Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Sự khác biệt giữa dịch bệnh và đại dịch
Thứ sáu - 06/03/2020 09:084980
Hiện nay trên thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều loại dịch bệnh, dễ dàng lây lan và gây nguy hiểm cho rất nhiều người. Hai thuật ngữ dịch bệnh và đại dịch có một mối liên quan mật thiết với nhau và thường dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, hai từ này có nghĩa rất khác nhau.
Dưới đây là một số đặc điểm giúp bạn có thể phân biệt hai thuật ngữ này một cách dễ dàng: Dịch bệnh và đại dịch Dịch bệnh chỉ ra một căn bệnh liên quan đến truyền nhiễm, có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người cùng một lúc trong một khu vực địa lý cụ thể. Ví dụ như một đợt bùng phát dịch cúm A(H1N1) ở Việt Nam sẽ được coi là một dịch bệnh, chỉ giới hạn ở Việt Nam. Dịch bệnh khi xảy ra số lượng các ca bệnh trong một khu vực nhất định hoặc trong một nhóm người cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể nhiều hơn so với thời điểm cùng kỳ hoặc năm trước đó.
Giống như dịch bệnh, đại dịch là một căn bệnh truyền nhiễm và lan truyền. Tuy nhiên không giống như dịch bệnh, đại dịch không giới hạn ở một khu vực địa lý cụ thể. Thay vào đó đại dịch xuất hiện trên diện rộng. Phạm vi xuất hiện bệnh có thể là một quốc gia, một châu lục hay trên toàn cầu. Các giai đoạn của đại dịch Tổ chức Y tế Thế giới đã nghiên cứu và phân loại các giai đoạn của đại dịch như sau: Giai đoạn 1: Trong giai đoạn 1, virus chỉ lưu hành trong động vật. Chưa có sự lây nhiễm nào của virus tới con người. Giai đoạn 2: Trong giai đoạn này, virus đã bắt đầu lây nhiễm sang người. Thời điểm này virus đã ở mức độ cơ bản của mối đe dọa vì chủng virus đã có khả năng lấy nhiễm sang người. Giai đoạn 3: Virus tiếp tục lây lan trong nhiều nhóm người ở cộng đồng. Những người khác người cộng đồng có khả năng bị nhiễm virus nếu tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh. Tại thời điểm này, căn bệnh có thể coi là một dịch bệnh trong cộng đồng đó, tuy nhiên không phải là đại dịch.
Giai đoạn 4: Giai đoạn này virus lây lan nhiều hơn. Việc lây truyền virus từ người sang người bùng phát ở nhiều cộng đồng, số lượng người nhiễm bệnh tăng lên nhiều. Sự bùng phát này báo hiệu một đại dịch nhiều khả năng có thể xảy ra. Giai đoạn 5: Trong giai đoạn 5, sự lây truyền từ người sang người đang diễn ra ở ít nhất hai nước trong một khu vực của WHO. WHO có mạng lưới 120 Trung tâm Cúm Quốc gia ở 90 quốc gia khác nhau. Giai đoạn 5 biểu thị rằng các chính phủ và các quan chức y tế phải sẵn sàng thực hiện các kế hoạch giảm thiểu đại dịch ngay khi cần thiết. Giai đoạn 6:Đây là giai đoạn cuối cùng của đại dịch khi dịch đang diễn ra trên toàn cầu. Căn bệnh lan rộng và các cơ quan chính phủ, cơ quan y tế phải tích cực làm việc để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Hậu đại dịch: Hậu dịch là thời kỳ sau khi đại dịch xảy ra. Sau thời gian lây lan mạnh, hoạt động của virus bắt đầu suy yếu dần. Ngăn chặn quá trình lây lan trên diện rộng một lần nữa là vô cùng quan trọng. Khung thời gian của các giai đoạn này thay đổi rất nhiều, có thể dao động từ vài tháng đến nhiều năm.