Có rất nhiều loại ung thư. Ung thư chủ yếu là do bản thân ta, rồi đến môi trường sống, trong đó ăn uống chiếm gần 1/3. Ở Việt Nam, theo thống kê, ung thư gan chiếm hàng đầu, tiếp sau là phổi, dạ dày, đại - trực tràng, vú, cổ tử cung. Các loại ung thư gan, phổi, dạ dày tuy chiếm nhiều nhất nhưng lại có thể phòng tránh được. Ăn uống không đúng cách, ít vận động, ít ngủ, béo phì góp phần sinh ra ung thư.
I. Đôi điều về ung thư
Ung thư có thể do một số virus gây ung thư như: virus HPV gây ung thư cổ tử cung và là nguy cơ ung thư dương vật, virus Epstein-Barr gây ung thư vòm họng, virus viêm gan HBV và HCV có thể gây ung thư gan. Trên 10% ung thư do di truyền, trong đó có: vú, đại tràng, u nguyên bào võng mạc (retinoblastom) ở trẻ em. Gần 50% ung thư trẻ em là ung thư bạch cầu, u hạch (lymphom). Ung thư trẻ em khác với người lớn.
Khi phát hiện sớm và chữa đúng cách thì một số loại ung thư chữa được, có loại khỏi hẳn. Trong y học, nếu sống được 5 năm trở lên từ khi chẩn đoán ra bệnh là điều trị hiệu quả. Một số bệnh ung thư đã có vắcxin phòng ngừa: vắcxin phòng 4 týp HPV 16-18 (đã có ở Việt nam) ngừa ung thư cổ tử cung. Ở Hoa kỳ, trẻ trai và nam thanh niên cũng có thể tiêm phòng vắcxin này.
Tế bào ung thư.
II. Phát hiện sớm ung thư
Hai việc sau đây, ai cũng làm được để góp phần cho phát hiện sớm: quan tâm đến sức khỏe của mình qua kiểm tra định kỳ và quan tâm đến một số triệu chứng. Sau đó, nếu thấy thắc mắc, nghi ngờ thì tư vấn thày thuốc, hoặc thăm khám, hoặc làm các xét nghiệm cần thiết.
1. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nam hay nữ trên 40 tuổi, mỗi năm kiểm tra 1 lần. Nam: chú ý phổi (nhất là người hút thuốc lá). Từ 50 tuổi trở lên, chú ý tuyến tiền liệt.
Nữ : tự khám vú. Khám phụ khoa.
Nhóm có nguy cơ cho cả hai giới:
- Nguy cơ ung thư gan ( người bị viêm gan B,C, xơ gan, nghiện rượu), nên làm siêu âm bụng.
- Nguy cơ ung thư dạ dày (viêm, loét dạ dày), nên xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter Pylori ( H.Pylori), nội soi dạ dày nếu cần.
2. Những triệu chứng cần quan tâm
- Ho dai dẳng không có nguyên nhân: phổi, thanh quản.
- Rối loạn tiêu hóa dai dẳng, ỉa chảy, táo bón, khi thì táo bón khi thì ỉa chảy: đại tràng.
- Chảy máu bất thường: một số cơ quan.
- Sụt cân, suy nhược kéo dài.
- Nhức đầu, nôn mửa thường xuyên ở trẻ em: u não?
3. Các biện pháp phát hiện ung thư
Nhiều biện pháp, mỗi loại có ưu điểm, nhược điểm riêng, và quyết định là xét nghiệm tế bào. Tốt nhất nên phối hợp một vài biện pháp trước khi tế bào quyết định, thường là: siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm chỉ dấu ung thư.
- Siêu âm
- Nội soi bằng ống soi mềm, có thể sinh thiết khi nội soi
- Chụp X quang thông dụng
- Chẩn đoán hình ảnh hiện đại: chụp cắt lớp (CT), cộng hưởng từ (MRI), PET (Positron Emission Tomography: ảnh màu của các biến đổi trong các mô chỉ ra vị trí, kích thước u). Có thể kết hợp CT với MRI với PET.
- Xét nghiệm máu, các dịch cơ thể (nước tiểu, phân, dịch não tủy…)
- Xét nghiệm tế bào, mô qua sinh thiết. Hiện nay đã có xét nghiệm tể bào lưu hành trong máu.
4. Sàng lọc và phát hiện sớm một số ung thư
4.1. Ung thư tuyến tiền liệt
Nhiều Hội y học quốc tế đã đồng ý dùng xét nghiệm PSA toàn phần (Prostate specific antigen) để sàng lọc, phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt kết hợp với thăm trực tràng: Hội Niệu khoa Mỹ (AUA) (2000), Hội Niệu khoa Âu Châu (EAU) (2001), Viện Hàn Lâm quốc gia hóa sinh lâm sàng Mỹ (NACB) (2002), Hội ung thư Mỹ (ACS) (2005), Mạng ung thư quốc gia Mỹ (NCCN) (2007). Kết hợp xét nghiệm tỷ lệ fPSA/PSA ( PSA tự do/PSA toàn phần, đã làm ở nước ta) thì càng giá trị.
Nhiều Hội như NACB, NCCN đã khuyến cáo dùng tỷ lệ này để chẩn đoàn phân biệt ung thư tiền liệt với phì đại lành tính tuyến tiền liệt khi PSA toàn phần từ 2-10 ng/ml và xem có cần sinh thiết không, để giảm các trường hợp sinh thiết không cần thiết, vì có tới 30% - 40% phì đại lành tính tiền liệt mà PSA cao trên 4 ng/ml, thậm chí trên 10 ng/ml. (PSA của người bình thường: 0-4 ng/ml).
Nếu tỉ lệ này dưới 10%, thì nhiều khả năng ung thư, cần phải sinh thiết. Tỷ lệ từ 10-25%, cân nhắc khi sinh thiết, nếu quá 25% thì không cần sinh thiết. NCCN khuyên nên sàng lọc ung thư tiền liệt bằng PSA từ 40 tuổi. Từ khi có các biện pháp phát hiện sớm (PSA và thăm trực tràng) đã giảm được 75% tỷ lệ ung thư đã di căn tại thời điểm chẩn đoán. Đây là điều quan trọng khiến cho ta chữa được loại ung thư này. PSA phát hiện sớm hơn tới 5 năm so với thăm trực tràng đơn thuần.
4.2. Ung thư gan
Đa số tác giả nói có thể chẩn đoán sớm ung thư gan khi kết hợp định lượng AFP (Alpha-fetoprotein, đã phổ biến ở Việt Nam) trong máu với siêu âm gan. Nếu AFP cao hơn bình thường và siêu âm phát hiện có nhân cỡ dưới 1cm: đó là những dấu hiệu đầu tiên để theo dõi ung thư gan, sau 3-6 tháng xét nghiệm lại nhằm chẩn đoán sớm. Hội Hướng dẫn chứng cứ lâm sàng Nhật (EBCIGI) (2008), Hội ung thư Âu Châu (ESMO) (2009), Thượng đỉnh ung thư Á Châu (AOS) (2009), Mạng lưới ung thư quốc gia Mỹ (NCCN) (2010), Viện hàn lâm quốc gia hóa sinh lâm sàng Mỹ (NACB) (2010) đồng ý như vậy.
Năm 2008, Hội gan mật Nhật đã đưa ra hướng dẫn chẩn đoán sớm ung thư gan ở nhóm nguy cơ cao(xơ gan do hoặc không do viêm gan B,C) dựa trên các nghiên cứu của Kudo và Okanoue (2007), của Makuuchi và cộng sự (2008): cần làm siêu âm ổ bụng và định lượng cả 3 chỉ dấu AFP, AFP - L3 (AFP-Lectin - affinity 3, AFP có ái lực lectin nhóm 3) và DCP (Des - gamma - carboxy - prothrombin) từ 3-6 tháng một lần. Các Hội AOS(2009), NCCN( 2010), NACB (2010) đều khuyến cáo cần dịnh lượng AFP và siêu âm gan 6 tháng một lần cho những nhóm có nguy cơ cao (xơ gan do viêm gan B, C, do rượu; viêm gan tự miễn, nhiễm thiết huyết tố).
Việc sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư gan ở những nhóm có nguy cơ đã có hiệu quả rõ rệt. Các nhà nghiên cứu Yuen và cộng sự ở Hồng Kông (2000, 2003) nêu: sàng lọc ung thư gan tiết kiệm được chi phí, thời gian sống tăng lên 35%. Sangiovanni và cộng sự ở Ý (2004) cũng thấy thời gian sống tăng lên ở những người ung thư gan đã được sàng lọc để chẩn đoán. Lin và công sự (2004), Thompson và cộng sự ở Mỹ (2007) đánh giá cao vai trò của sàng lọc ung thư gan ở những người có nguy cơ.
4.3. Ung thư đại-trực tràng
Nhiều nước đã dùng xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT, fecal occult blood test) để sàng lọc ung thư đại - trực tràng. Các Hội NACB (2006), ACS (2008) đã có hướng dẫn sàng lọc ung thư đại - trực tràng cho người từ 50 trở lên bằng FOBT. Từ năm 2018, Hà Nội bắt đầu chương trình sàng lọc ung thư đại - trực tràng cho người trên 40 tuổi bằng xét nghiệm FOBT với kỹ thuật hóa - miễn dịch học (FIT), nhậy và đặc hiệu. Sàng lọc bằng xét nghiệm FOBT làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại - trực tràng: báo cáo của các nhà khoa học Mandel và cộng sự 2000, Hewitson và cộng sự, 2007.
Phát hiện sớm ung thư đại - trực tràng bằng xét nghiệm FOBT + nội soi đại - trực tràng là quan trọng nhất, góp phần quan trọng để chữa được loại bệnh này.
Xét nghiệm ADN trong phân là xét nghiệm mới nhất, nhiều hứa hẹn nhất để sàng lọc ung thư đại - trực tràng, nhậy và đặc hiệu hơn hẳn xét nghiệm FOBT (kết luận của các nhóm nghiên cứu: Dong và cộng sự, 2001; Ahlquist và cộng sự, 2002; Davies và cộng sự, 2005). Năm 2006, Allison và Lawson công bố giá trị sàng lọc ung thư đại - trực tràng của ADN trong phân: độ nhậy từ 52-98%, độ đặc hiệu 95%. Năm 2008, Hội điện quang Mỹ(ACS) nêu: xét nghiệm ADN trong phân rất tốt để sàng lọc loại ung thư này.
Một số ung thư đại - trực tràng di truyền như ung thư di truyền không có polyp (HNPPC), ung thư di truyền polyp dạng u tuyến gia đình (FAP). Hội ung thư lâm sàng Mỹ (ASCC, 2003), Hội ung thư Âu Châu (ESMO, 2005,2007), NCCN (2007), NACB (2008) đều khuyên dùng các xét nghiệm gen APC (adenomatous polyposis coli), gen MSI (microsatellite instability) để sàng lọc, phát hiện sớm các thể ung thư đại - trực tràng do di truyền nói trên. Trong gia đình mà có người bị ung thư di truyền thì cần làm các xét nghiệm gen trên cho mọi thành viên gia đình để phát hiện sớm.
4.4. Ung thư phụ khoa
- Ung thư vú: ngay từ 20 tuổi trở lên, cần tự khám vú hàng tháng. Từ 40 tuổi, bác sĩ khám tuyến vú hàng năm, siêu âm vú khi cần.
- Ung thư cổ tử cung: khi đã có quan hệ tình dục, hàng năm nên khám phụ khoa, xét nghiệm PAP (tế bào). Tiêm phòng vắcxin HPV, đã có ở nước ta.
III. Chẩn đoán ung thư
Trong những năm gần đây, giá trị chẩn đoán của chỉ dấu ung thư tăng lên rõ rệt, nhiều chỉ dấu mới đã xuất hiện.
Nhiều CDUT có độ nhậy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán ung thư như: Tg (thyroglobulin) có độ nhậy 74,5%, độ đặc hiệu 95% chẩn đoán ung thư tuyến giáp (nhận định của nhóm nghiên cứu Lima và cộng sự năm 2002). Nhà khoa học Nhật Yamaguchi và cộng sự báo cáo năm 2004: chỉ dấu CA 19-9 nhậy 75%, đặc hiệu 80% với ung thư tụy tạng. Nghiên cứu ung thư dạ dày năm 1998-2000, Hoàng Văn Sơn và cộng sự nhận thấy: phối hợp các chỉ dấu CA 72-4 (kháng nguyên ung thư 72-4) với CA 19-9 (kháng nguyên ung thư 19-9) hoặc với CEA (kháng nguyên ung thư phổi) thì tăng được cả độ nhậy và độ đặc hiệu. Đó cũng là ý kiến của các nhà khoa học Đức, Áo như Stieber và cộng sự, Lorenz và cộng sự, Gamisch và cộng sự. Năm 2003, sau 10 năm nghiên cứu, Hoàng Văn Sơn và cộng sự đã công bố các trị số của nhiều CDUT trong máu người Việt Nam bình thường để tham chiếu khi chẩn đoán ung thư: AFP, CA 15-3, CA 19-9, CA 72-4, CA 125, CEA, CYFRA 21-1, NSE, PSA.
Nhờ công nghệ proteomic, nhà khoa học Emanuel Petricoin và cộng sự (2002) đã tìm thấy 2 protein mới để chẩn đoán ung thư buồng trứng ngay từ giai đoạn sớm, độ đặc hiệu tới 96%. Trên cơ sở đó, đã sản xuất ra bộ thử nghiệm Ovachek để chẩn đoán nhanh chóng ung thư buồng trứng, đang dùng ở Mỹ. Mor và cộng sự (2005) đã công bố giá trị các xét nghiệm leptin, prolactin và osteopontin trong chẩn đoán ung thư buồng trứng: độ đặc hiệu 95%, độ nhậy 95%, rất cao.
Melle và cộng sự (2007) đã phát hiện ra 2 protein ở mô adenocarcinom tụy là DJ-1 và HSP 27 (heat schock protein 27). HSP 27 có trong máu bệnh nhân, giá trị chẩn đoán ung thư tụy rất cao: độ nhậy 100%, độ đặc hiệu 84%.
Gần đây, mới có các chỉ dấu chẩn đoán ung thư miệng, loại ung thư phổ biến, nhất là ở Đông Nam Á. Cheng và cộng sự (2005) dùng kỹ thuật proteomic phát hiện được 1 protein 2664 Da ở 57 người ung thư miệng. Chỉ dấu này chẩn đoán ung thư miệng với độ nhậy rất cao (100%), độ đặc hiệu rất cao (97%).
Với công nghệ proteomic, nhà khoa học Sarkissian và cộng sự (2008) đã tìm thấy chỉ dấu Pro-MMP-7 để chẩn đoán ung thư thận, độ nhậy 93%, độ đặc hiệu 75%.
Các CDUT bàng quang mới xuất hiện từ thế kỷ 21 đều có giá trị cao: chỉ dấu HA-HAase nhậy 91%, đặc hiệu 86%; Telomerase nhậy 74%, đặc hiệu 89%; Cytokeratin nhậy 76%, đặc hiệu 84%.
Không chỉ đóng vai trò chẩn đoán, các CDUT còn có giá trị cao để tiên lượng và theo dõi điều trị (monitoring) nhiều loại ung thư. Các chỉ dấu CEA, CA 19-9, CA 72-4 đều có giá trị tiên lượng và theo dõi điều trị ung thư dạ dày sau mổ, phát hiện sớm ung thư tái phát hoặc điều trị không hiệu quả. Đó là kết luận của nhiều nhà nghiên cứu: Gaspar và cộng sự, Nakane và cộng sự, Kodera và cộng sự, Ishigami và cộng sự, Wobbes và cộng sự. Takahashi và cộng sự (2003) báo cáo giá trị phát hiện tái phát ung thư dạ dày của CEA và CA 19-9 sớm hơn chẩn đoán hình ảnh từ 3 tháng tới trên 1 năm. Các CDUT này đều đang được thực hiện ở nước ta.
Các Hội Y học EGTM (2003), ASCO (2006), ESMO (2006), NACB (2008) đánh giá cao giá trị của CEA trong tiên lượng, monitoring điều trị ung thư đại - trực tràng sau phẫu thuật hoặc hóa trị liệu. Nhờ monitoring bằng CEA, trong 10 năm qua, thời gian sống của bệnh nhân ung thư đại - trực tràng tăng gấp đôi.
Tóm lại, những thành tựu lớn của khoa học và kỹ thuật,của nghiên cứu ung thư thời gian qua và trong tương lai gần khiến ta yên tâm kết luận: có thể chữa được ung thư khi phát hiện sớm và điều trị đúng.
PGS. TS. Hoàng Văn Sơn
Phó Chủ tịch Hội Hóa sinh y học Hà Nội và các tỉnh phía Bắc