ngũ Lão đem về trồng ở Dược Sơn, hái lá làm thuốc đắp vết thương cho binh sĩ. Quả nhiên vết thương mau lành một cách lạ thường. Từ đó, núi cây thuốc ấy được gọi là Dược Sơn.

 Trước đó chưa sử sách nào ghi chép về một vườn thuốc khác nên có thể khẳng định được Dược Sơn chính là vườn thuốc có sớm ở nước ta. Theo sử liệu, Phạm Ngũ Lão (1255- 1320) người làng Phù Ủng huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng, trấn Hải Dương (Nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên ). Với tài năng bẩm sinh và chí hướng vốn có của mình, lại được đích thân Hưng Đạo Vương rèn cặp, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc trong cả hai lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên  Mông lần thứ hai và lần thứ ba. Ông được vua Trần phong hàm “Hạ phẩm Phụng ngự”. Sau này, khi phò tá ba đời vua Trần, Phạm Ngũ Lão còn liên tiếp lập nhiều chiến công, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới. Vì thế, ông được Hưng Đạo Vương ưu ái gả con gái cho. Điều này trái với “luật nội tộc” trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Hưng Đạo Vương đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi.

 Như vậy, suốt trong 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Phạm Ngũ Lão hết đánh Bắc lại dẹp Đông, một vị tư lệnh không thể thiếu trong các trận mạc từ Bắc chí Nam chắc không có thì giờ để trồng và chăm sóc vườn thuốc Dược Sơn. Vậy người gây dựng Dược Sơn là ai ?

    Có các cơ sở để tin rằng tác giả của vườn thuốc Dược Sơn chính là phu nhân của Phạm Ngũ Lão, dựa theo chứng cớ sau:

     Bằng cứ đầu tiên là tại đền Phù Ủng ở thủ đô Hà Nội, nơi thờ vọng Phạm Ngũ Lão, còn khắc đôi câu đối cổ ca ngợi tài đức và sự nghiệp kỳ vĩ của ông:

“Văn thi thao lược, thiên cổ tịnh hiền hào, dược thạch minh bi, hải hồ vịnh sử.
Mông - Thát, Chiêm - Lao, nhất thời giai úy phục, Trần triều kỷ tích, Việt quốc lưu danh.”

Tạm dịch:

Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh.

Nguyên - Mông, Chiêm - Lào, một thời đều úy phục, triều Trần ghi công, sử Việt lưu danh.”

   Câu đối thường tóm tắt đầy đủ công trạng nhưng không thấy nhắc tới công trồng cây thuốc và chữa bệnh nếu là của ông.  Có thể Anh Nguyên công chúa mới là chủ nhân thực sự của Dược Sơn. Bà là người con gái thứ 2 của Trần Quốc Tuấn. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Vạn Kiếp là vùng rừng núi rậm rap, lam sơn chướng khí. Quân sĩ nhà Trần dễ bị thương vong vì bệnh tật và thương tích trong chiến đấu. Được giao cho lập vườn thuốc chữa bệnh cho binh sĩ, Phạm Ngũ Lão đã giao lại cho chính phu nhân của mình. Nhận trọng trách ấy, Anh Nguyên không chỉ tìm cây thuốc quanh vùng về trồng mà còn nghiên cứu để chữa bệnh cho binh sĩ. Do nhập thân vào trọng trách đó, bà lấy tên hiệu là Đại Hoàng (Đại Hoàng công chúa). Đại hoàng là vị thuốc có màu vàng và là một “đầu vị” quan trọng của các thang thuốc Nam thời chiến. Hiện ở núi Dược Sơn vẫn còn dấu vết địa điểm của “Đàm Hoa Vân Dược” tương truyền là “nhà khám, chữa bệnh và cấp thuốc” cho binh sĩ xưa.

Cũng lại nhờ xung quanh Vạn Kiếp từng là rừng nguyên sinh rất giàu cây thuốc được dân gian khai thác làm thuốc và đặc điểm ấy còn duy trì đến tận bây giờ. Có điều là nguồn gien quí hiếm ấy đã bị đẩy lùi mãi về phía cuối của huyện ( nơi thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám).

Không có câu đối nhưng công trạng của công chúa được ghi nhận ở chỗ bà được tạc tượng thờ ở đền Kiếp Bạc gần với tượng của Hưng Đạo Vương và tượng Phạm Ngũ Lão.

Hơn thế nữa, bà còn được nhân dân suy tôn là Quốc Mẫu, được tôn vinh trong một giá Hầu Đồng còn truyền tụng đến bây giờ. Tại giá Hầu Đồng này, công chúa mặc định áo màu vàng, sau lưng giắt 1 thanh kiếm và 1 cờ hiệu. Khi nhập đồng, công chúa một tay cầm cờ, một tay cầm kiếm múa, rồi ban phát “thánh dược” cho các đệ tử. Cầm kiếm chứng tỏ thời Trần đất nước lâm nguy, đàn bà cũng đánh giặc. Cầm cờ chứng tỏ công chúa là người chỉ huy, dưới trướng có nhiều binh lính trồng dược liệu và chữa bệnh, có thể có nhiều binh lính là nữ giới.

- Hằng năm vào dịp lễ hội, dân làng Dược Sơn vẫn tổ chức lễ rước bộ từ đền Nam Tào, Bắc Đẩu về đền Kiếp Bạc. Dù  ngày nay, trên Dược Sơn không còn nhiều dấu tích, không còn nhiều cây thuốc, nhưng thế đất, sườn đồi vẫn lưu giữ vết tích của một "Dược Lĩnh cổ viên" một thành phần của “Chí Linh bát cổ”. Thôn Dược Sơn có tới hai trăm hộ. Trong thôn vẫn có người làm nghề thuốc và nhiều người già ở đây đều thừa kế kinh nghiệm về bào chế một số loại thuốc đơn giản chữa các chứng thương tích, cảm nhiệt, cảm hàn, kém ăn, mất ngủ…

   Các tư liệu trên chứng tỏ ý tưởng làm Dược Sơn là của Hưng Đạo Vương, người thực hiện là Đại Hoàng công chúa, cây giống Hưng Đạo Vương thấy ven đường là sự đa dạng cây thuốc ở  rừng núi Chí Linh. Xác định được công trạng của người có công với vườn thuốc có tầm quan trọng đến định hướng trong văn hoá tâm linh và hướng kế thừa để khôi phục và tôn tạo lâu dài cho vườn thuốc Dược Sơn sau này.

                                                                                                 Nguyễn Văn Khang

Trên đây chỉ là một ý kiến nội suy, hiện nay cứ liệu lịch sử chưa đủ để khẳng định.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây