Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH; nhận thức về tầm quan trọng của công tác PCCC, kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH của người dân ngày càng được nâng lên; số vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản được kiềm chế, góp phần đảm bảo ANTT, ATXH phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đánh giá khách quan, toàn diện thấy công tác PCCC và CNCH vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải nghiêm túc khắc phục như:
- Một số Cấp ủy, chính quyền địa phương và sở, ngành tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về PCCC còn chậm và chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát nên hiệu quả công tác PCCC ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế;
- Việc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, không đảm bảo yêu cầu PCCC của các cơ sở đưa vào hoạt động trước Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực còn chậm;
- Một số cơ sở thuộc diện phải trang bị, lắp đặt hệ thống, phương tiện PCCC theo quy định nhưng chưa tiến hành lắp đặt hoặc lắp đặt không đầy đủ; việc triển khai lắp đặt các hệ thống trụ nước chữa cháy đô thị đã được quan tâm, đầu tư, song đến nay chưa lắp đặt đủ số lượng trụ nước chữa cháy đô thị;
- Công tác tự kiểm tra của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có lúc có nơi chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao; nguồn kinh phí đầu tư cho công tác PCCC còn hạn chế… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Văn bản số 2362-CV/VPTU ngày 11/4/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn bản số 218-CV/BCS ngày 15/4/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và CNCH, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2004/VP- UBND ngày 31/5/2024 yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau:
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47-CT/TW và Kết luận số 02-KL/TW, trọng tâm là tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 18/11/2021 của Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện Kết luận số 02-KL/TW; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 05/02/2020 của UBND tỉnh về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Kế hoạch số 514/KH-UBND ngày 01/3/2022 về thực hiện Chương trình hành động số 27-Ctr/TU và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về PCCC, CNCH.
- Chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ phát sinh cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đồng thời xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức khắc phục ngay những tồn tại, thiết sót, vi phạm về PCCC đã được chỉ ra. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn cháy, nổ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra cháy, nổ và xảy ra vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn về PCCC tại địa bàn, cơ sở. Kịp thời động viên, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tự giác chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật về PCCC, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân PCCC”. Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm để đảm bảo cho công tác PCCC và CNCH.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác PCCC và CNCH. Hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, nhất là trong quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC và CNCH ở địa phương, thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về lĩnh vực này theo quy định.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng và duy trì đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC và CNCH trong suốt quá trình hoạt động; chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản tại cơ sở quản lý do vi phạm các quy định hoặc không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Tiếp tục củng cố, tổ chức, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng PCCC cơ sở; tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy hằng ngày, đặc biệt là vào các buổi tối, ngày nghỉ, ngày lễ, đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ” theo quy định; lực lượng PCCC chuyên ngành tại các cơ sở đặc thù phải đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và được đầu tư kinh phí, trang thiết bị chuyên dụng phù hợp để tổ chức thường trực, sẵn sàng chữa cháy 24/24h trong ngày. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở, thường xuyên tổ chức tự kiểm tra công tác PCCC và CNCH, đảm bảo tính chủ động, chất lượng, trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ tại cơ sở.
Lê Hiền