“Ô nhiễm không khí” là chủ đề của ngày Môi trường thế giới 2019

Thứ ba - 04/06/2019 20:19 368 0
Với chủ đề này, Liên Hiệp Quốc nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.
“Ô nhiễm không khí” là chủ đề của ngày Môi trường thế giới 2019
Lễ kỷ niệm với chủ đề này sẽ được tổ chức vào ngày 5/6/2019 tại Trung Quốc (một trong quốc gia có ô nhiễm không khí vào bậc nhất hành tinh) nhằm kêu gọi mọi người cân nhắc chọn cách thay đổi cuộc sống hàng ngày để giảm lượng ô nhiễm không khí thải ra môi trường, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm không khí gây nên sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng tới sức khỏe của chính con người.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó có gần 4 triệu người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí trong sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất các cây trồng chủ lực vào năm 2030. Như vậy, ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Theo các nghiên cứu mới đây nhất, bụi mịn trong không khí ô nhiễm mới là tác hại hàng đầu. Bụi mịn theo máu đến tàn phá mọi bộ phận của cơ thể. Cụ thể các hạt bụi mịn qua phổi, vào máu và theo máu đến toàn bộ cơ thể và gây ra các bệnh nghiêm trọng
Do đó, ô nhiễm không khí là mối đe dọa khẩn cấp cho sức khỏe cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với trên 90% dân số toàn cầu đang hít thở không khí ô nhiễm khi đi ngoài đường. Những phân tích mới đây cho thấy 8,8 triệu người chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí ( gấp đôi các ước tính trước đó). Như vậy, các phân tích trên cho thấy có thể là hít thở không khí ô nhiễm đang gây tử vong nhiều hơn cả hút thuốc lá.
Theo thống kê năm 2018 của WHO, ở Việt Nam, năm 2016 hơn 60.000 người chết do bệnh tim, phổi và các chứng bệnh khác liên quan tới ô nhiễm không khí. Như vậy trung bình 164 người tử vong mỗi ngày chỉ vì hít thở không khí ô nhiễm. WHO đã gọi nạn "ô nhiễm không khí" là “kẻ giết người thầm lặng”. Trong khi đó chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động.Theo một buổi tọa đàm vào tháng ba, nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 trong không khí ( nhỏ bằng 1/10 bề dày sợi tóc), theo trạm đo đặt tại Đại sứ quán Hoa Kì ở Hà Nội, đã vượt quá quy chuẩn an toàn của Việt Nam 88 ngày trong năm 2018, và đạt mức trung bình 40,7 microgram/m3.
Tuy nhiên nếu tính theo quy chuẩn của WHO, nồng độ PM2.5 đã vượt quá ngưỡng an toàn 232 ngày trong năm 2018.
Theo báo cáo “Chất lượng Không khí Thế giới 2018” của công ty IQAir, Hà Nội xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 209 trong tổng số 3.000 thành phố được xếp hạng về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5. TP.HCM xếp thứ 15 trong Đông Nam Á và thứ 455 trên thế giới.
Thành phố Hải Dương ô nhiễm không khí chưa cao, nhưng thị xã Kinh Môn, nhất là khu đảo nơi tập trung các nhà máy xi măng, thì ô nhiễm không khí đáng báo động. Nhiều nơi, ngay lá cây cũng phủ trắng bụi đến mức sự quang hợp của cây cối cũng khó khăn. Với các đô thị, nhất là các khu vực trên, bên cạnh các nhà máy cần có giải pháp xử lý khói thải, cần thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí theo các gợi ý sau đây:
  - Sử dụng phương tiện đi lại công cộng thay vì phương tiện cá nhân. Điều này sẽ giảm ô nhiễm không khí do khí thải ô tô và xe máy gây ra.
- Trồng nhiều cây xanh. Lên án những hành động như phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy và chặt cây xanh ở đô thị một cách không tính toán. Ngay tỉa tán cây xanh cũng rất hạn chế vì lá cây ngăn cản và giữ được nhiều bụi mịn.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất vừa nâng cao năng suất, vừa giảm khí thải ra môi trường.
- Sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế bằng các năng lượng khác như mặt trời, gió và nước. Nếu còn quét đường thủ công thì cũng nên thực hiện vào lúc đêm khuya hay sáng sớm lúc ít người đi lại. Không khuyến khích rửa xe máy hay xe taxi ở giữa phố đông người qua lại vì các hạt nước nhỏ mang theo bụi mịn có thể phát tán xa tới 200m.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
 Nếu phải sống trong môi trường ô nhiễm cao, cần: Đeo khẩu trang hoạt tính và kính chắn bụi. Sử dùng nước muối sinh lý để rửa mắt.Vệ sinh mũi sạch sẽ sau khi ra ngoài. Không ăn uống ở vỉa hè. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Nên dùng thường xuyên máy lọc không khí trong nhà ở.
                                                                         Nguyễn Văn Khang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây