Những đồ uống giải nhiệt mùa hè
Vào mùa hè nhất là những ngày nắng nóng cao độ, cơ thể mệt mỏi do mất nước ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt là làn da của phụ nữ. Nếu phải làm việc ngoài trời nhiều, bạn càng cần lưu ý các giải pháp chống nóng để cân bằng thân nhiệt. Dưới đây là 16 món nước uống giúp làm mát cơ thể rất hiệu quả, an toàn, dễ kiếm, rẻ tiền, chúng ta có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình.
1. Nước dừa
Dừa là một trong nhiều loại nước uống giải khát thông dụng. Theo đông y, nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực. Nước dừa có nhiều vitamin, khoáng chất,bổ xung chất điện giải tức thì cho cơ thể. Uống nước dừa thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe. Nước dừa có thể uống trực tiếp hoặc mua dừa về, lấy nước, nạo cơm, thêm ít đường sẽ có một ly nước giải khát thơm ngon, bổ dưỡng. Nếu thích uống mát, nên làm sẵn để ngăn mát tủ lạnh.
2. Trà xanh
Trà xanh từ lâu đã được biết đến là loại thảo dược tốt cho sức khỏe. Hàm lượng EGCG trong trà xanh là chất chống oxy hóa mạnh nhất có nguồn gốc tự nhiên giúp bạn giảm mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao và làm mát da, lọc bỏ độc tố trên da, làm sáng, mịn da. Mỗi ngày uống 4 - 5 tách trà khoảng (800 - 1.000ml) giúp cơ thể giải nhiệt, giải độc, phòng ngừa được một số bệnh như tăng huyết áp, cholesterol máu tăng, xơ vữa động mạch... Nên uống vào buổi sáng, trưa, chiều; không uống vào buổi tối để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.
3. Nước cam, chanh
Cam, chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt. Một cốc nước cam, chanh ép trong những ngày nắng nóng sẽ giúp cơ thể dịu lại.
4. Nước vỏ dưa hấu, bí đao
Vỏ dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt giải độc, vỏ quả bí đao có tác dụng tiêu sưng, viêm, rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Có công dụng thanh nhiệt và có thể điều trị bệnh thận, bệnh phổi, bệnh tim gây ra bởi phù, đầy bụng, khó tiểu…Vỏ dưa hấu, bí đao thái nhỏ (dùng tươi hoặc phơi khô) rồi sắc với nước uống hàng ngày. Nước vỏ dưa hấu, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, rất tốt cho những người khó tiểu tiện hay cần phải bù nước.
5. Sắn dây
Sắn dây có vị ngọt, tính bình, công năng giải nhiệt, giải biểu, sinh tân dịch, chỉ khát, tác dụng chữa cảm mạo, phát sốt, ban sởi mới phát, đi lị ra máu, khát nước, mụn nhọt. Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, làm giảm huyết áp, nên cũng là thức uống phòng tăng huyết áp rất tốt.
Bạn có thể pha sắn dây với quất hay vài lát chanh tươi. Cho 100ml nước vào bột sắn dây quấy tan. Rửa sạch hai quả quất, vắt lấy nước cốt bỏ hạt rồi cho vào nước bột sắn quấy thật đều. Cho thêm đường và quấy tan. Khi thưởng thức có thể cho thêm đá.
6. Nước râu ngô
Râu ngô có vị ngọt, tính bình, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can. Râu ngô có thể dùng tươi hoặc phơi khô, kết hợp với mía lau, lá dứa nấu nước uống thay nước lọc hàng ngày, có tác dụng lợi tiểu. Những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường dùng nước này rất tốt.
7. Rau má
Rau má có vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, lỵ, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy, ho, giãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu, sản phụ ít sữa. Ngày dùng 30 - 50g rau má tươi (có thể nhiều hơn), rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước pha nước hoặc nước dừa để uống. Có thể nấu canh để ăn trong bữa cơm hoặc nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày.
8. Nha đam đường phèn
Nha đam đường phèn là thức uống giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể, như một "thần dược" trong việc làm đẹp da. Ngoài ra, nó còn có công dụng rất tốt cho sức khỏe, giúp chữa một số bệnh như cao huyết áp, xơ gan béo phì...
Cách làm: 2 lá nha đam, gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, lấy phần thịt cắt thành hạt lựu, sau đó ngâm trong nước muối khoảng 15-20 phút và rửa lại nhiều lần để sạch nhớt và giảm vị hăng. Bạn bắc một nồi nước và cho đường phèn vào nấu tan (lượng đường phèn tùy thuộc sở thích vị ngọt của mỗi người). Khi nước sôi, thả phần nha đam trên vào và nấu sôi lại. Vậy là bạn đã có món nước nha đam đường phèn, uống ngon hơn khi để lạnh.
9. Nước bông cúc nhãn nhục
Bông cúc nhãn nhục không những giúp giải khát, hạ hỏa, thanh nhiệt mà loại nước mát này còn giúp an thần, làm dịu căng thẳng. Đây là thức uống có thể khắc phục chứng mất ngủ, giúp ngừa mụn, trị đau họng nhờ công dụng của bông cúc. Vị của bông cúc hơi nhẫn nên khi nấu cho thêm nhãn nhục sẽ rất ngon.
Bạn cần ngâm 150 gr nhãn nhục và 150 gr hoa cúc khô trong 2 tô nước riêng biệt. Sau 15 phút, vớt bông cúc đã ngâm cho vào nồi đun sôi cùng 1-1,5 lít nước lọc. Khi nước sôi, lọc bỏ phần xác bông cúc, tiếp tục cho nhãn nhục (bao gồm cả phần nước ngâm) và 150 g đường phèn vào nồi nước đun cho đến khi đường tan là được.
10. Nước sâm từ các loại cỏ
Trong những ngày hè nóng bức này, không gì hơn là được uống một ly nước sâm. Cách đơn giản và tiết kiệm thời gian nhất là mua những bó lá đủ loại (mía lau, râu bắp, rong biển, lá dứa, bọ mắm, cây mã đề, rễ tranh, cây lẻ bạn…) để nấu thành nước sâm thơm mát. Rửa sạch rồi nấu sôi phần lá trên cùng nước lọc với lửa nhỏ trong khoảng 2-3 giờ. Sau đó, vớt bỏ phần xác và cho đường phèn vừa đủ vào nấu cho đến khi đường tan hết. Những loại lá này đều rất mát, có tác dụng giải độc và tiêu viêm rất tốt. Bạn có thể uống ngay sau khi để nguội hoặc cho thêm đá để ngon hơn.
11. Nước đậu xanh
Đậu xanh có vị ngọt, tính lạnh, giúp thanh nhiệt, giải độc. Đậu xanh ngâm và rửa sạch sau đó cho vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, đun sôi khoảng 10 phút thì tắt bếp. Đậy nắp nồi thêm khoảng 10 phút nữa, chắt nước đậu xanh ra cốc và thưởng thức. Bạn có thể uống nguyên chất hoặc cho thêm đường, nên cho đường phèn để vị nước được ngọt thanh hơn. Bạn cũng có thể ninh nhừ đậu hoặc sắc vỏ đậu lấy nước uống.
12. Nước gạo lứt
Để nấu nước gạo lứt, bạn chỉ cần chuẩn bị 100g gạo lứt, cho vào chảo rang đều đến khi ngửi thấy mùi thơm và hạt gạo có màu đậm hơn là được. Với lượng gạo này, bạn có thể nấu cùng 2 lít nước, nấu đến khi gạo nhừ mềm. Sau khi để nguội, lọc lấy nước để uống. Muốn nước cho vị đậm đà hơn, bạn có thể thêm ít muối. Thức uống này nên dùng nóng sẽ ngon hơn! Nước gạo lứt không chỉ hỗ trợ quá trình thanh lọc máu, thanh lọc cơ thể mà còn giúp da sáng hồng, làm sạch và giảm cân hiệu quả.
13. Trà khổ qua
Theo y học cổ truyền, khổ qua có vị đắng, tính mát, thanh nhiệt và tăng sức đề kháng tốt cho cơ thể. Nước khổ qua chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa - những khó chịu thường gặp phải trong mùa hè oi bức.
Với khổ qua tươi, bạn có thể cắt từng lát mỏng rồi phơi khô. Sau khi khổ qua khô, cho lên chảo sao đến khi có màu nâu. Khi uống các bạn có thể lấy ra cho nước nóng vào pha như pha trà, mỗi ngày uống 1-2 ly rất mát và tốt cho sức khỏe. Nếu không dùng đắng được, bạn có thể cho thêm đường phèn để dịu bớt vị.
14. Nước atiso lá dứa
Nước atiso thơm mát, thoang thoảng mùi của lá dứa, uống hàng ngày giúp thanh lọc gan, điều tiết sự lưu thông của mật, cải thiện khả năng tiêu hóa và giảm mỡ máu.
Để nấu loại nước này, bạn cần khoảng 5 bông atiso tươi, 1 bó lá dứa tươi, 2 viên đường phèn và 3 lít nước. Bông atiso rửa sạch, bỏ cuống còn lá dứa cột gọn lại sau đó cho cả 2 vào nồi. Cho nước vào hầm cùng bông atiso khoảng nửa tiếng. Sau đó, đậy kín nồi nước lại và ủ như vậy trong khoảng 6 giờ để bông mềm và ra hết chất ngọt.
15. Nước mía
Nước mía rất được ưa chuộng ở nước ta vì có tác dụng giải nhiệt mà giá phải chăng và có thể mua ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nước mía không phù hợp với những người bị bệnh tiểu đường.
16. Nước vối
Lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nước vối giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát.
Thanh Huyền