Nhiệt độ nóng cực đoan và những ảnh hưởng đến sức khỏe

Chủ nhật - 30/06/2019 07:53 458 0
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng ở nước ta năm nay đến sớm và có khả năng kéo dài trong suốt phần còn lại của năm, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm ở cùng một thời điểm từ 0,5-1 độ C. Trong những tuần từ giữa tháng 4/2019 vừa qua, Việt Nam chịu đợt nắng nóng cực độ.
Cụ thể, ở Hà Tĩnh, tỉnh nằm ở tâm điểm của đợt nóng,nhiệt độ ngày 20/4/2019 đạt ngưỡng 43,4 độ C. Một số nơi khác nhiệt độ khá cao, trên 40 độ C như: Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 42,2 độ C, Mường La (Sơn La) 42 độ C, Hòa Bình 41,1 độ C. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lần lượt là 38,9 độ C và 35 độ C.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Không gian Goddard thuộc NASA (GISS), nền nhiệt toàn cầu trong tháng 4/2019 lại một lần nữa nhảy lên cao gần mức kỷ lục: +0,99°C so với nền nhiệt của giai đoạn giữa thế kỷ 20. Điều đó có nghĩa là cao hơn 1,21°C so với các ghi nhận lịch sử về nhiệt độ hồi thập niên 1880. Do đó, tháng 4/2019 được xem là tháng có nền nhiệt toàn cầu nóng thứ hai trong lịch sử 139 năm ghi nhận nhiệt độ hành tinh Trái Đất của loài người. Việc gia tăng khí thải nhà kính làm ảnh hưởng đến tầng ozon là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu nói chung và làm tăng nhiệt độ toàn cầu nói riêng.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (tên tiếng Anh: Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC), nhiệt độ trên trái đất dự kiến tăng từ 1,1-6,4 độ C từ năm 1990 đến năm 2100. Một trong những điều kiện nhiệt độ tăng cao cực đoan gây ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe gọi là “sóng nhiệt”. Đây là giai đoạn thời tiết nóng quá mức và bất thường, kèm theo độ ẩm cao kéo dài từ vài ngày đến vài tuần ở một khu vực nhất định. Với nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng cao, thời tiết ngày càng nóng bức thì các trận sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn.
Nắng nóng cực đoan ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
          Nhiệt độ của cơ thể là sự kết hợp giữa nhiệt độ của môi trường bên ngoài và nhiệt độ bên trong cơ thể sinh ra từ quá trình trao đổi chất. Thông thường, nhiệt độ cơ thể dao động từ 36,1 độ C – 37,8 độ C, và nhiệt độ ở bề mặt da vào khoảng 35 độ C. Tùy vào nơi sinh sống và cơ thể của mỗi người, khoảng nhiệt độ từ 22 – 40 độ C không ảnh hưởng đến cơ thể con người. Việc tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C do đột ngột tiếp xúc với môi trường nóng gây ra sốc nhiệt dẫn đến nhiều tác động tiêu cực với cơ thể, gây nhiều bệnh lý và có thể gây tử vong. Chú ý, đây là hiện tượng sốc nhiệt do nắng nóng để phân biệt với sốc nhiệt do lạnh đột ngột.
Ví dụ, một người sinh sống thường xuyên ở nơi có khí hậu ôn đới, nhiệt độ thường xuyên duy trì ở 20-30 độ C, nếu đột ngột di chuyển đến nơi khí hậu nắng nóng có nhiệt độ cao khoảng 35-40 độ C, có thể bị sốc nhiệt. Hay, thường gặp nhất là những người ngồi lâu trong phòng điều hòa để ở nhiệt độ 18-20 độ C, nếu ra ngoài trời nóng từ 35-40 độ C, có thể bị sốc nhiệt. Đây là hiện tượng hay gặp, vì thế các chuyên gia thường khuyến cáo để nhiệt độ phòng điều hòa không nên quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời.
           Trong đợt nắng nóng trung tuần tháng 7/2018 tại Nhật Bản đã ghi nhận 65 người chết và 22.000 người phải nhập viện vì sốc nhiệt do nắng nóng liên tục kéo dài. Chủ yếu là người cao tuổi. Đợt nắng nóng kỷ lục tại Ấn Độ năm 2015 khiến nhiệt độ lên tới 45,5 độ C đã làm trên 2.300 người tử vong.
          Sốc nhiệt cao thường gây ra một số ảnh hưởng lên sức khỏe như sau:
          Ảnh hưởng đến tim mạch: Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao bất thường, cơ thể đáp ứng lại bằng cách gia tăng nhiệt độ cơ thể, tăng tiết mồ hôi, gây ra mất nước, rối loạn nhịp tim, dễ dẫn đến đột quỵ.
          Gây ra các bệnh về thận: Tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ quá nóng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thận. Khả năng điều chỉnh lượng nước của cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi sốc nhiệt dẫn đến nhiễm trùng thận và bàng quang. Hay tình trạng tiêu cơ vân thường gặp phải khi sốc nhiệt làm các cơ vân bị tổn thương, tiết độc tố vào máu, từ đó ảnh hưởng đến thận.
          Anh hưởng đến hô hấp: Sự gia tăng nhiệt độ ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí làm tăng sự hình thành khí ozon ở tầng đối lưu, khi tiếp xúc nhiều với khí ozon khiến hệ tuần hoàn và hệ hô hấp của cơ thể bị tổn thương, về lâu dài gây các bệnh về phổi, thậm chí tử vong.
Một số bệnh lý thường gặp do sốc nhiệt cao
Nổi mề day do nhiệt với các triệu chứng: mẩn đỏ, ngứa xuất hiện trên các vùng da ở mặt, cổ, ngực, vùng bẹn. Nguyên nhân là do đổ mồi hôi nhiều trong thời tiết nắng nóng. Cách khắc phục: Ở những nơi thoáng mát; thường xuyên lau khô mồ hôi; mặc quần áo rộng, thấm hút mồi hôi tốt.
Phù do nhiệt ở tay, chân, mắt cá chân do nhiệt tăng làm giãn mạch ngoại biên, giữ nước và muối trong cơ thể. Phù sẽ từ từ giảm dần khi cơ thể quen dần với nắng nóng, tốt nhất là giữ mát cơ thể và ở những nơi mát mẻ.
Đối với người bị bệnh tim mạch hoặc dùng thuốc lợi tiểu, không thích nghi kịp với nắng nóng sẽ gặp hiện tượng mất ý thức trong thời gian ngắn, chóng mặt. Gặp phải hiện tượng này, người bệnh nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, nằm ngửa kê cao chân và hông để lưu thông máu tốt hơn.
Kiệt sức do nắng nóng thường gặp ở những người lao động nặng nhọc, ngoài trời với các triệu chứng: khát nước dữ dội, người mệt lả, khó chịu, chóng mặt, ngất xỉu, đau đầu. Nhiệt độ cơ thể có thể tăng từ 38-40 độ, mạch yếu, huyết áp hạ, thở gấp. Lúc này, cần chuyển bệnh nhân đến nơi mát mẻ, có bóng râm, nới lỏng, cởi bỏ bớt quần áo, dùng quạt để làm mát. Đặt người bệnh nằm ngửa, nâng cao chân và hông, để tăng máu tĩnh mạch về tim, cho uống bù nước, nước dừa, nước điện giải. Nếu thân nhiệt trên 39 độ C hoặc giảm tri giác hay hạ huyết áp kéo dài, cần đưa sơ cứu và đưa tới bệnh viện.
Đột quỵ do nhiệt với các biểu hiện: nhiệt độ cơ thể tăng nhanh đến hơn 40 độ C, dẫn tới choáng váng, nhầm lẫn, hôn mê. Da nóng, khô, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh và thở dốc. Hiện tượng này thường gặp ở người cao tuổi. Khi gặp tình huống này cần sơ cứu kịp thời, đưa người bệnh vào nơi thoáng mát, cởi bớt quần áo, bổ sung nước, làm mát bên ngoài và chuyển nhanh đến nơi cấp cứu.
Nắng nóng cực đoan có làm gia tăng bệnh ung thư hay không?
          Hiện nay, có nhiều bằng chứng chỉ ra mối liên quan giữa việc gia tăng nhiệt độ môi trường làm gia tăng nguy cơ hình thành và phát triển một số bệnh ung thư.
          Việc nóng lên toàn cầu làm tăng khả năng tiếp xúc giữa con người với hóa chất gây ung thư. Khi nhiệt độ nóng lên quá mức, gia tăng các cơn mưa lớn dẫn đến việc đưa các hóa chất vào trong nước. Sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng đến mùa vụ trồng trọt, ảnh hưởng đến việc bảo quản, gia tăng phát sinh các loại nấm mốc có hại, trong đó một số loại nấm mốc có khả năng tiết ra độc tố gây ung thư, điển hình là aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus, là một loại nấm mốc, đáng chú ý nhất là Aspergillus flavus vàAspergillus parasiticu, có khả năng gây ung thư gan.
Nhiệt độ toàn cầu gia tăng khiến cho tình trạng khô hạn trở nên tồi tệ, dẫn đến cháy rừng và ô nhiễm không khí, gây ra các bệnh về hô hấp trong đó có ung thư phổi.
Biến đổi khí hậu khiển cho tầng ozon bị bào mòn, khiến cho tính chất của các tia cực tím UVA, UVB khắc nghiệt hơn, khi tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ mắc ung thư da.
          Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng cực đoan gồm: Người khuyết tật hoặc người đang có bệnh; phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi; người làm việc ngoài trời, lao động chân tay nặng nhọc; vận động viên. Sau đây là một số khuyến cáo để hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng cực đoan:
- Luôn giữ nhà cửa thoáng mát, bằng cách trồng nhiều cây xanh, đóng bớt cửa khi trời quá nắng, sử dụng một số hệ thống làm mát như dàn tưới nước, điều hòa, quạt. Chú ý: nếu sử dụng điều hòa cần để nhiệt độ thích hợp, tránh chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ phòng điều hòa và nhiệt độ bên ngoài.  Thêm nữa, trong những ngày nắng nóng, từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời nắng gắt (hoặc ngược lại là từ ngoài nóng bước vào phòng điều hòa) cần có một khoảng thời gian giúp cơ thể thích nghi, không nên vội bước từ nhà ra ngoài ngay lập tức
- Thường xuyên uống nước, kể cả khi không cảm thấy khát, bên cạnh nước lọc nên uống bổ xung thêm các loại đồ uống có tính giải nhiệt, nước điện giải. Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn, có chất kích thích.
- Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu để tránh hấp thụ nhiệt, ưu tiên chọn chất liệu cotton.
- Hạn chế ra ngoài nắng hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời, đặc biệt vào khoảng thời gian nắng gắt từ 10 giờ - 15 giờ. Khi ra ngoài, nên có các phương tiện chống nắng như mũ vành rộng, áo dài tay, kính, kem chống nắng.
- Chú ý chế độ ăn uống nhiều rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế các món chiên, nướng nhiều dầu mỡ.
Đối với những gia đình có người già, trẻ nhỏ hoặc người đang mắc bệnh cần chú ý đặc biệt hơn, vì đó là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để có những biện pháp phòng tránh kịp thời.
Th.S Trịnh Vạn Ngữ
Viện nghiên cứu Y sinh SoonChunHyang Hàn Quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây