Khi đi khám sức khỏe định kỳ, bạn cần theo dõi chặt chẽ các chỉ số sau của cơ thể:
Huyết áp
Huyết áp cao dễ dẫn đến nguy cơ tim mạch, đột quỵ. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện bản thân bị huyết áp cao nếu như bạn không theo dõi bằng máy đo. Nếu khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ cảnh báo bạn có dấu hiệu cao huyết áp, hãy sắm một cái máy đo huyết áp cá nhân và theo dõi thường xuyên. Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để giữ huyết áp ở mức ổn định.
Cholesterol trong máu
Để biết mức cholesterol trong máu, bạn cần đi thử máu. Cholesterol toàn phần bao gồm cholesterol “tốt” và cholesterol “xấu”. Khi thử máu, nếu thấy mức cholesterol “xấu” cao, bạn cần kiểm soát bằng chế độ dinh dưỡng ít chất béo bão hòa, chuyển sang dùng dầu thực vật thay vì dùng mỡ động vật để chiên xào.
Hormon tuyến giáp
Bước vào tuổi trung niên, phụ nữ dễ bị các vấn đề về tuyến giáp. Nên kiểm tra hormon tuyến giáp hàng năm. Khi hormon tuyến giáp trồi sụt, phụ nữ thường gặp những vấn đề như mệt mỏi không rõ nguyên nhân, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, hoa mắt, khó chịu. Đó là khi bạn cần đi xét nghiệm để biết tình trạng sức khỏe của mình có đáng báo động hay không. Với những người có các nhân giáp bẩm sinh hoặc mới xuất hiện thì cần được soi chụp hàng năm.
Lượng đường trong máu
Bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến do chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh và thói quen ít vận động của một bộ phận cư dân thành thị. Để phát hiện ra bạn có bị bệnh tiểu đường hay không, người ta căn cứ vào xét nghiệm lượng đường trong máu.
Các chỉ số glycosylated hemoglobin (HbA1C) cho biết lượng đường trong máu có ổn định hay không. Nếu lượng đường trong máu càng cao, thì phần trăm hemoglobin glycated cũng càng cao. Mức độ ổn định nằm ở 5,7% trở xuống. Chỉ số này nếu ở mức 6,4 thì được gọi là tình trạng tiền tiểu đường. Đó là lúc bạn cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: giảm tinh bột và chất béo, tăng rau xanh và trái cây. Ngoài ra, bạn cần tăng cường vận động và đi xét nghiệm máu mỗi năm 1 lần để đảm bảo lượng đường trong máu ở mức ổn định, tránh phát triển thành bệnh tiểu đường.
Mật độ khoáng trong xương
Độ tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ, cần được làm phân tích xác định mật độ khoáng trong xương để biết hệ xương của bạn có khỏe mạnh hay không. Nhiều phụ nữ lơ là với sức khỏe xương nên không biết mình bị loãng xương âm thầm cho đến khi tình hình trở nên nghiêm trọng. Đo mật độ khoáng trong xương cần được thực hiện mỗi năm một lần với phụ nữ trên 65 tuổi.
Trên đây là những chỉ số bạn cần quan tâm xét nghiệm hàng năm khi bước vào tuổi trung niên ở người có sức khỏe bình thường. Với nhiều trường hợp, cần theo dõi sức khỏe của các bộ phận cơ thể khác như gan, thận, phổi... Ở nữ giới cần làm các xét nghiệm định kỳ hàng năm về sức khỏe của vú, cổ tử cung để tránh các căn bệnh ung thư diễn tiến âm thầm.
BS. LÊ TUẤN ANH