Nỗi lo rau bẩn

Chủ nhật - 03/05/2015 07:15 455 0
Các cụ ta có câu: “ Cơm không rau như đau không thuốc”. Nhưng rau ăn hiện nay có quá nhiều “ Thuốc độc”.

Tưới rau cũng phải lén lút

Gia đình chị Nguyễn Thị S tại Khu 3 thị trấn Thanh Hà có gần 1 sào để trồng rau. Mùa nào thức đấy thu hoạch từ rau cũng cho gia đình chị một khoản thu kha khá. Hiện tại với giá rau đang bán tại thị trấn Thanh Hà 4000/mớ mỗi tuần cho gia đình chị thu nhập khoảng 300-500 nghìn. Thấy một số hộ gia đình trồng rau bên cạnh xanh tốt bời, nhanh thu hoạch chị cũng rần rà tìm hiểu theo. Áp dụng lần đầu tiên là chị S dùng viên C sủi cho rau cần và rau rút. Chị S mô tả: nghe hàng xóm nói viên sủi của Trung Quốc tôi ra cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật để mua. Viên sủi theo chị S kể to  bằng ngón chân cái, màu trắng, không có chữ. Mỗi viên sẽ pha với một bình 12 lít nước. Khi thả vào bình nước cũng lăn tăn sủi bọt như viên thuốc cảm sủi,  sau sủi nước màu trắng trong suốt và chị phun thuốc này lên cây cần và rau rút. Chị S cho biết thêm: sau khi được thu hoạch để rau cần trắng chị ngâm rau với nước diêm sinh để tẩy rửa cho trắng và đẹp.

Cũng theo chị S một số hộ trồng rau bên cạnh nhà chị để rau đẹp, tươi tốt, lá xanh tươi, thân rau dài họ thường sử dụng đạm ure tưới với chất tăng trưởng lá. Bản thân chị S cũng muốn “học mót” song rất khó vì họ muốn giữ bí quyết riêng. Nhà nằm cánh cánh đồng rau chi S thường xuyên thấy nhiều gia đình cứ lúc chạng vạng tối mới sách bình và xô ra tưới rau. Chị S chia sẻ: các loại rau người ta thường hay được tưới chất bảo vệ thực vật và đạm mùa này đó là rau muống, rau đay, mồng tơi, đỗ… Sau hai, tới ba ngày là họ có thể hái và đem chợ bán. Với các luống rau thông thường việc bón đạm và chăm sóc tốt cũng phải một tuần mới cho hái một lần. Theo một chuyên gia của sở nông nghiệp phát triển nông thôn thông thường khi dùng các chất tăng trưởng kích thích phát triển lá, hay tưới đạm ít nhất cũng phải 5 ngày trở ra thì hóa chất sẽ bay dần và an toàn cho người sử dụng.

Một thói quen là người dân thường sử dụng phân gia súc, gia cầm để bổ sung và cải tạo đất trồng. Chị Bính một người dân ở thị trấn cho biết: do nhà nuôi nhiều gà nên gia đình tôi thường xuyên dùng phân gà để bón cho rau, vừa sạch, an toàn mà cây tươi tốt không phải dùng chất bảo vệ thực vật. Vừa nói chuyện chị Bính vừa sang rãnh nước đọng đục ngầu bên cạnh múc đầy hai sô nước hòa cùng đạm ure trắng. Theo các chuyên gia nông học đây là phương pháp giúp đất màu mỡ và cây trồng tốt tươi, tuy nhiên để phát huy được giá trị hữu ích cần thực hiện đúng quy trình khoa học, việc sử dụng phân tươi trực tiếp dễ lây nhiễm các mầm bệnh từ vi khuẩn như ecoli và Samolela gây ngộ độc thực phẩm…

 Nguy hại tiềm ẩn

Hầu hết những người dân khi chúng tôi trao đổi thì tâm trạng chung là chuyện khuất mắt cho coi, không ăn thì ăn gì. Chị Nguyễn Thị Chiến, khu 4 thị trấn Thanh Hà chia sẻ:  “Người dân quê chúng tôi có cách lựa chọn nếu rau của nhà thì ăn uống vô tư, đặc biệt là nước rau thì chúng tôi dùng hết, Khi việc tăng gia những luống rau nhà hết thì buộc phải mua ngoài chợ, chúng tôi vẫn phải ăn tuy nhiên ăn dè dặt và phải ngâm, rửa kỹ. Việc lựa chọn cũng chỉ nhìn bằng mắt và kinh nghiệm là rau không quá xanh mướt,  lá và thân màu nhạt hơn, thường có lỗ do sâu gây ra”

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp sử dụng rau nhiễm hóa chất có  biểu hiện ngộ độc cấp tính. Anh Nguyễn Văn Hưng, Khu 4 Cô Đông Bình Hàn, cho biết: gia đình anh khá cẩn thận trong sử dụng rau củ quả. Thông thường buổi sáng sớm vợ anh dậy sớm và mua rau cạnh chợ Kho Đỏ, nơi đây tập trung bán các loại rau quả từ các huyện lên. Mới đây anh ăn rau muống, mặc dù đã rửa sạch, ngâm kỹ qua nước gạo xong sau khi ăn gia đình anh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy và đau đầu.

Những năm trở lại đây tại Khoa hồi sức tích cực chống độc bệnh viện đa khoa tỉnh đều có bệnh nhân nhập viện do sử dụng rau nhiễm hóa chất thực vật. Thạc sỹ Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc cho hay “những bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do rau quả tập trung chủ yếu là rau muống và quả dứa. Lượng bệnh nhân vào khoa chỉ xuất hiện lẻ tẻ một vài ca song đây là những trường hợp ngộ độc cấp tính, nhiễm độc nặng nguyên nhân chính do ăn rau, quả mới phun hóa chất tăng trưởng hoặc trừ sâu và ăn nhiều trong một bữa”.  Bệnh nhân có biểu hiện chính như đau bụng dữ dội, nôn mửa, chóng mặt và tiêu chảy.

Còn đa phần những người bị ngộ độc nhẹ như đau bụng, nôn, đi vệ sinh nhiều lần nên chủ quan nghĩ là ăn chất gì đó lạ bụng nên chủ quan tự ý đi mua thuốc điều trị đi ngoài tại nhà. Theo thạc sỹ Hoàn, sử dụng rau quả nhiễm hóa chất lâu dài sẽ gây nên nhiễm độc mạn tính ảnh hưởng đến chức năng gan, thần kinh, thận, chết tế bào và giảm tuổi thọ. Khuyến cáo của thạc sỹ Hoàn với người dân khi sử dụng rau quả là ngâm rau thật kỹ và rửa nhiều lần với nước. Việc ngâm rau trong nước gạo cũng tốt do tinh bột sẽ làm sạch phần nào chất bảo vệ thực vật, tuy nhiên chúng ta vẫn phải rửa lại thật kỹ với nước máy.

 Khó kiểm soát

Thực tế trên thị trường hiện nay, người dân và hầu hết các nhà hàng đều sử dụng rau không rõ nguồn gốc mua từ chợ. Những sản phẩm rau quả sản xuất đúng quy trình sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không nhiều. Nguyên nhân chính do sản xuất rau an toàn tốn kém và vất vả hơn nhiều so với trồng rau bình thường. Ngoài các yếu tố đất đai, nguồn nước tưới, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt; nông dân phải thuê cán bộ kỹ thuật chuyên ngành giám sát quá trình sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi đó, giá bán rau sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn đem bán ở chợ cũng chỉ ngang bằng với giá rau khác . Ngay cả người tiêu dùng cũng nghi ngờ và không nhiều người sẵn sàng mua rau an toàn với mức giá cao hơn giá rau thông thường.

Các cơ quan quản lý đã tích cực triển khai công tác kiểm soát an toàn rau quả. Ngành nông nghiệp đã ra quân thanh kiểm tra trên diện rộng siết chặt các đầu mối kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật song khó có thể kiểm soát triệt để. Đối với ngành y tế đã tiến hành lấy mẫu rau kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng số lượng còn ít do mỗi mẫu chi phí cho xét nghiệm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tới vài triệu đồng. Với xét nghiệm hóa chất ở rau củ quả Chi cục ATVSTP đã tiến hành lấy 5 mẫu( tập trung ở các điểm kinh doanh đầu mối tại huyện Gia Lộc) chuyển sang Phòng xét nghiệm Trường Đại học kỹ thuật y tế( đây là cơ sở duy nhất có trên địa bàn tỉnh để có thể thực hiện xét nghiệm rau củ quả nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật). Để tiến hành xét nghiệm một mẫu rau quả nhiễm hóa chất đòi hỏi phương tiện phải đồng bộ, chi phí cho máy xét nghiệm và hóa chất để chạy sắc ký lên tới gần 5 tỷ đồng. Việc hóa chất cho việc chạy sắc ký để xét nghiệm đắt nên chi phí cho mỗi mẫu rau muốn xét nghiệm cũng phải mất từ 5 đến 7 triệu đồng.

Đi đôi với công tác quản lý việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân nâng cao nhận thức, tích cực phối hợp với ngành chức năng áp dụng và tuân thủ đúng quy trình trồng rau sạch. Vấn đề này rất quan trọng, nếu như người nông dân không ý thức được vùng nguyên liệu sạch, thì khi chế biến rất dễ mang những chất ô nhiễm vào thực phẩm. Việc sản xuất và kinh doanh rau sạch, phải xuất phát từ cái tâm, không vì lợi nhuận mà hủy hoại sức khỏe của những người khác.

 Vì bất lực và sống chung với rau quả không rõ nguồn gốc lâu quá nên dần những thông tin về rau, củ, quả được tưới nước thải sinh hoạt, nhiễm hóa chất độc hại đã không còn khiến người tiêu dùng lo lắng. Thay vào đó, họ đã quen và buộc phải chấp nhận "sống chung với rau bẩn" . Đây là một thực tế đáng lo.  

Nguyễn Đức Thành
Sở Y tế Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây