Phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ tư - 27/02/2019 12:03 502 0
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (African Swine Fever - ASF) lần đầu tiên xuất hiện ở Kenya, châu Phi vào năm 1991 và từ đó trở thành dịch bệnh địa phương. Từ cuối năm 2017 đến nay, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ASF xâm nhập.
Điều đáng quan tâm, bệnh này đã có mặt ở châu Á. Ngày 9/9/2018 Bộ Nông nghiệp Nhật Bản xác nhận ASF đã bùng phát ở nước này, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cũng đã tìm thấy gen vi-rút ASF qua thịt chế biến của du khách đến từ Thẩm Dương (Trung Quốc) mang sang Hàn Quốc. Cùng ngày,  tại Trung Quốc đã xuất hiện 14 ổ dịch ASF ở 6 tỉnh: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liên Ninh, Giang Tô, Chiết Giang với 38.000 con lợn mắc ASF phải tiêu hủy.
Việt Nam gần với Trung Quốc, có đường biên giới hàng trăm km và nhiều cửa giao thương kinh tế - xây dựng, nguy cơ lây lan ASF là rất lớn. Mặt khác ASF là bệnh truyền nhiễm đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa đặc trị, khi lợn mắc bệnh đều phải tiêu hủy 100%. Trong khi đó chăn nuôi ở Việt Nam nói chung và ở Hải Dương nói riêng luôn đứng ở vị trí số một về giá trị sản xuất và khối lượng thực phẩm với 70 - 80% cơ cấu giá trị của ngành chăn nuôi. Do vậy, khi đàn lợn nhiễm bệnh thì thiệt hại cho nền kinh tế nông nghiệp là vô cùng to lớn.
Đặc điểm chung của bệnh dịch tả lợn châu Phi
Là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa, thời gian ủ bệnh 3 - 15 ngày. Lợn khỏi bệnh vẫn mang vi rút lâu dài, nếu không quản lý được thì lây lan rất nhanh, mạnh ra môi trường. Vi-rút dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong dịch bài tiết của lợn nhiễm bệnh  như thịt, máu, phủ tạng, phân, nước tiểu v.v… thải ra môi trường. Đáng chú ý, vi rút ASF vẫn có thể tồn tại trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như giăm-bông, xúc xích mà trong quá trình chế biến xử lý nhiệt đảm bảo.
Vi-rút gây bệnh ASF có khả năng chịu ở nhiệt thấp, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C trong 70 phút; ở nhiệt độ 600C trong 20 phút. Vi-rút ASF tồn tại trong máu vật nuôi sống phân hủy mất 105 ngày, trong máu khô phân hủy mất 70 ngày.
Triệu chứng lâm sàng
Khi lợn nhiễm ASF thường có biểu hiện không khác biệt với bệnh dịch tả lợn cổ điển (CSF), nếu lợn mắc ở thể độc lực cao, dù chưa biểu hiện ra ngoài cơ thể nhưng lợn đã bị chết.
Biểu hiện lâm sàng ở hai thể:
- Thể cấp tính: Lợn sốt cao từ 40,5 - 420C trong 2 - 3 ngày đầu; bạch cầu, tiểu cầu giảm. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống lên nhau, thích nằm ở chỗ có bóng râm, hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau ở vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường. Một số vùng da trắng xuất huyết mầu đỏ; đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da dưới vùng ngực và bụng có thể có mầu sẫm xanh tím. Trước khi chết lợn có triệu chứng thần kinh đi lại không vững, tim đập nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt ở mũi; viêm mắt, nôn mửa tiêu chảy, đôi khi lẫn máu; hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên kích thước nhỏ, phủ chất nhầy và máu. Lợn có thể chết trong vòng 6 - 13 ngày, có trường hợp lên đến 20 ngày. Lợn nái mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh nhiễm vi-rút mãn tính, không có biểu hiện  lâm sàng.
- Thể mãn tính: Gây bởi vi-rút có độc lực trung bình hoặc thấp, lợn có biểu hiện giảm cân, sốt không ổn định, ho, chảy máu mũi, hoại tử da, viêm khớp. Triệu chứng này kéo dài 2 - 15 tháng.
Biện pháp phòng bệnh ASF
Vì chưa có vắc-xin phòng tránh nên cần đặc biệt chú ý đến những biện pháp sau:
- Làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi hội nghị, tập huấn v.v... để người dân, nhất là người chăn nuôi, chế biến thịt lợn hiểu về tính nguy hại của bệnh ASF, qua đó nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe con người và sản xuất. Cần tuyên truyền nội dung Công văn số 1194/CĐ-TTCP ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ “V/v tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam” và Công văn số 3071/UBND-VP ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh Hải Dương “V/v chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi”. Bên cạnh đó phổ biến các biện pháp an toàn sinh học trong phòng bệnh ASF của các cơ quan quản lý chuyên môn chăn nuôi - thú y.
photo 1 15514015968822094547227
Rắc vôi khử trùng. Ảnh minh hoa.
- Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Chi cục thú y thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin diễn biến tình hình dịch ASF; tổ chức các biện pháp phòng bệnh chủ động theo hướng dẫn của cơ quan thú y Trung ương, nhằm ngăn chặn có hiệu quả bệnh ASF. Chủ trì phối hợp với các ngành: Công an, quản lý thị trường, UBND huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời và nghiêm các trường hợp vi phạm về vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn theo quy định của pháp luật. Giám sát chặt chẽ đàn lợn, tăng cường công tác kiểm dịch động vật. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bệnh ASF. Tập trung vào các giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi dịch bệnh còn ở phạm vi nhỏ, hạn chế tối đa lây lan dịch ra diện rộng; kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học theo VietGAP.
- Thực hiện nghiêm quy trình tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn lợn như: Dịch tả lợn (CSF), Tai xanh (PRRS), Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Đóng dấu, Lở mồm long móng (LMLM), suyễn v.v...
- Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, diệt các vật chủ trung gian truyền bệnh: ruồi, muỗi, chuột... Định kỳ tiêu độc, khử trùng, diệt côn trùng trong và khu vực xung quanh trại, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thịt động vật bằng Han-Iodine 10%, hoặc Han Kon WS, Hantox-200 v.v...
- Quản lý giám sát, người, phương tiện, động vật ra vào trại, hạn chế tối đa người vào trang trại lợn; khi vào phải thực hiện quy định tiêu độc, khử trùng.
- Lợn nhập vào nuôi phải rõ nguồn gốc, sạch bệnh, phải có khu chăn nuôi cách ly lợn mới nhập để theo dõi sức khỏe, trước khi nhập đàn 15 - 20 ngày.
- Thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn lợn theo quy trình kỹ thuật, bằng cách bổ sung các vitamin, men tiêu hóa có thể dùng các sản phẩm được bán ở các công thy thuốc thú y được phép sản xuất và tiêu thụ. Định kỳ dùng kháng sinh trộn với thức ăn để phòng một số bệnh do vi rút, vi trùng gây ra (tụ huyết trùng, suyễn, Ecoli v.v...) như Hanflor 4%, hoặc Dolosin-200 theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất.
- Kiểm tra sức khỏe đàn lợn hàng ngày, khi phát hiện lợn ốm phải nuôi cách ly và báo cáo cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp xử lý.
                 Th.s Nguyễn Văn Tịnh
Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Hải Dương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây