Hiểu về dòng chảy xa bờ để tránh nguy hiểm khi đi biển

Thứ ba - 09/05/2023 16:47 163 0
Dòng chảy rút xa bờ có tên gọi quốc tế là Rip current hay RIP, có nơi gọi là dòng nước lừa, dòng rút hay dòng đứt ngang, hiểu đơn giản là khi sóng biển dồn dập xô vào bờ, số nước biển đó sẽ tạo thành một dòng nước chảy mạnh ngược ra biển với vận tốc trung bình của dòng chảy thay đổi từ 0,5m-1m/giây, thậm chí có lúc lên đến 2,5m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ.. Dòng chảy rút xa bờ có thể gây ra những tai nạn nguy hiểm cho người dân khi đi tắm biển hoặc làm việc sát bờ biển.
Dòng chảy rút xa bờ thường không cố định, trong một ngày chúng có thể di chuyển ở nhiều vị trí khu vực khác nhau, thường xuất hiện khi biển động, sóng lớn, sóng lừng truyền vào từ các cơn bão ngoài khơi.  Có 3 loại dòng chảy xa bờ: Dòng ngược tức thì (Flash Rip Current): dòng chảy hình thành, biến mất nhanh chóng do sự giảm của mực nước biển và độ cao của sóng tăng đột ngột; Dòng ngược cố định (Fixed Rip Current): hình thành do nước biển bị chắn bởi 2 đường cát, có thể tồn tại trong khoảng thời gian từ vài ngày đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng; - Dòng ngược vĩnh cửu (Permanent Rip Current) hình thành do địa hình vùng biển. Ở vùng biển có nhiều san hô, dòng chảy này có thể tồn tại vĩnh viễn.
Một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển là dòng chảy rút xa bờ. Nó là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển. Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic (vận động viên huy chương vàng bơi lội cự ly ngắn cũng chỉ đạt tốc độ 1,5m/giây)! Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1-3 m. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét. Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Vào những ngày sóng không lớn, trái lại, người ta thường chết đuối nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ.
Dòng chảy xa bờ có thể cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác. Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối. Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho người ta hiểu lầm đó là nơi an toàn. Người ta sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi người tắm biển bơi vào dòng chảy xa bờ đó, ngay lập tức họ sẽ có thể bị cuốn trôi ra biển.
Hình 1
Hình 1: Hình ảnh về dòng chảy xa bờ
Trong hình 1 trên đây, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu (breaking waves) thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng là vùng nước an toàn, còn vùng lặng sóng chính là vùng nguy hiểm cần hết sức lưu ý.
Những dấu hiệu nhận biết dòng chảy rút xa bờ, bao gồm:
- Vùng nước xáo trộn lăn tăn.
- Vùng nước có màu khác biệt với xung quanh.
- Một dải bọt sóng, rong biển, tảo biển hay rác di chuyển một cách ổn định, êm đềm ra xa bờ.
- Vùng sóng vỡ không có tính liên tục.
Khi thấy những dấu hiệu trên, người đi biển cần hết sức thận trọng quan sát và tuân thủ những quy tắc: Không đi bơi một mình, ở nơi vắng người, chỉ nên bơi ở những nơi có lực lượng cứu hộ, kể cả đối với người đã biết bơi, chỉ bơi bên trong đới sóng đổ. Người đi biển cũng cần trang bị cho mình kiến thức về biển chỉ báo hoặc cờ, hoặc các dấu hiệu khác được đặt trên bãi biển.
Các ứng phó khi bị cuốn vào dòng xảy rút xa bờ như sau:
- Trước hết phải bình tĩnh và tỉnh táo để giữ sức, tuyệt đối không được bơi ngược dòng rip để vào bờ, vì vận tốc của dòng rip rất lớn như đã giải thích ở trên; hãy bơi song song với bờ cho đến khi ra khỏi vùng có dòng chảy rút xa bờ thì mới bới ngược vào bờ. Dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước, chỉ kéo người bơi ra xa bờ và thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu (breaking waves) và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ, vì thế nếu không có khả năng bơi song song với bờ thì hãy thả nổi người để ra khỏi dòng rip, luôn cố gắng dùng tay ra dấu hiệu cầu cứu khi có thể.
Hình 2
Hình 2. Mô phỏng cách bơi thoát khỏi dòng chảy rút xa bờ.
- Nếu nhìn thấy người bị cuốn vào dảy chảy rút xa bờ, hãy nhanh chóng ném phao hoặc bất kỳ vật dụng gì giúp họ bám vào và nổi lên, sau đó ngay lập tức gọi nhân viên cứu hộ hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nhìn chung, các bãi tắm của Việt Nam ít chịu tác động của dòng chảy rút xa bờ nhưng không thể chủ quan, vì nó có thể xuất hiện bất ngờ. Trước khi tắm biển, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm và độ an toàn của bãi biển, để nhận dạng dòng chảy xa bờ và không nên bơi gần những vùng đó, luôn nhớ là vùng bờ biển lặng sóng không có nghĩa là nơi đó an toàn. Khi chẳng may rơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta cần bình tĩnh, tìm cách thoát ra khỏi dòng chảy đó bằng cách bơi song song với bờ biển, bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa chúng ta vào bờ. Tuyệt đối không nên bơi ngược dòng chảy xa bờ.
Văn Tâm
 Từ khóa: DÒNG CHẢY XA BỜ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây