Kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô sinh khối

Thứ ba - 09/08/2022 23:44 416 0
Trồng ngô sinh khối sẽ đáp ứng được nhu cầu về nguồn thức ăn thô xanh đang thiếu hụt cho các trang trại chăn nuôi hiện nay. Ở nước ta, nhiều địa phương đã đưa ngô sinh khối vào canh tác, vừa thu lợi nhuận cao hơn so với trồng các loại ngô lấy bắp, vừa đảm bảo được nguồn lương thực dự trữ quanh năm cho đàn gia súc.
NSK
Nhãn

Để ngô sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao cần nắm chắc kiến thức về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô sinh khối.
1. Chọn giống
 Giống ngô dùng để sản xuất thức ăn tươi, thức ăn ủ chua cho gia súc phải đảm bảo 4 yếu tố: Khả năng chống đổ tốt; năng suất sinh khối cao; chống chịu bệnh tốt, lá xanh bền; bắp kết hạt tốt. Hiện nay có thể sử dụng một số giống như: NK7328, ĐH 17-5, LCH9,VN5885,…\
2. Thời vụ
Miền Bắc: Thích hợp gieo trồng ở các vụ Xuân, Thu, Đông, khi gieo cần xác định thời vụ để thời điểm trỗ cờ phun râu không trùng với thời tiết quá nóng (trên 350C) hoặc quá lạnh (dưới 15C).
3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô sinh khối
3.1. Làm đất và gieo trồng:
Làm đất sạch cỏ dại, cày rạch hàng, cỏ thể lên luống hoặc không tùy điều kiện đất và thời vụ; ở vụ Đông sau 2 vụ lúa nên làm đất tối thiểu, áp dụng cơ giới trong khâu làm đất để tiết kiệm công lao động.
Gieo hạt: Thời điểm gieo hạt phù hợp là khi độ ẩm đất đạt 70 - 75%, nhiệt độ 25 - 300C. Đất vụ Đông nên gieo hạt đã ủ nảy mầm hoặc làm bầu để đảm bảo mật độ và tiết kiệm công lao động. Có thể áp dụng cơ giới hoá bằng máy gieo với chức năng rạch hàng, rải phân, gieo và lấp hạt hoặc máy gieo hạt đẩy tay.
3.2. Lượng giống và mật độ gieo trồng
- Giống: 27 – 30 kg/ha
- Mật độ: 7,7 – 8,3 vạn cây/ha
- Khoảng cách gieo: hàng x hàng: 60 – 65cm; cây x cây: 20 cm.
3.3. Phân bón
- Phân hữu cơ: 8 – 10 tấn/ha phân chuồng (tùy điều kiện) hoặc 2500 kg hữu cơ vi sinh. Bón lót toàn bộ trước khi gieo hạt.
- Phân vô cơ cho 1 ha:
Lượng bón phân đơn: Đạm ure: 340 - 350 kgSupe lân: 600 - 650 kg, Kali chlorua: 165 - 170 kg/ha
+ Bón lót: Toàn bộ phân Supe lân.
+ Bón thúc 1: Khi ngô 3 - 4 lá, bón 1/3 lượng đạm và 1/2 lượng kali;
+ Bón thúc 2: Khi ngô 7 - 9 lá, bón lượng phân còn lại.
Cách bón phân bón tổng hợp NPK
+ Bón lót: Nên sử dụng các công thức phân bón có hàm lượng Kali thấp, Đạm và Lân cao hơn. Có thể dùng NPK 10:7:3 hoặc 5:10:3 với lượng 270 – 300 kg/ha; hoặc NPK.S: 8.8.4 + 8S với lượng 600 - 650 kg/ha.
+ Bón thúc: Nên bón các loại phân có hàm lượng N và K cao hơn. Có thể dùng NPK 13:3:10 hoặc 12:5:10 với lượng 800 – 900 kg/ha; chia làm 3 lần bón: Khi ngô có 3 - 4 lá bón 200 – 250 kg; ngô 7 - 9 lá bón 350 – 400 kg; ngô bắt đầu xoáy nõn bón 250 kg. Có thể kết hợp lần bón thứ 2 và thứ 3 với nhau trong điều kiện khó khăn (mưa, đất ướt,..) khi 3 – 4 lá và 9 – 10 lá.
Lưu ýLấp kín phân sau khi bón. Tùy điều kiện đất đai, thời vụ và vùng có thể sử dụng mức và loại phân bón khác để đạt hiệu quả cao nhất. Tuyệt đối không bón phân sát gần gốc làm cho cây bị xót phân, héo lá, thậm chí mắc bệnh huyết dụ giai đoạn cây con. Khi bón phân đất phải đủ ẩm, rải phân xa gốc, nên rải giữa 2 hàng hoặc giữa 2 cây. Khi cây ngô được 7 – 8 lá lấy đất ở rãnh để vun, không được xới xáo sâu mặt luống làm đứt rễ ngô, chột cây, giảm năng suất.
4. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
- Chăm sóc sớm để tạo lực cho cây; tưới nước đảm bảo đủ ẩm ở các giai đoạn cây con (3 - 5 lá), xoáy nõn (10 - 12 lá), đặc biệt là trước và sau trỗ cờ phun râu 2 tuần; tránh ngập úng kéo dài quá 48h; đặc biệt là giai đoạn cây con trước khi cây được 6 lá.
Lưu ý: Nếu thấy hiện tượng cây bị huyết dụ do gặp mưa úng, hạn đầu vụ thì ngâm lân super hòa loãng với nước để tưới, cứ 3 – 4 ngày tưới 1 lần.
- Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh sớm, đặc biệt là sâu đục thân, bệnh khô vằn và đốm lá; khi sâu bệnh gây hại vượt ngưỡng cần sử dụng các biện pháp hóa học.
Trừ sâu xám: Xử lý hạt giống bằng Cruiser Plus 312.5 FS,… trước khi gieo.
Trừ sâu keo mùa thu: Phun Proclaim 1.9EC, Match 050EC… phun khi xuất hiện các vết xơ trắng đầu tiên hoặc khi tỷ lệ nhiễm trên ruộng đạt 5%.
Trừ sâu đục thân dùng thuốc Virtako 40WG,… rầy rệp phun Actara 25WG,…; phun khi bướm rộ hoặc rầy rệp mới xuất hiện.
Bệnh khô vằn, đốm lá lớn, rỉ sắt: Phun Amistar Top 325SC, Tilt Super 300EC…
5. Thu hoạch: Thời điểm lý tưởng cắt cây ngô xanh để ủ chua là khi 50% số bắp trên cây ở giai đoạn chín sáp tương đương với giai đoạn 30 - 35 ngày sau khi ngô trỗ cờ. Thu hoạch toàn bộ thân cây bao gồm cả bắp, cắt thành các đoạn từ 3 – 5 cm để tiến hành ủ chua.
6. Hướng dẫn ủ chua cây ngô
Tỷ lệ nguyên liệu phối trộn để ủ chua cây ngô tươi:
Có thể thay thế rỉ mật (hoặc urê) bằng một số loại men vi sinh sau:
- Vi khuẩn lên men hỗn hợp (Homo Fermentative Lactic Acid Bacteria): Liều dùng 0,25 kg dạng hạt hoặc 1 lít dạng lỏng/tấn ngô nguyên liệu.
- BIO-PT1, NN1 (men vi sinh hoạt tính): 1 kg chế phẩm BIO-PT1 (hoặc NN1), 6 kg cám gạo (bột ngô nghiền), 1,5 kg muối ăn sử dụng cho 600 – 1.000 kg nguyên liệu ngô sinh khối.
- Có thể sử dụng một số loại men vi sinh khác theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Các bước ủ chua cây ngô như sau:
Bước 1:  Sau khi thu hoạch, cắt nhỏ cây 3 - 5 cm, phơi tái dưới nắng khoảng nửa ngày để làm mất nước và héo. Đảm bảo độ ẩm khoảng 65%.
Bước 2: Cho nguyên liệu vào hố ủ (hoặc túi ủ) và nén chặt. Nếu sử dụng hố ủ, cần rải một lớp rơm hoặc cỏ khô xuống đáy hố, sau đó chất từng lớp thức ăn có độ dầy từ 40 - 60 cm. Sau mỗi lớp thức ăn cần nén chặt và đều. Hố ủ nên làm nơi khô ráo, thoát nước, nếu sử dụng quy mô lớn và lâu dài thì nên xây hố bằng gạch, xi-măng.
Bước 3: Cho thêm rỉ mật (urê, men vi sinh): Dùng một ô-doa có dung tích 10 lít, lấy 5 lít rỉ mật (hoặc urê) hòa vào 5 lít nước sạch, tưới đều cho mỗi lớp ngô đã chất vào trong hố ủ trước khi nén. Cần định liệu rỉ mật đều cho tất cả các lớp thức ăn trong hố ủ theo tỷ lệ nêu trong bảng trên (hoặc rải 1 lớp men trộn với bột ngô lên trên mỗi lớp cây ngô xanh).
Bước 4: Đóng hố ủ: Kỹ thuật đóng hố ủ cũng thay đổi tùy theo từng loại hố. Trường hợp hố ủ lớn, có hai vách ngăn song song, sau khi đã nén kỹ lớp thức ăn trên cùng, phủ một lớp rơm (độ dày 5 cm) lên đỉnh hố, sau đó đổ một lớp đất dày (30 cm) lên trên và bao phủ toàn bộ bề mặt hố ủ. Cần che hố ủ bằng bạt, bằng tôn hoặc tấm lợp. Sau từ 6 - 7 tuần ủ, thức ăn có thể sử dụng./.
KS. Trần Diệu Linh
 Từ khóa: NGÔ SINH KHỐI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây