Các nhà khoa học cho biết mặc dù việc phong tỏa do đại dịch coronavirus đã tạm thời làm cho bầu trời trở nên quang đãng hơn, nhưng nó không có hiệu quả gì để làm mát nền khí hậu, khi mà điều đó cần các biện pháp sâu xa và lâu dài hơn.
Các kỷ lục tăng nhiệt đã bị phá vỡ từ Nam Cực đến Greenland kể từ tháng 1, và điều này đã khiến nhiều nhà khoa học ngạc nhiên vì đây không phải là năm bị tác động bởi chu kỳ khí hậu El Niño, là hiện tượng thường liên quan đến nền nhiệt độ cao trong khí quyển.
The US National Oceanic and Atmospheric Administration calculates there is a 75% chance that 2020 will be the hottest year since measurements began.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) tính toán có đến 75% khả năng năm 2020 sẽ là năm nóng nhất kể từ khi con người biết ghi nhận nền nhiệt.
Cơ quan Mỹ này cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các xu hướng kỷ lục hiện tại như đã xảy ra trong năm 2016, khi nhiệt độ tăng vọt vào đầu năm do một chu kỳ El Niño dữ dội khác thường, và sau đó giảm xuống.
Họ cho biết có xác suất 99,9% rằng năm 2020 sẽ là một trong 5 năm đứng đầu về ghi nhận nền nhiệt.
Một tính toán riêng biệt của Ts. Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian Nasa Goddard ở New York, cho thấy 60% cơ hội rằng năm nay sẽ lập một kỷ lục mới về nhiệt độ.
Met Office (Cơ quan Khí tượng Anh) thì thận trọng hơn, ước tính một xác suất 50% khả năng năm 2020 sẽ lập kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình toàn cầu, mặc dù cơ quan này của Anh cho biết năm nay sẽ kéo dài giai đoạn những năm có nền nhiệt cao kể từ năm 2015, và cũng là số năm liên tiếp nóng nhất trong lịch sử ghi nhận nhiệt độ của con người.
Thời tiết bất thường đang ngày càng gia tăng chuẩn đo, khi các ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ từ năm này qua năm khác, và tháng này qua tháng khác.
Tháng 1/2020 là tháng Một nóng nhất về ghi nhận, khiến nhiều quốc gia vùng cận Bắc Cực không có tuyết rơi ở các thành phố thủ đô của họ. Vào tháng 2/2020, một trạm nghiên cứu ở Nam Cực đã đo được mức nhiệt độ tăng hơn 20°C (68°F) lần đầu tiên trên lục địa ở cực nam này. Ở đầu kia của thế giới, Qaanaaq, Greenland, đã lập kỷ lục nền nhiệt trong tháng 4 là 6°C vào ngày Chúa Nhật 26/4/2020 vừa qua.
Trong quý đầu tiên của năm 2020, nền nhiệt được phát hiện gia tăng rõ nhất ở Đông Âu và Châu Á, nơi nhiệt độ cao hơn mức trung bình đến 3°C. Trong những tuần lễ gần đây, phần lớn nền nhiệt nước Mỹ bị thay đổi. Theo Dịch vụ Dự báo Thời tiết Quốc gia (National Weather Service), trong ngày thứ Sáu tuần trước (24/4/2020), khu vực trung tâm Thành phố Los Angeles chạm mức nhiệt cao nhất vào tháng Tư là 34°C. Tây Úc cũng đã trải qua sức nóng kỷ lục.
Ở Anh Quốc, xu hướng này ít rõ rệt hơn. Nhiệt độ tối đa hàng ngày của Anh trong tháng 4 cho đến nay là 3,1°C trên mức trung bình, với các kỷ lục được thiết lập ở Cornwall, Dyfed và Gwynedd.
Ts. Karsten Haustein, một nhà khoa học khí hậu ở Đại học Oxford (Anh), cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tiến gần đến mức 1,2°C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Ông nói rằng công cụ theo dõi trực tuyến của ông cho thấy mức độ ấm lên tương đối 1,14°C do các cách biệt trong dữ liệu, nhưng con số này có thể tăng lên 1,17°C hoặc cao hơn một khi các số liệu mới nhất được đưa vào.
Mặc dù trận đại dịch ít nhất đã tạm thời giảm lượng khí thải mới, nhưng ông cho biết việc tích tụ khí nhà kính trong khí quyển vẫn là một mối lo ngại rất lớn.
Haustein nói:
“Cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn tiếp tục không mất đi chút nào hết. Khí thải sẽ giảm trong năm nay, nhưng mật độ vẫn tiếp tục tăng. Chúng tôi không thể nhận thấy bất kỳ hiện tượng chậm lại nào trong sự tích tụ các mức khí nhà kính GHG nơi bầu khí quyển. Nhưng hiện tại chúng ta có cơ hội độc nhất vô nhị để xem xét lại các lựa chọn của mình và sử dụng cuộc khủng hoảng đại dịch corona như một chất xúc tác cho các phương tiện vận chuyển và sản xuất năng lượng bền vững hơn (thông qua các ưu đãi, thuế, giá carbon…).”
Nguyễn An