Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương
Hướng dẫn làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm
Thứ năm - 04/11/2021 15:243750
Đệm lót sinh học là nền đệm được lót ở dưới khi nuôi nhốt gia cầm, gia súc. Lớp đệm lót này được làm từ 3 thành phần là chất độn chuồng, chế phẩm sinh học và bột ngũ cốc. Đệm lót sinh học trong chăn nuôi được nhiều người tin dùng là vì chúng được cấy men vi sinh làm từ mùn cưa, trấu, rơm rạ nên giữ được độ sạch của chuồng.
Những ưu điểm của đệm lót sinh học bao gồm: Giảm mùi hôi thối của ruồi, muỗi...; Giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm; Nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, giảm các bệnh hô hấp, thối móng...; Hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất.
- Tận dụng phân, nước tiểu làm phân bón hữu cơ để trồng trọt; Tăng năng suất, chất lượng; Dễ triển khai, nhân rộng. Phù hợp điều kiện chăn nuôi hiện nay tại Việt Nam. Để làm đệm lót sinh học cần chuẩn bị những nguyên, vật liệu, môi trường sau: - Khu vực làm đệm lót: nền chuồng đảm bảo thấm nước hoặc thoát nước tốt. - Mùn cưa độ ẩm 20 - 60%. - Chế phẩm sinh học, ví dụ AT-YTB dạng bột. - Sát khuẩn QXT5+. - Bình phun (điện, hoặc áp lực) hoặc cây phun tay, đầu béc phun sương nếu có. - Dụng cụ: chậu, xô nhựa, thùng, phuy nhựa... - Máy đảo trộn mùn cưa, đệm lót hoặc đảo trộn thủ công (xẻng, bồ cào...)
Các bước tiến hành: 1. Lưu ý về nguyên liệu: - Mùn cưa: Mùn cưa có độ ẩm 20 - 60%, cần phải sát khuẩn để phòng tránh nguy cơ vi khuẩn gây bệnh phát sinh khi sử dụng làm đệm lót. 1 tấn mùn cưa tính tương đương 4m3, có thể trải làm đệm lót cho diện tích 100m2 chiều cao 40cm. - Chế phẩm sinh học AT-YTB: Chế phẩm sinh học AT-YTB sau khi tăng sinh khối gọi là chế phẩm F2, sử dụng được trong khoảng 15 ngày, do đó nên tăng sinh khối vừa đủ cho 1 lần dùng là tốt nhất. 1 kg chế phẩm AT-YTB gốc tăng sinh khối được khoảng 30 lít F2. 1 lít F2 hòa thêm với nước (căn chỉnh cho phù hợp với thiết bị phun) có thể phun cho thể tích khoảng 3 m3 (diện tích 30m2 & đệm lót dày 10cm). Có thể tính tương đương 1 kg chế phẩm AT-YTB gốc dùng cho thể tích đệm lót là 90 m3. Nếu sử dụng chế phẩm sinh học khác loại, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Không được sử dụng Chế phẩm F2 cùng với sát khuẩn (hoặc hóa chất), phải cách nhau ít nhất 24h - 48h. - Sát khuẩn QXT5+: + Khi hòa vào nước, cần khuấy ít nhất trong 5 phút để tan đều hoàn toàn. + Cần phun vào lúc có ánh sáng (ánh nắng mặt trời là tốt nhất, hoặc đèn điện), phun tia càng nhỏ càng tốt (nên dùng đầu béc phun sương là tốt nhất). 2. Quy trình lần đầu:
STT
Công việc
Liều dùng
Ghi chú
Ngày thứ 1
Tăng sinh khối chế phẩm bột
Phụ lục 1
Phun sát khuẩn chuồng (nền, tường..)
1 kg QXT5+ / 300m2
Phụ lục 2
Sát khuẩn mùn cưa
1 kg QXT5+ / 3 m3
Ngày thứ 3 (sau 48h)
Rải mùn cưa vào chuồng, cứ dày khoảng 20cm (gọi là 1 lớp) thì phun chế phẩm F2 một lượt.
1 lít F2 / 3 m3
Phụ lục 3
Đảo trộn đều đệm lót
Thả vật nuôi
3. Quy trình duy trì: Cứ sau khoảng 15 - 20 ngày lặp lại phần công việc sau: - Tăng sinh khối chế phẩm AT-YTB. - Tập kết khoảng 10cm mùn cưa để bổ sung vào đệm lót, mùn cưa cần sát khuẩn bằng QXT5+ trước thời điểm cho vào chuồng nuôi khoảng 2 ngày, liều lượng sát khuẩn: 1 kg QXT5+ / 3 m3 mùn cưa. - Chế phẩm AT-YTB đã tăng sinh khối xong, cũng là lúc mùn cưa đã được sát khuẩn 2 ngày. Tiến hành bổ sung mùn cưa vào đệm lót, kết hợp phun chế phẩm F2 liều lượng 1 lít F2 / 3m3 mùn cưa. - Đảo trộn để làm mới đệm lót.
Những lưu ý khác: - Thường xuyên kiểm tra chất lượng của đệm lót. Nếu như đệm bị sụp, có dấu hiệu mốc, bốc mùi thì phải nhanh chóng thay đổi. - Lắp đặt một hệ thống phun sương để cân bằng độ ẩm trại nuôi. - Có thể thay mùn cưa bằng trấu và rơm khô trên bề mặt để giảm bụi, hạn chế bệnh về hô hấp và bảo vệ môi trường. - Tuổi thọ của đệm có thể kéo dài đến 1 năm. Tuy nhiên, thời gian hoàn hảo để bảo dưỡng, thay đổi đệm là từ 6 – 10 tháng. - Không được để chuồng bị úng nước mưa hoặc ngập nước vì đây là nguyên nhân làm thay đổi kết cấu của đệm sinh học.