Luật trưng cầu ý dân năm 2015 có 8 chương, 52 điều, bao gồm một số nội dung cơ bản sau:
1. Ý nghĩa pháp lý của việc trưng cầu ý dân: Nhà nước trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân đều là những hình thức để người dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí của mình, nhưng so với hình thức lấy ý kiến nhân dân thì hình thức trưng cầu ý dân có sự khác nhau về nội dung, hình thức và đặc biệt là giá trị pháp lý của nó.
Về nội dung, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định; trong khi đó vấn đề đưa ra lấy ý kiến nhân dân có thể là những vấn đề ở phạm vi, mức độ khác nhau.
Về hình thức, việc trưng cầu ý dân phải được thực hiện bằng phiếu kín (với quy trình tương tự như việc bầu cử); trong khi đó việc lấy ý kiến nhân dân có thể linh hoạt sử dụng nhiều hình thức khác nhau.
Về giá trị pháp lý, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu, còn việc lấy ý kiến nhân dân là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham khảo, tiếp thu và đưa ra quyết định. Mặt khác, đối tượng của trưng cầu ý dân là cử tri, còn đối tượng của việc lấy ý kiến nhân dân có thể là mọi công dân, cơ quan, tổ chức.
2. Các vấn đề cần trưng cầu ý dân và người có quyền bỏ phiếu trưng cầu: Theo Điều 6 của Luật trưng cầu ý dân thì Quốc hội có quyền xem xét đưa ra trưng cầu ý dân những vấn đề sau đây: 1) Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; 2) Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; 3) Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; 4) Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân; trừ các trường hợp: Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang phải chấp hành án phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự (trường hợp đã có tên trong danh sách cử tri nhưng đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu thì bị kết án tử hình hoặc phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi cũng không được bỏ phiếu trưng cầu ý dân).
3. Phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân: Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước.
4. Giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân: Luật trưng cầu ý dân quy định “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân giám sát việc tổ chức trưng cầu ý sân theo quy định của pháp luật”.
5. Kết quả trưng cầu ý dân là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; do đó, để bảo đảm hiệu lực của việc trưng cầu ý dân do cử tri cả nước tham gia, Luật trưng cầu ý dân quy định: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành, đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này phải được ít nhất hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành”.
6. Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Điều 11 Luật trưng cầu ý dân quy định: “Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết dịnh đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trung cầu ý dân. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân”.
Ý kiến bạn đọc