Phòng bệnh cho vật nuôi vụ đông xuân 2023

Thứ năm - 05/01/2023 14:21 297 0
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, dịch bệnh động vật cơ bản được kiểm soát tốt, nhưng một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng tăng mạnh.
Ước tính cả nước có tới 40 ổ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 tại 21 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 93.000 con gia cầm; trên 1.150 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 51 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 53.000 con lợn; trên 240 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 16 tỉnh, với hơn 2.200 con trâu, bò mắc bệnh, 422 con bị chết và tiêu hủy; có 17 ổ dịch bệnh lở mồm long móng tại 7 tỉnh với 518 con gia súc mắc bệnh; có 135 ổ dịch bệnh dại động vật, buộc tiêu hủy 174 con chó, mèo; đặc biệt bệnh dại đã làm 52 người tử vong tại 21 tỉnh, thành phố.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, năm 2022 dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được không chế và kiểm soát tốt tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên thời gian tới đặc biệt giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, việc giao thương và vận chuyển, buôn bán, giết mổ vật nuôi, sản phẩm vật nuôi dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Mặt khác do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán cùng tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh; tỷ lệ tiêm phòng ở nhiều địa phương thấp đã góp phần làm cho dịch bệnh phát triển và lan rộng. Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh xảy ra, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trong vụ Đông xuân các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Về chuồng trại: Chủ động gia cố, tu sửa chuồng trại, đảm bảo cao ráo, dễ thoát nước, dễ vệ sinh, ấm áp về mùa đông, che chắn mưa tạt, gió lùa. Theo dõi diễn biến của thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng nuôi cho phù hợp với tưng lứa tuổi từng loài vaattj nuôi. Những ngày mưa phùn, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Với bê nghé chăn thả muộn, về sớm. Khi nhiệt độ xuống dưới 15oC bà con không chăn thả gia súc, gia cầm ra ngoài đồng. Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, vệ sinh máng ăn, máng uống cho đàn gia súc gia cầm, đảm bảo nền chuồng nuôi luôn khô ráo.
2. Chăm sóc, nuôi dưỡng: Để đàn gia súc, gia cầm có sức khỏe tốt và nâng cao sức đề kháng chống lại các tác động bất lợi của thời tiết, hạn chế dịch bệnh  phát sinh thì nguồn dinh dưỡng phải đảm bảo đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng theo từng lứa tuổi và loại vật nuôi đề nguồn thức ăn luôn đảm bảo cho mỗi loại vật nuôi và theo từng giai đoạn phát triển. Hằng ngày bà con nên bổ sung vào thức ăn, nước uống các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải, men tiêu hoá. Đối với đàn trâu bò chủ động dự trữ nguồn thức ăn xanh và ủ chua rơm rạ, cỏ khô; cùng với đó là việc bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh như cám, ngô, gạo, khoai, sắn; vào những ngày nhiệt độ xuống thấp kèm mưa phùn bà con dùng bao tải sạch hoặc chăn cũ làm áo chống rét và bổ sung nguồn nhiệt cho con vật bằng phương pháp đốt củi, trấu, than để sưởi ấm cho con vật.
Thường xuyên theo dõi con vật trong đàn khi phát hiện vật nuôi có những biểu hiện bất thường, bà con cho cách ly và xử lý kịp thời khi . Nếu vật nuôi mắc bệnh, chết có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc động vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân thì phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất để phối hợp lấy mấu xác định nguyên nhân gây bệnh.
3.Vệ sinh khử trùng tiêu độc:  Định kỳ vệ sinh sát trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi bằng các loại thuốc khử trùng như Virkon, Han-Iodine, Benkocid,…Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt ruồi, muỗi, côn trùng và ký chủ trung gian gây truyền bệnh. Việc làm này sẽ hạn chế sự phát tán của mầm bệnh qua khâu trung gian, đảm bảo An toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm nâng cao sức khỏe vật nuôi và bảo vệ môi trường sinh tháiCác trang trại phải phân công người làm việc trong trại theo từng việc, từng vị trí phù hợp. Tuyệt đối không tiếp xúc với vật nuôi ở các trại khác. khi Khi ra vào trại phải mặc quần áo của trại, rửa chân tay và khử trùng chân tay, giày dép trước và sau khi ra vào trại.  Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Ngăn ngừa không để động vật khác hoặc động vật hoang dã tiếp xúc với vật nuôi.
4. Phòng bằng vắc xin: Định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất, vì vậy, người chăn nuôi cần lưu ý để chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Lịch tiêm phòng vắc xin cụ thể như sau.
a. Đối với trâu, bò, dê: Cần tiêm phòng vắc xin Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng.
b. Đối với lợn: Tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Cổ điển, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng.
c. Đối với gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao), Niu cát xơn….
đ.Vịt, ngan: cần tiêm phòng vắc xin Dịch tả vịt, cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 (thể độc lực cao) và Vắcxin Dại cho đàn chó, mèo
 Trên đây là những loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng cho vật nuôi. Vì vậy bà con cần lưu ý để báo với cán bộ thú y tổ chức tiêm phòng đúng lịch đảm bảo đàn vật nuôi được miễn dịch đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch. Ngoài ra cần tăng cường phối hợp với cơ quan thú y cấp tỉnh, huyện để tăng cường công tác Kiểm dịch động vật, sản phẩm đông vật vận chuyển ra khỏi tỉnh cũng như kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Cơ quan thú y kiên quyết tiêu huỷ và xử phạt các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không thực hiện đúng các quy định của Luật Thú y. Các địa phương cần nâng cao công tác tuyên truyền và ý thức của mọi người dân: Về an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật nhất là trong dịp Tết nguyên đán việc làm này không những đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn không làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
  Trên đây là các biên pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để công tác này có hiệu quả, yêu cầu người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khác tăng cường chấp hành các quy định của Pháp luật về chăn nuôi và thú y, Pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi, cơ quan Thú y và cùng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
 
                                          Nguyễn Minh Đức
Phó Chi cục trưởng Chi cục CN& TY tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây