Đồ nhựa và cách sử dụng

Thứ tư - 04/05/2016 07:44 951 0
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường tái sử dụng các loại bao bì nhựa để chứa các loại thực phẩm khác, hay chứa nước để trong tủ lanh nhưng thắc mắc có an toàn không? Nhiều biểu tượng trên bao bì nhựa chúng ta không hiểu có ý nghĩa gì? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có các kiến thức cơ bản nhất về các loại nhựa sử dụng trong cuộc sống, rất phổ biến quanh bạn như: PET, HDPE, LDPE, PVC, PP, PS, PC, PE…

Theo Hội đồng Hóa Học Mỹ, chữ số quy định nhựa nhân tạo được phân loại thành 7 mã: Mã số 1 (PET, PETE); Mã số 2: High-Density Polyethylene (HDPE); Mã số 3: Polyvinyl Chloride (PVC, nhựa vinyl); Mã số 4: Low-Density Polyethylene (LDPE); Mã số 5: Polypropylene (PP); Mã số 6: Polystyrene (PS); Mã số 7: Loại khác: bao bì được làm ra từ loại nhựa không thuộc 6 loại trên hoặc từ nhiều loại nhưa trên kết hợp với nhau.

              Các kí hiệu của đồ nhựa.

Tính an toàn của các loại nhựa như thế nào?

Các loại đồ nhựa số 2, 4, 5 (thuộc nhóm poly-Ethylene (PE) và Polypropylene (PP) thường được coi là an toàn. Đồ nhựa số 1 cũng được xem là an toàn nếu chỉ được sử dụng 1 lần. Khi bạn lựa chọn đồ nhựa gia dụng, nhất là để dùng chứa đựng thức ăn, cần phải hết sức thận trọng và xem xét kỹ lưỡng những con số được đánh dấu dưới đáy các loại chai, hộp nhựa.Tốt nhất là nên mua đồ làm bằng nguyên liệu gốc, không pha trộn nguyên liệu tái sinh, không nên chọn những loại đồ nhựa không có nhãn mác gì, không có 1 trong 7 kí hiệu trên.

Có thông tin cho rằng dùng bình nhựa đựng nước lọc rồi bỏ vào tủ lạnh làm mát hay để đông đá sẽ gây hại cho người sử dụng. Do khi ở nhiệt độ thấp, nhựa sẽ tiết ra độc tố dioxin. Đây là một chất cực độc và là nguyên nhân chính gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Không chỉ vậy, thành phần nhựa còn chứa các chất như bisphenol A(BPA), Phthalates… Các chất này rất gây hại cho con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em. Bisphol A có thể khiến thai nhi chết non hoặc phát triển dị dạng. Những thông tin trên không có cơ sở khoa học, chỉ mang tính giật gân. Không có dioxin trong nhựa. Các loại nước khoáng, giải khát hay nước hoa quả người ta thường sử dụng bình được làm bằng chất Polyethylene terephthalate (PET hoặc PETE). Không có một bằng chứng khoa học nào cho rằng bình nước bằng PET sẽ tiết ra dioxin khi gặp lạnh cả (nếu có dioxin thật, mà các nhà nghiên cứu tin rằng là không có). Dioxin là một nhóm hợp chất tạo ra ở nhiệt độ cực cao (khoảng 371°C), chứ không phải ở nhiệt độ trong phòng và tủ lạnh.

Việc uống nước ấm trong chai nhựa cũng không thành vấn đề, tuy nhiên có một nhóm hợp chất được gọi là Phthalates, được thêm vào để làm chai nhựa dẻo hơn, nếu làm nóng nhựa thì bạn có thể làm tăng hợp chất Phthlates từ chai nhựa gây rối loạn nội tiết ở con người và động vật vì Phthlates là chất không thân thiện với môi trường.

Còn những loại bình được làm từ bisphenol A (BPA) dùng để sử dụng nhiều lần, ví dụ như bình nước cho vận động viên xe đạp, cho trẻ nhỏ, BPA có hại và liên quan đến ung thư ở động vật qua nghiên cứu, điều này khiến BPA bị cấm sử dụng để làm đồ dùng nhựa cho trẻ em và làm nhiều người cố gắng tìm bình nước thể thao không BPA hơn, tất nhiên là có những loại bình nước thể thao không làm từ BPA.

Có nên tận dụng các chai PET (chai từ nước suối Lavie, Aquafina,Vĩnh Hảo, nước ngọt 7up, pepsi, cocacola..) để chứa nước hay không? Loại nhựa này nói chung là an toàn, tuy nhiên, không nên tái sử dụng để chứa đựng nước uống hay thức ăn. Lý do với bề mặt có rất nhiều lỗ rỗng, xốp có thể cho phép vi khuẩn và mùi vị tích tụ, rất khó rửa sạch. Loại nhựa này được xem là loại đồ nhựa chỉ nên sử dụng một lần. Nếu muốn đựng nước, nên sử dụng loại nhựa số 2-HDPE. Tuy có màu đục nhưng loại nhựa này được xem là an toàn vì vi khuẩn khó tích tụ do bề mặt khá trơn láng.

Đĩa, tô đựng mì ăn liền, đựng đồ ăn như canh, súp, và ly dùng 1 lần, hộp cơm là từ loại nhựa số 6 PSNgày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng loại đồ nhựa này có khả năng tiết ra các chất hóa học độc hại, đặc biệt khi chứa đồ ăn nóng. Do đó, chúng ta nên tránh sử dụng các loại đồ nhựa mang nhãn số 6 để đựng thức ăn.

Một vài lưu ý khi chọn loai nhựa cho sử dụng hằng ngày

– Khi chọn mua bình sữa trẻ em, chai đựng nước…chú ý chọn loại có biểu tượng số 2, nguồn gốc nhựa HDPE ở các loại bình này ít có khả năng tích tụ vi khuẩn, an toàn cho trẻ nhỏ hoặc đựng thực phẩm.

– Đặc biệt nhựa PVC (số 3) chứa phthalates (cản trở sự phát triển của hormone và khả năng sinh sản), không an toàn khi gặp nhiệt độ cao, nước nóng…vì thế bạn nên hạn chế việc dùng đồ nhựa này đựng đồ ăn, sữa, nước uống hoặc cho vào lò vi sóng rã đông thực phẩm. Nhựa PVC là một loại nhựa có tính độc, không thể dùng sản xuất túi hay hộp đựng.

– Nhựa số 4 thường được dùng để tạo ra các loại giấy gói thực phẩm.

– Loại nhựa có ký hiệu số 5 là thích hợp cho việc chứa đựng thực phẩm nhất. Đây là loại nhựa được làm từ polypropylene. Nếu thích dùng hộp nhựa để đựng thực phẩm thì nên chọn những loại hộp có ký hiệu số 5 để đảm bảo không có những hóa chất độc hại nào thôi nhiễm vào thực phẩm.

– Nhựa có ký hiệu số 6 cũng tạo ra những sản phẩm đựng thực phẩm sử dụng 1 lần. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu chứng minh được loại nhựa này có khả năng tiết ra các hóa chất độc hại, đặc biệt là với nhiệt độ cao thì người ta đã hạn chế sử dụng loại nhựa này để đựng thực phẩm.

– Ký hiệu nhựa số 7 để chỉ các loại nhựa còn lại, là hỗn hợp các loại dẻo trong đó có Polycarbonate và chất BPA. Đừng bao giờ lựa chọn những sản phẩm từ loại nhựa này để chứa đựng và bảo quản thực phẩm vì nó hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, thậm chí còn gây ra những tác hại không tốt. Rất may là trên thị trường hiện nay rất hiếm gặp những loại hộp đựng thực phẩm, các đồ gia dụng làm từ loại nhựa số 7 này. Tóm lại, hộp đựng thực phẩm bằng nhựa số 2, 4, 5 là loại thích hợp, an toàn để đựng thực phẩm.

Ngoài ra, người mua cần chú ý:

-Nhựa dẻo, có màu sặc sỡ thường phủ các chất phẩm màu có khả năng gây hại hệ tiêu hóa.

– Nên chọn đồ nhựa trong, bóng và độ cứng cao. Một mẹo nhỏ, bạn có thể soi đồ dưới ánh nắng, nếu vẫn có thể nhìn qua thì đó là nhựa hữu cơ không tốt cho sức khỏe.

– Một dấu hiệu khác để nhận biết độc tính của nhựa, bạn có thể cho vào lửa, nếu có tính độc sẽ dễ cháy hơn loại nhựa không có. Khi cháy, nhựa độc có mùi khét lạ, bốc khói.

– Trọng lượng nhựa có tính độc thường lớn hơn, thả vào nước dễ chìm xuống, còn loại không độc thì nhẹ và nổi trong nước.

– Đối với các loại nhựa dùng lâu, có vết trầy xước, phai màu, thường tích tụ vi khuẩn gây bệnh đường ruột, bạn nên vệ sinh sạch sẽ đồ dùng hoặc thay mới.

– Thói quen tái sử dụng các đồ nhựa dùng một lần (cốc, bát) hoàn toàn có hại, khi sử dụng ở nhiều nhiệt độ khác nhau, đồ nhựa sẽ sản sinh độc tố.

– Để đảm bảo an toàn, các bạn nên mua đồ nhựa ở những đơn vị sản xuất, cung cấp có uy tín, đồng thời bỏ những thói quen không tốt khi sử dụng vật dụng này.

Nguyễn Phương Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây