Bệnh nhược thị ở trẻ em: Đừng coi thường

Thứ tư - 23/11/2016 21:13 618 0
Nhược thị không phải là bệnh phổ biến song tỷ lệ người mắc bệnh nhược thị ở Việt Nam ngày càng nhiều. Hiện, khoảng 2% dân số toàn cầu mắc bệnh này, gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành thị giác 2 mắt, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi.

Theo thống kê, có khoảng 2% trẻ em trên toàn cầu sinh ra bị chứng nhược thị, khiến các em nhìn thế giới xung quanh nhạt nhòa. Đáng lưu tâm, căn bệnh sẽ theo trẻ vĩnh viễn nếu điều trị sau 8 tuổi.

Mắt được gọi là nhược thị khi thị lực dưới 7/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu hoặc khi chênh lệch thị lực giữa hai mắt là trên 2/10. Nhược thị có thể bị ở một hoặc hai bên mắt, nhưng có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng.

Hiểu đơn giản, chúng ta nhìn được là do mắt tiếp nhận thông tin dựa vào nhãn cầu, phối hợp cùng não để xử lý các thông tin đó và cho ra hình ảnh. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, mắt và não của bạn phối hợp không tốt, khiến cho hình ảnh một mắt trở nên mờ hẳn đi. Đó chính là nhược thị (amblyopia).

Ngay cả việc đeo kính cũng không giúp người bệnh nhìn rõ hơn, vì não bộ lúc này đang ưu tiên cho bên mắt còn lại. Tức là, bạn có đeo kính vào thì thị lực của bạn vẫn không thể đạt 10/10 như người bình thường. Vì vậy, căn bệnh này còn được gọi là chứng "mắt lười" - lazy eye.

Nhưng tại sao lại nói chứng bệnh này nguy hiểm? Đầu tiên là vì nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, từ người lớn đến trẻ em. Theo thống kê từ WHO, nhược thị là tật về mắt phổ biến nhất ở trẻ em, với tỉ lệ 2 - 3 trẻ mắc trên 100.

Quan trọng hơn, nếu không được chữa ngay từ bé (trong độ tuổi từ 7 - 10), nhược thị sẽ tồn tại vĩnh viễn do thói quen của não bộ, khiến cho một bên mắt không còn cơ hội phục hồi. Ít nhất thì cho đến thời điểm hiện tại là như vậy, vì y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị nhược thị cho người trưởng thành.

Hiện nay, ở cả nông thôn lẫn thành thị, chúng ta không quá khó để nhìn thấy những trẻ em phải mang kính hỗ trợ thị lực, thậm chí ở lứa tuổi mẫu giáo cũng không phải là hiếm. Ở lứa tuổi càng nhỏ thì những bất thường về thị lực càng khó phát hiệu nếu người thân không chú ý quan sát trẻ. Nếu phát hiện muộn thì bệnh càng khó điều trị.

Ở Hải Dương chưa có thống kê cụ thể, nhưng trường hợp trẻ em bị mắc bệnh nhược thị ngày càng tăng lên. Bé Trường Sơn (ở Hải Dương) mới 7 tuổi nhưng đã đeo kính viễn thị 2 năm. Theo sổ khám, bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương ghi cháu bị lác trong điều tiết do viễn thị tăng và nhược thị. Với cặp kính dày hơn bình thường của con, chị Lan (mẹ bé Sơn) cho biết, mỗi bên mắt của bé… 8 độ viễn thị. Số độ này tăng liên tục kể từ khi phát hiện cách đây 2 năm.

“Ban đầu thấy con cứ nghiêng nghiêng đầu, mắt cứ đảo sang ngang khi nhìn, tôi chủ quan nghĩ là bình thường! Nhưng đến khi thấy tình trạng nặng, đi lại có khi còn vấp vào bàn, ghế, tôi cho con đi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương thì phát hiện con viễn thị nặng. Do phát hiện quá muộn, đến khi đeo kính rồi mà thị lực vẫn không khôi phục bình thường, bác sĩ bảo con còn bị nhược thị”, chị Lan ngậm ngùi chia sẻ. Giờ đây, theo khuyến cáo của bác sĩ, bé Sơn phải đeo kính liên tục, kể cả lúc chơi, lúc tắm. Chỉ trừ khi ngủ, con mới được phép bỏ kính.

Tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, xem tivi trong nhiều giờ... là nguyên nhân gây bệnh nhược thị ở trẻ em. Bệnh nhược thị là hiện tượng chức năng thị giác của một hoặc cả hai bên mắt của trẻ bị kém phát triển. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ không còn khả năng chữa khỏi.
 

download (2)

Xem tivi nhiều là một trong những nguyên nhân gây nhược thị ở trẻ.

Mắt nhược thị hay còn gọi là “mắt lười” là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động và sự kém phát triển về chức năng của cơ quan thị giác. Nhược thị là khi thị lực chỉ đạt dưới 7/10 và không thể đạt được 10/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu. Nhược thị hầu như chỉ xảy ra ở một mắt nhưng đôi khi nó có thể làm giảm thị lực ở cả hai mắt, dẫn đến thị lực bị giảm sút mà không thể điều trị bằng cách chỉnh độ kính. Đối với bệnh nhược thị, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả. Nếu không được điều trị sớm, khả năng làm việc của mắt có thể bị suy nhược. Nếu phát hiện quá muộn, nhất là khi trẻ sau 13 tuổi, sẽ không thể thay đổi tình trạng tổn thương thị lực, thậm chí mù mắt.

Nhược thị thường chỉ gây ảnh hưởng tới một bên mắt, nhưng nếu cả hai mắt đều mất đi thị lực trong khoảng thời gian dài thì bệnh nhược thị có thể xảy ra ở cả hai mắt. Việc chẩn đoán bệnh sớm sẽ mang đến khả năng điều trị thành công cao. Nhược thị có hai loại:

Nhược thị chức năng: là loại nhược thị mà thị lực có thể phục hồi được sau điều trị và thường không kèm theo các bệnh lý thực thể ở mắt.

Nhược thị thực thể: đây là tình trạng thị lực không thể phục hồi được sau điều trị và thường kèm theo các bệnh lý khác ở mắt như: bệnh lý hoàng điểm Stargard, đục thể thủy tinh bẩm sinh,... Nhược thị thực thể thường kèm theo các bệnh lý thực thể ở mắt, có thể do một nguyên nhân đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân thường gặp nhất:

- Lé: Có thể ở một mắt, hai mắt hoặc lé luân phiên. 50% trong số trẻ em bị mắt lé bị nhược thị.

- Tật khúc xạ: Nhược thị do khúc xạ xuất hiện ở trẻ em do không điều chỉnh kịp thời hiện tượng khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, bất đồng khúc xạ) bằng việc đeo kính nên đã cản trở việc phát triển thị lực ở trẻ em. Nhược thị do khúc xạ có thể xảy ra ở một mắt, hai mắt, có thể đối xứng hoặc không đối xứng (trong trường hợp bất đồng khúc xạ).

- Môi trường trong suốt của mắt bị che khuất: Ánh sáng bị ngăn cản trên đường đi tới võng mạc, gây cản trở hình ảnh lưu lại trên võng mạc. Nguyên nhân chủ yếu là do: Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, sụp mí bẩm sinh hoặc xuất hiện từ khi còn nhỏ, sẹo giác mạc...

Cách nhận biết trẻ bị nhược thị

Biểu hiện duy nhất của nhược thị là nhìn mờ, được biểu hiện khi: trẻ tự phát hiện nhìn mờ; trẻ xem tivi, đọc sách, viết ở khoảng cách gần; nheo mắt, dụi mắt khi xem tivi; viết bị sai hàng; nghiêng đầu khi nhìn; khó khăn khi nhìn bảng, kêu ca là bị mỏi mắt...

Nhược thị có thể đưa đến nhiều tác hại đối với trẻ, làm ảnh hưởng đến học tập (đọc viết chậm, học mau mệt, tiếp thu chậm, viết bài sai, hay nhức mắt...); ảnh hưởng đến sinh hoạt (hay bị va chạm, làm vỡ, đổ vật dụng, dễ bị té ngã, khó hòa nhập, không tự tin...) và gây ảnh hưởng lâu dài làm cho mắt bị lé, thị lực bị giảm sút, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị.

Phương pháp điều trị nhược thị cho trẻ em

Việc điều trị nhược thị sẽ đem lại hiệu quả khi bệnh được phát hiện sớm. Nếu bệnh của trẻ được phát hiện quá muộn (nhất là sau 13 tuổi), việc điều trị sẽ không thể thay đổi tình trạng tổn thương thị lực của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên theo dõi và đưa trẻ đi khám kiểm tra mắt nếu nghi ngờ hay phát hiện trẻ bị nhược thị. Bác sĩ sẽ khám, tìm ra nguyên nhân gây nhược thị, sau đó quyết định các bước điều trị.

Bài tập bịt một bên mắt bình thường và để mắt kia hoạt động trong nhiều giờ và nhìn ngắm thế giới xung quanh thường được áp dụng nhất trong điều trị nhược thị. Cần khuyến khích trẻ luyện tập mắt bằng cách che mắt bình thường và chỉ sử dụng mắt nhược thị, tối đa 2 giờ mỗi ngày. Với trường hợp trẻ bị nhược thị hai mắt, cần luyện tập cả hai mắt. Thời gian điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quá trình điều trị hiệu quả cho con. Các yếu tố quyết định thành công của quá trình điều trị là xác định chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh, tuổi của trẻ, sự phối hợp giữa gia đình và bệnh viện. Thời gian luyện tập thường là vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, có trường hợp phải tập luyện rất lâu dài, thậm chí hằng năm, nhất là khi phát hiện muộn ở lứa tuổi 10 - 12. Sau khi đã điều trị bệnh ổn định, tùy từng trường hợp vẫn phải được điều trị duy trì hoặc có quá trình theo dõi lâu dài để tránh tái phát.

 Trong quá trình điều trị cho trẻ, ngoài việc khuyến khích và nhắc nhở trẻ tập bài tập vật lý trị liệu, ba mẹ còn cần chú ý nhắc nhở trẻ điều chỉnh thói quen sinh hoạt. Ðặc biệt lưu ý thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính,... Bởi ánh sáng đèn LED từ các thiết bị này là tác nhân gây ra và làm các căn bệnh về mắt có chiều hướng trầm trọng hơn.

Để con có đôi mắt khỏe manh, các phụ hunh lưu ý thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính, đồng thời cung cấp đủ ánh sáng cho các hoạt động của mắt. Chú ý bổ sung thường xuyên các thực phẩm tốt cho mắt, nhất là thực phẩm nhiều vitamin A. Cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời.

Nguyễn Đức Thành
Sở Y tế Hải Dương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây