Rác thải và những thói quen mang bệnh vào người
Nhiều gia đình có thói quen tích tụ rác trong nhà để mỗi tuần đi đổ một lần cho tiện. Cũng có nhiều gia đình không sử dụng các túi phân loại rác mà góp tất cả vào một túi rác chung. Vị trí để thùng rác thông thường đặt cạnh bếp. Thói quen sử dụng quá nhiều túi nilon cho mỗi lần đi chợ. Thải ra các loại bình hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm... còn dư rồi để chung với rác sinh hoạt... Theo các chuyên gia thì đó là những nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh nan y, thậm chí là những bệnh cảm cúm thông thường cũng có thể bắt nguồn từ những thùng rác này.
Mỹ phẩm, hóa chất = rác độc
TS Lê Văn Khoa, giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM cho rằng: Người tiêu dùng hết sức hạn chế mua các sản phẩm có thể trở thành rác độc hại; Mua các loại mỹ phẩm có nguồn gốc sinh học thay vì nguồn gốc hóa học, ví dụ như đối với dầu gội thì dùng nước bồ kết, hoa lá cây cỏ; Sử dụng các chế phẩm trừ sâu có nguồn gốc vi sinh không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người... ThS Đỗ Hoàng Oanh, một chuyên gia về tái chế rác thải đưa ra những ví dụ về tiêu dùng thân thiện với môi trường, như không mua những sản phẩm có mùi hương thơm ngát. Lý do là các sản phẩm này có tẩm hương liệu nhân tạo, đa phần chúng đều là hợp chất hữu cơ bay hơi độc hại cho cơ thể. Hương liệu ít nhiều đều có hại cho sức khỏe, đặc biệt là cơ quan nội tạng, máu. Những cục gôm thơm thường hấp dẫn trẻ em hơn những cục gôm làm từ cao su màu trắng và không có mùi thơm nhưng lại không có lợi cho sức khỏe của trẻ. Thay vì dùng nước hoa xịt phòng hay những sản phẩm có tẩm hương liệu nhân tạo, hãy thay bằng những bình hoa tươi hoặc một vòng hoa nhài, vừa rẻ lại vừa không độc hại. Đặc biệt, các loại hóa chất còn dư trong các chai lọ đựng thuốc xịt muỗi, thuốc diệt côn trùng, vòng cổ trừ bọ chét cho chó, mèo, thuốc diệt cỏ... làm tăng rủi ro ung thư não ở trẻ em. Vì thế, khi những chai này chưa dùng hết mà bỏ đi, nhất thiết phải thu gom riêng. Để rác đúng cách người dân nên phân chất thải rắn thành 2 loại, gồm chất thải rắn thực phẩm và các chất thải rắn còn lại, đựng vào hai thùng rác khác nhau. Chất thải rắn thực phẩm gồm có rau củ, quả dư thừa hoặc hư hỏng; Thức ăn dư thừa cần bỏ đi; Xác và phân động vật, côn trùng. Tất cả rác thực phẩm kể trên nên được cho vào một túi hoặc thùng rác riêng. Các chất thải rắn còn lại, bao gồm: Chai, lọ, ly, chén, vải vụn, giẻ lau, giày dép, quần áo cũ, văn phòng phẩm các loại, đồ điện tử, điện gia dụng, ống nước hư hỏng, vỏ hộp đựng thức ăn các loại, sách báo, tập vở, vỏ hộp sữa, túi nilon, bao bì giấy nhựa các loại, pin, ắc-quy, dầu mỡ bôi trơn... cho vào túi riêng.
Ngoài các loại chất thải trên, chất tẩy rửa trong ra đình cũng được coi là một loại rác thải. PGS.TS Lê Văn Cát, phòng Môi trường, Viện Hóa học nhận định: Nước rửa chén bát, xà phòng giặt, các loại mỹ phẩm... phần lớn chứa chlorine ở dạng đậm đặc, là chất gây độc nếu nhiễm vào bên trong cơ thể ở liều lượng lớn và có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, ngay cả rác sinh hoạt hàng ngày, nếu để lâu sẽ phát sinh vi khuẩn gây hại tạo ra các triệu chứng như kích ứng mắt, da và họng cũng như gây triệu chứng như cúm, nổi mề đay và các bệnh về thần kinh. Giải pháp đơn giản nhất là hạn chế sử dụng đồ có nhiều hóa chất, không để rác thải quá 24h trong ngày và thùng rác phải được đặt ở nơi thông thoáng.
Tô Hội
Ý kiến bạn đọc