Làm sao để phòng tránh bệnh mất trí nhớ khi về già?

Thứ tư - 27/01/2016 15:47 375 0
Truyền thuyết kể rằng ngày xưa thuở nước Nhật còn sơ khai, mỗi khi mùa màng thất bát dẫn đến đói kém, người ta lại áp dụng tập tục obasuteyama, nghĩa là mang người già yếu vào núi sâu hay nơi hẻo lánh và bỏ mặc họ ở đó.

Chẳng biết có bao nhiêu sự thật về truyền thuyết obasuteyama này. Nhưng Nhật Bản ở thế kỷ thứ 21 đang làm điều ngược lại. Họ đã tổ chức đội ngũ tình nguyện viên hiện nay lên đến 5,4 triệu người trên toàn quốc được huấn luyện hẳn hoi nhằm giúp đỡ người già neo đơn hoặc đi lạc. Một trong những điều làm nước Nhật nổi tiếng toàn thế giới là tỷ lệ người già của họ. Thống kê cho thấy vào tháng 9 năm 2014, có đến 33% dân số Nhật hơn 60 tuổi, gần 26% từ 65 tuổi trở lên và 12,5% trên 75 tuổi (để so sánh, chỉ 14,1% dân số Mỹ từ 65 tuổi trở lên - số liệu 2013). Nước Nhật đứng đầu về tỷ lệ này trong số các nước phát triển (cứ ba người Nhật thì có một trên 60 tuổi). Và bên cạnh các vấn đề sức khỏe khác, các bệnh lý liên quan đến mất trí nhớ đang ngày càng tăng trong cộng đồng người già ở Nhật cũng như các nước khác.

Từ 65 tuổi trở đi, nguy cơ rối loạn trí nhớ tăng gấp đôi sau mỗi năm. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 47,5 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng này, trong đó căn bệnh hàng đầu chiếm đến hơn 60% không gì khác hơn là Alzheimer (bệnh mất trí nhớ Alzheimer).

Rối loạn trí nhớ về già chữa được không?

Theo tổ chức về bệnh Alzheimer có địa chỉ trên mạng internet là alzheimer.org.uk, các triệu chứng rối loạn trí nhớ ở người già thường khá dễ nhận, như quên đột ngột, không nhớ nổi mình để ví hay một đồ dùng nào đó ở đâu, không nhớ đã dự định làm gì hoặc quên bén cách nấu những món thường ăn, quên hết các cuộc hẹn, dễ đi lạc. Có người đột ngột thay đổi tính nết hoặc không còn khả năng phân biệt bên phải hay bên trái.

Về mặt lý thuyết, việc bào chế biệt dược cho bệnh Alzheimer có vẻ không phải là chuyện khó. Trong khi các bệnh như tự kỷ, trầm cảm hay tâm thần phân liệt không lưu lại dấu tích gì ở não, các dấu hiệu nơi não của người bệnh mất trí nhớ lại cho thấy sự bất thường. Giải phẫu não bệnh nhân Alzheimer thường cho thấy các búi thần kinh bất thường. Nếu người ta biết cách ngăn chặn hoặc lấy đi các búi bất thường này, có thể đó là cách chữa trị.

Một số nước đã cho phép sản xuất một số dược phẩm kích thích sản xuất acetylcholine - chất được xem là trợ giúp trí nhớ, nhằm chữa Alzheimer. Tuy nhiên, ngoài việc làm giảm một ít triệu chứng, chất này chẳng làm thay đổi gì lớn. Trong thập kỷ qua, các công ty dược đã tiêu tốn hàng trăm triệu đô la bào chế thuốc đặc trị nhưng chỉ hoài công.

Thất bại này một phần là vì Alzheimer là một bệnh có tiến triển từ từ. Có triệu chứng xuất hiện hơn 10 năm trước khi bệnh trở nặng vì thế các thử nghiệm thuốc chữa phải kéo dài rất lâu. Cho đến nay, nguyên nhân chắc chắn được biết gây ra bệnh Alzheimer là một đoạn gen hiếm, nhưng gen này chỉ xuất hiện trong 5% trường hợp. Các trường hợp mặc bệnh còn lại là hậu quả của dinh dưỡng kém, thiếu vận động, tăng huyết áp hoặc có thể do các nguyên nhân chưa biết khác.

Do chưa thể tìm ra thuốc chữa trị hiệu quả, nên nhiều quốc gia đã tìm ra những hướng đi khác nhau để trợ giúp người mắc bệnh này. Theo yêu cầu của Chính phủ Anh, Ngân hàng J. P. Morgan đã lập quỹ mạo hiểm nghiên cứu bệnh rối loạn trí nhớ với số vốn 100 triệu đô la Mỹ. Phân nửa số vốn này đến từ Bộ Y tế Anh (22 triệu đô) và GlaxoSmithKline (25 triệu đô). Số còn lại là đóng góp của các hãng thuốc Johnson & Johnson, Eli Lilly, Pfizer và Biogen.

Làm gì để giảm thiểu tác hại của bệnh rối loạn trí nhớ?

Ở nước Anh, ngoài chuyện cấp tiền để tìm dược phẩm chữa bệnh, nước Anh còn bắt chước nước Nhật ở chỗ họ cũng huấn luyện người chăm sóc người già rối loạn trí nhớ. Cho đến nay đội ngũ ở Anh đã thu hút được 1 triệu tình nguyện viên được cho là có thể nhận biết triệu chứng và giúp đỡ các bệnh nhân cao niên.

Ở thành phố nhỏ Laguna Woods ở quận Cam, bang California, Mỹ lại có những cách làm khác. Ban đầu đây chỉ là cộng đồng những người nghỉ hưu gọi là Leisure World. Rồi họ lập ra thành phố riêng cho cộng đồng một phần nhằm chống lại một dự án xây phi trường gần đó do sợ phi trường sẽ gây tiếng ồn. Cư dân ở thành phố Laguna Woods có tuổi trung bình là 77, và họ tự hào có đài truyền hình cáp riêng với các chương trình quảng cáo hoàn toàn dành cho người cao tuổi.

Cách đây 10 năm nhà nghiên cứu Claudia Kawas thuộc Viện Đại học California ở thành phố Irvine bắt đầu nghiên cứu về cộng đồng người già ở Leisure World. Không ngờ, công trình này đã trở thành nghiên cứu dài hơi nhất cho đến nay về người già hơn 90 tuổi ở Mỹ. Những người tham gia công trình nghiên cứu này hiện sống ở 36 bang, họ trả lời các câu hỏi về mối quan hệ qua lại giữa lối sống, thuốc men, bệnh tật và bệnh rối loạn trí nhớ. Rất nhiều người cho phép sử dụng não của họ vì mục đích y học sau khi họ mất.

Nghiên cứu xuất phát từ bang California cũng bác bỏ nhiều giả định đã có về một số nguy cơ gây bệnh rối loạn trí nhớ. Ví dụ như trước đây người ta xem bệnh nhân trên 90 tuổi bị cao huyết áp thuộc nhóm nguy cơ cao mắc chứng rối loạn trí nhớ. Thực tế lại xảy ra ngược lại. Trong khi đó, các số liệu thống kê cho thấy người trên 90 tuổi bị ung thư lại có ít nguy cơ suy giảm trí nhớ. Trớ trêu thay, ai bị rối loạn trí nhớ thì lại ít mắc ung thư hơn.

Theo alzheimer.org.uk, nguyên nhân gây bệnh này vẫn còn là một điều bí ẩn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, họ nhất trí rằng lối sống hoạt động thể lực tích cực có thể giúp giảm nguy cơ rối loạn trí nhớ ở người già. Đã có dấu hiệu cho thấy vận động thể lực có lợi cho não do tăng cường lượng máu và ôxy đến não. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng tốt cũng có lợi cho trí nhớ thông qua con đường tuần hoàn vì lưu thông khí huyết tốt cũng có nghĩa là tốt cho não - chẳng hạn như chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải là ít thịt đỏ nhưng nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau cải, cá, các loại hạt và dầu ô liu.

Nhiều người cho rằng, bệnh Alzheimer là căn bệnh của thời đại công nghiệp, do nhiều yếu tố của cuộc sống hiện đại, tiện nghi gây ra, do áp lực cuộc sống…. Bệnh này rất phổ biến ở những người già ở các nước phát triển, và nhiều nước đang phát triển đã có bệnh nhân mắc bệnh này. Theo các nghiên cứu, số người mắc bệnh alzheimer ngày càng tăng, dự đoán tỉ lệ mắc bệnh này sẽ không ngừng tăng lên và vào năm 2050 tỉ lệ mắc bệnh là cứ 85 người thì lại có 1 người mắc bệnh alzheimer. Vì thế, việc tìm hiểu và phòng tránh căn bệnh quái ác này là điều hết sức cần thiết.

Lê Phương Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây