Có hai loại hà thủ ô, một là hà thủ ô trắng và một là hà thủ ô đỏ. Hà thủ ô trắng, là loại có mọc nhiều ở trong nước (ở các tỉnh miền Trung và miền Đông Nam Bộ). Còn loại hà thủ ô có nhiều trên thị trường là hà thủ ô đỏ, trong nước cũng có nhưng ít (thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang...). Cả hai loại hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng đều thuộc họ dây leo, và bộ phận thường được dùng để chữa bệnh là phần củ.
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có vị chát, ngọt, đắng (loại trắng thường đắng khó uống), có công dụng chữa đau lưng, nhức mỏi, bổ can thận, cảm sốt, khí hư bạch đới... Có truyền thuyết cho rằng, hà thủ ô chữa trị tóc bạc sớm, giúp đen tóc, đen râu, nhưng phải dùng trong thời gian dài (từ 1 năm trở lên).
Trở lại câu hỏi của ông, cần lưu ý rằng, nếu dùng hà thủ ô không đúng cách, chưa qua sao chế, mà để vậy đem phơi khô rồi nấu nước uống hằng ngày thay trà như ông nói, thì không có lợi. Nếu dùng lâu dài như thế thì chất chát có trong hà thủ ô sẽ gây viêm thận, bí tiểu. Thường người ta sao chế hà thủ ô rồi mới dùng. Ông có thể dùng theo cách này: dùng 1 kg củ hà thủ ô trắng, cạo sạch vỏ, đập nát, bỏ tim, rồi ngâm với nước vo gạo để trong một đêm, sau đó cho cùng 1 kg đậu đen vào nồi, cho nước ngập đầy, nấu sôi trong 4 giờ, sau đó để cạn tự do, rồi lấy hà thủ ô đem phơi khô, để dành dùng dần. Mỗi ngày dùng 50 gr đem nấu nước uống.
Lương y Văn Lý