Giảm thiểu rác thải nhựa từ hành vi của mỗi người

Thứ năm - 06/09/2018 10:48 2.847 3
Chủ đề của ngày Môi trường thế giới năm 2018 là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Rác thải nhựa không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà đang là vấn đề nóng hổi toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều sinh vật trên hành tinh Trái Đất, trong đó có con người.
Theo báo cáo của Ocean Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới. Trong số rác đó chủ yếu là chai nước, túi nilon, ống hút. Nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa nhìn chung còn hạn chế, vì thế chưa có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon.
Rác thải nhựa gồm những gì? Khó phân hủy ra sao? Tác hại thế nào?
Khi nhắc đến rác thải nhựa, chúng ta thường nghĩ đến túi nilon, ống hút, chai nước các loại. Nhưng không dừng lại ở đó, nhựa bao trùm toàn bộ đời sống của con người. Từ các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt thường ngày trong gia đình, đến văn phòng phẩm tại nơi làm việc, các bao bì, các thiết bị ngành y tế, nhãn mác sản phẩm tại cửa hàng, siêu thị, thiết bị giải trí, nghe nhìn như băng đài, đầu đĩa, tivi, quần áo mặc hàng ngày được dệt từ sợi nhựa tổng hợp,… Nhựa còn tồn tại ở dạng siêu nhỏ, mà người ta hay gọi là hạt vi nhựa, có mặt trong sản phẩm kem đánh răng, sữa rửa mặt, dầu gội đầu… Dù tồn tại dưới dạng nào, là những hạt nhựa siêu nhỏ, hay gom thành từng khối, thì chất thải nhựa có tác hại khôn lường đến môi trường tự nhiên. Có thể nói, con người đang sống trong “kỷ nguyên nhựa”, nhựa có mặt ở khắp nơi.
5

Rác thải nhựa ở vịnh Manila, Philippines
Sau khi sử dụng, hoặc do hư hỏng, chúng ta thường vứt bỏ rác thải nhựa mà không hề suy nghĩ rằng số rác thải nhựa này sẽ đi đâu? Rác thải nhựa sẽ không mất đi đâu, mà mỗi ngày một dày lên, bao phủ khắp hành tinh này. Thời gian để rác thải nhựa có thể phân hủy không diễn ra trong một vài ngày hay một vài tháng, mà mất tới hàng trăm năm để phân hủy, tương đương 3-4 đời người. Nhựa không có khả năng phân hủy sinh học, chúng chỉ bị phân hủy bởi ánh sáng mặt trời qua hàng thế kỷ hoặc phân rã thành các mảnh nhỏ. Theo thống kê của 25 tổ chức có liên quan đến môi trường, công ty Alan’s Factory Oulet đã xây dựng một đồ họa thông tin (infographic) nêu ra tỷ lệ phân hủy ước tính của các loại nhựa(1). Cụ thể: Các loại chai nhựa mất từ 450 – 1000 năm; Nắp chai, hộp đựng sữa chua, ống hút mất từ 100-500 năm; Các loại túi nhựa, bao gồm cả túi nilon mất từ 500-1000 năm; Bàn chải đánh răng trên 500 năm; Ly, hộp cơm bằng xốp mất từ 50-500 năm; Quần áo bằng các loại sợi nhựa tổng hợp như sợi polyester, rayon, spandex mất khoảng 20-200 năm; Tã lót và băng vệ sinh mất 250-500 năm; Dây cước câu cá mất 600 năm; Đầu lọc thuốc lá mất từ 10-15 năm;... Nhiều độc giả khó tin vào những con số được đưa ra trên đây. Nhưng đó là thực tế đang xảy ra với rác thải nhựa.
Theo ý kiến của Giáo sư Jan Zalasiewicz, thuộc ĐH Leicester (Anh) thì vào năm 1950, hầu như nhựa chưa xuất hiện trên thế giới. Hằng năm, tổng số 300 triệu tấn nhựa được sản xuất. Càng ngày số lượng càng gia tăng, hậu quả sẽ là rất lớn. Chất thải nhựa trong quá trình phân hủy sẽ tạo ra những hợp chất hóa học làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn thức ăn, nước uống của con người. Những chất hóa học này tích lũy dần trong cơ thể, về lâu dài sẽ gây bệnh tật cho con người. Nhiều người thường có thói quen đốt các loại xốp, túi nilon vì nghĩ rằng như thế sẽ không có hại, nhưng thực ra khi đốt rác thải nhựa sẽ tạo ra khí thải gây ô nhiễm không khí. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng trong năm 2012, ô nhiễm không khí dẫn đến khoảng 7 triệu ca tử vong sớm (một trong tám trường hợp tử vong toàn cầu), gấp đôi so với ước tính trước đó. Quá trình đốt rác thải nhựa tạo ra hiệu ứng nhà kính, góp phần gia tăng biến đổi khí hậu toàn cầu, khiến cho thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn.
Phần lớn rác thải nhựa theo các dòng nước đổ vào các đại dương. Theo một số nghiên cứu, rác thải nhựa đã giết chết 1,5 triệu động vật mỗi năm do chúng ăn phải rác này. Khi các động vật bị tổn thất cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các sinh vật khác trong chuỗi thức ăn, trong đó có con người. Rác thải nhựa cũng là tác nhân gây tắc nghẽn đường ống thoát nước, nhất là trong mùa mưa lũ.
 Với hạt vi nhựa thì sao? Có thể nhiều người sẽ nghĩ hạt vi nhựa “siêu nhỏ” như vậy thì sẽ dễ phân hủy, hoàn toàn vô hại. Nhưng sự thật những hạt vi nhựa còn đáng sợ hơn nhiều lần vì chúng hoàn toàn không thể tái chế, dễ dàng đi vào cơ thể động vật hơn, rất khó để phát hiện, khi đi vào cơ thể người chúng sẽ nằm lại trong đó nếu vì một lý do nào đó không được đào thải qua đường tiêu hóa. Hạt vi nhựa có mặt hầu hết trong các mặt hàng mỹ phẩm, được quảng cáo là giúp phát huy tác dụng làm trắng, làm sạch. Hạt vi nhựa cũng là kết quả của quá trình phân hủy rác thải nhựa. Những hạt vi nhựa này sẽ theo đường ống thải sinh hoạt gia đình, chảy ra các sông ngòi, đổ ra biển. Ngày nay, người ta tìm thấy hạt vi nhựa trong động vật thủy sinh như tôm, cá, trai, cua… Đến cả muối ăn, một thực phẩm không thể thiếu của bất kì gia đình nào cũng có chứa hạt vi nhựa. Một nghiên cứu được công bố trong Scientific Reports đã thực hiện khảo sát 16 nhãn hiệu muối biển ở 8 nước khác nhau đã chỉ ra rằng những hạt vi nhựa hiện diện trong tất cả không trừ một loại muối nào. Những mẫu muối được kiểm tra chứa khoảng 1200 hạt nhựa trên 1 cân Anh ( tương đương 0,45 kg). Hầu hết chúng phân rã từ những sản phẩm nhựa cũ, sợi thành mảnh có kích thước nhỏ và trôi nổi trong đại dương, và điều đó lý giải tại sao muối biển lại chứa nhựa.
Năm 2017, Trường Đại học Hoàng gia Anh đã công bố một báo cáo chứng minh rằng bầu không khí con người đang hít thở hàng ngày cũng chứa hạt vi nhựa. Đáng báo động hơn, hơn 90% sản phẩm nước uống đóng chai có chứa hạt nhựa siêu nhỏ. Con số này được lấy từ nghiên cứu của trường Đại học New York. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 259 chai nước của 11 hãng, từ 19 địa điểm tại 9 quốc gia, cho thấy trung bình một lít nước đóng chai có chứa 10 hạt nhựa siêu nhỏ (kích cỡ khoảng 0,1 mm). Loại hạt nhựa phổ biến nhất được tìm thấy trong các chai nước là polypropylene - loại nhựa được dùng để làm nắp chai. Các chai nước này được lấy từ Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Lebanon, Kenya và Thái Lan của các thương hiệu của các thương hiệu lớn phổ biến ở Việt Nam như Aqua, Aquafina, Bisleri, Dasani, Nestlé Pure Life ,… Đây là nước của các tập đoàn lớn, vậy đối với những loại nước uống của các hãng nhỏ lẻ trong nước sẽ thế nào?
Giải pháp nào cho rác thải nhựa?
Trước những tác hại mà rác thải nhựa gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành những đạo luật cấm hoặc hạn chế sử dụng túi nilon, hoặc những đồ dùng một lần có chứa nhựa.
Từ năm 2002, ở Ireland đã áp dụng biện pháp hạn chế túi nilon, mỗi túi nilon được sử dụng phải chịu mức phí 15 euro-cent, khiến cho lượng túi nilon giảm khoảng 90% sau đó. Năm 2003, chính phủ Nam Phi cấm dùng túi nilon siêu mỏng. Nếu những nhà bán lẻ phát dùng loại túi này gói sản phẩm cho khách hàng có thể bị phạt 100.000 rand (khoảng 13,8 đô la Mỹ) hoặc 10 năm tù giam, vì thế khách hàng phải tự mang túi khi đi mua hàng. Năm 2016, chính quyền Pháp quyết liệt hơn, đưa ra lệnh cấm toàn bộ vật dụng dùng một lần được sản xuất từ nhựa như cốc, dao, đĩa, dĩa. Đầu tháng 1 năm 2018, Anh cấm toàn bộ việc sản xuất các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa. Ngày 23/6/2018, toàn bộ các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần đều bị cấm ở Ấn Độ, nếu ai sử dụng sẽ bị phạt 74 đô la Mỹ cho lần đầu tiên, lần thứ hai mức phạt tăng gấp đôi, lần thứ mức phạt là 370 đô la Mỹ và 3 tháng tù… Rất nhiều quốc gia khác đã hoặc đang xây dựng lệnh cấm đối với việc sử dụng túi nilon, hoặc các sản phẩm liên quan đến nhựa. Điều đó cho thấy rác thải nhựa thực sự là mối đe dọa với con người và toàn bộ sự sống trên Trái Đất.
Ở Việt Nam nói chung, và tỉnh Hải Dương nói riêng, đến thời điểm này chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cấm sử dụng túi nilon, đồ nhựa, tất cả mới dừng ở việc tuyên truyền. Điều đáng chú ý, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 582/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, một trong các nhiệm vụ của đề án là “Ban hành quy định cấm sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy có chiều dày một lớp màng nhỏ hơn 30mm tạo điều kiện thuận lợi cho thu gom, tái chế”. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm giảm thiểu rác thải túi nilon trong thời gian vừa qua chưa thực sự hiệu quả.
Cũng như tất cả các nước trên thế giới, đời sống của người Việt Nam trước kia không có bóng dáng bất kỳ vật dụng nào bằng nhựa. Múc nước có gáo dừa, chải quần áo có bàn chải bằng rễ tre, rửa bát có xơ mướp, cọ nồi niêu xoong chảo bằng vỏ trấu. Mua chuối, mua bưởi xiên dây lạt xách về, mua xôi gói lá xen, lá mướp... Thế nhưng cuộc sống hiện đại ngày nay, đồ nhựa có mặt trong mọi gia đình. Không thể phủ nhận, đồ nhựa rất tiện lợi, giá rẻ nhưng với từng ấy hệ lụy đang hiện hữu hàng ngày thì chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc mỗi khi dùng một chiếc túi nilon, vứt đi một chiếc ống hút hay sử dụng bất cứ cái gì có nguồn gốc từ nhựa.
Trong khi chờ chính sách cụ thể ở tầm vĩ mô về việc quản lý rác thải nhựa, thiết nghĩ mỗi người dân nên có các giải pháp cá nhân nhằm hạn chế rác thải nhựa, trước hết là bảo vệ đời sống chính bản thân và gia đình mình, bảo vệ môi trường sống xung quanh, góp phần nâng cao ý thức xã hội. Các giải pháp đó nên ưu tiên theo thứ tự: Thay thế - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế.
          Thay thế như thế nào? Thay vì mua đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa, chúng ta thay thế bằng chất liệu khác như inox, thủy tinh. Tuy giá thành mua ban đầu đắt hơn nhưng sử dụng an toàn, mua với số lượng ít hơn. Thay vì sử dụng túi nilon đi chợ, nên quay về với truyền thống dùng làn đi chợ. Với những thực phẩm không thể cho vào làn như tôm, cua, cá, đậu, thịt thì mang theo hộp đựng. Mua đồ uống mang theo bình, cốc. Có thể tận dụng quần áo cũ may thành những chiếc túi với kích cỡ khác nhau để mang theo bên mình, rất tiện lợi khi mua hàng. Sau khi dùng nếu cần thiết giặt sạch, phơi khô dùng cho nhiều lần sau. Hiện nay, trên thị trường có một số loại túi nilon phân hủy sinh học, làm bằng chất liệu an toàn, giá thành phải chăng. Đối với trẻ em, thay vì sử dụng tã bỉm thông thường, có thể sử dụng bỉm vải, tã vải. Thay vì mua quần áo, vải vóc từ vải dệt từ sợi nhựa tổng hợp, ưu tiên vải từ chất liệu tự nhiên như vải bông (cotton), vải lanh, tơ tằm… Để thay thế đồ nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, chúng luôn đặt câu hỏi: thứ này có thể thay bằng chất liệu khác an toàn, tốt hơn cho sức khỏe và môi trường hay không?
6
Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường
         Tiết giảm như thế nào cho hiệu quả? Cái gì thực sự không cần thiết thì không nên mua, vừa kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường. Tiêu dùng càng nhiều càng gây hại môi trường. Thay vì mua sắm nhiều thì nên mua ít đi, quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng.
         Tái sử dụng như thế nào hợp lý? Như trên đã nêu, quần áo cũ không mặc nữa thay vì vứt đi chúng ta có thể tận dụng vào việc may túi vải, với những chất liệu vải tốt giặt sạch may thành khăn lau chén bát, lau bàn ghế. Túi nilon sau mỗi lần đi chợ có thể giặt sạch phơi khô dùng cho lần sau. Chai, lọ, hộp nhựa tận dụng vào việc khác. Nói chung, trước khi có ý định vứt bất kì một vật dụng đã qua sử dụng nào đi, nên suy nghĩ xem chúng có thể dùng vào việc khác được không?
         Tái chế thì sao? Nhiều người tiêu dùng có suy nghĩ rằng cứ dùng thoải mái nilon, đồ nhựa, vì sau khi hỏng đem bán đồng nát, lại được tái chế thì lo gì ô nhiễm môi trường. Mặc dù hoạt động kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích. Tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất… Tái chế đòi hỏi công nghệ cao, khả năng phân loại rác thải nhựa tốt, cách thức quản lý cơ sở tái chế tốt. Nhưng thực tế ở nước ta, ngành tái chế nhựa đối mặt với nhiều khó khăn như công nghệ tái chế lạc hậu, khả năng phân loại rác kém, khả năng quản lý kém dẫn đến việc nhiều cơ sở tái chế không đạt tiêu chuẩn, trong quá trình tái chế thải ra các chất độc gây hại môi trường, nhựa tái chế không đạt yêu cầu gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
         Như vậy, để giảm thiểu rác thải nhựa thì trước hết, mỗi người dân hãy thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày bằng những hành động thiết thực với phương châm: Thay thế - Tiết giảm-Tái sử dụng.
Hà Dương
Chú thích:
(1) Nguồn: https://www.visualistan.com

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây